Đêm nhạc 'Miền xa thẳm' sẽ vượt ranh giới của sân khấu
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đài Hà Nội sẽ thực hiện một chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt mang tên “Miền xa thẳm”. Với nhiều ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo, nhà báo Ngô Thanh - Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản kỳ vọng đêm nhạc sẽ vượt qua ranh giới của sân khấu và chạm đến trái tim của khán giả.
Sân khấu đặc biệt, hình ảnh ấn tượng
Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Miền xa thẳm” tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu, viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc.
Điểm đặc biệt của “Miền xa thẳm” là ngoài biểu diễn ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, chương trình còn kết nối với năm điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Đây đều là những nơi mang tính biểu tượng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các anh hùng - liệt sĩ.
Nói về lý do lựa chọn các địa điểm này, Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản chương trình – Nhà báo Ngô Thanh chia sẻ: “Việc lựa chọn những địa điểm này nhằm tạo ra một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hy sinh và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống”.
Theo nhà báo Ngô Thanh, sân khấu là điều khiến cho những người làm chương trình trăn trở. Hình ảnh mang tính biểu tượng của chương trình là tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" được đặt tại vườn hoa Vạn Xuân, Hà Nội.
Theo nhà báo Ngô Thanh: “Tượng đài này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một biểu tượng mạnh mẽ về tinh thần yêu nước, về sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Tính chất anh hùng cách mạng thể hiện ngay trên sân khấu và phía đằng sau là dải cờ đỏ, biểu tượng cho lá cờ đỏ của Tổ quốc và dòng máu nóng của các liệt sĩ đã ngã xuống để đất nước độc lập và hòa bình như ngày hôm nay.
Chúng tôi mong muốn thông qua hình ảnh này truyền tải đến khán giả thông điệp về lòng biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ và khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người”.
Âm nhạc - linh hồn của “Miền xa thẳm”
Bên cạnh phần hình ảnh, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành công của "Miền xa thẳm". Dù đã làm nhiều chương trình của Đài Hà Nội, nhưng nhạc sỹ Thành Vương vẫn bồi hồi cảm xúc khi làm chương trình "Miền xa thẳm".
Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Thành Vương tiết lộ: "Đối với tôi, khi cầm một bài hát cách mạng, tôi nghĩ các nhạc sĩ đi trước thường viết lối hơi cổ điển, thính phòng, hơi học thuật. Đó cũng chính là thứ tôi phải nghiên cứu trong mảng nhạc khí, mang lại nhiều âm sắc nhạc cụ để hỗ trợ tốt nhất cho bài hát.
Chương trình lần này tôi sử dụng nhiều bộ gỗ, kèn đồng, đàn dây. Ở đây chúng tôi có dàn nhạc chuẩn của dàn nhạc semi-classic và ban nhạc điện tử để thể hiện theo ngôn ngữ trẻ hơn của chúng tôi bây giờ”.
“Miền xa thẳm” - Hơn cả một chương trình nghệ thuật
Chương trình “Miền xa thẳm” có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm xúc động, kể về những câu chuyện hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đó là câu chuyện về ông Trần Văn Trà, khi đi ngược dòng sông lên vùng thượng nguồn sông Đồng Nai; câu chuyện về đoàn khảo sát của nông trường đi mở đất khai hoang thì gặp ba bộ hài cốt khô trên ba cánh võng. Toàn bộ bí mật về sự hy sinh của các anh bộ đội được hé mở trong một lá thư. Lá thư đó đã được nhà báo Ngô Thanh nghệ thuật hóa và viết thành tiểu phẩm mang tên “Bức tâm thư gửi cho hậu thế”.
Tổng đạo diễn chương trình “Miền xa thẳm” kỳ vọng tiểu phẩm “Bức tâm thư gửi cho hậu thế” sẽ lấy được nước mắt, cảm xúc của khán giả. Từ đó, người xem sẽ càng thêm trân trọng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
Theo nhà báo Ngô Thanh, cái khó của những người tổ chức chương trình là phải làm một chương trình có cảm xúc nhưng phải đảm bảo được sự kiểm soát.
Rộng hơn nữa, vượt ra khỏi ranh giới của sân khấu, nhà báo Ngô Thanh mong muốn chương trình sẽ tạo dư âm đặc biệt cho khán giả. Đó là mỗi người sẽ tự ý thức được trách nhiệm của mình sau khi được chứng kiến, lắng nghe, thưởng thức những ca khúc về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và càng ý thức trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc ngày hôm nay.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng, công phu và tâm huyết của ê-kíp thực hiện, "Miền xa thẳm" được kỳ vọng không chỉ là một chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ mà còn là một nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ hôm nay.
Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Miền xa thẳm" sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày 30/7/2024 trên kênh H1, kênh phát thanh FM96, ứng dụng Hà Nội ON và các nền tảng số của Đài Hà Nội.
Những ngày này, với ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 - siêu bão mang tên Yagi, một phần của giang sơn gấm vóc Việt Nam đang mang trên mình những vết thương do mẹ thiên nhiên mang lại. Khi ta hiểu về đất nước, sẽ càng tự hào hơn về non sông tươi đẹp và thống nhất của Việt Nam, càng đồng lòng chung sức để gìn giữ, nâng niu, để hàn gắn vết thương do tâm bão đi qua đã để lại, để xây dựng tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh…
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/ 10-10-2024), chương trình nghệ thuật chính luận "Việt Nam giang sơn gấm vóc" của Đài Hà Nội sẽ mang tới cho khán giả những ca khúc mang tính sử thi hào hùng của dân tộc.
Bộ phim "The Room Next Door" của đạo diễn Pedro Almodovar đã giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice vào thứ Bảy (7/9).
Đường đua tranh giải Cánh diều 2024 chứng kiến màn đấu song mã của "Mai" và "Đào, phở và piano".
Sáng 6/9, diễn viên Anh Đức đã tổ chức lễ ăn hỏi với bạn gái kém 12 tuổi - diễn viên Quỳnh Anh, sau 5 tháng công khai hẹn hò.
Sau 7 năm tạm dừng hoạt động kể từ sự ra đi của thủ lĩnh là Chester Bennington vào năm 2017, Linkin Park - nhóm nhạc rock thành công nhất mọi thời đại đã có sự trở lại mạnh mẽ, khiến người hâm mộ trên toàn thế giới bất ngờ.
0