Dinh dưỡng cho người cao tuổi dịp Tết

Nếu có một chế độ ăn, ngủ, nghỉ ngơi điều độ, thì người cao tuổi vừa có thể đi chúc Tết, du Xuân, đón Tết vui vẻ, vừa được sum vầy bên con cháu lại vẫn đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết.

Mỗi khi Tết đến, Xuân về các gia đình Việt được đoàn tụ đông đủ để đón Xuân, mừng tuổi và cầu chúc cho ông bà, cha mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu làm chỗ dựa về tinh thần và tình cảm cho con cháu. Nhưng để người cao tuổi (NCT) và gia đình có niềm vui trọn vẹn, chúng ta cần có những hiểu biết khoa học để bảo vệ sức khỏe cho các cụ.

Chế độ ăn phù hợp

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, về nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi là 2.000Kcal, ở người trên 70 tuổi là 1.870Kcal - thấp hơn so với nhu cầu năng lượng của người 25 tuổi là 2.200Kcal. Theo nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam, với NCT, nhu cầu về năng lượng là từ 1.800-2.000Kcal/người/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp 63%, các chất béo cung cấp khoảng 22% và các chất đạm cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. NCT cần điều chỉnh chế độ ăn để duy trì cân nặng ở mức hợp lý để chỉ số BMI (chỉ số khố cơ thể) từ 18,5-22,9.

Người cao tuổi cần phải bảo đảm dinh dưỡng trong dịp Tết. Ảnh minh họa

Vào ngày Tết, chế độ ăn của NCT cần lưu ý, nên chia thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí vui vẻ thoải mái. Khi ăn, cần nhai chậm, nhai kỹ thức ăn. Nên ăn các thức ăn thực vật như: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt, thay vào đó là cá, tôm. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món rán nướng. Nên ăn thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.

Chế độ dinh dưỡng 

Giảm thịt, chất béo và muối: Về chất đạm, nhu cầu protein khoảng 70g/người/ngày, tỷ lệ đạm động vật trên 30% tổng số protein. NCT ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi như: cá, tôm, cua (100g tép chứa 910mg canxi, 100g cua chứa 5.040mg canxi). Các protein thực vật như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ vì có nhiều chất xơ giúp thải lượng cholesterol. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa).

Về chất béo, nhu cầu khoảng 50g/người/ngày, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo. Dầu thực vật tốt với người có tăng huyết áp, không có cholesterol và ít acid béo bão hòa (dưới 40%) hơn mỡ động vật.

Ngoài ra, ăn hạn chế các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa, cà muối. Hạn chế những đồ ăn, thức uống gây mất ngủ như: cà phê, chè đặc. Hạn chế ăn mặn, lượng muối ăn dưới 150g/người/tháng vì ăn muối nhiều có liên quan đến bệnh tăng huyết áp.

Bổ sung thêm đậu, lạc, vừng và cá vào bữa ăn: Ở NCT, tiêu hóa hấp thụ chất đạm đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm. Với thực phẩm đậu, lạc, vừng và cá có nhiều chất đạm, ngoài ra chúng lại có nhiều chất dầu giúp phòng các bệnh về tim mạch. Cho nên, NCT nên ăn nhiều món ăn từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ.

Mỗi gia đình nên có một lọ vừng lạc để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày. Mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ 2 lửa để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương ở NCT. Ðậu, lạc, vừng, cá có tác dụng phòng, chống các bệnh tim mạch; đậu phụ còn có tác dụng phòng chống ung thư.

Ăn nhiều rau tươi, quả chín: NCT cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.

Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với NCT là các vitamin và chất khoáng.

Nhu cầu chất xơ 25g/ngày, đặc biệt là chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterol và đường máu, nó tốt với người tiểu đường, tăng huyết áp. NCT thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Cần ăn các loại rau xanh, hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả.

Uống đủ nước theo nhu cầu: NCT thường thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Uống từ 1,5-2 lít nước/1 ngày, cần chủ động uống nước, không chờ khát mới uống. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen...

Chế độ tập luyện thể dục, ngủ nghỉ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Hiệp - Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Thái Nguyên cho hay, những ngày Tết, người cao tuổi tránh thức khuya, cần ngủ tối thiểu 6 tiếng/ngày, buổi trưa cũng nên ngủ khoảng 30 - 60 phút. Nên dành thời gian tập thể dục nhẹ nhàng giúp giấc ngủ sâu hơn. Nên chọn địa điểm thuận lợi để đi bộ, thư giãn và tận hưởng không khí ngày Tết.

Trong những ngày thay đổi thời tiết, trời rét hay mưa phùn, người cao tuổi nên vận động ở trong nhà. Tập thể dục ở những nơi không bị gió lùa, mỗi ngày tập khoảng 60 phút, mỗi lần tập từ 15-20 phút. Những môn thể dục phù hợp là dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền, thiền… Những người bị bệnh về cột sống thoái hóa cột sống, cao huyết áp, tim mạch…cũng cần tham khảo ý kiến bác sỹ để lựa chọn môn thể thao phù hợp.

Người cao tuổi nên dành thời gian tập thể dục nhẹ nhàng. Ảnh minh họa

Như vậy, những ngày vui Xuân, đón Tết, NCT thường dành nhiều thời gian để giao lưu, ăn uống, nên thường thấy mệt mỏi và nếu ăn no, uống nhiều trước khi đi ngủ gây rối loạn giấc ngủ, lại càng mệt và khó ngủ hơn. Nên việc ăn, ngủ, nghỉ ngơi điều độ là vô cùng quan trọng, để NCT vừa du xuân vui vẻ, vừa sum vầy cùng con cháu, vừa thăm thú được bạn bè, lại vừa đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đề xuất sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Dinh dưỡng người Việt” lần II với chủ đề “Dinh dưỡng học đường”.

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua, các cơ sở giáo dục, nhất là cấp tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các bữa ăn bán trú cho học sinh.

Workshop dành riêng cho các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi phát triển chiều cao, cân nặng để giải đáp về "giảm nguy cơ béo phì và thấp còi cho trẻ" đã diễn ra tại Triển lãm giáo dục quốc tế Vietedu fair 2024.

Để học sinh được thụ hưởng bữa ăn đảm bảo chất lượng, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, việc cung cấp bữa ăn hợp lý với đầy đủ dinh dưỡng là vấn đề cần thiết của các bếp ăn ở trường học.

Sáng nay (18/9), Hội thảo "Giải pháp dinh dưỡng phát triển chiều cao học đường" đã được tổ chức nhằm đưa ra vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ.

Theo ước tính, lượng sữa mẹ tổn thất mỗi năm ở Việt Nam lên tới 249,3 triệu lít do thiếu những hỗ trợ thích đáng để mọi người mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ.