Đến 2030 công nghiệp Văn hoá sẽ đóng góp 7% GDP | Hà Nội tin mỗi chiều

Đến 2030 công nghiệp Văn hoá sẽ đóng góp 7% GDP; Người phụ nữ 39 tuổi được tuyển chọn làm thượng úy công an... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Đến 2030 công nghiệp Văn hoá sẽ đóng góp 7% GDP 

Đó là mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày hôm qua 22/12. Việt Nam phải làm gì để đạt được mục tiêu này, khi mà năm 2022, giá trị đóng góp của ngành này mới đạt trên 4%? Nhiều địa phương thậm chí đang ở xuất phát điểm. Trong khi đó, chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá.

Chúng ta tự hào về một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, nhưng thực chất Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Chỉ hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink tại Hà Nội mang về doanh thu 630 tỷ đồng từ khách du lịch. Con số cho thấy sức hút của ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam không hề nhỏ. Nhưng con số cũng cho thấy sức hút không hề nhỏ đó chưa đến từ văn hóa Việt Nam.

Ảnh minh họa

Mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước. Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung.

Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng, đầu tư văn hóa chưa đúng mức, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn. Do đó, chiến lược cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ trung ương đến cơ sở; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý văn hóa theo hướng tinh giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; gắn văn hóa với du lịch, các sản phẩm công nghiệp văn hóa phải mang yếu tố sáng tạo. Các bộ, ngành, địa phương liên quan phải quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Chú trọng các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mang tính sáng tạo như điện ảnh, thiết kế, quảng cáo… Cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này về thuế, đất đai, vay vốn ngân hàng. Phát triển công nghiệp văn hóa là việc làm lâu dài, căn cơ, phải thực hiện từng bước và cần có lộ trình cụ thể.

Người phụ nữ 39 tuổi được tuyển chọn làm thượng úy công an

Một nữ cán bộ công an xã bán chuyên trách đang công tác tại xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, vừa được tuyển vào Công an tỉnh Bình Dương và được phong quân hàm thượng úy. Đó là chị Lê Ngọc Thu, 39 tuổi, là cán bộ công an xã bán chuyên trách, đã 13 năm công tác tại Công an xã Tân Mỹ, vừa được tuyển dụng. Sự việc thu hút sự quan tâm của các cán bộ công an bán chuyên trách, bởi sau thời gian dài công tác, họ đã được ghi nhận.

Đại tá Nguyễn Văn Dựt trao quyết định và tặng hoa chúc mừng chị Lê Ngọc Thu. Ảnh: Công an tỉnh Bình Dương

Lực lượng vũ trang có những tiêu chuẩn khắt khe trong tuyển dụng và thực thi công việc. Do đó, chủ trương tuyển dụng đối tượng là những công an viên bán chuyên trách, với nhiều người là bước ngoặt lớn, bởi họ sẽ có cơ hội tiếp tục thực hiện đam mê, hoài bão khi chưa có điều kiện được học hành bài bản, chính quy. Thực tế, việc tuyển dụng lực lượng công an bán chuyên trách ở địa phương và lực lượng công an chính quy đã được các địa phương áp dụng trong thời gian qua, tuy nhiên số được tuyển dụng chưa nhiều. Những người được tuyển dụng cần phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn như: có bằng trung cấp công an trở lên, có lý tưởng vững vàng, sức khỏe tốt, tuổi không quá 40, đóng góp cho công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương... Ưu tiên những người là trưởng, phó công an xã bán chuyên trách. Những người được tuyển dụng cần tiếp tục rèn luyện, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cách đây 5 tháng, tại Lễ phát động phong trào “Đăng ký hiến mô tạng cứu người - Cho đi là còn mãi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu phát động hiến mô tạng. Đáng nói, tại sự kiện, Thủ tướng đã đăng ký hiến mô, tạng của mình. Hành động này của Thủ tướng đã thức tỉnh nhiều người về việc sẵn sàng đăng ký hiến mô tạng để hồi sinh sự sống cho những người bệnh.

Phố lên đèn cũng là lúc bữa tiệc của những tay chơi bắt đầu. Những âm thanh chát chúa vang lên. Tất nhiên không thể thiếu đồ uống có cồn và cả bóng cười. Thoạt nhìn, những quả bóng được thổi lên chẳng khác nào chiếc bóng bay thông thường. Nhưng bên trong nó lại không hề đơn giản.

Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen” rác thải. Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?