Điều phương Tây muốn phớt lờ trong vụ khủng bố ở Moscow
Bốn kẻ khủng bố đã chọn địa điểm tấn công là nhà hát Crocus City Hall, một trong những địa điểm triển lãm và hòa nhạc lớn nhất nước Nga, nằm ở thành phố Krasnogorsk, ngoại ô thủ đô Moscow, nơi tổ chức các sự kiện lớn hàng ngày.
Không lâu sau khi vụ tấn công xảy ra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm. Thông tin này được đăng tải đầu tiên bởi một số cơ quan truyền thông, bao gồm Reuters và CNN, và sau đó được các quan chức phương Tây săn đón. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 25/3 tuyên bố, “IS chịu toàn bộ trách nhiệm cho cuộc tấn công này, trách nhiệm duy nhất.”
Tuy nhiên, khi so sánh cuộc tấn công khủng bố này với các cuộc tấn công khác của IS, Directorate 4 nhận thấy có nhiều điểm khác biệt hơn là tương đồng.
IS giết người như thế nào?
Vào đêm 22/3 định mệnh đó, một buổi hòa nhạc của Picnic, một ban nhạc rock ở St. Petersburg, dự kiến sẽ diễn ra tại phòng hoà nhạc Crocus City Hall. Thực tế này gợi nhớ đến vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Pháp vào tháng 11/2015. Khi đó, những kẻ khủng bố đã đột nhập vào Nhà hát Bataclan ở Paris, nơi đang diễn ra buổi hòa nhạc của ban nhạc Eagles of Death Metal của Mỹ. IS đã nhận trách nhiệm về tội ác khiến 89 người thiệt mạng.
Trong những năm đó, IS ngày càng hoạt động tích cực trên toàn thế giới - nhưng đây thực chất là dấu hiệu suy tàn của tổ chức này. Vào thời hoàng kim, IS không kêu gọi những người ủng hộ mình thực hiện các cuộc tấn công khủng bố mà thay vào đó kêu gọi họ “hoàn thành hijrah” - tức là di chuyển đến các vùng lãnh thổ do tổ chức này kiểm soát. Hơn mười năm trước, điều này được thực hiện khá dễ dàng, vì một phần biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ do các chiến binh thánh chiến kiểm soát, cho phép người dân tự do vượt qua biên giới và gia nhập hàng ngũ của họ.
Tuy nhiên, khi những kẻ khủng bố mất nhiều lãnh thổ, quan điểm của chúng đã thay đổi. Thông qua các kênh thông tin của mình, IS đã kêu gọi những người đi theo mình thực hiện các hành động khủng bố tại những nơi họ sinh sống. Điều này đã khiến bạo lực bùng phát ở châu Âu: một làn sóng khủng bố quét qua Pháp, Bỉ, Đức, Anh và các nước khác. Ở Nga, Bắc Kavkaz cũng trở thành điểm nóng.
Chiến lược này rất đơn giản – bất kỳ ai ủng hộ các chiến binh thánh chiến, dù họ sống ở đâu, đều có thể quay một video với lời thề trung thành với “caliph”, gửi video đó qua bot phản hồi tự động và sau đó thực hiện hành động khủng bố.
Trong các vụ tấn công này, thông thường thủ phạm sẽ “tử vì đạo”, nhưng đối với IS, điều này không thành vấn đề - vì tổ chức này chỉ quan tâm đến việc được nhắc tên trong các hành động khủng bố. Đó cũng là lý do tại sao IS đôi khi phải chịu trách nhiệm về những tội ác không liên quan gì đến chúng.
Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố ở Krasnogorsk không phù hợp với chiến lược đơn giản thường được IS áp dụng. Trên thực tế, việc lựa chọn một buổi hòa nhạc rock làm địa điểm tấn công khủng bố gần như là đặc điểm chung duy nhất giữa cuộc tấn công này và các hành động khủng bố khác mà IS đã thực hiện.
Điều gì xảy ra trước vụ tấn công khủng bố?
Bốn người chưa từng quen biết nhau trước đây đã được tuyển dụng để thực hiện vụ tấn công khủng bố. Một trong số họ, Shamsidin Fariduni, đã ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2, và từ đó anh ta bay đến Nga vào ngày 4 tháng 3. Nghi phạm này đã ở Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất mười ngày và các nhà điều tra hiện đang xác định xem hắn đã liên lạc với ai khi ở đó.
Theo thông tin không chính thức, Shamsidin Fariduni đã gặp một “nhà truyền giáo Hồi giáo” nào đó ở Istanbul. Tuy nhiên, người ta cũng biết rằng những kẻ khủng bố đã trao đổi thư từ với “trợ lý của nhà truyền giáo”. Theo Fariduni, kẻ giấu tên này đã tài trợ và tổ chức vụ tấn công khủng bố.
Sau khi đến Nga, Fariduni đã đến phòng hoà nhạc Crocus City Hal vào ngày 7 tháng 3 để khảo sát địa điểm xảy ra tội ác. Điều đó cho thấy cuộc tấn công sẽ diễn ra ngay sau khi nghi phạm này từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga. Cùng ngày, đại sứ quán Mỹ tại Nga cảnh báo công dân nước này tránh tụ tập đông người “trong 48 giờ tới” do có thể bị các phần tử cực đoan tấn công.
Buổi hòa nhạc tiếp theo diễn ra tại phòng hoà nhạc Crocus City Hall sau thời điểm Fariduni đến đây là của Shaman, một ca sĩ nổi tiếng về lòng yêu nước. Tuy nhiên, buổi biểu diễn vào thứ Bảy ngày 9 tháng 3 của anh đã trôi qua mà không xảy ra sự cố nào. Trong những ngày tiếp theo, có những buổi biểu diễn khác tại địa điểm này, nhưng dường như những kẻ khủng bố đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch của chúng.
Vì vậy, chúng đã chọn buổi hòa nhạc của ban nhạc Picnic, dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 3. Mặc dù ban nhạc này không nổi tiếng như Shaman nhưng họ cũng được biết đến với lập trường yêu nước và đã quyên góp kinh phí cho các nhu cầu của Lực lượng Vũ trang Nga tại Ukraine.
Chuyện gì đã xảy ra sau đó?
Không ai trong số những kẻ khủng bố có kế hoạch “gia nhập Houris trên thiên đường” như thường lệ đối với những người theo IS. Sau khi xả súng vào đám đông ở phòng hoà nhạc Crocus City Hall và đốt cháy tòa nhà, chúng không tấn công lực lượng đặc nhiệm đến hiện trường mà thay vào đó lên ô tô bỏ trốn khỏi Moscow. Chúng cũng không đeo “thắt lưng cảm tử” – đặc điểm đặc trưng của những kẻ theo IS, sẵn sàng chết sau khi phạm tội.
Một chi tiết khác không đặc trưng đối với IS là phần thưởng bằng tiền được hứa cho những kẻ khủng bố. Việc thanh toán được cho là sẽ được thực hiện thành hai đợt - trước và sau cuộc tấn công. Những kẻ khủng bố đã nhận được khoản thanh toán đầu tiên, lên tới 250.000 rúp (2.700 USD).
Chi tiết quan trọng nhất là nơi những kẻ khủng bố bị bắt. Camera giao thông cho phép các cơ quan tình báo theo dõi nơi họ đang hướng tới. Cuối cùng bốn kẻ khủng bố đã bị bắt trên đường cao tốc liên bang M-3 Ukraine – tuyến đường từng nối Nga và Ukraine nhưng đã mất đi nhiều tầm quan trọng quốc tế sau khi quan hệ giữa hai nước xấu đi vào năm 2014, và đặc biệt là sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.
Những kẻ khủng bố đã bị bắt sau khi rẽ qua tuyến đường A240 dẫn đến Belarus. Vào thời điểm đó, rõ ràng là chỉ có một nơi duy nhất mà họ có thể hướng tới: Ukraine.
Mặc dù thực tế những kẻ khủng bố đã được trang bị vũ khí nhưng chỉ một trong số chúng, Mukhammadsobir Fayzov, kháng cự. Tất cả những kẻ khủng bố đều bị bắt sống, rất có thể đó là mệnh lệnh được đưa ra cho lực lượng an ninh tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, có một thực tế là bản thân những kẻ khủng bố cũng không muốn chết.
Hơn nữa, chúng biết phải đi đâu để cứu mạng mình: đến biên giới Ukraine. Sau đó, trong bài phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “cửa sổ” đi lại đã được mở cho họ ở phía Ukraine.
Điều này cũng không bình thường đối với IS, vì ai đó thực hiện hành động khủng bố, đặc biệt là với những người ngoài tổ chức, luôn bị coi là “đồ dùng một lần”. Kể cả khi anh ta có sống sót thoát ra được thì cũng không ai có thể giúp đỡ anh ta.
Hơn nữa, trong những năm trước, IS thường không chịu trách nhiệm về một vụ tấn công nếu thủ phạm còn sống vì điều này có thể gây hại cho đối tượng này trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, sau đó tổ chức này không còn quan tâm đến điều này nữa do tình trạng tồi tệ mà chúng đang gặp phải.
Tất cả điều này dẫn đến thực tế là so với các cuộc tấn công khác do IS thực hiện trong vài năm qua, cuộc tấn công này khác biệt đáng kể khi nói đến mức độ chuẩn bị, lập kế hoạch chi tiết và đền bù tài chính.
Liệu Ukraine có liên quan?
Một thông tin đáng chú ý là ngay sau thảm kịch xảy ra, khi phòng hoà nhạc Crocus City Hall vẫn còn bốc cháy, Mỹ đã cho biết: họ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự liên quan của Ukraine và người Ukraine trong vụ việc. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay lập tức đặt câu hỏi: dựa trên cơ sở nào mà giới chức Washington rút ra kết luận như vậy? Và nếu có bất kỳ dữ liệu cụ thể nào ở đó, hãy giao ngay cho Nga.
Theo đài RT của Nga, sau vụ tấn công khủng bố ở Crocus City Hall, tờ báo Heute của Áo đã phát hiện ra một mối liên hệ giữa Ukraine và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trích dẫn thông tin từ các cơ quan tình báo, ấn phẩm này cho biết nhiều kẻ tình nghi khủng bố đã từng vào EU từ Ukraine. Ví dụ, vào tháng 12 năm 2023, một công dân Tajikistan và vợ cùng với một đồng phạm đã bị giam giữ tại Vienna khi đang chuẩn bị tấn công Nhà thờ St. Stephen. Cặp đôi này đã đến EU từ Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Ukraine là nơi cư trú không chỉ của nhiều kẻ khủng bố mà còn của cả những kẻ cầm đầu IS và những người có cảm tình với khủng bố. Một số người trong số này tích cực tham gia gây quỹ cho các chiến binh IS bị giam giữ ở Syria và Iraq. Một phần số tiền này được dùng để mua thực phẩm và thuốc men, nhưng cũng được dùng để mua vũ khí để thực hiện các cuộc tấn công bên trong nhà tù và hối lộ lính canh.
Về phần mình, ngay sau vụ tấn công, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định “Ukraine hoàn toàn không liên quan gì đến những sự kiện này” và rằng “Ukraine không bao giờ dùng đến các phương thức khủng bố vì tấn công khủng bố không giải quyết được gì.”
Hiện công tác điều tra về vụ tấn công vẫn đang được tiến hành khẩn trương và các nhà chức trách Nga hy vọng sẽ sớm có được câu trả lời cuối cùng dựa trên những chứng cứ xác thực./.
(Theo RT)
Quân đội Israel vừa kêu gọi dân thường sơ tán khỏi khu vực Baalbek ở miền Đông Liban, cảnh báo rằng nước này đã sẵn sàng tấn công các mục tiêu của Hezbollah tại đây và cả khu vực Douris gần đó.
Quân đội Israel cho biết họ đã chặn năm máy bay không người lái từ Liban sau khi có còi báo động vang lên ở phía Bắc và phía Đông Israel.
Phát biểu khai mạc Hội đồng Quỹ Thế giới Nga ngày 2/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Ukraine sẽ tiếp tục mất lãnh thổ nếu không chịu đàm phán với Nga.
Đêm qua, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào thủ đô Kiev của Ukraine. Cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ đến tận sáng đã khiến ít nhất một người bị thương, các quan chức thành phố ngày 2/11 cho biết.
Ngày 2/11, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khẳng định rằng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục nỗ lực xây dựng năng lực tự vệ, đồng thời cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào các kịch bản chiến tranh.
Ngày 1/11, Mỹ đã thông báo về một gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, trị giá 425 triệu USD và sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ đang rất cần, bao gồm các loại tên lửa phòng không, đạn pháo và hệ thống phóng tên lửa đa nòng, xe bọc thép và vũ khí chống tăng.
0