Dấu ấn thời gian qua 5 cửa ô Hà Nội

Ngoài Ô Quan Chưởng hiện còn khá vẹn nguyên, các cửa ô còn lại chỉ còn tên gọi, thay vào đó là những tuyến phố sôi động bán mua, tấp nập người xe. Thủ đô phát triển, ngày một hiện đại, không gian kiến trúc cửa ô rộng mở, vượt lên không gian 36 phố phường. Nhưng 5 cửa ô một thời sẽ mãi sâu đậm trong ký ức người Hà Nội.

5 cửa ô và ký ức người Hà Nội

Khái niệm của ô từ thời xưa đó là cửa qua thành đất ngoài cùng bao bọc lấy Kinh thành Thăng Long và đó chính là cửa ngõ đi ra vào thành và các cổng này được xây dựng tại các điểm giao thương nơi có nhiều người dân qua lại và buôn bán.

Vào năm 1831, khi vua Minh Mạng cho thành lập "Tỉnh Hà Nội", thì khu vực "tỉnh thành" (tức nội thành) đã được vẽ bản đồ. Ở tấm bản đồ do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng khi ấy, ghi rõ tên (chữ Hán) và vị trí của 16 cửa ô là Yên Hoa, Yên Tĩnh, Thạch Khối, Phúc Lâm, Đông Hà, Trừng Thanh, Mỹ Lộc, Đông Yên, Tây Luông, Nhân Hoà, Thịnh Lãng, Yên Ninh, Kim Hoa, Thịnh Quang, Thanh Bảo, Thuỵ Chương. Thế nhưng, bản đồ "Tỉnh, thành Hà Nội" vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô, không còn ô Nhân Hòa.

Sơ đồ thành ngoài (Đại La) của tỉnh thành Hà Nội năm 1831.

Thân thương những hình ảnh năm cửa ô ngày ấy, bây giờ

Trong giai đoạn giải phóng Thủ đô, đường tiến quân của nhân dân ta chia thành hai hướng, đó là Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền. Điều này cho thấy rằng trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, Ô Cầu Dền luôn là một trong những địa điểm quan trọng và đặc biệt đối với Thủ đô. Ngày nay, nơi đây đã trở thành những nút giao thông hiện đại với nhịp đèn xanh, đỏ, những cửa tiệm giao thương buôn bán sầm uất giữa phồn hoa đô thị giao cắt ngã tư phố Huế, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Bạch Mai.

Ngôi nhà số 9 phố Bạch Mai là nơi gia đình chị Trịnh Kim Ngân sinh sống từ những năm 1936. Đến nay, chị tiếp quản lại ngôi nhà để kinh doanh. Với chị, Ô Cầu Dền ngày xưa mãi là những ký ức đẹp gắn với tuổi thơ nơi chị trưởng thành và lớn lên.

Chị Trịnh Kim Ngân, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: "Sau năm 1993, Nhà nước mở con đường Đại Cồ Việt, năm 1996 thì mở tiếp đường Trần Khát Chân và khu vực này ngày càng phát triển và không còn bóng dáng của cửa ô xưa."

Ba thế hệ đều sinh ra lớn lên tại Ô Chợ Dừa, ông Nguyễn Văn Hùng cũng đã chứng kiến quá trình phát triển từ một ô chợ nhỏ với những con đường hẹp trở thành ngã 7 với mật độ giao thông lớn, nối các tuyến giao thông trọng điểm tại Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Hùng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết: "Ngày xưa Ô Chợ Dừa rất nhỏ nhưng lại không tắc đường. Còn đường bây giờ đã quá đẹp, đẹp nhất quận Đống Đa".

Hình ảnh cửa ô xưa của Hà Nội.

Qua sự biến thiên của thời gian, những cửa ô xưa nơi đất Kinh kỳ dần chìm trong ký ức. Chỉ còn lại duy nhất Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất của kinh thành Thăng Long còn giữ lại được kiến trúc, dáng vẻ xưa cũ.

Bốn cửa ô còn lại như Ô Đống Mác, Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa giờ đây đã thay da đổi thịt, được thay thế bởi các công trình hiện đại nhằm mục đích phát triển Thành phố ngày một văn mình, giàu mạnh, đời sống nhân dân trở nên đủ đầy hơn. Thế nhưng hào khí ngày quân ta tiến vào 5 cửa ô để tiếp quản Thủ đô vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức và trái tim mọi người con của đất Kinh kỳ, để mỗi người khi nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang đó, sẽ thêm tự hào và cảm thấy may mắn khi được sống tại Hà Nội - thành phố vì hòa bình, lương tri và phẩm giá con người.

Ngày nay, Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn nguyên vẹn.

Trưng bày Hà Nội và những cửa ô

Cửa ô Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc họa, như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Thăng Long - Hà Nội. Hình ảnh cửa ô khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ người Hà Nội, dù họ còn sinh sống trên mảnh đất thân yêu này hay đã tỏa đi khắp bốn phương trời.

Với tâm trạng của người con Hà Nội, những người nặng lòng với Hà Nội yêu dấu, hôm nay, giữa những ngày mùa thu tháng 10 lịch sử, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã khai mạc Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề "Hà Nội và những Cửa ô".

Buổi trưng bày do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) và Trung tâm lưu trữ lịch sử Thành phố (Sở Nội vụ Hà Nội) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024).

Nơi đây trưng bày những tờ bản đồ cổ nhất của Hà Nội. Số khác là những bản đồ do người Pháp vẽ khi đến Việt Nam và bắt đầu chiếm đóng Hà Nội. Lúc ấy, Hà Nội còn rất nhiều sông, hồ. Những tấm bản đồ và quy hoạch sau đó cho thấy, người Pháp đã lấp nhiều hồ để xây dựng phố phường, dần thay thế các ruộng làng ngoại ô.

Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề "Hà Nội và những Cửa ô".

Trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, ảnh, gồm 3 chủ đề: "Cửa ô xưa", "Cửa ô chiến thắng" và "Cửa ô Hà Nội hôm nay".

"Cửa ô xưa" là hình ảnh của Thành Thăng Long qua bao thăng trầm, biến đổi, là kiến trúc, vai trò, công năng của các cửa ô Hà Nội. Dưới sự tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy. Hiện nay, cửa Ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất, đây là nơi lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa.

"Cửa ô chiến thắng" kể lại câu chuyện lịch sử các đoàn quân, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các cửa ô xưa tiến về giải phóng Thủ đô vào tháng 10/1954, đặc biệt là lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954. Đây là mốc son hào hùng của dân tộc tròn 70 năm trước.

Hình ảnh tái hiện thời khắc chiến thắng 70 năm về trước.

Chủ đề "Cửa ô Hà Nội hôm nay", làm nổi bật sự thay đổi diện mạo của Hà Nội sau những thay đổi địa giới hành chính; những định hướng quy hoạch Thủ đô đã giúp Hà Nội phát triển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình"; là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo.

Trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô" đưa chúng ta về với những ký ức của Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh của những cửa ô thân thuộc. Đây là bộ sưu tập tư liệu quý giá, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Việt Nam, Trung tâm lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội.

Trưng bày diễn ra ngoài trời đến hết ngày 30/10 tại sân Điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chương trình “Đêm hội Áo dài 2024” đã mang đến những bộ sưu tập áo dài ấn tượng, lan tỏa niềm tự hào dân tộc và góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Hội chợ Làng nghề Việt lần thứ 20 và Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2024 vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Hội chợ 489 Hoàng Quốc Việt, quy tụ tinh hoa làng nghề của gần 100 đơn vị đến từ 31 tỉnh, thành phố.

Sáng 6/10, huyện Phúc Thọ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1985 năm Ngày Hai Bà Trưng hội quân, lập đàn thề, tế cờ khởi nghĩa và công bố điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.

Bộ sưu tập gần 300 cổ vật của các hội viên, nhà sưu tập trên địa bàn thành phố Hà Nội sắp ra mắt công chúng tại Bảo tàng Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đầu máy tự lực số hiệu 141-179 là một trong rất ít đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước mang dấu ấn “Made in Viet Nam” còn sót lại.

Sáng 5/10, tại Hoàng Thành Thăng Long, Hội Lien hiệp phụ nữ thành phố tổ chức đồng diễn dân vũ và carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”.