Để không gian ngầm trở thành 'mỏ vàng' của Thủ đô| Hà Nội tin mỗi chiều

Khai thác, sử dụng hiệu quả để không gian ngầm trở thành “mỏ vàng” của Thủ đô; Hà Nội xử phạt hành chính nhiều trường hợp báo chốt cảnh sát giao thông trên mạng xã hội; Bộ Công an sẽ triển khai tích hợp tính năng cúng dường trực tuyến tới các chùa... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Khai thác, sử dụng hiệu quả để không gian ngầm trở thành “mỏ vàng” của Thủ đô

Không gian ngầm, nguồn tài nguyên quý báu đang và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại. Do đó, việc sớm hoàn thiện khung pháp lý cho quy hoạch, quản lý và khai thác không gian ngầm đô thị mang ý nghĩa cấp thiết, tạo cơ sở phát triển đô thị bền vững. Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra hai phương án về quản lý, sử dụng không gian ngầm, là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội khai thác không gian lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ.

Phương án đầu tiên là người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội chỉ được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15 m vào lòng đất. Nếu vượt quá mốc này sẽ phải xin cấp phép, phù hợp với quy hoạch, phải trả tiền nếu dùng không gian ngầm để kinh doanh.

Không gian ngầm, nguồn tài nguyên quý báu đang và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại.
Ảnh minh hoạ: Tiền Phong.

Phương án thứ hai là người sử dụng đất ở Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ. Ngoài giới hạn này phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Điểm chung của hai phương án là đều có sự phân vùng chức năng để quản lý, khai thác và sử dụng, từ đó sẽ tạo thành những thành phố ngầm trong lòng thành phố.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội, với không gian ngầm, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang quy định không giới hạn trong phạm vi xây dựng công trình. Tức là ở khu nhà này, không gian ngầm có thể mở rộng ra xung quanh mà không bị giới hạn, từ đó sẽ tạo thành những thành phố ngầm trong lòng thành phố.

Hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. Những thành phố ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà. Ảnh minh hoạ: Nld.

Kinh nghiệm khai thác hiệu quả không gian ngầm ở các nước phát triển cho thấy, để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông ngầm, họ thực hiện kết nối nhiều công trình ngầm của khu đô thị, tòa nhà cao tầng, tạo thành một hệ sinh thái ngầm phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ gắn liền với các công trình ngầm ấy.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho hay, là nước phát triển sau, Việt Nam có lợi thế rất lớn, có thể rút kinh nghiệm từ các nước đi trước trong xây dựng, khai thác không gian ngầm đồng bộ hơn, tiện lợi hơn cho người sử dụng với chi phí xây dựng tiết kiệm hơn. Nếu để doanh nghiệp, người dân tự phát xây dựng các công trình ngầm không theo bộ tiêu chuẩn chung, nhất là về độ sâu của mỗi tầng hầm thì khi kết nối, liên thông giữa các công trình ấy để tạo thành hệ sinh thái dưới lòng đất sẽ tạo ra sự nhấp nhô, thiếu đồng bộ và chúng ta sẽ phải bỏ ra nhiều tiền của, công sức hơn để khắc phục.

Năm 2022, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước đã phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ 1/10.000.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với phương án quản lý, sử dụng không gian ngầm đang tạo cơ hội để đánh thức không gian ngầm, góp phần hạn chế sự quá tải và ách tắc trên mặt đất hiện nay ở Hà Nội. Điều này càng có ý nghĩa khi dự thảo luật phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, là cơ sở quan trọng cho Hà Nội triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm, lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm, khớp nối, kết nối đồng bộ các không gian xây dựng ngầm trên địa bàn.

Hà Nội xử phạt hành chính nhiều trường hợp báo chốt cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát hiện 5 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin về hoạt động của chốt cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, vi phạm pháp luật về hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật". Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thạch Thất đã nhanh chóng xác định nhân thân và mời các trường hợp có hành vi vừa nêu đến trụ sở cơ quan công an để làm việc. Tại cơ quan công an, tất cả các trường hợp đều thừa nhận hành vi vi phạm của mình, cho biết mục đích thông báo là để mọi người biết, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ. Sau khi làm việc với cơ quan công an, các trường hợp này đã nhận thức được vi phạm của bản thân và gỡ bỏ các bài đăng.

Hà Nội xử phạt hành chính nhiều trường hợp báo chốt cảnh sát giao thông trên mạng xã hội. Ảnh: VTV.

Hiện nay, mặc dù các đơn vị nghiệp vụ công an các địa phương đã ngăn chặn, xử phạt nhiều cá nhân đăng tải các bài viết trên mạng xã hội với nội dung thông báo “chốt” cảnh sát giao thông tại các tuyến đường, nhưng vẫn còn tình trạng các hội nhóm báo “chốt” online được lập. Hội nhóm ít thì có vài trăm người tham gia, nhóm nhiều thì lên đến hàng chục nghìn người. Địa điểm, thời gian các chốt tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng được cập nhật liên tục.

Theo quy định, người dân được quyền giám sát đối với hoạt động của công an nhân dân, tuy nhiên việc giám sát phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, việc "báo chốt" sẽ trở thành nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tư. Theo Nghị định 15 năm 2020, cá nhân sẽ xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng, còn tổ chức, tập thể sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, việc thông báo hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông giúp người vi phạm né tránh chốt của lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn gián tiếp "tiếp tay" cho đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí.

Bộ Công an sẽ triển khai tích hợp tính năng cúng dường trực tuyến tới các chùa

Bộ Công an sẽ triển khai tích hợp tính năng "cúng dường trực tuyến" khi đã thu thập đủ danh mục các chùa trên toàn quốc để tạo điều kiện cho phật tử "cúng dường trực tuyến" tới tất cả các chùa trên toàn quốc. Đây là thông tin được đưa ta tại buổi làm việc giữa Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, phật tử.

Để giảm công việc hành chính cho các chư vị tăng ni, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng, Bộ Công an đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý tăng ni, phật tử. Hệ thống gồm có ba phân hệ là: ứng dụng di động cho phật tử, phần mềm quản lý tăng ni, phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cục C06.

Trong ứng dụng di động cho phật tử, C06 đang nghiên cứu triển khai giai đoạn hai đối với việc cúng dường trực tuyến khi đã thu thập đủ danh mục các chùa trên toàn quốc để tạo điều kiện cho phật tử cúng dường tới tất cả các chùa trên toàn quốc.

Để sớm đưa hệ thống đi vào hoạt động, lãnh đạo C06 đề xuất Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong việc thí điểm các chức năng của phần mềm, để đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng ở Bắc Ninh và Thái Nguyên trước khi mở rộng ra toàn quốc; đề nghị các tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được giao sử dụng hệ thống chú ý tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ bí mật cá nhân.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thí điểm cúng dường qua ví điện tử ở một số chùa từ tháng 1/2021. Ban đầu chỉ có vài chùa tham gia như: Phúc Khánh (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật Tích (Bắc Ninh), Đại Tuệ (Nghệ An) nhưng sau đó đã ghi nhận hơn 30 chùa tham gia.

Cán bộ Cục C06 giới thiệu cho tăng ni, phật tử về hệ thống quản lý. Ảnh: C06.

Hiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục duy trì hình thức này ở nhiều nơi như: chùa Yên Phú (Hà Nội), các chùa Bút Tháp, Đồng Kỵ, Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Giác Ngộ (thành phố Hồ Chí Minh), thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai), thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (thành phố Cần Thơ).

Thay cho thói quen phải đổi tiền lẻ để đi lễ chùa, bạn chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh và quét mã QR là đã có thể cúng dường online. Số hóa việc cúng dường đang ngày càng được nhiều người đón nhận. Những năm gần đây, việc cúng dường bằng cách quét mã QR cũng đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc. Việc cúng dường qua ví điện tử không chỉ giúp phật tử thuận lợi hơn trong cúng dường mà giúp dễ dàng minh bạch số tiền công đức và khắc phục các tồn tại trong văn hóa lễ chùa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.