Dạo quanh Hà Nội thưởng thức ẩm thực khắp miền
Hà Nội có nhiều quán ăn mang đặc trưng ẩm thực của các vùng miền. Chỉ cần bạn dạo qua những con phố có thể dễ dàng tìm thấy các quán ăn như: bánh cuốn Cao Bằng, cơm gà Hội An, bánh tráng thịt heo Đà Nẵng, phở Nam Định, bún cá Hải Phòng, cháo lươn Nghệ An... mà không nhất thiết phải đi xa để thưởng thức những món ăn nổi tiếng của mỗi địa phương.
Tôi đã từng rất háo hức đợi chờ những chuyến đi để được thưởng thức các món ăn vùng miền. Vào Huế, tôi có thể thưởng thức một tô bún bò do chính tay người Huế nấu, vào Đà Nẵng thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo chuẩn vị Đà Nẵng, đến Hội An dạo phố đêm xong thì ăn món cao lầu, vừa ăn vừa nghe người chủ quán kể những câu chuyện về nguồn gốc món cao lầu bằng giọng Quảng Nam đáng yêu, rồi ngược Lạng Sơn ăn vịt quay, hay lên Sapa thưởng thức món thắng cố với hương vị đặc trưng của ẩm thực vùng cao.
Nhưng không nhất thiết chúng ta phải đến tận nơi để thưởng thức những món ăn đặc trưng địa phương, mà ngay tại Thủ đô Hà Nội, ta có thể được thưởng thức các món ăn là đặc sản của vùng mà mình yêu thích. Chỉ cần dạo qua những con phố, ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhà hàng, những quán ăn bán bánh cuốn Cao Bằng, gà Hội An, bánh tráng thịt heo Đà Nẵng, phở Nam Định, bún cá Hải Phòng, cháo lươn Nghệ An... và tất nhiên là chính người địa phương đó làm chủ quán hay đứng bếp.
Vào thử một hiệu bánh cuốn Cao Bằng trên một con phố nhỏ, tôi rất ngạc nhiên bởi hương vị bánh không kém gì hương vị tại chính Cao Bằng, quê hương của nó. Đón món ăn từ tay người chủ quán hồn hậu, nhìn ba chiếc bánh cuốn mềm mượt trên đĩa, bát nước dùng thơm ngậy nổi lên miếng giò mịn màng đậu trên quả trứng lòng đào tráng khéo, thì cơn đói đã cuộn lên rộn ràng. Gắp một miếng bánh cuốn nóng hổi, kèm miếng giò giòn sừn sựt, xắn chút trứng béo ngậy quyện trong nước dùng nóng hổi đậm đà, bao nhiêu hương vị hòa lan trong vòm miệng.
Hà Nội có nhiều quán ăn mang đặc trưng ẩm thực của nhiều vùng, trong đó, ẩm thực miền Trung được nhiều người yêu thích. Con gái tôi rất thích món bún bò Huế tại một quán nhỏ trên một con phố cũng nhỏ ở Hà Đông của đôi vợ chồng người Huế. Không chỉ có tô bún bò chuẩn vị Huế, mà sự ân cần, mến khách, giọng nói nhỏ nhẹ dễ thương của chủ quán khiến cho thực khách muốn quay trở lại. Một thời gian dài, tôi cùng các con gắn bó với quán ăn này, bởi món ăn ngon, chủ quán dễ mến, và đặc biệt là khi thưởng thức món ăn còn được nghe những bản nhạc Trịnh Công Sơn êm dịu. Chỉ tiếc sau dịch Covid -19, quán nhỏ này đã chuyển đi nơi khác, không còn gặp lại hai vợ chồng chủ quán người Huế dễ mến.
Với góc nhìn về ăn uống thì món ăn chỉ là những món ăn, còn nhìn món ăn trong nét văn hóa ẩm thực, thì đây là sự giao thoa tinh tế giữa thói quen ẩm thực của người Hà Nội với những sự khác biệt theo từng vùng trong nước, thậm chí là sự lạ lẫm từ những đất nước khác. Từ đó, tư duy và góc nhìn về ẩm thực của người dân Thủ đô sẽ thay đổi, có nhiều lựa chọn hơn, có nhiều câu chuyện hơn về văn hóa ẩm thực của bao nhiêu vùng đất khi đi ăn cùng với gia đình, bạn bè.
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con trẻ đi du lịch, nên phụ huynh có thể đưa con đến những quán ăn như vậy để cùng chia sẻ những câu chuyện về lịch sử, địa lý, văn hóa, thói quen ẩm thực của từng địa phương để các con dễ nhớ dễ hiểu hơn.
Thu Hường
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0