Điều ý nghĩa trong đời
Tôi lại nghỉ việc.
Nói đúng hơn tôi nghỉ bớt việc, mặc dù với sự nỗ lực hiện tại làm 4-5 công việc giúp tôi có một mức thu nhập tốt để lo cho gia đình, đủ sống ở thành thị.
Ba công việc online, một công việc hành chính và một công việc dạy thêm. Cuộc sống khi cảm thấy không phải lo lắng về thu nhập tự nhiên người ta lại thấy an tâm.
Tôi sống trong sự an tâm và hài lòng mỗi khi nhận lương hàng tháng, thấy số tiền kiếm được không còn khiến mình phải đau đầu tính toán chi tiêu.
Làm nhiều việc như thế có khiến tôi mệt không? Mệt nhưng đầy hưng phấn và háo hức bởi vì tất cả công việc tôi làm đều là sở trường là đam mê. Tôi đã làm việc hết sức trách nhiệm và cố gắng dồn tâm sức nhất có thể, sáng tạo hết mức có thể. Lúc nào tôi cũng sục sôi và đầy nhiệt huyết.
Nhưng tôi không còn thời gian trò chuyện với con. Bao năm liền tôi chưa từng vắng mặt hay nhờ ai họp phụ huynh cho con, vậy mà năm rồi lần đầu tiên con được học sinh xuất sắc tôi lại không thể có mặt để chứng kiến kết quả sự nỗ lực của con.
Câu nói: "Con ngủ trước đi, mẹ phải làm nốt việc. Con thông cảm cho mẹ nhé" đã thành câu cửa miệng của tôi. Để rồi đứa con tôi yêu thương, đứa con mà tôi tự hứa với mình sẽ khiến nó hạnh phúc nằm co quắp níu kéo hơi ấm của mẹ bằng cái ôm chân mẹ thiêm thiếp vào giấc ngủ.
Dáng vẻ lặng lẽ luôn cố gắng hiểu chuyện dù đang ở tuổi nhi đồng của nó làm tôi áy náy và xót xa.
Tôi muốn sắp xếp lại cuộc đời mình. Có phải tôi đang đi đúng hướng hay đã chệch khỏi mục tiêu của chính mình?
Hồi còn nhỏ, vì để được một lần bố mẹ ghi nhận, một lần được tuyên dương trước lớp, tôi đã cố gắng học. Thời sinh viên tôi tham gia đủ các dự án thiện nguyện để nhìn thấy người khác hạnh phúc. Khi có người yêu, tôi đã làm tất cả chỉ để họ thấy rằng tôi yêu và thương họ thế nào kể cả việc tôi gạt đi sở thích, ước mơ của chính mình.
Làm lãnh đạo, bản thân đã kiệt quệ cả tinh thần và vật chất, vẫn cố gắng duy trì qua khó khăn để nhân viên không bị mất việc.
Khởi điểm, mọi việc tưởng chừng như bắt đầu từ điều tôi muốn, rồi đi một đoạn tôi quên bản thân mình cần gì, tôi cảm thấy thế nào? Ngay cả lúc danh vọng của tôi ở trên đỉnh cao tôi cũng không hề hạnh phúc.
Mất ngủ, nhạy cảm, đôi lúc rối loạn cảm xúc, những tâm sự chất chứa mà không thể nói với ai. Cuộc sống của người trưởng thành có phải ai cũng thế không?
Có những điều tưởng là tâm huyết, có những điều tưởng là mục tiêu cuộc sống nhưng hoá ra không phải. Khi nó trở thành gánh nặng trên vai bạn, khi bạn không thấy hạnh phúc, khi mọi thứ bạn làm không còn phần nào cho chính bạn thì mọi thứ đã trở thành không đúng.
Bước chân ra khỏi những thứ mình đã gắn bó, hết lòng hết sức là một điều không dễ dàng. Một công việc đã dành biết bao tâm huyết, một mối tình đã cố gắng vun đắp. Bước chân vào không dễ, bước chân ra cũng là biết bao đắn đo và dũng cảm. Nhưng qua những nắng mưa được bình tâm lại bạn sẽ dần nhận ra điều thực sự ý nghĩa và làm bạn hạnh phúc là gì?
Có người sớm nhận ra điều quan trọng với mình, có người mất cả đời để kiếm tìm. Mỗi người sẽ có giá trị và mục tiêu cuộc sống riêng mà chỉ chính họ tự trải nghiệm, tự tìm ra câu trả lời mà thôi.
Còn với tôi, điều hạnh phúc đơn giản của hiện tại chỉ là có khoảng thời gian cho riêng mình, cho con, cho gia đình. Hạnh phúc yên bình, ấm áp không cần màu mè và trang hoàng bởi quá nhiều vật chất.
Có một người tạo thói quen đạp xe vào buổi tối, lặng lẽ guồng quay trên từng con phố nhỏ, để lắng đọng và cảm nhận cuộc sống chậm rãi ở Thủ đô khi Hà Nội đã lên đèn.
Có người từng nghĩ rằng tìm kiếm bản thân là một hành trình đầy hào hứng, như những chuyến phiêu lưu đến miền đất mới, nơi sẽ có câu trả lời chờ sẵn cho mọi thắc mắc về ý nghĩa cuộc sống. Thế nhưng, khi từng ngày đi qua, khi đôi chân lặng lẽ đi qua bao nhiêu con đường, nỗi khắc khoải trong lòng lại càng rõ hơn, từng khoảnh khắc chông chênh trên hành trình ấy như một phần không thể thiếu trong việc xây dựng bản ngã của mình.
Trời xanh biêng biếc nơi Thủ đô, cái xanh như tự ngàn năm còn đó. Để rồi một ngày nắng ấy long lanh, để một tôi nhỏ bé nhớ, một Hà Nội nồng nàn gợi mở, Hà Nội sâu thẳm và bao dung.
Có một con đường dài, uốn lượn men theo lũy tre làng, từng lớp đất như hoà quyện với nhịp sống thanh bình, lặng lẽ. Con đường ấy không đòi hỏi sự chú ý, cũng chẳng bao giờ đòi hỏi những lời ca ngợi. Nó chỉ ở đó, im lặng và khiêm nhường, đón nhận từng bước chân qua lại suốt bao mùa gió bão, nắng mưa. Thời gian trôi qua, bụi đường phơi mình dưới ánh nắng gay gắt, lặng lẽ khi đêm về, vương vấn hương lúa nồng đượm của ruộng đồng.
Bác bảo vệ trường xưa nay đã về miền mây trắng. Mỗi lần nghĩ về bác, trong lòng một người dấy lên niềm thương yêu và kính trọng như một người cha, như một người thầy. Trong xôn xao niềm vui của Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô nghĩ rằng, bác chính là một dấu lặng, hay một nốt trầm rất đẹp trong bản hòa ca về nghề dạy học.
Gần 30 tuổi, cô – một giáo viên dạy Ngữ văn, trong những câu chuyện đùa vui với đồng nghiệp và bạn bè, luôn tự nhận mình già trước tuổi. Cô chỉ ưa những điều tối giản, cả trong cách ăn mặc và lối sống. Chỉ như vậy, cô mới cảm thấy lòng mình bình yên, dễ chịu. Cô biết, chỉ có một người hiểu vì sao tính cách của cô lại già dặn sớm như thế. Người phụ nữ ấy không phải mẹ cô mà là cô Nguyễn Thị Hoa, cô giáo dạy Ngữ văn của cô suốt 4 năm cấp 2. Cô không gọi cô Hoa là cô giáo cũ, bởi cô Hoa luôn là người dạy dỗ cô suốt đời.
0