Diễn biến về vụ thiết quân luật tại Hàn Quốc

Sau khi bất ngờ tuyên bố tình trạng thiết quân luật và phải đảo ngược quyết định của mình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức hoặc bị luận tội.

Ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, chỉ trích phe đối lập là "lực lượng chống phá nhà nước", đe dọa nền dân chủ của đất nước.

Động thái bất ngờ của ông Yoon, đánh dấu lần đầu tiên thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc sau hơn bốn thập kỷ, đã khiến Mỹ và các đồng minh khác lo ngại.

Sáu giờ sau, Tổng thống Yoon đã từ bỏ nỗ lực áp dụng thiết quân luật sáng 4/12, giờ địa phương, sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại động thái này và hàng ngàn người xuống đường biểu tình.

Tuyên bố thiết quân luật 

Trong bài phát biểu khẩn cấp trên truyền hình phát toàn quốc, đêm 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố rằng, ông đang áp đặt thiết quân luật tại Hàn Quốc, khi ông cáo buộc phe đối lập làm tê liệt chính phủ bằng "các hoạt động chống nhà nước".

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật

Một sắc lệnh 6 điểm từ chỉ huy thiết quân luật mới, tướng Park An-su, tổng tư lệnh quân đội, đã nhanh chóng được ban hành sau đó: cấm các hoạt động chính trị và đảng phái, "tuyên truyền sai sự thật", đình công và "các cuộc tụ tập kích động bất ổn xã hội".

Lệnh này cũng đưa tất cả các cơ quan truyền thông vào diện thiết quân luật và chỉ đạo tất cả nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ đang đình công, phải trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.

Ông Yoon cho biết ông đang hành động để bảo vệ nền dân chủ tự do của đất nước khỏi "các thành phần chống nhà nước" và "mối đe dọa từ Triều Tiên" - nhưng không đưa ra nhiều chi tiết.

Mặc dù bất ngờ, thông báo này được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về ngân sách đang diễn ra giữa Tổng thống Yoon và đảng Dân chủ đối lập.

Phe đối lập đã cắt giảm khoảng 4,1 nghìn tỷ won (2,8 tỷ USD) từ ngân sách 677 nghìn tỷ won do ông Yoon đề xuất cho năm tới, khiến Tổng thống phàn nàn rằng "tất cả các ngân sách quan trọng cần thiết cho các chức năng cốt lõi của quốc gia" đều đang bị cắt giảm.

Chuyện gì đã xảy ra tại quốc hội Hàn Quốc?

Lực lượng an ninh đã phong tỏa Quốc hội, trực thăng hạ cánh trên mái nhà và quân đội đã vào tòa nhà trong một thời gian ngắn, dường như là để ngăn chặn các nhà lập pháp vào bên trong.

Bên ngoài toà nhà Quốc hội Hàn Quốc trong thời gian thiết quân luật

Nhưng 190 nhà lập pháp đã vào được bên trong, bỏ phiếu nhất trí bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Yoon và kêu gọi dỡ bỏ thiết quân luật.

Bên ngoài quốc hội, hàng trăm người biểu tình tụ tập phán đối tuyên bố thiết quân luật. Một số người đã xô xát với quân đội nhưng chưa có báo cáo về thương tích hoặc thiệt hại tài sản. Ít nhất một cửa sổ đã bị vỡ khi quân đội cố gắng vào tòa nhà quốc hội.

Tổng thống Yoon Suk Yeol rút lại quyết định thiết quân luật

Theo hiến pháp Hàn Quốc, cuộc bỏ phiếu của quốc hội về việc dỡ bỏ thiết quân luật phải được tôn trọng.

Các quan chức quân đội ban đầu cho biết rằng, bất chấp cuộc bỏ phiếu, thiết quân luật sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi chính tổng thống Yoon dỡ bỏ. Nhưng phe đối lập đã thống nhất trên mọi đường lối chính trị. Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ của ông Yoon gọi quyết định áp đặt thiết quân luật là sai. Lee Jae-myung, lãnh đạo phe đối lập đã thua sít sao trước Yoon trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 cho biết, thông báo của ông Yoon là "bất hợp pháp và vi hiến".

Sáu giờ sau khi ban bố thiết quân luật, ông Yoon cho biết quân đội sẽ trở về doanh trại và lệnh này sẽ được dỡ bỏ sau cuộc họp nội các.

Phản ứng quốc tế như thế nào?

Nhà Trắng cho biết, họ "cảm thấy nhẹ nhõm" khi Tổng thống Yoon đảo ngược quyết định ban bố thiết quân luật. Trước đó, Mỹ đã tuyên bố rằng họ đang theo dõi với "mối quan ngại sâu sắc" các sự kiện ở đồng minh châu Á quan trọng của mình, nơi có 28.500 quân Mỹ đang đồn trú.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu ngày 4/12

Thủ tướng nước láng giềng Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba cũng nói: Tokyo đang theo dõi tình hình ở Hàn Quốc với mối quan ngại đặc biệt và nghiêm túc. Ông Ishiba cho biết Tokyo không biết về bất kỳ thông tin nào cho thấy công dân Nhật Bản tại Hàn Quốc bị thương và khẳng định chính phủ nước này đang thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng tình hình ở Hàn Quốc sau khi ban bố thiết quân luật là đáng lo ngại và Moscow đang theo dõi chặt chẽ.

Chính phủ Anh cũng kêu gọi người dân tránh các cuộc biểu tình chính trị ở Hàn Quốc và cho biết London đang theo dõi tình hình. "Chúng tôi khuyên tất cả công dân Anh nên theo dõi khuyến cáo về du lịch của Vương quốc Anh để cập nhật thông tin và làm theo lời khuyên của chính quyền địa phương", phó phát ngôn viên của Thủ tướng Keir Starmer nói.

Tương tự, Đức cũng tuyên bố đang theo dõi tình hình và khuyến cáo công dân tránh các cuộc biểu tình.

Người phát ngôn Stephane Djuarric của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, cơ quan này đang theo dõi tình hình chính trị bất ổn ở Hàn Quốc bởi "tình hình đang diễn biến nhanh chóng".

Người dân Hàn Quốc bày tỏ quan ngại

Người dân thủ đô Seoul, Hàn Quốc rơi vào trạng thái lo lắng, cảm thấy "vô cùng bối rối" và sợ hãi sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật và đảo ngược quyết định vài giờ sau đó, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Anh Kim Byeong-in, một người dân Seoul chia sẻ: “Đó là một trải nghiệm mà tôi chỉ thấy trong phim và tôi nhận ra nó nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Tình hình kinh tế hiện tại Hàn Quốc rất khó khăn và việc tổng thống gây ra sự lo lắng như vậy trong người dân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều. Tôi vô cùng bối rối trước tình hình này, và tôi rất lo lắng về tương lai của đất nước”.

“Đêm qua, tôi tình cờ thức dậy và thấy tin tức. Lúc đầu, tôi rất sợ và bối rối. Tôi cứ nghĩ: chuyện gì đang xảy ra vậy? Đây có phải là điều thực sự có thể xảy ra trong thời đại này không?. Tôi không thể ngủ cho đến khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ vì tôi quá sợ hãi”, bà Gang He-soo, một người dân Hàn Quốc cho biết.

Diễn biến sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ

Sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ, đảng Dân chủ đối lập đã kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức hoặc phải đối mặt nguy cơ bị luận tội.

Đảng này sau đó cảnh báo sẽ tiến hành luận tội ngay lập tức trừ khi ông Yoon tự nguyện từ chức tổng thống.

Sáng nay, chánh văn phòng và các thư ký cấp cao của ông Yoon đã đề nghị từ chức hàng loạt. Trong đó có Chung Jin-suk - chánh văn phòng tổng thống; Shin Won-sik - Cố vấn An ninh Quốc gia; và Sung Tae-yoon, chánh văn phòng phụ trách chính sách, cũng như bảy trợ lý cấp cao khác.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã khiến cả nước bàng hoàng vào tối ngày 3/12, khi bất ngờ tuyên bố thiết quân luật lần đầu tiên sau gần 50 năm.

Hàn Quốc đã trải qua một đêm hỗn loạn và căng thẳng, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol (Dun Súc Yên) bất ngờ ban bố thiết quân luật vào 23h đêm qua, để rồi lại nhanh chóng đảo ngược quyết định này chỉ sau đó 6 giờ đồng hồ.

Không khí Giáng sinh đã tưng bừng ở thủ đô Washington D.C. của Mỹ với việc thắp sáng một cây thông Noel khổng lồ được lấy từ một khu rừng ở bang Alaska xa xôi.

Nhụy hoa nghệ tây được gọi là "vàng đỏ" vì nó là loại gia vị quý giá nhất thế giới. Tại Tunisia, nhiều người đang nỗ lực để đưa loài cây quý giá này vào trồng trọt, đem lại nguồn lợi lớn cho những người nông dân.

Ngày 3/12 đánh dấu một cột mốc lịch sử cho thị trường chứng khoán Đức khi chỉ số DAX, biểu tượng kinh tế hàng đầu châu Âu, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 20.000 điểm.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt việc xuất khẩu mặt hàng lưỡng dụng sang Mỹ, trong đó có gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng.