Di sản chính sách của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump

Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiệm kỳ 2017 - 2021

Tư pháp

Trong tất cả các di sản chính sách của Tổng thống, các cuộc bổ nhiệm tư pháp của ông Trump để lại dấu ấn sâu rộng nhất. Chỉ trong bốn năm cầm quyền, ông đã bổ nhiệm thành công hàng trăm thẩm phán liên bang và đặc biệt là ba thẩm phán Tòa án tối cao. Nhiệm kỳ của các thẩm phán Tòa tối cao là trọn đời nên việc bổ nhiệm của ông Trump sẽ còn có sức ảnh hưởng trong nhiều thập niên sắp tới.

Tuy nhiên, ông Trump cũng là tổng thống bị luận tội nhiều nhất trong trong lịch sử nước Mỹ, với hai lần vào các năm 2019 vì cản trở quốc hội và lạm dụng quyền lực và năm 2020 vì “kích động bạo lực” sau vụ bạo loạn ở trụ sở quốc hội Mỹ, khi hàng trăm người ủng hộ ông xông vào toà nhà để ngăn quốc hội xác nhận kết quả bầu cử.

Khí hậu

Ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng với lời hứa sẽ đảo ngược những nỗ lực của người tiền nhiệm Obama nhằm chống lại biến đổi khí hậu như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm cắt giảm thủ tục hành chính về môi trường mà ông coi là trở ngại đối với doanh nghiệp và đặc biệt là đối với ngành nhiên liệu hóa thạch Mỹ.

Ông đã khởi xướng việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015, một hiệp định quốc tế nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu, từ bỏ vai trò lịch sử của Washington là nước đi đầu trong các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Sự rút lui này có nghĩa là Mỹ từ bỏ lời cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2025.

Sau đó, ông Trump đã hủy bỏ hoặc làm suy yếu hai nỗ lực chính sách do cựu tổng thống Obama khởi xướng, vốn sẽ giúp Washington đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đó là Kế hoạch năng lượng sạch (CPP) nhằm cắt giảm lượng khí thải từ ngành điện và các mục tiêu về hiệu quả nhiên liệu phương tiện quốc gia nhằm giảm ô nhiễm và tác động đến khí hậu từ ô tô và xe tải. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, các ngành điện và vận tải chiếm phần lớn lượng khí thải nhà kính của Mỹ.

Kế hoạch CPP khi đó đã được thay thế bằng quy tắc Năng lượng sạch giá cả phải chăng, vốn không có mục tiêu cứng rắn nào về cắt giảm khí thải, trong khi các mục tiêu về hiệu quả của phương tiện đã được nới lỏng.

Di cư

Một cuộc đại tu đối với hệ thống di trú của Mỹ là nội dung cốt lõi trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã thắt chặt kiểm soát biên giới, giảm số lượng người tị nạn được tiếp nhận và quyền tị nạn, ban hành lệnh cấm toàn diện chủ yếu nhắm vào những người đến từ các quốc gia có đa số là người Hồi giáo và châu Phi. Ông cũng áp đặt các rào cản hành chính để hạn chế người nhập cư hợp pháp.

Ông Trump cũng sử dụng ngoại giao cứng rắn để gây sức ép với Mexico và các nước Trung Mỹ nhằm gây khó khăn hơn cho những người di cư đi về phía Bắc đến Mỹ và  ông đã có một động thái bị lên án rộng rãi đó là tách cha mẹ khỏi con cái của họ ở biên giới phía Tây Nam. Mặc dù cuối cùng ông đã đảo ngược chính sách được gọi là “không khoan nhượng” này, nhưng một số cuộc chia cắt vẫn tiếp diễn và một số phụ huynh của những đứa trẻ bị chia cắt vẫn chưa được tìm thấy.

Theo một chính sách sau đó, hầu như tất cả những người di cư tìm kiếm nơi ẩn náu tại biên giới Mỹ đều bị từ chối nhập cảnh và buộc phải chờ đợi ở Mexico, trong khi chờ kết quả của các đơn xin tị nạn có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Ông Trump cũng đã chi hàng tỷ USD để xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam, mà ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ bắt Mexico phải thanh toán. Tuy nhiên, đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, bức tường vẫn chưa hoàn thành.

Kinh tế

Dấu ấn quan trọng của Tổng thống Trump là kinh tế. Theo Economic Times, một số chính sách của ông Trump như cắt giảm thuế, trong đó Đạo luật Giảm thuế và Việc làm được ông Trump ký vào tháng 12/2017, là đợt tái cấu trúc quan trọng nhất của hệ thống thuế Mỹ kể từ những năm 1980. Đạo luật này đã đem tiền bạc quay lại với phần lớn người lao động Mỹ và khiến các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Điều này cũng tạo cú hích cho nền kinh tế khi tiền lương của người lao động tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục.

Theo giới quan sát, nếu như không có đại dịch Covid-19, có lẽ ông Trump đã kết thúc nhiệm kỳ bằng những chỉ số lạc quan về kinh tế. Thật không may, Covid-19 khiến thành quả 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông “đổ sông đổ bể”.

Thương mại

Ông Donald Trump từng cam kết sẽ đưa việc làm trở lại nước Mỹ và thu hẹp thâm hụt thương mại với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, bằng cách áp dụng các loại thuế mới và các rào cản khác đối với hàng nhập khẩu, bao gồm thép và các sản phẩm công nghiệp do Trung Quốc sản xuất, cũng như thách thức các liên minh đa phương và các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Ngay ngày thứ ba sau khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của ông đã gây ra một cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng khiến các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải trả mức thuế cao hơn đáng kể cho lượng hàng nhập khẩu hàng năm trị giá khoảng 370 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sụt giảm.

Chính quyền Trump cũng đã đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ năm 1994, mà ông đổ lỗi là nguyên nhân khiến hàng triệu việc làm sản xuất bị mất vào tay Mexico, bổ sung các quy tắc thương mại kỹ thuật số và các tiêu chuẩn lao động và môi trường chặt chẽ hơn.

Chính sách đối ngoại

Ông Donald Trump đã đảo ngược một số nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ hai khi đặt câu hỏi về NATO và xa lánh các đồng minh châu Âu.

Sự coi thường của ông đối với chủ nghĩa đa phương đã thúc đẩy một loạt các cuộc rút lui khỏi các hiệp định và cơ quan mà Mỹ đã đóng vai trò lãnh đạo, bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổ chức Y tế Thế giới và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như Hiệp định khí hậu Paris.

Mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi đến mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đặc biệt là sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh che giấu thế giới về mối đe dọa của virus corona.

Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên, đồng thời tiến hành hàng loạt các Hội nghị Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy chưa đạt được các mục tiêu thực chất nhưng các động thái trên đã phần nào xoa dịu căng thẳng Mỹ - Triều và mở ra con đường đàm phán ngoại giao cho hai bên.

Ông Trump cũng đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình là di dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem. Vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền của ông cũng là trung gian hòa giải cho những thỏa thuận hòa bình đầu tiên ở Trung Đông, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, điều mà ngay cả những người chỉ trích ông Trump cũng hoan nghênh.

Tuy nhiên, đường lối cứng rắn của ông đối với Iran đã không mấy thành công. Chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với mọi lĩnh vực của Iran, từ doanh thu từ dầu mỏ đến khoáng sản và ngân hàng trung ương, nhưng không thể buộc Tehran thay đổi hành vi hoặc đưa nước này trở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump đã từ bỏ vào năm 2018. Thay vào đó, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang.

Ông Trump đã thực hiện một phần lời hứa trong chiến dịch tranh cử là đưa quân đội về nước từ “những cuộc chiến tranh bất tận”, đặc biệt là ở Afghanistan. Nhưng mối quan hệ của ông với các quan chức quân sự cấp cao đã trở nên tồi tệ khi lời khuyên của các tướng lĩnh đi ngược lại mong muốn của ông, bao gồm cả lệnh rút quân đột ngột khỏi Syria.

Suốt 4 năm cầm quyền, những chính sách bất ngờ, những động thái phá vỡ các quy chuẩn ngoại giao theo thông lệ hay cách thức Tổng thống Trump định nghĩa lại về đồng minh và kẻ thù của nước Mỹ đã đem đến những phản ứng khác nhau từ các nước.

Di sản của Tổng thống Trump đã tạo nên những ý kiến trái chiều nhưng có những chiến lược của ông được những người kế nhiệm tiếp tục kế thừa bởi đó không phải chỉ là dấu ấn của riêng Donald Trump mà còn là tầm nhìn của nước Mỹ trong một thế giới luôn biến động và khó lường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong những ngày qua, một trong những chuyện thời sự chính trị thế giới đặc biệt nổi bật là tin tức về sự hiện diện của binh lính Triều Tiên ở Nga.

Đỉnh núi cao nhất Nhật Bản thường được phủ tuyết từ đầu tháng 10, nhưng đến nay, đỉnh Phú Sĩ vẫn trơ trọi, gây lo ngại về tác động của khủng hoảng khí hậu đối với một trong những danh lam thắng cảnh được yêu thích nhất của đất nước Mặt trời mọc.

Các cuộc khảo sát do Trung tâm dư luận công chúng Lowell của Đại học Massachusetts và YouGov thực hiện cho thấy, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Kamala Harris dẫn trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump về sự ủng hộ của cử tri tại các bang dao động là Michigan và Pennsylvania, trong khi ông Trump dẫn trước ở bang Bắc Carolina.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của hãng tin Reuters, số người chết vì lũ quét tàn khốc ở miền Đông Tây Ban Nha đã tăng lên 158, trong khi các đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người mất tích trong thảm họa thiên tai tồi tệ nhất châu Âu hơn 5 thập kỷ qua.

Ngày 1/11, Triều Tiên tuyên bố, nước này vừa thành công trong việc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-19 thế hệ mới vào trước đó một ngày.

Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.