Đậu phộng rang vào Nam ra Bắc

Có một món ăn dân dã đi cùng một người từ Bắc vào Nam. Nó mộc mạc mà đậm đà như tình quê, tình người. Đó là món lạc rang, hay gọi theo người miền Nam là món đậu phộng rang.

Đậu phộng rang là món tôi hay làm trong bữa cơm những ngày ăn chay. Chồng và con tôi đều thích. Còn tôi thì đỡ phải đau đầu suy nghĩ sao cho khẩu phần ăn phù hợp với một nhà ba người mà người ăn chay, người ăn mặn.

Nhà tôi thích nhất là đậu phộng rang mộc. Chẳng dầu, muối, chẳng mắm. Mộc nên nguyên vị. Rang vừa chín tới thơm lừng khắp phòng thì đổ ra bát, bỏ vỏ là ăn. Sau tôi phát hiện ra để nguyên vỏ, đến bữa ăn rồi mới bóc lại hay hơn. Chồng tôi bóc lớp vỏ lụa sạch sẽ, bỏ hạt đậu phộng trắng ngà vào thìa cơm của con, nựng: “ăn hết miếng cơm rồi ba cho thêm”. Con giơ bàn tay nhỏ xíu nhón một hạt, cũng cố bóc vỏ bỏ vào bát ba: “ba ơi, ngon nhắm”, cái giọng ngọng líu ngọng lô nghe sao mà thương. Bữa cơm chỉ có đậu phộng rang thôi mà ngập tràn tiếng cười.

Tôi là người Bắc vào Sài Gòn sống đã lâu. Người Bắc gọi đậu phộng là lạc. Tôi vào Sài Gòn nghe người ta gọi đậu phộng mãi thành quen. Ở Sài Gòn, người ta hay cho đậu phộng rang vào món ăn để làm tăng hương vị. Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn đã ngon nức nở thêm chút đậu phộng rang giòn thì đến người kén ăn như chồng tôi cũng phải gật gù tấm tắc. Bún, mì xào, nhất là mấy món gỏi mà thiếu đậu phộng rang thì chưa thể tròn vị. Ngày nóng oi ả, có một cốc nước me đá hột dẻo ngọt ngọt, chua chua, mát lạnh để giải khát thì còn gì bằng, nhưng cũng phải rắc thêm vài hạt đậu phộng rang mới chuẩn vị. Chả thế mà khi tôi bán hàng, gặp mấy chị khách sành ăn, kiểu gì mua đá me cũng nhắc cho thêm đậu phộng rang.

Nghĩ cũng lạ. Cái món ấy ăn vặt cũng được ăn cơm cũng ngon, ăn kèm cũng chẳng mất đi hương vị béo bùi. Nhiều hôm, tôi lấy nửa bát đậu phộng, mè đen rang thơm, dăm bảy hạt điều thế là có cốc sữa hạt vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

Người Sài Gòn nói đậu phộng là gọi trại từ âm gốc đậu phụng, phụng là phượng trong phượng hoàng, ý của người miền Nam muốn so sánh củ đậu phộng với con mắt của chim phượng. Còn về quê, tôi vẫn một tiếng “lạc”, hai tiếng “lạc”. Thuở còn thơ, người quê tôi nhà nào cũng có mảnh vườn, thửa ruộng để trồng lạc. Vụ đông sang vụ hè, những luống lạc xanh non bên đồi, bên sông, điểm những bông hoa vàng tươi như nắng, đẹp như bức tranh.

Bận học thì thôi chứ vào mùa thu hoạch, lũ trẻ chúng tôi lại hò nhau ra đồng. Người lớn cuốc đất, trẻ con thì bới củ, rũ đất rồi xếp lại thành đống. Khâu tước củ ra khỏi thân nhìn thì dễ, mà cứ làm liên tục, đôi bàn tay nổi đỏ ngần ngần, ran rát. Củ lạc phơi đủ nắng, khô giòn. Các bà các chị chiều chiều ngồi trò chuyện bên hiên nhà, trẻ con rảnh rỗi xem tivi, đều có thể tranh thủ bóc vỏ lấy hạt. Nhiều hôm chỉ hào hứng được lúc đầu, đến khi đau rần ngón tay thành ra lười biếng, tôi lấy vật cứng đập nát lớp vỏ bên ngoài. Đập không khéo, vỏ tách được thì hạt bên trong cũng vỡ luôn.

Người quê tôi hồi xưa hay ăn cơm chan nước rau muống luộc, bỏ thêm vài hạt lạc rang. Chiều hè oi ả, cầm cái liềm, cắp cái rổ rảo bước ra cánh đồng. Nhoắng một cái đã đầy rổ những ngọn rau xanh bời bợi. Đổ nước vào nồi thêm chút muối, luộc với lửa to. Nước luộc rau có màu xanh nhạt vắt chút chanh vào thì chuyển ngay sang màu xam xám. Ai biết cái vị chua thanh, bùi ngậy của bát cơm chan nước rau muống luộc ăn kèm lạc rang mộc ấy lại ngon đến vậy. Cái hương vị khó quên đó theo tôi cả những năm tháng học hành ở nước ngoài.

Mỗi lần về quê, các cô các bác lại dúi vào tay tôi ít quà mang đi dù tôi không thiếu thứ gì. Quà quê mang theo tình quê. Trong hành lý lên đường của chúng tôi, đầy ắp những trứng gà, đậu xanh, lạc… Mẹ chồng tôi thi thoảng vào thăm cũng thường mang đậu phộng làm quà cho con cho cháu. Những hạt đậu đều đặn, căng tròn từ thổ nhưỡng của mảnh đất xứ Huế hiền hòa, chắt chiu vào từng hạt đậu phộng vị đậm đà, ngọt thơm.

Mỗi lần mẹ mang đậu phộng vào, tôi lại lụi cụi rang. Lửa to, chảo mỏng một tí, lơ đễnh là hỏng luôn một mẻ. Phải đều tay, chuyên tâm, lửa cũng phải điều chỉnh nhỏ dần. Hạt nối hạt tí tách nứt vỏ, rang vừa chín tới thì đổ ra rổ có bọc thêm tờ báo, để nguội thì hạt sẽ dần trở nên giòn và bùi hơn.

Giờ có nồi chiên không dầu, chị em nội trợ chẳng cần tốn thời gian, nhưng tôi vẫn thích tự tay rang đậu phộng hơn. Vừa đảo vừa đoán, thỉnh thoảng lại gọi chồng tạt ngang qua thử xem đậu phộng đã chín hay chưa. Hạt đậu hôi hổi trên tay, xuýt xoa “nóng quá”, rồi chồng nửa hạt vợ nửa hạt chuyện trò rôm rả.

Chỉ một món ăn dân dã, chân chất vậy  mà bao năm qua theo tôi từ Bắc vào Nam. Nó mộc mạc mà đậm đà hệt như tình quê, tình người. Để rồi, dẫu có đi xa, cứ nhớ, cứ thương mãi./.

Nhung Phạm

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.

Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!

Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.