Dấu ấn Liên Xô trong quy hoạch Hà Nội

Các chuyên gia Liên Xô bắt đầu để lại dấu ấn lên quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị Hà Nội cách đây 60 năm, không chỉ ở thiết kế những công trình đơn lẻ mà còn ở tổng thể quy hoạch của thành phố.

Từ những bản quy hoạch đầu tiên

KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, tính đến nay, Hà Nội có 7 lần phê duyệt quy hoạch chung và 4 lần điều chỉnh địa giới. Trong đó nhiều lần thành phố nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của chuyên gia Liên Xô, đặc biệt trong giai đoạn 1954 – 1989.

Khi tiếp quản Thủ đô năm 1954, Hà Nội chỉ rộng vỏn vẹn 152 km2, gồm 8 quận, huyện với dân số 370.000 ở nội thành và 160.000 ở ngoại thành. Nhu cầu xây dựng các công trình của thành phố thời điểm này bắt đầu lớn. Tuy nhiên, xác định không thể xây dựng manh mún như trước đây, Hà Nội tính tới quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn.

Năm 1956 - 1960

Năm 1956, được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, các kiến trúc sư Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra sơ phác “Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội”. Mặc dù mới chỉ ở dạng sơ đồ, song phương án có một số điểm đáng chú ý và được sử dụng để tham khảo cho quy hoạch tổng thể Thủ đô sau này.

Giai đoạn 1960 -1972

Năm 1960, với sự hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia cao cấp của Viện quy hoạch Matxcơva, lần đầu tiên đồ án “Quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội”, hay còn gọi là Quy hoạch chung Hà Nội được hoàn thành. Lúc này, với vai trò Thủ đô, Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính lên tới 584 km2. Sau phê duyệt, quy hoạch lần thứ nhất được ứng dụng từ năm 1962 cho tới năm 1974.

Trong bản quy hoạch này, thành phố định hướng phát triển chủ yếu ở khu vực phía Nam sông Hồng và một phần khu phía Bắc là Gia Lâm, Đông Anh. Chủ yếu ở phía Tây Bắc là các khu Phú Thượng, Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; phía Tây là khu vực Cầu Giấy, Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà; Tây Nam chủ yếu dọc theo Quốc lộ 6; phía Nam là khu vực Giáp Bát, một phần khu vực Định Công.

“Quy hoạch 1962-1974 xác định Thủ đô cần phát triển công nghiệp, Hà Nội từ thành phố tiêu thụ chuyển dần sang sản xuất. Đây là giai đoạn đánh dấu bước đầu thành phố đi theo con đường công nghiệp hoá”, ông Nghiêm nhớ lại.

Giai đoạn 1972 - 1982

Giai đoạn tiếp theo từ 1972 đến 1982, Hà Nội có thêm 4 lần quy hoạch, trong đó có một lần điều chỉnh quy hoạch mặt bằng năm 1976. Tất cả đều có sự tham gia hỗ trợ của chuyên gia Liên Xô. Đặc biệt, kết hợp với các chuyên gia thuộc Viện Quy hoạch Lêningrat, Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 hoàn thành và được phê duyệt ngày 24/4/1981. Đây là quy hoạch tổng thể được nghiên cứu hoàn chỉnh, xác định định hướng phát triển và các chỉ tiêu tính toán quan trọng trong 20 năm (1981-2000). Quy hoạch dự kiến phát triển xây dựng hạn chế trong 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Thành phố giai đoạn này sẽ mở rộng về phía Đông Anh, Gia Lâm.

“Ở những giai đoạn Hà Nội khó khăn nhất, các chuyên gia quốc tế, đặc biệt trong đó có Liên Xô đã hỗ trợ Hà Nội có những quy hoạch tốt. Chính chuyên gia Liên Xô đã giúp Hà Nội đổi mới phương thức làm quy hoạch theo nguyên lý ổn định: lấy người dân làm gốc, lấy phát triển kinh tế làm nền tảng. Bên cạnh đó, phải biết bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Tới giá trị di sản từ khu tập thể lắp ghép

Ngoài hỗ trợ các quy hoạch tổng thể, ảnh hưởng của chuyên gia Liên Xô đối với cảnh quan đô thị Hà Nội được thể hiện rõ nét trong xây dựng các khu tập thể, chung cư.

Trước năm 1975, Hà Nội xây dựng tập thể cũ bằng gạch nhỏ, đổ bê tông, tốn vật liệu và mất rất nhiều thời gian. Với sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô, Trung Tự là khu tập thể đầu tiên của Hà Nội được xây dựng ứng dụng kỹ thuật lắp ghép tấm lớn. Sau đó, các khu tập thể Thanh Xuân, Giảng Võ và rất nhiều khu tập thể của thủ đô được xây theo kỹ thuật mới này.

“Với lợi thế vượt trội về thời gian lắp ghép nhanh, hợp lý trong huy động nhân lực, giai đoạn 1975-1986, tốc độ xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà tập thể tại Hà Nội tăng mạnh nhất. 200 dự án phát triển nhà ở, 74 khu tập thể với hơn 20 triệu m2 nhà ở của thành phố được xây dựng bằng kỹ thuật lắp ghép tấm lớn và theo mô hình nhà ở khép kín. Điều này giúp giải quyết nhanh chóng nhu cầu về chỗ ở tăng cao do sự gia tăng dân số mạnh mẽ của Thủ đô thời kỳ trước đổi mới”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm thống kê.

Trong trí nhớ của người Hà Nội, các khu tập thể lắp ghép mang đậm dấu ấn của các kiến trúc sư Liên Xô, với đặc trưng của một lối sống Hà Nội trong những năm tháng bao cấp.

Những công trình kiến trúc đặc biệt

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia giúp đỡ thiết kế, cung cấp vật tư, xây dựng lăng để giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Lăng Bác được chính thức khởi công xây dựng ngày 2/9/1973 trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây là một trong những công trình kiến trúc đặc biệt mang tầm vóc quốc gia, thể hiện sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của Liên Xô đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, còn nhiều công trình kiến trúc mang tầm vóc quốc gia được xây dựng tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của kiến trúc sư Liên Xô. Tiêu biểu là Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt-Xô đã tồn tại suốt 34 năm và trở thành một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, gắn liền với tình hữu nghị Việt – Xô.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, là đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành Hà Nội. Công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô được khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành năm 1985. Với quy mô 2 tầng, 25 nhịp cầu chính, đây là cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, đồng thời có thời gian thi công lâu nhất của Hà Nội.

Bên cạnh đó, công viên Lê Nin, bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô… đều là những công trình kiến trúc lớn có sự chung tay hỗ trợ của các chuyên gia tới từ xứ sở Bạch Dương.

Từ năm 1954-1982, chuyên gia Liên Xô đã giúp Hà Nội trong Quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị. Được thể hiện rõ thông qua 5 vấn đề lớn:

  • Chuyển giao nguyên lý, lý thuyết quy hoạch mới.
  • Đào tạo nguồn nhân lực mới cho Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng.
  • Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao kỹ thuật xây dựng mới hiện đại. Nhờ đó, Hà Nội đứng đầu cả nước trong ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong xây dựng.
  • Trực tiếp giúp đỡ thiết kế các công trình kiến trúc điển hình, mang tầm vóc quốc gia.
  • Công tác quy hoạch Thủ đô. 

Thực hiện: Lệ Cẩm
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều người dân sinh sống trên địa bàn huyện Mỹ Đức cho biết, trên tuyến đường trục Bắc - Nam nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa thi công ì ạch hơn 6 tháng khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Là dự án trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc, tuy nhiên do vướng nhiều thủ tục, dự án đường Âu Cơ - Nhật Tân đã bị chậm nhiều năm vẫn chưa thể thông xe vào 30/6 như kế hoạch.

Theo các chuyên gia, vấn đề “làn đường riêng” hay “làn đường ưu tiên” cần đặt vào sự nghiên cứu tổng thể quy hoạch đô thị để phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND quận Thanh Xuân khoá VI, các đại biểu đã xem xét những báo cáo và tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội - an ninh quốc phòng, các dự án trọng điểm từ nay đến cuối năm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, được các cơ quan hoàn thiện, tiếp thu chỉnh lý để trình Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 28/6 tới.

Sáng 27/6, Hội đồng nhân dân huyện Đông Anh, khoá XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 14 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.