Đi thật xa để chữa lành

Cụm từ chữa lành có thể bạn đã nghe và đọc rất nhiều ở khắp các trang mạng hay cả những câu nói hằng ngày. Với tôi, thật sự đã có thời gian loay hoay mãi để tìm cách chữa lành.

Tôi từng muốn buông hết những tảng đá nặng nề đang đeo đẳng để không còn bị ràng buộc bởi những thứ gọi là định kiến, trách nhiệm hay áp lực. Tôi mệt mỏi với công việc 12 giờ mỗi ngày, sau đó lại tiếp tục giao hàng và trở về nhà lúc tối mịt.

Tôi bỏ lỡ khoảnh khắc bình minh đầu ngày, bỏ lỡ ban trưa khi mặt trời treo mình trên cây bằng lăng trước ngõ và bỏ lỡ cả hoàng hôn vàng ruộm buổi chiều tà. Buông cơ thể nặng nề xuống chiếc giường nhưng những ngổn ngang trong tôi vẫn còn đó.

Tôi né tránh khi mỗi lần nhận cuộc gọi từ gia đình vì những điều tổn thương vẫn luôn nằm trong cụm từ con nhà người ta. Mãi sau này khi đủ thời gian để ngẫm lại, tôi mới hiểu ba mẹ luôn yêu thương tôi vô điều kiện nhưng vì trao quá nhiều hy vọng mà vô tình đặt cho tôi đôi gánh nặng nề.

Tôi căng thẳng với những cuộc họp, những điều không hài lòng với những mối quan hệ xung quanh. Tôi ganh tị tại sao người khác họ có thể vừa làm việc, vừa nâng cấp bản thân và cả hưởng thụ. Chẳng phải giữa tôi và họ đều có 24 giờ một ngày sao? Phải chăng thế giới này đang chống lại tôi?

Ảnh minh hoạ: SHUTTERSTOCK.

Có vẻ như năng lượng tiêu cực ấy sẽ còn mãi nếu tôi không bình tâm lại, lắng nghe chính mình. Một người anh từng hỏi tôi như thế nào là lắng nghe, tôi đã không ngần ngại mà trả lời rằng đó là khi chúng ta nghe người khác nói. Anh cười xòa rồi từ tốn bảo, ông bà ta tạo ra từ lắng nghe bởi vì chỉ khi ta lắng lại mới có thể nghe một cách trọn vẹn. Và trước khi nghe người khác nói, mình cần lắng lại để nghe chính bản thân mình.

Giây phút ấy tôi im bặt, bởi từ trước đến giờ tôi chưa một lần đối thoại với bản thân hay quan tâm đến cỗ máy kì diệu bên trong mình. Tôi chông chênh vì chính tôi chưa thiết lập được thời gian biểu? Vì ôm quá nhiều thứ vào mình và vô tình tạo nên những nút thắt? Anh bảo tôi rằng áp lực ai cũng có, điều quan trọng là góc nhìn và cách ta đối diện. Có vẻ như tôi đang hạnh phúc có điều kiện, nghĩa là phải đạt được mục tiêu đề ra thì tôi mới hạnh phúc mà tôi quên mất rằng hạnh phúc là hành trình, không phải kết quả.

Suốt quãng thời gian sau đó tôi đã gặp những người truyền cho tôi động lực và sự tích cực. Tôi vạch ra những lịch trình cụ thể trong một ngày, thức dậy vào sáng sớm, pha một ly trà ấm, nghe một bài nhạc êm và bắt đầu tập quan sát từ những điều quen thuộc nhất. Tôi cũng sắp xếp những mối quan hệ và đặc biệt là thời gian quan sát, khám phá sở thích cá nhân lẫn trò chuyện với chính mình.

Tôi đăng ký lớp học vẽ dù từ trước đến nay luôn nghĩ mình là một người không có năng khiếu nghệ thuật. Cô giáo nói với tôi rằng thật ra vẽ không hề khó, hãy thoải mái sáng tạo và xem đó như một cuộc dạo chơi sắc màu. Tôi vẫn nhớ như in ngày tốt nghiệp, tôi đã bất ngờ về bản thân mình khi hoàn thành bức vẽ cánh đồng hoa hướng dương phối cảnh Đêm đầy sao của họa sĩ Van Gogh. 

Tôi bắt đầu tham gia nhóm mạng xã hội, nơi mà mọi người có cùng đam mê, tần số. Tôi cũng hiểu mình hơn, lắng nghe bản thân và trải lòng ra một cách tự nhiên với những người thương yêu.

Ảnh minh hoạ: Guidepost.

Tôi bước những bước chân chậm rãi trên con đường quen thuộc, cảm nhận ánh nắng mặt trời vui đùa trên tán lá, tôi đặt tay mình lên những cánh hoa mười giờ mỏng manh ngập sắc màu mà từ bao lâu tôi đã vô tình bỏ lỡ. Tôi duỗi thẳng cơ thể trên chiếc giường quen thuộc, đặt tay lên ngực trái, dõi theo từng nhịp thở và tiếng con tim đang nhịp nhàng. Khi mở mắt ra, tôi nhìn thấy cậu con trai sáu tuổi của mình ngồi ngay bên cạnh. Cậu bé bảo lúc nãy thấy tôi nhắm mắt, con đã kiễng chân lên kéo rèm lại để tôi không bị chói mắt. Những yêu thương nhỏ nhoi ấy vẫn diễn ra hằng ngày mà nay lòng tôi lại xúc động đến lạ. Tôi nói lời cảm ơn với con trai mình cùng một cái ôm thật chặt, cậu bé vùi đầu vào lòng tôi rồi cười khe khẽ.

Tôi nhận thấy rằng tôi sẽ là chính mình khi ở đúng môi trường, chủ động xoay chuyển bản thân theo hướng tích cực, mọi thứ xung quanh cũng dần trở nên tốt đẹp. Và khi tôi bình tâm, sắp xếp lịch trình cho chính bản thân mình, tôi nhận thấy rằng việc chữa lành không ở đâu xa mà ở ngay những điều gần gũi quanh ta.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nghề giáo vẫn được gọi là nghề cao quý. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và nghề giáo cũng có những câu chuyện cuộc sống đằng sau ánh hào quang cao quý.

Có một người đã dạy cô những con chữ đầu tiên, người dạy cô bao bài học thật thà; dạy cô phải biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh… Với cô, ba là người thầy vĩ đại nhất.

Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!

Cuối năm thiệp mời cưới bay tá lả, đó là lúc chị em cố gắng giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Hôm nào cũng hỏi thăm nhau giảm được bao kg rồi, để còn tụ tập đi ăn cưới.

Sau những chuyến muộn phiền, có người lại về ngồi với khu vườn, lặng yên nghe tiếng chim hót. Đôi khi ngửa mặt lên trời nhìn mây trôi về muôn nẻo. Mây trôi nhẹ tênh, trong thoáng chốc cô ước gì hồn mình cũng nhẹ như mây. Để tự do bay bổng, để đi về hướng nào mình muốn và để tan ra hay làm mưa xuống. Không như mình vẫn ngồi đây để tự hỏi, rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu?

Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…