Đi về phía mùa Xuân

Tháng Giêng, đất trời rực rỡ sắc xanh sắc vàng sắc đỏ. Cỏ cây hoa lá đều nồng nàn xuân ở độ tràn đầy nhất, tươi non nhất.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những cảm xúc về mùa xuân của Diệu Hiền.

Tôi thảng thốt nhớ lại những vội vã của tháng Chạp. Thời gian và công việc cứ như là sự “giải nén” từ cái tệp 11 tháng trước đó của năm. Đi chợ mua mua sắm sắm, về nhà dọn dẹp thu xếp. Cái gì đến Tết cũng thấy thiếu, cũng cần phải làm mới hoặc mua thêm. Có mấy ngày Tết mà đồ ăn thức uống nhiều bao nhiêu cũng chưa thấy đủ. Nói như một người bạn, sắm Tết không biết để đón những vị khách nào mà vui, mà rộn rã. Với một người bạn khác, những ngày đậm đà không khí Tết nhất là khoảng độ hăm lăm đến ba mươi tháng Chạp. Qua mùng Một, coi như hết Tết. Như đã chạm vào xuân thì xuân nhanh tan biến. Nhanh hơn nhiều nỗi mong chờ. Bình thường, thời gian công việc của tôi là trình tự các thứ trong tuần. Tự nhiên sắp Tết là đếm ngày theo lịch âm. Ông bà mình cũng hay, hai tháng cuối năm cũ, đầu năm mới không phải số đếm mà được gọi tên: tháng Chạp, tháng Giêng. Không hiểu hết ý nghĩa ấy nhưng ai cũng thấy từng khoảnh khắc trôi đi nhanh như chớp mắt. Thế nên, hơi thở vạn vật ngày cận Tết, con người hồ như chưa kịp thưởng thức.

Ảnh: Viết Thành

Ra Giêng, thấy đất trời chuyển mình không ngờ. Những cơn mưa rả rích trong cái sắt se của tháng Chạp giờ đã nhường chỗ cho nàng xuân tươi tắn. Kìa là cây bàng. Trời càng lạnh, lá càng thẫm, đỏ cả góc trời, giờ chỉ còn lác đác vài chiếc cuối cùng. Những nụ búp non tơ đã bật lên mạnh mẽ, hướng về trời xanh. Kìa là cánh đồng làng mới run rẩy mấy lá non mơn, giờ đã xanh rì chuẩn bị cho kỳ ngậm sữa. Hành trình du xuân của tôi không thể không đến vườn rau hữu cơ của người anh trai. Cả một trời xuân, từng luống bắp sú chuẩn bị thu hoạch đợt sau Tết tràn trề nhựa sống. Các loại rau củ quả như cải cay, xà lách, rau muống, bí bầu…tươi non như đang được tưới một nguồn năng lượng xuân từ đất trời, từ bàn tay chăm chút cần mẫn của người. Vài luống cải lên ngồng vàng rực bên giàn mướp nên thơ. Xuân là đây chứ cần chi đi đâu xa… Chụp vài tấm hình và muốn ôm hết cả vào lòng cho “đã đầy”, “no nê”, “chuếnh choáng” như lời thi sĩ Xuân Diệu. Về nơi đây, ai cũng có thể tận hưởng sự trong trẻo, hồn nhiên của cỏ cây hoa lá, chạm đến khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn mình.

Tháng Giêng. Tôi chạy xe về làng mỗi ngày theo miên man hoa cỏ. Dọc con đường, xuyến chi nở rộ, rung rinh, trắng muốt cả lối đi. Đám hoa ngũ sắc ven đồi nhoài hết cành, trườn xuống bờ đường mà thi nhau vàng hồng đỏ. Hoa cứ lao xao suốt mấy nẻo quanh co, bên triền núi, dọc bờ sông hay chen giữa đám lau lách còn lác đác vài bông trắng phất phơ thương nhớ mùa đông… Thực lòng, chưa bao giờ tôi thấy ngũ sắc nở nhiều như xuân nay. Hay do tôi vội quá chưa kịp tận hưởng những nét đáng yêu mỗi tháng ngày?

Tháng Giêng, đi về phía mùa xuân, tôi thật thích thú trước muôn hình vạn trạng nhà của nhện. Nhện giăng đầy trên bờ cỏ, ruộng lúa, hay có khi chỉ giăng trên mặt đất khô. Mỗi tổ nhện là một sự độc đáo từ hình hài đến cách giăng kết tơ. Có loài nhện chỉ giăng vài sợi tơ; có loài kỳ công vừa tơ vừa ổ. Sợi tơ tưởng mong manh mà chắc dẻo đến không ngờ. Chẳng biết cả đêm qua, những chú nhện bé tí đã thu được siêu “chiến lợi phẩm” nào từ những sợi tơ mỏng manh dệt khéo ấy. Tôi chỉ biết thán phục những “kiến trúc sư” tài hoa đã tạo nên vô số ngôi nhà đủ kích cỡ lớn bé, phủ khắp nẻo làng tôi. Nhà của loài vật nhỏ này đẹp nhất khi được “lợp” thêm giọt sương xuân li ti, li ti…

Tháng Giêng. Góc vườn phủ tím một màu hoa. Hoa thầu đâu rơi nhè nhẹ trong làn gió xuân mơn man, bên lúa đồng ngát xanh thì con gái. Tôi muốn bỏ dép, đi chân trần trên đường làng hay ngồi bệt, tựa lưng vào ngõ đá xanh kín màu rêu để thả trôi muộn phiền, thảnh thơi cùng cỏ cây mây trời, tiếp cho mình nguồn năng lượng mới. Có một điều gì đó cứ vang lên trong sự im lặng, trong mùa sinh sôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một người được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Cô luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính, được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ, được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành với nét duyên dáng đặc trưng của mình… Và rồi cô cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ.

Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.

Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.

Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.

Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.

Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.