Đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân, có khả thi? | Hà Nội tin mỗi chiều

Đề xuất của Bộ Y tế đóng bảo hiểm y tế tế cho người thân; Người dùng toàn cầu hoang mang vì Facebook bị sập do sự cố kỹ thuật... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Đề xuất của Bộ Y tế đóng bảo hiểm y tế cho người thân

Đưa thân nhân lao động vào diện đóng Bảo hiểm y tế bắt buộc, Nhà nước hỗ trợ 30%, 70% còn lại do chủ doanh nghiệp cùng lao động chi trả – Đây là đề xuất của Bộ Y tế để tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế hướng đến Bảo hiểm y tế toàn dân. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là phía các doanh nghiệp.

Báo cáo Đánh giá tác động dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất mở rộng diện bao phủ trong bối cảnh mới đạt 92% dân số tham gia Bảo hiểm y tế, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng lên ít nhất 95%. Theo đó, Bộ Y tế có đề xuất phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng bảo hiểm y tế bắt buộc. Bộ Y tế đánh giá phương án này mở rộng diện bao phủ, cải thiện sức khỏe người dân, góp phần tăng nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động. Quỹ Bảo hiểm y tế cũng có thêm nguồn thu, nhà nước giảm gánh nặng chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội sau này. Tính riêng quy định đưa thân nhân lao động vào diện đóng bắt buộc giúp tăng từ gần 1.160 tỷ đến hơn 3.800 tỷ đồng.

Bộ Y tế đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân. Ảnh minh họa

Song phương án vừa nêu tác động lớn đến chi phí xã hội. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm ngân sách nhà nước chi thêm từ 348 tỷ đến  hơn 1.140 tỷ đồng nếu hỗ trợ 30% mức đóng cho thân nhân người lao động. Doanh nghiệp mỗi năm tăng chi từ 541 tỷ đến hơn 1.780 tỷ đồng, bù lại bớt gánh nặng giải quyết phát sinh của lao động như nghỉ phép chăm người nhà ốm. Khi người thân được Bảo hiểm y tế chăm lo, lao động sẽ an tâm sản xuất và cống hiến cho doanh nghiệp. Do đó, đa phần người lao động tại các doanh nghiệp đều hào hứng với đề xuất này.

Tuy nhiên, về phía chủ sử dụng lao động, họ cho rằng đây là cản trở lớn với doanh nghiệp. Nếu phải đóng bảo hiểm y tế cho người thân của người lao động thì ước tính mỗi năm doanh nghiệp sẽ phải chi khoảng 1,2 triệu đồng/người. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thuỷ sản, da giầy có số lượng lao động rất lớn. Tiền đóng các khoản bảo hiểm và phí công đoàn đã cao hơn hẳn các nước trong khu vực và cả Châu Á. Đa phần các doanh nghiệp cho rằng nếu phải gánh thêm khoản phí Bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động nữa thì sẽ quá sức.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đề xuất là nhân văn nhưng chỉ nên khuyến khích để doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện. Thay vì việc áp dụng bắt buộc sẽ tạo sự khiên cưỡng và gây sức ép lên doanh nghiệp. Hiện trên thế giới cũng không có nước nào bắt buộc doanh nghiệp đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Hiện nay, có khoảng 8% dân số còn lại của nước ta chưa tham gia bảo hiểm y tế, chủ yếu là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế; chỉ khi ốm đau mới mua. Tấm thẻ Bảo hiểm y tế quan trọng nhưng nhiều người vẫn ngần ngại, thậm chí còn có khái niệm "thuốc trong bảo hiểm", cho thấy vẫn có sự nghi ngờ về chất lượng thuốc được Bảo hiểm y tế cấp. Để người dân tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là tham gia một cách bền vững, yếu tố quan trọng là chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân.

Người dùng toàn cầu hoang mang vì Facebook bị sập do sự cố kỹ thuật

Tối qua, hàng triệu người dùng trên toàn cầu đã có thoáng chốc giật mình khi tài khoản Facebook, Instagram của mình gặp sự cố kỹ thuật. Những thông báo lỗi thì muôn hình vạn trạng. Có người được yêu cầu nhập lại mật khẩu nhưng nhập xong cũng không vào được. Có người thấy màn hình tối đen nên tưởng máy mình lỗi, có người lại thấy ứng dụng thông báo là không có kết nối mạng dù lướt web vẫn được.

Tính tới thời điểm 22h34 phút tối 5/3 giờ Việt Nam, có tới hơn 125.000 lượt báo cáo về lỗi Facebook bị sập. Vào đỉnh điểm, đã có hơn 550.000 báo cáo về sự gián đoạn của Facebook và khoảng 92.000 báo cáo đối với Instagram. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng của Mỹ cho biết cơ quan này theo dõi vụ việc của Facebook và không nhận thấy bất kỳ hoạt động mạng độc hại cụ thể nào vào thời điểm đó.

Tối qua, có lẽ nhiều người đã nghĩ đến khả năng bị hacker tấn công dẫn đến mất tài khoản Facebook nên đã xuất hiện nhiều đăng tải bày tỏ sự hoang mang trên Zalo về sự cố này. Nhiều người dùng hoảng hốt tìm cách đổi mật khẩu, báo cáo từ tài khoản khác, hay sử dụng mã đăng nhập được gửi từ Facebook, nhưng mọi cách thử đăng nhập vào tài khoản người dùng lúc đó gần như vô dụng. Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng nên kiên nhẫn và chờ đợi thông báo chính thức từ Facebook. Đồng thời, hãy cảnh giác với bất kỳ email hoặc thông báo giả mạo nào nhằm mục đích lợi dụng sự cố kỹ thuật này để thực hiện các hành vi lừa đảo. Năm 2021, Facebook cũng gặp lỗi tương tự khi hàng loạt dịch vụ của công ty không thể truy cập trên mọi nền tảng và ở nhiều khu vực toàn cầu, kéo dài trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Khi đó, đơn vị chủ quản cho biết vấn đề xảy ra do lỗi cấu hình trên hệ thống. Năm 2019, phiên bản web của Facebook cũng mất kết nối trong 24 tiếng.

Nhiều người dùng đang hoảng hốt tìm cách đổi mật khẩu trong vô vọng.

Sự cố kéo dài khoảng một tiếng tối qua cũng đã khiến tài sản của tỷ phú Mark Zuckerberg – CEO của Facebook, giảm 2,8 tỷ USD. Trong phiên giao dịch 5/3, cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, giảm 1,6% xuống còn 490,22 USD/cổ phiếu. Meta tuyên bố tập đoàn này đang tiến hành điều tra tình trạng ngừng hoạt động trên diện rộng của các nền tảng Facebook, Instagram và Threads sau khi người dùng trên toàn cầu không thể truy cập tài khoản cá nhân.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Facebook là nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới với 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, trong khi Instagram thu hút khoảng hơn 1,3 tỷ người dùng. Tại Việt Nam, Facebook mới xuất hiện năm 2009 nhưng đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội này đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân.

Không thể phủ nhận Facebook đang là công cụ hữu hiệu giúp kết nối mọi người trên toàn thế giới. Vượt qua mọi thứ rào cản, mạng xã hội này là cầu nối giúp mọi người trở nên đồng cảm, gần gũi với nhau hơn.  Facebook còn là nơi để nhiều người trao đổi công việc, buôn bán trực tuyến.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên lên Facebook, người dùng rất có thể gặp phải tình trạng lừa đảo, đọc phải tin giả, những phát ngôn thù hằn, hay Facebook sẽ chiếm lấy thời gian của chúng ta. Một số người dùng "không thể kiểm soát thời gian họ dành cho Facebook" và do đó họ gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống. Những vấn đề này bao gồm: khi mọi người ngừng hoàn thành các nhiệm vụ trong cuộc sống để thường xuyên kiểm tra Facebook, hiệu quả công việc sẽ giảm xuống; khi họ thức khuya để sử dụng ứng dụng, họ sẽ mất ngủ; khi mọi người sử dụng thời gian trực tuyến thay vì dành thời gian cho nhau, mối quan hệ giữa các cá nhân sẽ xấu đi. Trong một số trường hợp, cha mẹ chú ý đến Facebook hơn là để chăm sóc hoặc giao tiếp với con cái của họ.

Với khoảng một tiếng Facebook gặp sự cố đã khiến nhiều người hoảng hốt, nhất là những người quá phục thuộc vào mạng xã hội này. Thực tế, sự cố hệ thống, hacker xâm nhập, mất hoàn toàn tài khoản mạng xã hội là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Vì thế, để có thể phát triển và duy trì các mối quan hệ cũng như không để mạng xã hội làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, cả tôi và bạn cần có những thời gian biểu phù hợp cho chính mình để không trở thành nô lệ của mạng xã hội này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Đây là yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; 5 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; Từ 2/5, thí sinh đăng ký thi tốt THPT năm 2024... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục; Từ 2/5, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng du khách không tăng đột biến... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Việt Nam thu hút thêm gần 9,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội thu hút gần 1,2 tỷ USD; Nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu dịp nghỉ lễ đang diễn ra tại Hà Nội; Người dân cần cảnh giác chiêu trò lừa đảo dịp lễ là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.