Đến năm 2035 Hà Nội sẽ có 400 km đường sắt đô thị | Hà Nội tin mỗi chiều

Đến năm 2035 Hà Nội sẽ có 400 km đường sắt đô thị; Quảng cáo ngoài trời cần được quy hoạch để phát triển; Hà Nội quyết tâm khắc phục ô nhiễm không khí... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Đến năm 2035 Hà Nội sẽ có 400 km đường sắt đô thị

Ngày 11/4, tại Hội thảo “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”, UBND thành phố đã đặt mục tiêu Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) ưu tiên cho đường sắt đô thị.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, đây là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn.

Thực tế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000 - 36.000 hành khách. Giờ cao điểm đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%.

Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035 sẽ hoàn thành 400 km đường sắt. Mục tiêu này với Hà Nội không đơn giản, vì cần tạo ra đột phá và phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Ảnh: Nguoiduatin

Theo TS Mai Thị Mai, Phó Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, muốn dự án TOD thành công cần mở rộng không gian liên kết, lấy trung tâm là Ga Hà Nội, tuyến đường sắt xuyên qua trung tâm thành phố là trục kết nối tích hợp đa mục tiêu, đa lợi ích, đa ngành, tạo thành tuyến vòng tròn dài 15km từ Ga Hà Nội qua Hàng Bài, qua ngầm Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng tới Ga Gia Lâm quay về ga Hà Nội. Với việc mở rộng kết nối, đường sắt ngoại ô sẽ kết nối hiệu quả với đường sắt đô thị.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, quy định về sử dụng không gian ngầm được đưa vào khá rõ trong dự thảo Luật Thủ đô (Điều 21). Sau này không chỉ có đường sắt đô thị đi ngầm mà các công trình giao thông trong nội đô cũng có thể đi ngầm, như thế sẽ tiếp tục gia tăng giá trị thặng dư về sử dụng đất.

TS Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty Luật Vietthink cho rằng, câu chuyện đường sắt đô thị của Hà Nội vừa qua là câu chuyện của vấn đề quy hoạch. Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như: phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần; quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực để triển khai đồng bộ các dự án thành phần; lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này...

Ước tính mỗi năm, Hà Nội bị thiệt hại từ 2-3 tỷ USD do ùn tắc giao thông. Mạng lưới đường sắt đô thị là xương sống của hệ thống giao thông tại nhiều đô thị trên thế giới, giúp giải quyết được các bài toán về ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án theo mô hình TOD không phải là “cây đũa thần” có thể áp dụng ở tất cả các nhà ga hay tuyến đường sắt đô thị, mà cần có đánh giá, sự lựa chọn áp dụng thí điểm ở một số khu vực ngoại thành, trước khi nhân rộng; hạn chế áp dụng ở những khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số cao.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã ghi nhận một cách tương đối đầy đủ về cơ sở pháp lý cho việc vận hành mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cho thấy được tầm nhìn chiến lược và rất tiến bộ trong việc quyết tâm triển khai và áp dụng mô hình TOD ở Thủ đô Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy làm đường sắt đô thị và sự quyết tâm rất cao của chính quyền; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, huy động sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước để đổi mới cách làm và xây dựng những phương án xây dựng khả thi nhất cho dự án.

Quảng cáo ngoài trời cần được quy hoạch để phát triển

Theo Hiệp hội Quảng cáo thành phố Hà Nội, ngành quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành Công nghiệp văn hóa mang lại doanh thu cao ở Việt Nam. Riêng tại Hà Nội, đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó có 200-250 đơn vị hoạt động thường xuyên.

Hiện nay, thị trường quảng cáo ngoài trời ở nước ta đang được coi là mảnh đất kinh doanh chưa thực sự “màu mỡ”. Nguyên do chủ yếu là việc Nhà nước hiện đang quản lý khá chặt không gian và hình thức quảng cáo, khiến cho việc thực thi các chiến dịch quảng cáo mang tính sáng tạo cao trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ngoài ra, các hoạt động quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến việc hàng loạt các biển bảng quảng cáo mọc lên một cách tự phát và lộn xộn, gây mất hình ảnh, mỹ quan đô thị khu vực. Điều này gần như là một hạn chế rất lớn, bởi nếu được quy hoạch một cách bài bản và hợp lý, quảng cáo ngoài trời không những mang lại giá trị truyền thông thương mại, chính trị mà còn khiến cho bộ mặt khu đô thị, thành phố trở nên ấn tượng và đẹp mắt hơn bao giờ hết.

Hiện nay, những quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập. Ảnh: Wewinmedia

Để hoạt động quảng cáo hiệu quả, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam kiến nghị, trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cần có các quy định để tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.

Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Hà Nội Trần Anh Tuấn cho rằng, một số quy định trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn mang tính định tính gây những cách hiểu khác nhau trong quá trình quản lý và việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tại Hà Nội hiện nay biển quảng cáo tấm lớn độc lập ngoài trời vẫn chưa được tiếp nhận hồ sơ thông báo. Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, ông Tuấn nhấn mạnh, quy hoạch biển quảng cáo ngoài trời phải được coi trọng như những quy hoạch của các ngành khác như quy hoạch bất động sản, quy hoạch các khu công nghiệp.

Xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời cần mang tính dài hạn, gắn với quy hoạch phát triển đô thị để các doanh nghiệp quảng cáo xây dựng kế hoạch phát triển, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường thông qua quảng cáo; đảm bảo sự thống nhất, tính công khai, minh bạch trong công tác cấp phép xây dựng công trình quảng cáo và xử phạt vi phạm liên quan. Nếu các địa phương tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời thì không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước mà còn giúp đảm bảo cảnh quan đô thị. Việc nâng tầm quảng cáo ngoài trời cũng nhằm mục tiêu hình thành hệ thống tuyên truyền đồng bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo thương mại ngoài trời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Ngoài Luật Quảng cáo thì Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Dược và một số văn bản khác thường xuyên bổ sung các chính sách liên quan tới nội dung quảng cáo. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, giải pháp đầu tiên đối với doanh nghiệp là phải lắng nghe thị trường, lắng nghe khách hàng. Thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hiện thực hóa giấc mơ này để gia tăng giá trị sản phẩm.

Hà Nội quyết tâm khắc phục ô nhiễm không khí

Thời gian qua, Hà Nội liên tục là thành phố có mức ô nhiễm không khí trong ngưỡng kịch khung, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Nguyên nhân được xác định do giao thông vận tải phát thải bụi mịn PM 2.5 lớn nhất (chiếm từ hơn 50 – 70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (từ 14% - 23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Từ việc xác định các nguồn phát thải chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề cập các giải pháp trước mắt và dài hạn như kiểm soát khí thải từ giao thông, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực nội thành, tăng cường tưới nước rửa đường.

Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ bao gồm: xóa được hơn 96% số lượng bếp than tổ ong, tương đương với giảm 1,658 tấn bụi mịn PM2,5 một năm; giảm gần 70-90% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Bốn huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ... Thành phố đã hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí “đặc quánh” về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch…. hiện đã không còn.

Đốt rơm rạ tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường là nguồn phát thải bụi mịn PM 2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, cần phải có biện pháp giảm thiểu xe máy lưu thông trên đường, thay thế bằng các phương tiện công cộng thì tình trạng ô nhiễm môi trường mới có thể được cải thiện.

Sở Tài nguyên Môi trường đã đưa các giải pháp trong kế hoạch giảm nguồn phát sinh ô nhiễm như: kiểm soát nguồn phát sinh khí thải phát thải; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức. Trong kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, Hà Nội đã đặt ra những mục tiêu khá tham vọng như thành công giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải khoảng 6.000 tấn bụi mịn PM 2.5.

Bà Lưu Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để đạt được tham vọng đó cần nhiều nỗ lực của các cấp, ngành cũng như người dân đồng hành, từng mỗi cá nhân ý thức trong tham gia giao thông cũng như sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Đó cũng là đóng góp nỗ lực chung của thành phố cải thiện môi trường không khí./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.