Dòng sông Hồng chở nặng phù sa
Tôi xa quê quãng năm tuổi. Ban đầu đó là những chuyến ra Hà Nội ngắn ngày. Bố chở chị em tôi trên chiếc xe Honda Cup đi qua cầu Chương Dương. Gió thổi táp vào mặt mang theo bao sự hồ hởi mong ngóng của chúng tôi.
Hà Nội với chị em tôi ngày ấy là Công viên Thủ Lệ với nhiều con thú lạ lẫm, những bồn hoa xinh, là kem sữa chua túi mát lịm, là nhà bác nơi thành phố vừa lạ vừa quen. Tôi chẳng tài nào nhớ nổi đường đi từ quê tôi lên Hà Nội và ngược lại. Tôi chỉ biết cứ đi qua cầu Chương Dương là sắp đến nhà bác. Hay cứ đi qua dòng sông mênh mông nước ấy là sắp về đến nhà tôi.
Những đợt đến nhà bác ngắn ngày mang theo niềm vui và sự tò mò. Sau này khi được ở Hà Nội thì cả một thời gian dài là nỗi nhớ quê hương da diết nơi có căn nhà cũ của gia đình tôi. Công việc của bố rất bận. Hồi đầu mẹ vẫn ở quê, chị em tôi ra Hà Nội trước. Một tuần một lần có khi cả tháng bố mới đưa chúng tôi về quê thăm mẹ.
Mỗi lần đi đến cầu Chương Dương, thấy dòng nước nặng phù sa bên dưới, cảm nhận rõ gió táp díu cả mắt lại tôi mới dám tin mình chắc chắn sẽ được về nhà với mẹ. Thế nhưng cũng có lần đến cầu rồi, thấy dòng sông quen thuộc rồi mà trời lại đổ mưa bố lại quay xe không giữ lời. Tôi khóc suốt chặng đường về, bố dỗ sao cũng không được và hậu quả là tôi bị lĩnh một trận đòn nhớ đời.
Ngày ấy tôi không biết dòng sông đó gọi là sông gì. Mãi sau này tôi mới biết đó là sông Hồng – Dòng sông chở nặng phù sa. Tôi không biết sông Hồng có nhận ra tôi không hay vì có quá nhiều người đi lại qua sông, hay vì có quá nhiều nỗi niềm người ta mang theo thả trôi vào dòng nước nên sông Hồng chẳng thể nhớ hết? Tôi tự hỏi dưới mặt nước lúc nào cũng ánh màu phớt đỏ ấy có phải mỗi một hạt đất li ti ấy là câu chuyện, là số phận của một con người không?
Ngày tôi có người yêu, anh thường chở tôi di dạo quanh cầu Long Biên. Cầu Long Biên là một cây cầu cổ kính nối hai bờ sông Hồng được làm hoàn toàn từ sắt, ở giữa có đường ray xe lửa chạy. Chúng tôi thường ngắm nhìn dòng xe thô sơ đi qua cầu, vẫy tay với đoàn tàu xình xịch đi qua.
Ngày tôi còn bé, những bãi bồi còn nho nhỏ rồi thời gian trôi những bãi bồi ngày một trải rộng và nhô cao lên khỏi mặt nước. Những vạt cây lau mọc dại ở góc nào, những gốc đậu tương xanh mướt ra sao? Ánh bình minh hay hoàng hôn trên sông đẹp thế nào tôi vẫn nhớ. Mối tình tan vỡ, người cũng không biết ở phương trời nào, chỉ còn lại dòng sông vẫn yên lặng nhìn tôi mỗi khi tôi vô định nhìn xoáy sâu mãi vào làn nước.
Tôi đi làm. Không phải cầu Chương Dương, không phải cầu Long Biên đưa tôi đến nơi tôi cần nữa mà là cầu Thăng Long. Tôi không biết đi qua sông Hồng có bao nhiêu cây cầu. Mỗi cây cầu có hình dạng khác nhau, gắn bó với những kỷ niệm khác nhau nhưng dòng sông âm thầm bên dưới như muôn đời vẫn vậy, dịu dàng và cần mẫn. Bao nhiêu người đã quen rồi lạ. Bao nhiêu cây cầu đi qua sông từ lạ hoá quen. Chỉ có dòng nước mãi một màu phớt đỏ bên dưới là một sự đảm bảo an lòng.
Tôi từng ước mơ mình sẽ rời xa gia đình mình, có một cuộc sống độc lập và tự do, nhưng khi đi qua cầu Nhật Tân, ngắm nhìn những cây cầu từng gắn bó với mình ở một ví trí khác, nhìn con sông dài không thấy điểm kết thúc tôi lại thấy mất mát trong lòng. Những chuyến bay đến phương trời khác không giống như tôi từng nghĩ.
Để rồi mỗi khi trở về thấy dòng sông Hồng quen thuộc tôi lại thấy trân trọng hơn những gì mình đã có, những người thân, bạn bè của mình. Lớn dần người ta dần bớt đi những giấc mơ xa. Lòng bình lặng lại như dòng nước. Cuộc sống có lúc người ta sẽ mơ được một lần làm pháo hoa rực rỡ trên trời, có lúc lại chỉ muốn bình yên trầm lắng như một dòng sông. Dòng sông mãi chảy về một hướng, chẳng ồ ạt sóng dữ như biển, chỉ lăn tăn gợn sóng. Biển thì khó đoán, và quá rộng nhưng dòng sông cùng ta lớn lên lại chân thành đáng tin.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0