Di cư, vấn đề nan giải của nhiều quốc gia

Tình trạng nghèo đói và xung đột gia tăng tại nhiều quốc gia châu Mỹ đã khiến số người di cư tăng mạnh. Đây là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực.

Khó khăn của người di cư tại châu Mỹ

Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, ít nhất 22 triệu người dân tại châu Mỹ đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di cư sang các quốc gia khác. Đây là lượng người rời bỏ nhà cửa cao nhất tại châu Mỹ từng được ghi nhận. Trong số này, người Venezuela chiếm tới 30%, tiếp đến là người Colombia, El Salvador và Honduras.

Lượng người rời bỏ nhà cửa ồ ạt đã tạo ra nhiều áp lực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế.

Ít nhất 22 triệu người dân tại châu Mỹ đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di cư sang các quốc gia khác.

Phát biểu tại cuộc hội thảo về người tị nạn tại thủ đô Mexico City của Mexico, ông Renee Cuijpers, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, nêu rõ tình trạng này đòi hỏi các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nhiều người di cư cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn dòng người tha hương, đồng thời tìm ra những biện pháp để giải quyết gốc rễ vấn đề này, trong đó có việc nâng cao mức sống người dân và kiểm soát bạo lực.

Đề cập tới Mexico, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết nước này nằm trong danh sách 5 quốc gia tiếp nhận đơn xin tị nạn nhiều nhất trên thế giới, với 273.000 trường hợp trong năm 2023, cao nhất kể từ năm 2018, chưa kể hàng trăm nghìn người quá cảnh nước này để vào Mỹ.

Khoảng 400 người di cư đến Mỹ từ nhiều quốc gia trong khu vực Trung Mỹ đã được tìm thấy bên trong 3 chiếc xe bus bị bỏ rơi trên đường cao tốc ở thành phố Veracruz, miền Đông Nam Mexico.

Ngày 2/5, khoảng 400 người di cư đến Mỹ từ nhiều quốc gia trong khu vực Trung Mỹ đã được tìm thấy bên trong 3 chiếc xe bus bị bỏ rơi trên đường cao tốc ở thành phố Veracruz, miền Đông Nam Mexico, trong số đó có cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Phần lớn những người di cư được tìm thấy trong tình trạng bị mất nước trầm trọng. Lực lượng chức năng đã kịp thời điều trị cho những người di cư, đồng thời bàn giao những người này cho cơ quan di trú của Mexico và tiến hành điều tra vụ việc.

Ông Ricardo Gonzalez Armenta, dân phòng Mexico, cho hay: "những người di cư nói rằng khi xe bus dừng, cửa xe đã được mở. Do đó, họ vô cùng may mắn vì không bị ngạt thở. Thông thường, những người di cư sẽ được đưa vào trong thùng xe tải nhưng họ sẽ chỉ có thể mở cửa từ bên ngoài. Còn ở đây, họ có thể phá cửa sổ và thoát ra ngoài nhanh hơn".

Bạo lực và điều kiện kinh tế xã hội tại quê hương là động lực chính thúc đẩy những người di cư không quản ngại vất vả và nguy hiểm trên hành trình di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở một đất nước khác.

Nhằm hỗ trợ người tị nạn, trong giai đoạn 2016 - 2023, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã hợp tác cùng với 600 công ty để hỗ trợ hơn 35.000 người tị nạn tham gia thị trường lao động chính thức và tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục và y tế, nhờ Chương trình Hội nhập Mexico.

Anh giải quyết bài toán người di cư bất hợp pháp

Nhiều nước châu Âu đang áp dụng cách thức trả tiền để trục xuất người di cư bất hợp pháp đến các quốc gia kém phát triển hơn, từ đó giải quyết bài toán khó về người di cư. Nghị viện Anh mới đây đã thông qua Đạo luật An toàn Rwanda. Theo đạo luật này, người di cư trái phép vào nước Anh sẽ lập tức bị tạm giam chờ ngày bị trục xuất đến Rwanda. Tại đó, người di cư sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn ở quốc gia châu Phi nếu không muốn trở về quê hương.

Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda từ tháng 4/2022 để gửi những người di cư bất hợp pháp từ Anh đến quốc gia châu Phi này.

Thực tế, Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda từ tháng 4/2022 để gửi những người di cư bất hợp pháp từ Anh đến quốc gia châu Phi này, nơi yêu cầu tị nạn của họ sẽ được xử lý. Thỏa thuận này có tên là Quan hệ đối tác phát triển kinh tế và di cư Anh - Rwanda, bao gồm một “thỏa thuận hợp tác về người tị nạn” kéo dài 5 năm. Vào tháng 12/2023, thỏa thuận đã được nâng cấp thành một hiệp ước chính thức được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rwanda.

Theo trang web của Quốc hội Anh, để đổi lấy việc Rwanda tiếp nhận những người bị trục xuất, Chính phủ Anh sẽ chuyển cho quốc gia châu Phi một khoản tiền để tiếp nhận người di cư trái phép từ Anh. Cứ tiếp nhận một người di cư trái phép từ Anh, khoản tiền này sẽ lại nhân lên. Cụ thể, ban đầu Anh sẽ cung cấp 370 triệu bảng Anh tài trợ phát triển cho Rwanda. Tiếp nhận một người di cư trái phép từ Anh, Rwanda sẽ có thêm 20.000 bảng Anh. Với mỗi người trong số đó đủ điều kiện tị nạn, Anh sẽ thanh toán thêm khoản chi phí lên đến 150.000 bảng Anh. Ngoài ra, 120 triệu bảng Anh sẽ được rót tiếp nếu Rwanda tiếp nhận nhiều hơn 300 người di cư trái phép từ nước Anh. Tờ Financial Times ước tính chi phí cho kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp từ Anh đến Rwanda có thể lên đến 3,9 tỷ bảng Anh (4,9 tỷ USD) trong vòng 5 năm. Tính đến nay, Anh đã trả cho Rwanda khoảng 240 triệu bảng Anh.

Người nhập cư trái phép vào nước Anh sẽ bị tạm giam, chờ ngày bay sang Rwanda.

Lúc đầu, dự luật về trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda vấp phải sự phản đối vì cho rằng đây là hành động vô nhân đạo và Rwanda không phải là điểm đến an toàn. Chính phủ Anh đã sửa đi sửa lại dự luật, cho tới khi được Nghị viện Anh chấp thuận.

Với việc Đạo luật An toàn Rwanda được thông qua, từ nay, người nhập cư trái phép vào nước Anh sẽ bị tạm giam, chờ ngày bay sang Rwanda. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ được phép định cư tại quốc gia châu Phi này, hoặc một nước nào đó khác, nhưng không phải là nước Anh.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tin rằng đây là giải pháp duy nhất đối với di cư trái phép, trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh thông qua eo biển Manche đã lên tới con số kỷ lục 5.435 người trong 3 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Anh cũng kỳ vọng biện pháp này sẽ là lá bài thu hút cử tri, nâng cao uy tín của Đảng Bảo thủ trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Những người di cư trái phép đến Anh sẽ không được ở lại. Từ nay về sau, bất cứ ai nhập cư bất hợp pháp đến Anh sẽ bị tạm giam để chờ ngày bay sang Rwanda. Đây là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề di cư trái phép.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Đáng chú ý, biện pháp chuyển người di cư trái phép đến các quốc gia kém phát triển hơn đang được một số nước châu Âu áp dụng. Nhiều nước châu Âu đã thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn dòng người nhập cư trái phép đổ vào "lục địa già". Đa số các biện pháp này chỉ xử lý ngọn mà không giải quyết được gốc rễ của tình trạng di cư.

Nhiều nước châu Âu đã thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn dòng người nhập cư trái phép đổ vào "lục địa già".

Mới đây, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi và Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã bày tỏ quan ngại về biện pháp trục xuất người di cư đến nước thứ ba. Họ cảnh báo điều này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, tác động xấu đến việc chia sẻ trách nhiệm chung toàn cầu, các vấn đề về nhân quyền và bảo vệ người tị nạn.

EU viện trợ 1 tỷ Euro cho Lebanon ngăn người di cư

Liên minh châu Âu sẽ cung cấp 1 tỷ Euro viện trợ tài chính cho Lebanon trong 3 năm để thúc đẩy nền kinh tế nước này và giúp ngăn chặn làn sóng người di cư tới châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố gói viện trợ vào ngày 2/5, sau cuộc gặp với Thủ tướng tạm quyền Lebanon Najib Mikati và Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides tại thủ đô Beirut của Lebanon.

Liên minh châu Âu sẽ cung cấp 1 tỷ Euro viện trợ tài chính cho Lebanon trong 3 năm để thúc đẩy nền kinh tế nước này và giúp ngăn chặn làn sóng người di cư tới châu Âu.

Bà Von der Leyen cho biết gói tài chính hoàn toàn là các khoản tài trợ và sẽ được phân bổ vào năm 2027, sẽ giúp Lebanon tăng cường các dịch vụ cơ bản như giáo dục, bảo trợ xã hội và y tế, đồng thời thúc đẩy cải cách kinh tế ở quốc gia đang gặp khủng hoảng này.

Tuy nhiên, khoảng 3/4 số tiền, tổng cộng 736 triệu Euro sẽ được dành riêng để giúp Lebanon chống đỡ với những thách thức mà nước này phải đối mặt trong việc tiếp đón người tị nạn Syria.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố sẽ "xem xét cách làm để sự hỗ trợ của EU đạt hiệu quả hơn", bao gồm cả việc cải thiện điều kiện cho "cách tiếp cận có trật tự hơn để tự nguyện hồi hương" những người tị nạn Syria với sự hợp tác với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.

Thông tin về gói viện trợ của EU được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo EU ủng hộ các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn dành cho Beirut vào tháng 4 năm nay, qua đó giúp bảo vệ nước này khỏi hậu quả của cuộc xung đột ở Trung Đông, sau khi Cộng hòa Cyprus đưa ra cảnh báo về số lượng người tị nạn Syria đến từ Lebanon lên mức cao chưa từng thấy.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc và bộ máy chính quyền kém ổn định đã khiến Lebanon đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bất ổn đang bao trùm.

Gói viện trợ cũng tuân theo một loạt các thỏa thuận được ký kết trong năm qua giữa Brussels và các nước châu Phi nhằm ngăn chặn tình trạng người di cư tới châu Âu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc và bộ máy chính quyền kém ổn định đã khiến Lebanon đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bất ổn đang bao trùm khu vực sau cuộc xung đột Israel - Hamas.

Đất nước này là nơi sinh sống của khoảng 210.000 người tị nạn Palestine và 1,5 triệu người tị nạn Syria, làm dấy lên lo ngại tình hình bất ổn trong khu vực có thể dẫn đến làn sóng người di cư tới châu Âu qua đảo Cyprus tăng mạnh.

Hành trình nguy hiểm của người di cư đến Nam Phi

Nói đến hành trình di cư, người ta thường nghĩ đến những cung đường đầy gian nan để đến nước Mỹ hay châu Âu. Nhưng có một cung đường khác cũng nguy hiểm không kém mà nhiều người Zimbabwe đang bất chấp tính mạng để vượt qua, đó là đất nước Nam Phi. Nhiều người Zimbabwe vượt biên đến Nam Phi với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giữa cái nắng ban trưa gay gắt, những người di cư từ Zimbabwe  bì bõm lội sông Limpopo nằm dọc biên giới Zimbabwe và Nam Phi. Thông thường vào mùa đông sông cạn, vượt sông sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ngay cả vào các thời điểm khác trong năm, vẫn không có gì ngăn cản bước chân của những người di cư, bất chấp có những đoạn nước ngầm chảy xiết.

Nhiều người Zimbabwe đã bất chấp tính mạng để vượt biên đến Nam Phi với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Mike Masiapato, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát biên giới Nam Phi - Zimbabwe, cho biết: "thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải khi nói đến tình trạng di cư bất hợp pháp là việc di chuyển qua sông Limpopo. Đặc biệt vào thời điểm trái mùa, chẳng hạn như trong giai đoạn mùa đông sắp tới vì sông trở nên khô cạn. Trong khi đó chúng tôi lại không có đủ công nghệ, như thiết bị bay không người lái để giám sát".

Ôm hy vọng tìm được việc làm để nuôi gia đình, nhiều người di cư từ Zimbabwe sẵn sàng bất chấp rủi ro từ việc vượt sông hay nguy cơ gặp phải những kẻ buôn người và kẻ cướp trên đường đi. Tình trạng an ninh bất ổn ở thị trấn Musina của Nam Phi, gần biên giới Zimbabwe cũng là vấn đề đau đầu với giới chức địa phương. Thậm chí, đến hàng rào dây thép gai được dựng lên vào năm 2020 cũng bị khoét lỗ, xé nát và trộm để lấy sắt vụn.

Ngay cả khi đặt chân đến Nam Phi, họ cũng chỉ có thể trú trong những căn nhà dựng tạm bằng tôn, mòn mỏi chờ đợi cơ hội. Thông thường, họ vận chuyển hàng lậu để gửi tiền về cho gia đình, hoặc mua vé xe bus đến Johannesburg để tìm kiếm cơ hội lớn hơn.

Bị chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, với lạm phát cao và tình trạng nghèo đói lan rộng, Zimbabwe là nước có nhiều người di cư nhất đến Nam Phi - quốc gia công nghiệp hóa nhất châu Phi.

Theo cuộc điều tra dân số mới nhất, gần một nửa trong số khoảng 2,4 triệu người nước ngoài sống ở Nam Phi là người Zimbabwe, đa phần là bất hợp pháp. Di cư bất hợp pháp cũng là vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Nam Phi sắp diễn ra vào ngày 29/5.

Di cư là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực. Những người di cư mong muốn thoát khỏi tình trạng bạo lực, xung đột gia tăng, bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế, bệnh tật. Trong khi đó, các quốc gia tiếp nhận người tị nạn đối mặt với tình trạng quá tải, ùn ứ người ở khu vực biên giới. Bên cạnh việc huy động các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhất là vai trò của Liên hợp quốc, trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, cần thúc đẩy các nỗ lực kinh tế, ngoại giao nhằm giúp các nước có dòng người di cư ổn định tình hình, loại trừ khủng bố, chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay một cách căn bản, lâu dài, góp phần ổn định tình hình an ninh, kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.