Đoan Ngọ ai có trở về?

Một Tết Đoan Ngọ nữa lại về. Có người đã kịp trở về để ùa vào vòng tay của cha mẹ, của những người thân. Có người thì vẫn còn đang mải mê nơi phương trời xa, chỉ có thể ngóng về quê hương với bao niềm thương nỗi nhớ.

Mẹ khua mấy đứa thức dậy cho kịp giờ nắng lên. Mẹ bảo Tết Đoan Ngọ phải thức dậy thật sớm nhìn thẳng vào mặt trời mới mọc, khi vầng sáng vừa nhô lên phía đằng Đông, thì cả năm sẽ không bị đau mắt. Chẳng biết đúng sai thế nào nhưng năm nào mẹ cũng gọi mấy đứa dậy sớm, mãi rồi cũng thành thói quen của chúng tôi. Hôm nay, dù ở một nơi xa tôi không được nghe mẹ gọi nhưng vẫn thức dậy sớm hơn cả mặt trời.

Có những nỗi nhớ cứ như chực sẵn ở đâu đó chỉ chờ một cái cớ để ùa về. Lạ thế!

Sáng nay, lẽ ra tôi phải đến trường nhưng có thay đổi nên được ở nhà lười biếng nằm trên giường mơ mộng. Tôi chợt nhận ra hôm nay không hề thấy bóng dáng một con thạch sùng nào hết. Bình thường trên tường nhà tôi lúc nào cũng sẵn một đội quân thạch sùng đuổi nhau chí chóe. Có hôm tôi đang ngồi xem ti vi, hai con thạch sùng mải cắn nhau rớt bịch ngay trước mặt làm tôi hoảng hồn. Hôm nay vắng chúng làm tôi thấy không quen, nhưng lại nhớ câu nói quen thuộc của mẹ: "lình lịch như rắn mồng 5".

Thật tình tôi không hiểu vì sao lại có câu nói đó nhưng rõ ràng ngày mồng 5 tháng 5 bọn rắn nó chạy trốn đâu hết cả.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh minh hoạ: Đại Đoàn Kết.

Tôi nhớ cái sân gạch nhà tôi, bóng nắng đến sớm mà cũng vội đi. Bình thường, buổi trưa, khi nắng đổ hồng cả khoảng sân, bầy thằn lằn con nào con nấy béo nục nối nhau ra đùa nắng. Ấy vậy mà đúng ngày Tết Đoan Ngọ thì không hề thấy một con nào. Mẹ tôi nói rắn là loài thường mang trong mình điều ác độc xấu xa, ngày Tết Đoan Ngọ là ngày diệt sâu bọ, diệt đi những điều xấu nên rắn sợ không dám xuất hiện. Ngày bé nghe chỉ là để nghe chứ có nghĩ được gì đâu. Bây giờ nghĩ lại thấy dậy lên một ước mơ: "Nếu những điều xấu xa trong xã hội, trong mỗi con người có một ngày để mà "sợ", để mà trốn đi, thì có lẽ cuộc đời cũng sẽ đẹp hơn rất nhiều".

Tết Đoan Ngọ về cũng gợi nhớ trong tôi một nét đẹp trong tình cảm gia đình. Con cháu trong nhà, bận gì thì bận, ngày Tết Đoan Ngọ cũng cố gắng thu xếp công việc để trở về với gia đình, với cha mẹ. Đặc biệt là vào dịp tết này những chàng rể hay sắp trở thành chàng rể đều mang lễ sang nhà người con gái họ yêu thương để tết cha mẹ vợ như một lời cảm ơn vì đã cho họ một nửa cuộc đời. Mâm lễ đơn sơ nhưng gói trọn nghĩa tình. Con người ta quý nhau đâu phải vì mâm cao cỗ đầy. Chỉ tiếc bây giờ nhiều người hay nghĩ đến giá trị của món quà mà ít để tâm đến nghĩa tình trong đó. Nghĩ cứ thấy tiếc cho những cũ càng.

Tết Đoan Ngọ đi đâu, ngồi đâu cũng được nhưng có một nơi không được ngồi, đó là bậu cửa. Mẹ tôi vẫn thường dặn không được ngồi bậu cửa ngày này vì nếu ngồi sẽ bị mọc mụn ở mông. Nhiều lần tôi tính liều ngồi thử nhưng lại sợ nên đành thôi. Và đến giờ vẫn không biết sự thật là thế nào. Thế mới biết trong cuộc đời, có một số cái ngưỡng nếu ta không bước qua chắc chắn ta sẽ mãi mãi không biết được sự thật là gì. Nhưng có lẽ trong một số sự việc cũng đừng cố tìm hiểu cho ra sự thật cuối cùng lại hóa hay. Và cái bí ẩn về việc ngồi bậu cửa ngày mồng 5 tháng 5 sẽ mãi là ẩn số để ta còn được trở về với thơ ngây.

Mười hai giờ trưa mồng 5 tháng 5 ở quê tôi là rộn ràng nhất. Nhà nào cũng rì rầm tiếng khảo cây. Nhớ ngày đó ngay sau bếp nhà tôi có cây mít to ơi là to, rất nhiều quả nhưng cứ to một chút là bị sâu đục và rụng. Quả nào không bị sâu đục thì cũng bị hỏng không rõ nguyên nhân. Chín đấy nhưng ăn vào cứ nhạt thếch. Thế là năm nào cũng vậy, đúng mười hai giờ trưa, chị em tôi vác dao ra gốc cây. Thằng em tôi trèo lên cây, tôi cầm dao đứng dưới gốc khảo cây. Tôi đứng dưới kể ra đủ tội, thằng em giả cây mít cứ dạ vâng rối rít. Sau nhiều lần khảo kể ra đủ tội, rắc vôi, rắc muối vào gốc cây cộng với lời hứa sẽ không bị sâu, không bị hư nữa, những năm sau, trái ra nhiều, ít bị sâu đục và ăn ngon hơn. Đến giờ này tôi vẫn không thể lý giải được thực hư chuyện khảo cây là như thế nào. Cũng có thể là do muối và vôi đã đuổi sâu bọ đi. Nhưng truy nguyên cũng chẳng để làm gì. Hãy cứ để đó là những điều bí ẩn để cuộc sống này thêm thi vị.

Quả là cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu không thể nào lý giải nổi. Giữa bộn bề cuộc sống hôm nay điều kỳ diệu chắc vẫn còn hiện diện. Cứ nhìn đời với con mắt thân thiện, vô vàn điều kỳ diệu sẽ mở ra. Nếu bạn có thể, thì đừng chần chừ, hãy trở về để gặp lại nụ cười của những người ta yêu thương và luôn yêu thương ta vô điều kiện, để mâm lễ Tết Đoan Ngọ thêm đầy ắp niềm thương.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.