Đất Thanh Oai: 100 triệu đồng/m2? | Hà Nội tin mỗi chiều
Đất đấu giá Thanh Oai hơn 100 triệu đồng/m2, sốt thật hay chiêu trò?
Các kỷ lục về giá trúng và lượng người tham gia đấu giá đất tại ngoại thành Hà Nội đã bị xô đổ, bởi cuộc đấu giá tại huyện Thanh Oai vào cuối tuần qua.
Giá khởi điểm từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng/m2. Hơn 1.500 người đã tham gia đấu giá. Và giá trúng cao nhất gấp khoảng gấp khoảng 8 lần mức giá khởi điểm, chính thức vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Vậy đất Thanh Oai sốt thật hay chỉ là ảo?
Có lẽ người dân Thanh Oai chưa bao giờ hình dung được khu đất thuộc vùng nông thôn như nhà mình lại lên đến hơn 100 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư đất cũng phải giật mình khi chứng kiến giá trúng các thửa đất vượt xa giá trị thực trong khu vực.
Khu đất xung quanh khu vực vừa được đấu giá tại huyện Thanh Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km. Hạ tầng được đánh giá là nhiều năm qua không có nhiều thay đổi, nằm ven đường Bình Minh - Thanh Cao, hai làn xe nối từ Quốc lộ 21B - đê sông Tả Đáy.
Xung quanh khu đất đấu giá là một số nhà dân cư cũ và cánh đồng sản xuất nông nghiệp, hồ nước, không có hạ tầng gì đặc biệt ngoài đường độc đạo Bình Minh - Thanh Cao. Vậy, tại sao một khu đất không có biến động gì đặc biệt về hạ tầng, nằm trong thôn xóm, không gần các trục đường chính, lại có thể đạt mức giá hơn 100 triệu đồng/m2. Các lô thường khác cũng có giá trúng trung bình từ 51 - 80 triệu đồng/m2, bỏ xa mức giá khởi điểm ban đầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ buổi đấu giá này thu hút đông nhà đầu tư là do giá khởi điểm thấp. Với mức từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2, nhà đầu tư chỉ phải đặt cọc 20%, tương đương với khoảng 200 triệu đồng.
Số tiền này được đánh giá là khá nhẹ nhàng với các nhà đầu tư bất động sản. Ông Nguyễn Công Quảng - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội giải thích, trước đây, quy định xác định giá đất cho phép thuê tư vấn. Nhưng nay, theo Nghị định 12, huyện xác định giá khởi điểm bằng cách nhân hệ số K tức là hệ số điều chỉnh giá đất của địa phương với giá trong bảng giá đất. Vì bảng giá đất ở địa phương thấp nên giá khởi điểm thấp.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết một trong những nguyên nhân là từ ngày 1/8, Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực, hạn chế phân lô, bán nền tại một số khu vực, gây tâm lý khan hiếm nguồn cung.
Hà Nội trong vài năm trở lại đây gần như không có dự án mới nào xuất hiện. Thế nên khi một dự án do Nhà nước ban hành đầy đủ pháp lý sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và họ sẽ sẵn sàng mua để đầu tư lại.
Giá khởi điểm thấp hút nhiều người tham gia có thể dễ lý giải. Nhưng giá bị đẩy lên quá cao, đến mức phi lý đang khiến dư luận nghi ngờ việc lợi dụng đấu giá đất để thổi giá bất động sản trong khu vực để trục lợi.
Các diễn đàn bất động sản những ngày qua bàn luận sôi nổi về một nguyên nhân khiến giá trúng đấu giá tại huyện ngoại thành Thanh Oai có thể đạt mức cao như vậy là do sự tham gia của các hội, nhóm đầu cơ, đẩy giá.
Ví dụ, chỉ tập trung một mảnh đất đấu giá trúng là 100 triệu đồng/m2, còn các lô khác chỉ trúng với mức từ 50 - 60 triệu đồng/m2. Họ sẽ viện cớ giá đất đấu giá ở đó sẽ còn cao nữa, có thể đạt tới mức 100 triệu đồng/m2 như lô đất đã được đẩy giá kia, từ đó, họ rao bán các lô trúng với mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2. Họ sẵn sàng bỏ cọc lô đất trúng giá 100 triệu đồng/m2. Vì lợi nhuận thu về từ các khoản bán chênh cao hơn rất nhiều so với số tiền cọc đã đóng vào.
Đất huyện ven vừa đấu giá được rao bán chênh hàng trăm triệu đồng
Theo thống kê mới được công bố của Batdongsan.com.vn, giá đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã tăng khoảng 80% trong vòng bốn năm qua, từ mức phổ biến là 15 triệu đồng/m2 vào năm 2020 lên mức 27 triệu đồng/m2 trong quý II/2024. Nếu so sánh với mặt bằng giá hiện tại, mức giá đấu trúng các lô đất đang cao hơn gấp 2,3 - 3,7 lần.
Ngay sau khi buổi đấu giá kết thúc, một số cá nhân môi giới đã rao bán công khai các lô đất với giá chênh khoảng 200 - 400 triệu đồng so với mức giá đấu trúng. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, nhiều môi giới đã âm thầm gỡ thông tin rao bán trước đó. Khi được hỏi, môi giới viên thẳng thắn thừa nhận rằng, do mức giá bán quá cao so với mặt bằng chung thị trường nên rất khó thanh khoản. Vì vậy, họ quyết định chủ động dừng cuộc chơi khi không còn thấy cơ hội.
Câu chuyện về đấu giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội, đang gây xôn xao trên thị trường những ngày vừa qua. Song thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên buổi đấu giá đất ở ngoại thành thu hút đông nhà đầu tư tham gia và đạt mức giá trúng cao đột biến.
Trước đó, tại huyện Đan Phượng, Hà Nội cũng vừa tổ chức thành công cuộc đấu giá 85 thửa đất, trong đó có thửa mức trúng đấu giá là 99,2 triệu đồng/m2. Từ hiện tượng này, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại sẽ xảy ra một cuộc đua đẩy giá đất đấu giá tại các huyện ngoại thành.
Các cuộc đấu giá đất tại ngoại thành sẽ còn tiếp tục được tổ chức trong tháng 8 này. Theo các thông tin đã được công bố, giá khởi điểm tiếp tục ở mức khá thấp: 7,3 triệu đồng/m2, cho đến 19,8 triệu đồng/m2.
Gần như toàn bộ 68 lô đất trúng đấu giá vừa rồi ở huyện Thanh Oai đều thuộc về những người tham gia đấu giá đến từ các địa phương khác. Chỉ có hai người là người địa phương. Đây cũng là một con số đáng suy ngẫm, bởi mục đích cao nhất của hoạt động đấu giá đất là cung cấp đất ở cho người có nhu cầu ở thật, xây dựng nhà cửa, đóng góp cho ngân sách địa phương.
Có vẻ như người dân địa phương khó tiếp cận được các lô đất nằm tại chính quê hương mình. Khu đất đấu giá Cao Mật Hạ cũng nằm trên địa bàn xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai được đấu giá từ năm 2021, giá trúng chỉ từ 25-35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến nay, mới có duy nhất một hộ xây nhà để ở, cho thấy đất ở đây đang bị đầu cơ. Thậm chí, sau cuộc đấu giá, người dân địa phương lo ngại rằng, việc mua nhà đất với giá hợp lý lại càng khó khăn hơn, do mặt bằng giá tăng lên.
Thời điểm này, các chuyên gia khuyến nghị đối với người mua và nhà đầu tư nên nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và tìm hiểu biến động giá thông qua những nguồn thông tin khách quan như công cụ lịch sử giá trước khi quyết định xuống tiền với bất cứ sản phẩm nào. Bên cạnh đó, việc trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc để lợi dụng thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh là hành vi cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm.
Hơn 12.000 trang thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai vào tối 12/9 đã tạo nên cơn bão mới trong cộng đồng mạng xã hội.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.
Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.
Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
0