Đâu hồn phố cũ

36 phố phường Hà Nội, có ai ngồi đếm phố rồi bâng khuâng thế cuộc đổi dời trong cả ngàn năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Có ai ngồi nhớ phố rồi băn khoăn liệu thế hệ mới đầu xanh tóc đỏ hôm nay mấy ai nghe, hiểu để nhớ thương và biết lịch sử phố phường mình. Có ai tự dưng khựng lại giữa những phố Hàng nhà cao cửa bóng, ngậm ngùi không biết mình đang lưu lạc nơi nào.

Đâu đây phảng phất hồn phố xưa trong phố đông chật tưng bừng hôm nay. Hồn cũ kỹ những phố nay tên còn trên biển sắt đầu ngã ba ngã tư, trên cửa hàng cửa hiệu photocopy, nhà hàng, khách sạn… Ấy là những Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Gà…  Cả những tên phố chỉ còn trên trang giấy các chuyên gia, trong ký ức xa vời những người tóc bạc: Hàng Mụn, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Vải Thâm, Hàng Đàn, Hàng Thêu… Gần 20 tên phố Hàng của Thăng Long Hà Nội những trăm năm xưa đã ra đi trong biến thiên thời cuộc.

Đi bộ lững thững cùng gió lạnh cuối năm từ đầu phố Bà Triệu chỗ ngã tư Tràng Thi đến ngã tư Hai Bà Trưng, ai biết quá khứ phố Hàng Giò nơi này từng thì thụp tiếng chày giã nhịp nhàng xuống thịt lợn tươi lòng đào, từng mù mịt hơi khói những nồi luộc giò ròng ròng nước nóng rơi xuống khi mấy cây giò được túm đầu lạt đẫm mềm nhấc lên. Ai biết phố Bảo Khánh một đầu ăn vào phố Hàng Trống, một đầu thẳng ra Hồ Gươm qua phố Lê Thái Tổ, xưa treo đầy tranh Đông Hồ những giáp Tết chờ xuân chớm đỏ hoa đào. Trong mấy cửa hàng bày bán tranh nho nhỏ hôm nay liền kề hàng quán ăn nhậu, có chăng mơ hồ đồng hiện một đung đưa bức giấy điệp trắng ngà nổi hình gà hình lợn. Và những người dọn tranh ra, cất tranh vào mỗi sáng chiều hôm nay, trong những dáng đang lúi húi, trong đường gân tay nhấc lên đặt xuống kia, người đi qua lặng tìm vẻ cũ có thấy gợn lên một tấm lưng xưa giờ đã thoảng vào không trung. Một đoạn phố Hàng Giầy từ đầu phố Nguyễn Siêu đến phố Hàng Buồm, gần trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, chỗ lui tới của nhiều văn nghệ sĩ Hà thành bây giờ, theo tư liệu thì xưa là phố Hàng Mãn, nơi bán mèo được ôm vào trên tay những người dân từ ngoại thành và bờ Bắc sông Hồng.

Một cửa hàng bán và sửa quạt trên phố Bát Đàn.

Thời gian đã đi vùn vụt những đời người. Những mưu sinh, những gánh gồng lam lũ, những vàng son, xa hoa, những nền nã, thanh thoát… tụ về Thăng Long, dồn nén, chưng cất thành vóc nên hình rồi lan tỏa. Đoạn ngắn từ đền Bà Kiệu đến phố Lê Thái Tổ, là con phố Hàng Chè xa xưa giờ đã hóa thân vào phố Đinh Tiên Hoàng chạy vòng bên Hồ Gươm xanh xanh lục thủy. Phố Hàng Sơn hình như đã thuận theo lòng người hưởng ứng món ăn ngon mà mang tên phố Chả Cá. Phố Hàng Giầy nay gồm cả phố Hàng Màn xưa. Phố Hàng Hài, thường gọi là Hàng Bông Hài, theo tháng năm đã bỏ đi chữ Hài mà thành Hàng Bông dài tấp nập những đèn, panô, băng rôn, những cờ những quạt. Phố Hàng The không còn đâu nữa, chỉ còn nay rực rỡ và chen chúc vải vóc, quần áo Hàng Đào. Phố Hàng Vải đã nhập vào sực nức phố Thuốc Bắc. Một đoạn Hàng Mã ghép với Mã Vỹ đã trở nên Mã Mây. Phố Lãn Ông nay, xưa xa lắm từng mang tên Phúc Kiến… Các phố của dòng trôi chảy văn hóa nghề tứ chiếng, văn hóa sống tám nẻo mười phương cứ đi song song, cứ giao đoạn đầu, cắt đoạn giữa, cứ kết liền những cái tên, sinh thành tên mới và xa rời những tên cũ như những hạnh ngộ và biệt ly trong thăm thẳm đời người.

Thế hệ mới đầu xanh tóc đỏ hôm nay không biết mấy ai nghe, hiểu để nhớ thương và biết nhớ lâu hơn lịch sử phố phường mình. Lớp trung niên chắc cũng miệt mài trong dao động với muôn nẻo nhu cầu mà mờ nhạt hay lẫn đi dần những nẻo phố xưa. Lớp bạc đầu ở nước ngoài về, ở miền đất xa trở lại, hay ngay cả ở không xa nơi phố cổ, tự dưng đứng giữa những phố Hàng nhà cao cửa bóng, xe lao vun vút, bầu trời đã thấp nặng xuống thành những vạch chằng chịt, liệu có ngậm ngùi mà không biết mình đang lưu lạc nơi nào.

Và trong lẽ hưng thịnh, nhòa mờ ấy của phố phường, có biết bao tên người, tên việc, dù không phải là hệ trọng với cộng đồng nhưng có khi là điều cần được thấm thía cho nhiều thế hệ của một dòng họ. Có lần tìm được một tấm ảnh tư liệu Hà Nội trên mạng, chụp một cửa hiệu tên “Tiến Bảo” nhưng tấm biển ấy lại không như bây giờ, không đề tên phố cổ xưa. Kéo làm sao lại những hồi ức đang mờ dần. Nhà cũ khi mua, khi mượn, qua các Hàng Nón, Hàng Trống, Hàng Mành…, khởi dựng từ thời cụ nội lập nghiệp, nay đã không còn, những người sống ở đó về sau, nay đã qua bao nhiêu lần đổi khác. Rồi đây có người sẽ kể với con mình về nơi ông nội đã sinh ra, đã lớn lên những tháng năm trẻ trung như thế nào. Thời gian đã đi vùn vụt những đời người. Hà Nội ở đó, gần mà như xa, để thương nhớ ngay cả khi chưa chia tay “Nhớ Hàng Bạc, nhớ qua Hàng Đào/Nhớ cơn mưa phùn bay ngang thành phố... Ai ra đi mà không nhớ về”./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chúng ta đã đi qua bốn mùa như thời gian đi qua màu lá. Bốn mùa như lá, bốn mùa như cây. Bốn mùa nối chúng ta gắn bó với cuộc đời, còn lá nối chúng ta với một tình yêu thiên nhiên tha thiết.

Tình yêu đẹp nhất và trong sáng nhất đó là tình cảm học trò. Thứ tình cảm thi vị và đẹp như trăng 16. Chiều nay, Hường kể bạn nghe câu chuyện của Ngọc Trâm về một tình yêu đầu đời đẹp lung linh.

Nếu có ai hỏi thanh âm nào neo lại trong tôi khi xa Việt Nam, thì khắc khoải nhất chính là những lời rao. Những lời rao dung dị nhớ thương ấy cất lên từ chất giọng của một bà người Bắc, một chị miền Trung hay có khi của một anh miền Nam. Lời rao như len lỏi cả vào trong giấc ngủ, ngang qua những giấc mơ chập chờn nhớ thương.

Lướt trên mạng nhìn thấy tấm ảnh cơm nấu nồi gang, chiếc đũa cả đang đặt một bên, bếp củi rừng rực lửa, khiến tôi chợt nhớ tới ngày xưa.

Tháng tư về. Có đôi khi giữa những ngày gió nhè nhẹ và nắng vàng tươi dìu dịu, người ta lại được sống trong cái se lạnh bất chợt như thể vẫn còn đang ở giữa mùa xuân. Đêm tháng tư với cơn mưa rào đầu hạ. Lũ ếch đồng xôn xao tìm bạn tình và cất tiếng gọi nhau trong những khóm khoai nước, khóm chuối ngoài bờ ao hay trên cánh đồng. Đó cũng là lúc hương dạ lan ngọt ngào, nưng nức lan đi trong gió.

Khúc giao mùa tháng Tư ở Hà Nội đâu chỉ có hoa loa kèn, mà còn có một chút gợi thu với cái dịu mát xen với chút nắng ngẫu hứng của thời tiết. Tháng Tư về, xà cừ và sấu đều thay lá. Thư thái dạo bước trên những thảm lá rơi kín vỉa hè quen thuộc ta ngỡ như đang đi giữa một cánh đồng vàng.