Đâu hồn phố cũ

Gần 20 tên phố Hàng của Thăng Long - Hà Nội những trăm năm xưa đã biến mất trong biến thiên thời cuộc.

36 phố phường Hà Nội, có ai ngồi đếm rồi bâng khuâng thế cuộc đổi dời trong cả ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Có ai ngồi nhớ phố rồi băn khoăn liệu thế hệ mới đầu xanh hôm nay mấy ai nghe, hiểu để nhớ thương và biết lịch sử phố phường mình. Có ai tự dưng khựng lại giữa những phố Hàng nhà cao cửa bóng, ngậm ngùi không biết mình đang lưu lạc nơi nào.

Đâu đây phảng phất hồn phố xưa trong phố đông chật tưng bừng hôm nay. Hồn cũ kỹ những phố nay tên còn trên biển sắt đầu ngã ba ngã tư, trên cửa hàng cửa hiệu… Ấy là những Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Gà… Cả những tên phố chỉ còn trên trang giấy, trong ký ức xa vời những người tóc bạc: Hàng Mụn, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Vải Thâm, Hàng Đàn, Hàng Thêu… Gần 20 tên phố Hàng của Thăng Long Hà Nội những trăm năm xưa đã ra đi trong biến thiên thời cuộc.

Đi bộ lững thững cùng gió lạnh cuối năm từ đầu phố Bà Triệu chỗ ngã tư Tràng Thi đến ngã tư Hai Bà Trưng, ai biết quá khứ phố Hàng Giò nơi này từng thì thụp tiếng chày giã nhịp nhàng xuống thịt lợn tươi lòng đào, từng mù mịt hơi khói những nồi luộc giò ròng ròng nước nóng rơi xuống khi mấy cây giò được túm đầu lạt đẫm mềm nhấc lên. Ai biết phố Bảo Khánh một đầu ăn vào phố Hàng Trống, một đầu thẳng ra Hồ Gươm qua phố Lê Thái Tổ, xưa treo đầy tranh Đông Hồ những giáp Tết chờ xuân chớm đỏ hoa đào.

Trong mấy cửa hàng bày bán tranh nho nhỏ hôm nay liền kề hàng quán ăn nhậu, có chăng mơ hồ đồng hiện một đung đưa bức giấy điệp trắng ngà nổi hình gà hình lợn. Và những người dọn tranh ra, cất tranh vào mỗi sáng chiều hôm nay, trong những dáng đang lúi húi, trong đường gân tay nhấc lên đặt xuống kia, người đi qua lặng tìm vẻ cũ có thấy gợn lên một tấm lưng xưa giờ đã thoảng vào không trung.

Một đoạn phố Hàng Giầy từ đầu phố Nguyễn Siêu đến phố Hàng Buồm, gần trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, chỗ lui tới của nhiều văn nghệ sĩ Hà thành bây giờ, theo tư liệu thì xưa là phố Hàng Mãn, nơi bán mèo được ôm vào trên tay những người dân từ ngoại thành và bờ Bắc sông Hồng.

Cửa hàng sửa chữa đồ điện tại 103 Hàng Bông, năm 1995. Ảnh: Dân Việt

Thời gian đã đi vùn vụt những đời người. Những mưu sinh, những gánh gồng lam lũ, những vàng son, xa hoa, những nền nã, thanh thoát… tụ về Thăng Long, dồn nén, chưng cất thành vóc nên hình rồi lan tỏa. Đoạn ngắn từ đền Bà Kiệu đến phố Lê Thái Tổ, là con phố Hàng Chè xa xưa giờ đã hóa thân vào phố Đinh Tiên Hoàng chạy vòng bên Hồ Gươm xanh xanh lục thủy. Phố Hàng Sơn hình như đã thuận theo lòng người hưởng ứng món ăn ngon mà mang tên phố Chả Cá. Phố Hàng Giầy nay gồm cả phố Hàng Màn xưa. Phố Hàng Hài, thường gọi là Hàng Bông Hài, theo tháng năm đã bỏ đi chữ Hài mà thành Hàng Bông dài tấp nập những đèn, panô, băng rôn, những cờ những quạt. Phố Hàng The không còn đâu nữa, chỉ còn nay rực rỡ và chen chúc vải vóc, quần áo Hàng Đào. Phố Hàng Vải đã nhập vào sực nức phố Thuốc Bắc. Một đoạn Hàng Mã ghép với Mã Vỹ đã trở nên Mã Mây. Phố Lãn Ông nay, xưa xa lắm từng mang tên Phúc Kiến…

Các phố của dòng trôi chảy văn hóa nghề tứ chiếng, văn hóa sống tám nẻo mười phương cứ đi song song, cứ giao đoạn đầu, cắt đoạn giữa, cứ kết liền những cái tên, sinh thành tên mới và xa rời những tên cũ như những hạnh ngộ và biệt ly trong thăm thẳm đời người.

Thế hệ mới đầu xanh tóc đỏ hôm nay không biết mấy ai nghe, hiểu để nhớ thương và biết nhớ lâu hơn lịch sử phố phường mình. Lớp trung niên chắc cũng miệt mài trong dao động với muôn nẻo nhu cầu mà mờ nhạt hay lẫn đi dần những nẻo phố xưa. Lớp bạc đầu ở nước ngoài về, ở miền đất xa trở lại, hay ngay cả ở không xa nơi phố cổ, tự dưng đứng giữa những phố Hàng nhà cao cửa bóng, xe lao vun vút, bầu trời đã thấp nặng xuống thành những vạch chằng chịt, liệu có ngậm ngùi mà không biết mình đang lưu lạc nơi nào.

Và trong lẽ hưng thịnh, nhòa mờ ấy của phố phường, có biết bao tên người, tên việc, dù không phải là hệ trọng với cộng đồng nhưng có khi là điều cần được thấm thía cho nhiều thế hệ của một dòng họ. Có lần tìm được một tấm ảnh tư liệu Hà Nội trên mạng, chụp một cửa hiệu tên “Tiến Bảo” nhưng tấm biển ấy lại không như bây giờ, không đề tên phố cổ xưa. Kéo làm sao lại những hồi ức đang mờ dần. Nhà cũ khi mua, khi mượn, qua các Hàng Nón, Hàng Trống, Hàng Mành…, khởi dựng từ thời cụ nội lập nghiệp, nay đã không còn, những người sống ở đó về sau, nay đã qua bao nhiêu lần đổi khác.

Rồi đây có người sẽ kể với con mình về nơi ông nội đã sinh ra, đã lớn lên những tháng năm trẻ trung như thế nào. Thời gian đã đi vùn vụt những đời người. Hà Nội ở đó, gần mà như xa, để thương nhớ ngay cả khi chưa chia tay “Nhớ Hàng Bạc, nhớ qua Hàng Đào/Nhớ cơn mưa phùn bay ngang thành phố... Ai ra đi mà không nhớ về”.

Thu Hường

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.