Dịch sởi bùng phát từ đâu?
Sởi có tốc độ lây lan nhanh hơn cúm
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều 21/3, cả nước ghi nhận 42.488 trường hợp nghi mắc sởi, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân thuộc nhóm trẻ em từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, chiếm 72,7% tổng số ca mắc. Một trong những nguyên nhân chính là việc hơn 95% bệnh nhân không được tiêm vaccine phòng sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng. Dịch bệnh chủ yếu xuất hiện tại các thành phố lớn với mật độ dân cư cao, nhưng gần đây đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.
Giải thích nguyên nhân dịch sởi lan rộng như hiện tại, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua nhiều địa phương thiếu hụt vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, hệ thống y tế gặp phải nhiều rào cản trong công tác triển khai tiêm chủng, cùng với tình trạng “anti vaccine” của một số bộ phận người dân, đã khiến tỷ lệ tiêm chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều địa phương hiện nay đang phải đuổi theo dịch chứ chưa quyết liệt chặn dịch.
“Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi đất nước đang bước vào chu kỳ bùng phát dịch 5 năm một lần, nguy cơ lây lan diện rộng khó kiểm soát nếu không đẩy nhanh chiến dịch tiêm bù, tiêm vét sởi cho trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu thất thường cũng làm diễn biến dịch trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn bình thường”, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu nhận định.
PGS.TS.BS Trần Đắc Phu phân tích thêm, giả sử Việt Nam có 1,5 triệu trẻ em và tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 90% thì trong đó còn 10% trẻ chưa được tiêm chủng, tức mỗi năm có 150.000 trẻ không có miễn dịch. Như vậy, trong 5 năm sẽ có gần một triệu trẻ không có miễn dịch nên khả năng bùng phát có tính chu kỳ rất cao.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, cho biết tốc độ tiêm vaccine chậm hơn tốc độ lây lan dịch bệnh và có tình trạng “anti vaccine”. Sởi có tốc độ lây lan rất nhanh hơn cả cúm, một người có thể truyền cho 18 người. Ngoài ra, sởi không chỉ lây trực tiếp mà còn qua trung gian như bàn tay, mặt bàn, ghế quần áo, môi trường sinh hoạt có nhiễm virus, rất khó kiểm soát nguồn lây. Bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm, cúm hoặc hô hấp thông thường khác.
Bên cạnh đó, người lớn có thể có triệu chứng không điển hình, chỉ sốt, mệt mỏi, chính họ không biết mình mắc bệnh nên vẫn đi học, đi làm và phát tán virus sang những người khác. Người lớn mắc sởi có thể nhẹ hơn trẻ em nhưng là nguồn lây cho các đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, thai phụ, người cao tuổi trong gia đình. Đó là lý do có nhiều trẻ không biết tiếp xúc với ai mắc bệnh nhưng vẫn bị sởi.
“Người chưa có miễn dịch với sởi như chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh, nếu thoát mắc bệnh năm nay sẽ chưa chắc thoát được trong các đợt dịch tới. Đến nay, chỉ có một vũ khí duy nhất chống lại sởi đã được chứng minh là vaccine”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Khi nào dịch bệnh được khống chế được?
Chiều 21/3, Bộ Y tế đã đưa ra dự báo rằng dịch sởi có xu hướng giảm, nhưng chưa dừng lại hoàn toàn, do đó cần phải hết sức thận trọng. Trong thời gian tới, nhiều ca sốt phát ban nghi sởi sẽ tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, đặc biệt là ở những tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn và tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp.
“Tuy nhiên, trên cơ sở triển khai quyết liệt hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như khoanh vùng, dập dịch và tiêm chủng vaccine... tình hình dịch bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát và sẽ từng bước được khống chế”, Bộ Y tế nhận định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, theo nguyên tắc, dịch sởi chỉ có thể được ngăn chặn khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng đạt 95% trở lên. Với tỷ lệ này, không chỉ bảo vệ trẻ em được tiêm mà còn gián tiếp bảo vệ những trẻ có bệnh lý cần hoãn tiêm hoặc thuộc nhóm chống chỉ định. Do đó, tất cả những người có khả năng mắc sởi cần rà soát và tiêm vaccine ngay, vì nếu chậm trễ, họ có thể sẽ mắc bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ thêm, việc tiêm đầy đủ vaccine phòng sởi có hiệu quả lên đến 98%. Việt Nam hiện có nhiều loại vaccine phòng sởi, bao gồm các loại được cung cấp miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và qua dịch vụ tiêm chủng. Trong bối cảnh dịch sởi bùng phát, vaccine sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, mũi này được gọi là mũi “chống dịch” (mũi sởi 0). Sau đó, trẻ sẽ tiếp tục tiêm các mũi vaccine sởi theo lịch trình thường quy vào 9 tháng và 12 tháng tuổi.
"Một số trường hợp mắc sởi nhưng không phát ban, dễ nhầm lẫn với cúm hoặc bệnh hô hấp thông thường khác. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị kịp thời, đúng bệnh", bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý.
Để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh sởi, Cục Phòng bệnh Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá nguy cơ và xác định các khu vực có nguy cơ cao, từ đó đề xuất các giải pháp ưu tiên phòng chống dịch.
Ngoài ra, các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng cũng cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không để dịch sởi bùng phát trong thời gian tới. Các tỉnh, thành phố cần khẩn trương rà soát và đảm bảo đủ nhân lực hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là những nơi ghi nhận sự gia tăng bệnh sởi để triển khai các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động, tiêm tại nhà và hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trong tháng 3/2025.
Bên cạnh đó, công tác phân luồng khám bệnh, thu dung và điều trị bệnh nhân cần được thực hiện tốt, đồng thời tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý khi có sự gia tăng các ca nhập viện nhằm hạn chế tối đa tình trạng tử vong.
Theo TTXVN
Trường Đại học Y Hà Nội, phối hợp Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng nhiều đơn vị đồng hành đã tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo tại địa bàn huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình.
Một loại virus chưa rõ nguồn gốc đã xuất hiện ở Nga, triệu chứng bao gồm ho ra máu và sốt lên tới 39 độ, trong khi xét nghiệm Covid và cúm đều cho kết quả âm tính, tờ RIA Novosti cho biết.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng người mắc sởi đến khám và điều trị.
Việt Nam có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV mỗi năm, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong.
Tình trạng kém dinh dưỡng do thiếu hụt các vi chất thiết yếu đang là thách thức lớn nhất đối với trẻ em Việt Nam.
Bệnh viện Hữu Nghị vừa tổ chức hội nghị khoa học quốc tế năm 2025, cập nhật các tiến bộ mới trong điều trị bệnh tật, chăm sóc người cao tuổi.
0