Diễn biến chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/10

Máy bay tác chiến/chiến thuật, máy bay không người lái tấn công, lực lượng tên lửa và pháo binh của quân đội Nga đã tấn công các sân bay quân sự của Ukraine và gây thiệt hại cho nhân lực và thiết bị quân sự của đối phương tại 139 khu vực, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Nga tấn công sân bay quân sự của Ukraine

Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 77 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine và 6 tên lửa của hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Đến nay, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 646 máy bay chiến đấu của Ukraine, 283 trực thăng, 34.250 máy bay không người lái, 584 hệ thống tên lửa đất đối không, 18.785 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.478 bệ phóng tên lửa nhiều nòng, 16.657 pháo binh dã chiến và súng cối và 27.535 xe cơ giới quân sự đặc biệt kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nga bao vây quân đội Ukraine tại khu vực Kurilovka gần Kupyansk

Quân đội Nga đã tiến vào một số khu vực tiền tuyến theo hướng Kupyansk và đang bao vây nhóm tác chiến của Ukraine tại Kurilovka, chuyên gia quân sự Andrey Marochko ngày 24/10 nói với TASS.

“Tất nhiên, nhóm tác chiến của đối phương đóng tại Kurilovka có thể bị bao vây”, ông nói, đồng thời chỉ rõ rằng đây là kết quả của việc lực lượng Nga tiến quân ở một số khu vực trên tiền tuyến.

Cũng theo ông Andrey Marochko, Bộ chỉ huy quân sự Ukraine phải “có hành động khẩn cấp” đối với nhóm tác chiến của mình đóng tại Kurilovka vì lực lượng Nga có thể cắt đứt các tuyến đường tiếp tế chính của họ và kìm hãm quân đội Ukraine đang cố thủ ở phía đông Kupyansk “ngay cả khi không bao vây hoàn toàn”, ông cho biết.

Nga cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Ukraine gần Kupyansk-Uzlovoye

Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã phá hủy một tuyến đường giao cắt qua sông Oskol ở phía tây làng Kupyansk-Uzlovoy ở Vùng Kharkov.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đang mất các tuyến đường tiếp tế còn lại do hành động của quân đội Nga. “Nhờ vào sự khéo léo của lực lượng không quân Nga, Ukraine đã bị mất các tuyến đường tiếp tế còn lại”, bộ này tuyên bố.

Nga đẩy lùi ba cuộc phản công của Ukraine ở Khu vực Kursk

Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/10 cho biết, trong ngày qua, quân đội Nga đã đẩy lùi ba cuộc phản công của Ukraine tại các khu định cư Nizhny Klin, Novoivanovka và Plekhovo. Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 280 quân nhân, cũng như 9 xe bọc thép trong ngày qua tại khu vực Kursk. Tổng cộng, Ukraine đã mất hơn 26.222 quân nhân kể từ khi giao tranh bắt đầu trong khu vực.

Ukraine bác tin Nga đã vượt qua phòng tuyến Chasov Yar

Lữ đoàn cơ giới số 24 đang trấn giữ thành phố này tuyên bố phủ nhận thông tin quân đội Nga đã chiếm được vị trí trong các tuyến phòng thủ của Ukraine tại Chasov Yar, tỉnh Donetsk.

Quân đội Nga không thể chiếm được vị trí trong các tuyến phòng thủ của Ukraine tại thành phố Chasov Yar, tỉnh Donetsk - ông Andrii Polukhin, người phát ngôn của Lữ đoàn cơ giới số 24, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh vào ngày 22/10.

Chỉ vài giờ trước đó, Ivan Petrychak, đại diện bộ phận báo chí của Lữ đoàn cơ giới số 24, lại phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng quân đội Nga đã phá vỡ được hàng phòng thủ, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy thành phố có thể bị mất kiểm soát.

Theo ông Polukhin, các nhóm bộ binh nhỏ của Nga tiến vào tuyến phòng thủ của Ukraine nhưng không thể thoát ra vì họ đang bị các thiết bị bay không người lái của Ukraine chặn lại.

Trong khi đó, ông Petrychak lại mô tả tình hình ở khu vực tiền tuyến này là “khó khăn nhưng được kiểm soát”. Theo ông, tình hình vẫn căng thẳng trong suốt tháng qua và quân đội Nga đang nỗ lực hàng ngày để tấn công vào các vị trí của lực lượng Ukraine.

Ông Petrychak nhấn mạnh rằng, tình hình trong khu vực hoạt động của Lữ đoàn cơ giới số 24 vẫn còn nhiều thách thức. Nga có quân số đông hơn đáng kể so với lực lượng Ukraine và liên tục tìm cách phá vỡ tuyến phòng thủ, công phá Chasov Yar bằng pháo, tên lửa và máy bay ném bom. Tuy nhiên, Ukraine vẫn tiếp tục cố thủ trong thị trấn.

Ukraine: tình hình trên toàn bộ tiền tuyến đang rất khó khăn

Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết tình hình trên toàn bộ tuyến vẫn rất phức tạp đối với quân đội Ukraine.

“Tình hình ở tiền tuyến vẫn còn khó khăn”, thông báo trên kênh Telegram của Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.

Trước đó, Đại tá đã nghỉ hưu của Cơ quan An ninh Ukraine Oleg Starikov cho rằng có những dấu hiệu cho thấy tiền tuyến của Ukraine đang sụp đổ một phần.

Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn định kỳ báo cáo về tình hình trên toàn bộ tiền tuyến trong các báo cáo hàng ngày. Vào ngày 7/10, Bộ này đã mô tả tình hình ở đó là căng thẳng và chỉ ra bốn khu vực mà quân đội Ukraine đang trong tình huống khó khăn nhất, đó là: Krasnoarmeysk, Liman, Kupyansk và Kurakhovo. Một tuần sau, Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cũng mô tả tình hình ở mặt trận là đầy thách thức.

Ukraine triển khai nhóm lính đánh thuê từ Đức đến khu vực Krasny Liman

Quân đội Ukraine đã triển khai một nhóm lính đánh thuê từ Đức đến khu vực Krasny Liman thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), một nguồn tin trong giới quốc phòng Nga nói với TASS hôm 24/10.

“Lính đánh thuê từ Đức đã được phát hiện ở hướng Krasny Liman. Nhóm này được đưa đến khu vực trong thời gian khá gần đây”, nguồn tin cho biết, đồng thời nói thêm rằng lực lượng nước ngoài lớn nhất của quân đội Ukraine vẫn đang được triển khai tại khu vực tiền tuyến này.

Hạ viện Nga phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên

Hạ viện Nga phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên. Hiệp ước được ký tại Triều Tiên vào ngày 19/6 và được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra Hạ viện phê chuẩn ngày 14/10.iệp ước có quy định hai nước thường xuyên hỗ trợ và phát triển quan hệ đối tác chiến lược dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau cũng như dựa trên luật pháp quốc tế và mỗi nước.

Trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa trực tiếp xảy ra hành động xâm lược vũ trang đối với một nước, theo yêu cầu của một bên, hai bên ngay lập tức sử dụng kênh liên lạc song phương để tham vấn phối hợp lập trường và biện pháp hỗ trợ loại bỏ mối đe dọa.

Nếu một bên bị tấn công vũ trang từ bên thứ ba thì bên kia ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện hiện có theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp hai nước.

Khi trình bày hiệp ước trước các thành viên quốc hội Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Yury Rudenko đã nhấn mạnh Hiệp ước mang tính chất phòng thủ và hòa bình và được thông qua nhằm chống lại sự gia tăng quân sự của phương Tây ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ tuyên bố có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đưa quân tới Nga

Mỹ ngày 23/10 lần đầu tuyên bố nước này có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã đưa 3.000 binh sỹ tới Nga - một động thái có thể dẫn tới sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi.

Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, cho rằng sẽ “rất nghiêm trọng” nếu Triều Tiên chuẩn bị chiến đấu cùng Nga ở Ukraine, như điều Ukraine đã cáo buộc. Nhưng ông cho biết, “vẫn phải chờ xem họ sẽ làm gì ở đó”.

Cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ tin rằng ít nhất 3.000 binh sỹ Triều Tiên đang được huấn luyện tại 3 căn cứ quân sự ở miền Đông nước Nga. Theo ông Kirby, từ đầu đến giữa tháng 10/2024, các binh sỹ này đã di chuyển bằng tàu, từ khu vực Wonsan của Triều Tiên đến thành phố Vladivostok ở miền đông nước Nga, trước khi được đưa đến 3 địa điểm huấn luyện quân sự ở miền đông nước Nga.

“Nếu họ triển khai để chiến đấu chống lại Ukraine, họ sẽ trở thành mục tiêu tấn công. Quân đội Ukraine sẽ tự vệ trước các binh sỹ Triều Tiên giống như cách họ tự vệ trước những binh sỹ Nga”, ông Kirby nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này cho biết, Triều Tiên cam kết sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 10.000 binh sỹ cho Nga và dự kiến ​​sẽ hoàn tất việc triển khai vào tháng 12/2024.

Mỹ đánh giá, việc Triều Tiên đưa binh sỹ tới Nga có thể là bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang gặp vấn đề về nhân lực.

Trước đó, Điện Kremlin đã bác bỏ tuyên bố của Hàn Quốc về việc Triều Tiên đang triển khai quân tới Nga, cho đây là “tin giả”. Còn đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc cũng gọi đây là “tin đồn vô căn cứ” trong một cuộc họp vào đầu tuần này.

Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc chuyển giao vũ khí, nhưng hai bên đã cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự và ký một hiệp ước phòng thủ chung tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2024.

Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine không làm thay đổi hoạt động quân sự đặc biệt

Việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không thể làm thay đổi kết quả của hoạt động quân sự đặc biệt, Đại sứ Nga tại Seoul Georgy Zinovyev cho biết.

“Việc Soul cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ không thay đổi kết quả của cuộc xung đột, nhưng chúng sẽ thay đổi bản chất mối quan hệ giữa Moscow và Seoul và sẽ phá hủy triển vọng khôi phục quan hệ”, ông Zinovyev cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo, khi bình luận về khả năng Hàn Quốc sẽ thay đổi lập trường về vấn đề này.

Cho đến nay, Hàn Quốc đã cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính và nhân đạo, nhưng chưa cung cấp vũ khí sát thương. Tuy nhiên, sau khi tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắt đầu gửi quân đến Nga, Seoul đã hứa sẽ thực hiện các biện pháp để ứng phó với tình hình.

Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng chính quyền Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi lập trường về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine tùy thuộc vào diễn biến của tình hình: từ việc tiếp tục hỗ trợ mà không có nguồn cung cấp vũ khí cho đến việc chuyển giao vũ khí sát thương.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng, ông không có thông tin chính thức về việc triển khai quân đội Triều Tiên đến Nga. “Tôi không thể xác nhận những báo cáo này”, ông nói. “Đối với tôi, những gì được đưa ra làm bằng chứng về điều này là không thuyết phục”.

Cũng theo ông Zinovyev, “chiến dịch cuồng loạn” của Ukraine xung quanh các báo cáo như vậy bắt nguồn từ “tình hình tuyệt vọng” của nước này và nhằm mục đích “thúc đẩy các đối tác phương Tây của mình tăng cường hỗ trợ”.

Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga hôm 10/10 cho biết, những cáo buộc về sự tham gia của Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine giống như một trò lừa bịp khác của giới truyền thông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ theo đuổi quan hệ hợp tác với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm làm sâu sắc thêm liên minh song phương lâu đời, không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".

Lực lượng không quân Ukraine vừa xác nhận Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này, nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine.

Cựu hạ nghị sĩ bang Florida Matt Gaetz hôm 21/11 thông báo rút khỏi đề cử bộ trưởng Tư pháp do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra.

Chính quyền Nhà nước Palestine đã từ chối mọi kế hoạch của Israel về việc thiết lập vùng đệm ở phía Bắc Dải Gaza để phân phối viện trợ.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.