Đôi má hồng của mẹ

'Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ, mà ở trong mắt kẻ si tình'. Bố - anh giáo làng ngày trước, thường trêu thế mỗi khi thấy mẹ trang điểm, đánh phấn. Mẹ sẽ ngại ngùng lườm chồng qua tấm gương gắn trên tủ đồ rồi lẩm bẩm câu gì đó thật nhỏ. Cặp vợ chồng đặc nết thôn quê chẳng có nổi một tấm hình cưới cứ lặng lẽ thương nhau bằng cái tình chân chất như thế.

Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ câu chuyện của bạn Nguyễn Trúc.

Nhớ ngày ấy, đồ trang điểm của mẹ chỉ vỏn vẹn có hộp kem vừa dưỡng trắng vừa coi như lớp nền, cùng cây son gió màu hồng cánh sen. Mỗi lần đi dự đám cưới hoặc có dịp tụ hội bạn bè, mẹ chỉ bôi nhẹ mấy thứ đó lên môi lên mặt, nhưng lúc nào bố cũng phải ngoái nhìn hồi lâu. Tình cảm của bố mẹ hồi ấy làm mấy chị em không ít lần xuýt xoa vì ngọt ngào quá đỗi. Chắc là dù mẹ có để mặt mộc, bố vẫn sẽ dành cho mẹ trọn vẹn ánh mắt đầu tiên.

Ảnh minh họa: vinhphuc.edu

Hộp kem trang điểm là bảo bối của mẹ, dù chỉ nhỏ hơn lòng bàn tay nhưng được dùng cả mấy năm chưa hết. Kem lâu trôi, bám chắc nền vừa dưỡng trắng vừa có mùi thơm, nên mẹ chẳng cần thoa lượng nhiều quá. Mẹ nói thời ấy có được hộp phấn trang điểm là mơ ước của chị em phụ nữ, thành ra mua được thì dùng tằn tiện. Bởi dù sao ngoài cái “má hồng” thiếu nữ, mẹ còn phải trông chừng đàn con đói ăn. Ai cũng muốn làm đẹp vẻ ngoài, nhưng cái đẹp của tâm hồn người phụ nữ khi luôn vì chồng con lại là nét hấp dẫn và bền lâu nhất.

Thời mà mọi người còn sống theo thói quen tự túc tự cấp, mẹ thường dùng những thứ sản vật tự nhiên như: dầu dừa bôi tay để da không bị nẻ; vỏ bưởi, bồ kết để gội đầu cho đẹp tóc; rửa mặt bằng nước vo gạo để trắng da; đắp lòng trắng trứng gà thành mặt nạ để sạch mụn cám…Mẹ không dùng nước hoa, nhưng lúc nào cũng thoảng một mùi hương dễ chịu. Nhớ ngày nhỏ, tôi rất thích dụi vào má của mẹ rồi hít hà mùi thơm thanh tân ấy. Cái mùi đặc trưng của kem dưỡng quyện cùng hương bồ kết mà mẹ dùng gội đầu được tôi đặt cho biệt danh là “mùi của mẹ”. Sau này, khi mẹ chẳng còn khỏe như trước qua những đợt phẫu thuật, mùi của mẹ pha thêm chút dầu gió xanh hay hương thuốc Bắc đắng nghét. Mỗi lần ôm lấy bờ vai gầy rồi hít hà mùi của mẹ sau đợt chữa trị, tự nhiên mắt cứ xốn xang như bụi rơi mờ.

Hộp kem nền hay mấy sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên của mẹ không có bao bì bắt mắt, cũng chẳng quảng cáo rầm rộ. Nó cứ lặng lẽ thẩm thấu vào đời sống của mấy bà mấy mẹ. Để giờ  cầm trên tay hũ kem dưỡng trắng ngày trước của mẹ, mấy anh chị em ai nấy cũng đều rưng rưng.

Hộp phấn thời xưa của các bà các chị. Ảnh minh họa

Mẹ giờ đã già, còn bố đi về miền mây trắng hơn nửa thập kỷ. Hộp kem ngày nào được mẹ cất gọn trong hộc tủ như gói ghém cả thanh xuân của một thế hệ. Có lẽ, đôi má hồng của mẹ nằm trong mắt bố, còn mẹ đánh má hồng chỉ vì muốn đẹp hơn trong ánh nhìn của người dấu yêu. Hộp kem trang điểm như một phương tiện bày tỏ tình yêu, lưu giữ tình thương và gắn kết tình thân của bố mẹ. Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ lấy hộp kem ra ngắm nghía hồi lâu. Những đường vân hay nét chữ khắc trên nắp hộp cũng phai mờ dần. Với mẹ bây giờ, có lẽ nó không chỉ tồn tại với ý nghĩa là một thứ đồ trang điểm. Hộp phấn đánh má hồng còn đây, nhưng người ngắm nhìn đã đi đâu chẳng thấy.

Ngày nay, những hộp kem thuở trước đã không còn thịnh hành với giới trẻ. Lối trang điểm đậm đà cũng chẳng còn phổ biến. Tuy vậy vẫn có nhiều bạn trẻ muốn làm sống lại những kí ức xưa cũ từ thời bố mẹ bằng việc đưa lối trang điểm cô dâu thời xưa vào các video hóa trang, khiến thời thanh xuân của nhiều người chợt trở về trong chớp mắt. Có lẽ, cái cũ chưa bao giờ mất đi. Nó vẫn ở đâu đó trong những nỗi nhớ. Nó là bước đệm nối dài tương lai, giúp con người ta học cách trân trọng hiện tại.

Hôm nay, hộp kem ngày trước lại được mẹ mở khóa, đặt trên bàn cạnh chiếc gương trang điểm. Mẹ bảo mai là kỉ niệm ngày cưới của bố mẹ. Tay mẹ vuốt ve hộp kem như đang chào hỏi một cố nhân từ thời xưa cũ. Tôi chẳng được thấy mẹ trong tà váy cưới, cũng chẳng thấy cái má hồng hây đỏ từ hộp kem lâu năm, hay đôi môi cánh sen hồng chúm chím từ chiếc son gió. Nhưng từ đôi mắt đã mờ đục của mẹ, tôi vẫn nhìn ra được nụ cười hạnh phúc của cô dâu trẻ ngày nào./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?