Đạo diễn Long Vân phim 'Biệt động Sài Gòn' qua đời

Đạo diễn Long Vân, ‘cha đẻ’ của bộ phim ‘Biệt động Sài Gòn’ qua đời ở tuổi 87, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Lễ viếng nghệ sĩ đã diễn ra vào sáng nay, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Thông tin này khiến cho bao thế hệ khán giả điện ảnh Việt không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Theo nghệ sĩ Kim Cương - vợ của đạo diễn Long Vân, sau khi vào TP.HCM làm bộ phim ‘Những đứa con của biệt động Sài Gòn’, ông bị gãy xương hông. Từ đó đến nay là 11 năm, cũng là 11 năm nhà làm phim ‘Biệt động Sài Gòn’ bị ốm. Những năm cuối đời, sức khỏe của ông kém, phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt của ông chủ yếu loanh quanh trong căn gác nhỏ ở Nguyễn Thái Học (Hà Nội).

Đạo diễn Long Vân hưởng thọ 87 tuổi

Ông sinh năm 1936 ở Hà Nội. Sau đó, ông cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. 14 tuổi, ông được gửi sang học tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê với phim ảnh. Sau năm 1954, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, khi biết tin Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển sinh lớp đạo điễn khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi và trúng tuyển. Do sĩ số lớp đạo diễn đông, nhà trường gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên và học thêm ngành đạo diễn.

Ông mất gần 20 năm làm trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn, trước khi được chú ý với phim Tiếng gọi phía trước, đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế tại Moskva, năm 1979. Một năm sau, ông làm phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, Cho cả ngày mai.

Phim nổi bật nhất sự nghiệp ông là Biệt động Sài Gòn, dài bốn tập, phát sóng năm 1986, tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Bộ phim tái hiện khung cảnh chiến trường đầy bom đạn  và cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Đây được xem là bộ phim huyền thoại của điện ảnh Việt Nam, với những nhân vật anh hùng và những cảnh quay kinh điển, đưa cái tên Long Vân đến với đông đảo khán giả. 

'Biệt động Sài Gòn' - Bộ phim làm nên tên tuổi của đạo diễn Long Vân

Phim cũng đã đưa dàn diễn viên như Thương Tín (vai Sáu Tâm), Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang), Bùi Quang Thái (Tư Chung), Hà Xuyên (Ngọc Mai), Hai Nhất (Ba Cẩn) lên đỉnh cao, trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả. Con gái đạo diễn Long Vân - Vân Dung, khi ấy 15 tuổi - đóng vai em bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn.

Là người con của Thủ đô nhưng đạo diễn Long Vân có mối duyên lớn với mảnh đất Sài Gòn. Sau Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn. 

Đạo diễn Thanh Vân, biên kịch Văn Tân - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các đồng nghiệp tại tang lễ đạo diễn Long Vân. (Ảnh: Dân Việt)

Sáng nay, người thân, bạn bè, đồng nghiệp... đã không cầm được nước mắt khi đến tiễn biệt đạo diễn Long Vân về nơi an nghỉ cuối cùng. Các thành viên của đoàn phim Biệt động Sài Gòn cũng đã có mặt từ sớm để thắp nén hương tiễn biệt.

Tại buổi tang lễ, NSƯT Đặng Tất Bình xúc động chia sẻ: "Nhớ về ông, hẳn chúng ta không thể quên cụm từ "đầu tiên" mà đạo diễn Long Vân đã tạo dựng nên. Đó là phim Biệt động Sài gòn, bộ phim dài tập đầu tiên, cũng là bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Ông cũng là đạo diễn đầu tiên đưa hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên màn ảnh rộng với bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Nhớ về ông, chúng ta nhớ tới một con người hào sảng và quyết liệt trong nghề nghiệp. Chúng ta cũng nhớ và khâm phục một nghệ sỹ tài hoa, có tình yêu vô bờ bến với điện ảnh."

 
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

“Ngày xưa có một chuyện tình” là tác phẩm tiếp nối cho “Vũ trụ văn học” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên địa hạt điện ảnh. Ngay từ những suất chiếu sớm, nhiều nhà phê bình và giới truyền thông đã dành lời khen ngợi cho bộ phim và đánh giá cao đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trong cách xây dựng nhân vật và kết nối họ với khán giả. Liệu "Ngày xưa có một chuyện tình" có thể gây sốt với công chúng trong thời gian tới?

Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vào tối 30/10, thu hút sự chú ý của công chúng Thủ đô.

Diễn ra từ ngày 7 - 11/11, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII sẽ giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới, 9 bộ phim đặc sắc về Hà Nội.

Bộ phim “Đóa hoa mong manh” của đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền đã chính thức được giới thiệu tới công chúng và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Anh.

Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững với chủ đề "Lên tiếng cho mai sau" sẽ chính thức diễn ra từ ngày 30/10 đến 3/11 tại Hà Nội.

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF 2024) sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 11/11/2024 tại Hà Nội. Bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam tham gia tranh tài ở hạng mục "Phim dài" là phim điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Tác phẩm điện ảnh này cũng đang nhận về nhiều lời khen từ khán giả và giới chuyên môn.