Đề xuất hoà bình cho Gaza của Mỹ liệu có khả thi?

Khi Israel kiên quyết với mục tiêu phải tiêu diệt Hamas, còn Hamas muốn Israel lập tức rút quân khỏi Gaza, kế hoạch hoà bình mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra là điều xa vời.

Kế hoạch của Tổng thống Biden có gì đặc biệt?

Kế hoạch của Tổng thống Joe Biden đề xuất các bên đàm phán theo ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần, bao gồm lệnh ngừng bắn đầy đủ và hoàn chỉnh, như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza; Hamas thả một số con tin bao gồm phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine.

Giai đoạn thứ hai được Tổng thống Biden miêu tả là giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn này là trao đổi con tin Israel và tù nhân Palestine, tiến hành đợt viện trợ nhân đạo để hỗ trợ những người đang đối mặt với nạn đói ở Dải Gaza và những người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel.

Giai đoạn thứ ba là thực thi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, tạo điều kiện cho việc tái thiết khu vực Gaza. Trong thỏa thuận tái thiết Gaza, Mỹ, các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế sẽ tham gia đảm bảo Hamas không tái vũ trang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch hòa bình cho Gaza.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Biden đã nhiều lần đề xuất các kế hoạch ngừng bắn tương tự như kế hoạch ngày 31/5, song tất cả đều thất bại. Hồi tháng 2, ông cho biết Israel đã đồng ý ngừng giao tranh vào dịp lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 10/3. Tuy nhiên, không có thỏa thuận ngừng bắn nào như vậy được thực hiện.

Theo các nhà quan sát, kế hoạch mà Tổng thống Biden đưa ra lần này không khác nhiều so với đề xuất trước đó của Israel mà Hamas đã nhất trí vào cuối tháng 4. Mặc dù ông Biden mô tả kế hoạch hòa bình là một đề xuất của Israel, tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định rằng đây có thể là tín hiệu mà Mỹ muốn gửi đến Israel rằng Washington đang tìm cách ngăn chặn xung đột. Lời kêu gọi này dường như được đưa ra để gây áp lực buộc chính phủ Israel cũng như Hamas phải ngồi vào bàn đàm phán.

Điều này mở đường cho một giải pháp chính trị mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho cả người Israel và người Palestine.

Israel đã đưa ra đề xuất của họ. Hamas nói rằng họ muốn ngừng bắn. Đề xuất này là cơ hội để chứng minh liệu họ có thực sự nghiêm túc hay không. Hamas cần phải chấp nhận đề xuất này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho rằng đề xuất mà Tổng thống Mỹ đưa ra có sự khác biệt so với trước đây, và đây là khoảnh khắc cần phải nắm bắt để chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột.

Đề xuất mới nhất được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa Israel và Hamas dường như vẫn rơi vào bế tắc. Tính đến cuối tháng 5, đã có hơn 36.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 80.000 bị thương do xung đột. Tình hình nhân đạo ở Gaza ngày càng trở nên tồi tệ. Ít nhất 1 triệu người đã sơ tán khỏi Rafah khi Israel tiếp tục cuộc tấn công vào thành phố này.

Tình hình nhân đạo ở Gaza ngày càng trở nên tồi tệ.

Bất đồng về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ

Có hai luồng ý kiến khác nhau về kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Mỹ công bố.

Một số chính trị gia Israel và gia đình của những con tin, cũng như cộng đồng quốc tế, lên tiếng ủng hộ kế hoạch.

Israel đồng ý đề xuất vì muốn tất cả các con tin được thả.

Hôm 2/6, trả lời phỏng vấn tờ Sunday Times của Anh, ông Ophir Falk, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, xác nhận Israel chấp nhận kế hoạch hòa bình Gaza mà Mỹ công bố hôm 31/5.

Ông Falk cho rằng đề xuất mà Mỹ công bố mặc dù còn nhiều lỗ hổng và cần phải hoàn thiện thêm, tuy nhiên Israel đồng ý vì muốn tất cả các con tin được thả. Lý do Thủ tướng Netanyahu đưa ra quyết định đồng ý với kế hoạch này một phần cũng là do sức ép từ những người Israel có người thân bị Hamas bắt làm con tin.

Tuyên bố của ông Ophir Falk là tuyên bố đầu tiên một quan chức Israel xác nhận đồng ý với kế hoạch ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố. Tuy nhiên, ông Ophir cũng nhấn mạnh lại quan điểm của Thủ tướng Netanyahu rằng "sẽ không có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho đến khi tất cả các mục tiêu của Israel được đáp ứng".

Quan điểm của Thủ tướng Netanyahu là sẽ không có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho đến khi tất cả các mục tiêu của Israel được đáp ứng.

Trước đó, ông Benny Gantz, lãnh đạo Đảng Đoàn kết Dân tộc đối lập, đối thủ chính của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã nhận xét tích cực về kế hoạch này. Ông kêu gọi các thành viên trong Nội các chiến tranh – ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant - thảo luận về các bước tiếp theo.

Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid cũng cam kết sẽ ủng hộ kế hoạch này.

Ông Benny Gantz, lãnh đạo Đảng Đoàn kết Dân tộc đối lập, đối thủ chính của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã nhận xét tích cực về kế hoạch này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo nước láng giềng Ai Cập và các đồng minh của Israel như Anh, Đức cho biết tán thành kế hoạch này. Các nhà lãnh đạo của nhóm G7 hôm 3/6 cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ kế hoạch này của Tổng thống Biden và kêu gọi Hamas chấp nhận kế hoạch.

Đây là tin rất đáng mừng và tôi hy vọng Hamas sẽ nắm bắt cơ hội này để hoàn tất thỏa thuận đang được thảo luận, đảm bảo rằng các con tin có thể được thả và trở về với gia đình, rằng chúng ta có thể cung cấp nhiều viện trợ hơn cho Gaza.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Trong khi đó, một số thành viên thuộc phe dân tộc cực đoan trong chính phủ liên minh cầm quyền tại Israel cật lực phản đối kế hoạch này. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cùng cảnh báo sẽ lập tức rút khỏi chính phủ liên minh, nếu Israel tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Hamas theo đề xuất mới.

Hai quan chức này của Israel cho rằng một thỏa thuận như vậy sẽ giúp cho chủ nghĩa khủng bố chiến thắng và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Israel.

Điều này cho thấy sự bất đồng gia tăng trong nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu về hướng đi tiếp theo của Israel trong cuộc xung đột. Trước đó, cựu Tổng Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Israel Benny Gantz đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu, rằng, nếu ông Netanyahu không phê duyệt kế hoạch hành động 6 điểm liên quan giai đoạn hậu xung đột ở Dải Gaza do ông này đưa ra trước hạn chót là ngày 8/6, ông sẽ rút lui khỏi nội các.

Kế hoạch của Tổng thống Biden vấp phải ý kiến phản đối trong nội bộ nội các chiến tranh Israel.

Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực phải duy trì chính phủ liên minh bị chia rẽ. Một bên là hai đối tác cực hữu đã đe dọa sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào mà họ cho là có lợi cho Hamas, còn một bên là đối tác trung hoà, cựu tướng Benny Gantz, muốn đề xuất này được xem xét.

Trong khi đó, áp lực từ những người Israel có người thân bị Hamas bắt làm con tin ngày càng tăng khi các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên hơn yêu cầu chính phủ Israel phải chấp nhận đề xuất này để đưa các con tin về nhà.

Làm thế nào để xoa dịu căng thẳng giữa các bên mà vẫn đảm bảo mục tiêu ban đầu của Israel “tiêu diệt Hamas, giải cứu con tin” là thế khó mà Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt.

Về phía phong trào Hồi giáo Hamas, ngày 2/6, quan chức của Hamas, Osama Hamdan cho biết kế hoạch hòa bình của Tổng thống Biden bao gồm những ý tưởng tích cực, nhưng Hamas muốn điều này thành hiện thực trong khuôn khổ một thỏa thuận toàn diện đáp ứng nhu cầu của họ.

Điều mà Hamas muốn là đảm bảo chấm dứt cuộc tấn công ở Gaza, Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza, tái thiết dải đất này. Hamas cho biết sẽ xem xét kế hoạch này với cái nhìn “tích cực”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu họ có chấp nhận đề xuất này hay không. Ông Osama Hamdan cho biết hiện Hamas vẫn chưa nhận được kế hoạch này bằng văn bản từ Mỹ.

Israel kiểm soát biên giới Gaza – Ai cập

Liên quan tình hình chiến sự tại Gaza, thời gian gần đây, Israel tiếp tục tấn công vào nhiều mục tiêu ở cả miền Bắc và miền Nam Gaza. Tại miền Nam Gaza, Israel cho biết đã giành quyền kiểm soát toàn bộ biên giới Gaza - Ai Cập.

Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari tuyên bố lực lượng Israel đã nắm quyền "kiểm soát hoạt động" hành lang Philadelphi chiến lược dài 14 km dọc biên giới Gaza - Ai Cập và "phát hiện khoảng 20 đường hầm".

Israel tiếp tục tấn công vào nhiều mục tiêu ở cả miền Bắc và miền Nam Gaza.

Hành lang này từng là vùng đệm giữa Gaza và Ai Cập, được cho là kênh cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang trên vùng lãnh thổ này kể từ khi Israel rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005. Phía Ai Cập đã bác bỏ tuyên bố trên và cho rằng Israel sử dụng cáo buộc về các đường hầm nằm dưới hành lang biên giới để che đậy cho cuộc tấn công Rafah của mình.

Ngày 3/6, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết cửa khẩu biên giới Rafah, đóng vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng viện trợ từ Ai Cập vào Gaza, sẽ không thể hoạt động trở lại trừ khi Israel trao lại quyền kiểm soát cho người Palestine ở phía Gaza.

Lập trường và chính sách rõ ràng của Ai Cập là từ chối sự hiện diện của Israel tại cửa khẩu Rafah. Cửa khẩu Rafah là cửa khẩu duy nhất giữa người Palestine và thế giới bên ngoài. Các cửa khẩu còn lại của Israel đều đóng cửa đối với người Palestine và việc người Palestine di chuyển vì nhu cầu giáo dục hoặc điều trị y tế trước đây đều phải đi qua Ai Cập.

Cửa khẩu Rafah khó có thể tiếp tục hoạt động nếu không có sự quản lý của chính quyền Palestine ở phía Palestine. Đây sẽ là một phần trong bất kỳ giải pháp nào cho tình hình hiện tại.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry.

Từ đầu tháng 5, Israel bắt đầu cuộc tấn công vào Rafah với mục tiêu tiêu diệt tận gốc phong trào Hồi giáo Hamas, bất chấp sự phản đối của các nước và đồng minh lo ngại về số phận những người tị nạn đang ẩn náu tại đây.

Trong tuần trước, Israel đã tấn công vào một trại tị nạn ở Rafah, gây hỏa hoạn nghiêm trọng, khiến hơn 50 người tử vong và khoảng 250 người bị thương. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng phản đối vụ tấn công của Israel, yêu cầu "nỗi kinh hoàng này phải chấm dứt".

Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi cho biết cuộc chiến có thể tiếp diễn thêm 7 tháng nữa để củng cố thành quả của Israel và đạt được mục tiêu mà nước này đã xác định là tiêu diệt lực lượng Hamas.

Israel đã chiếm 32% diện tích Gaza bằng cách "phá hủy một cách có hệ thống các khu dân cư".

Hôm 1/6, Cơ quan xác minh Sanad của Al Jazeera cho biết Israel đã chiếm khoảng 32% diện tích Gaza bằng cách "phá hủy một cách có hệ thống các khu dân cư" để tạo ra vùng đệm và trục trung tâm phân chia khu vực này.\

Phân tích hình ảnh vệ tinh của Sanad cho thấy tỷ lệ phá hủy lên tới 80 - 90% trong phạm vi 120 km2 ở Gaza, diễn ra thông qua các cuộc không kích, tấn công bằng pháo binh và máy ủi. Khi cuộc tấn công của Israel vào Gaza vẫn chưa kết thúc, vùng lãnh thổ có thể bị thu hẹp hơn nữa.

Theo Liên hợp quốc, khoảng 85% dân số Dải Gaza - tương đương 1,9 triệu người - đã phải sơ tán. Một nửa trong số họ đã phải di dời chỉ trong tháng 5.

Giữa lúc chiến sự vẫn diễn biến phức tạp làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo khẩn cấp trên Dải Gaza, các nhà hòa giải bao gồm Ai Cập, Mỹ và Qatar đã ra tuyên bố chung, trong đó tiếp tục kêu gọi Israel và Hamas thực hiện các bước cần thiết để thông qua thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin dựa trên kế hoạch mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố.

Tuy nhiên, trong khi Israel kiên quyết với mục tiêu phải tiêu diệt Hamas, còn phía Hamas muốn Israel lập tức rút quân khỏi Gaza, thì thế giằng co giữa hai bên sẽ không thể chấm dứt một sớm một chiều. Do đó, việc đi đến thống nhất về lệnh ngừng bắn lâu dài cho Gaza là điều còn khá xa vời.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.