Đồng yên suy yếu và ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản

Việc đồng yên suy yếu khiến lạm phát tại Nhật Bản tăng cao và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Tất cả đã tác động lớn tới kinh tế Nhật Bản.

GDP Nhật Bản hạ cấp, tâm lý kinh doanh không ổn định

Từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên kinh tế Nhật Bản hiện đang xếp vị trí thứ tư. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF còn dự đoán rằng trong năm 2025, Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản, chiếm vị trí nền kinh tế thứ tư thế giới.

Việc đồng yên suy yếu khiến lạm phát tăng cao và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu đã tác động lớn tới kinh tế Nhật Bản. Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào cuối tháng 7 này đang được đặc biệt quan tâm, bởi việc ngân hàng này có quyết định nâng lãi suất và cắt giảm chương trình mua trái phiếu hay không sẽ là lời giải giảm bớt áp lực mất giá đối với đồng yên Nhật.

Nhật Bản là một quốc gia không giàu tài nguyên, do đó hầu hết khoáng sản thô, nhiên liệu và một phần lương thực, phân bón đều phải nhập khẩu. Việc đồng yên hạ giá khiến các khoản chi phí đầu vào tăng đáng kể.

Hầu hết khoáng sản thô, nhiên liệu và một phần lương thực, phân bón tại Nhật Bản đều phải nhập khẩu. Ảnh: Aloha.

Hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều khẳng định sức ép từ việc chi phí hàng hóa tăng đang buộc họ dồn một phần tác động sang người dùng, khiến giá cả thị trường tăng vọt.

Ông Masato Kanda - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản khẳng định: “80% hàng nhập khẩu của Nhật Bản được tính bằng ngoại tệ, vì vậy giá nhập khẩu tăng khi đồng yên yếu đi do các động thái đầu cơ. Và điều đó sẽ trở thành vấn đề nếu nó gây nguy hiểm cho cuộc sống hàng ngày của mọi người.”

Số liệu sửa đổi vừa được công bố vào tháng 7 cho thấy, GDP của Nhật Bản giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu năm 2024, mức giảm sâu hơn nhiều so với ước tính trước đó là giảm 1,8%. GDP trong quý III và IV năm ngoái cũng được điều chỉnh giảm.

Cả bốn chỉ số kinh tế Nhật Bản đều sụt giảm trong quý I/2024. Ảnh: LSEG, Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Cuộc khảo sát hàng quý "tankan" do BOJ thực hiện cũng cho thấy, các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ kém lạc quan hơn trong tháng 6 so với ba tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường việc làm thắt chặt và tiêu dùng yếu đang ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý cuộc khảo sát còn cho thấy dấu hiệu gia tăng áp lực lạm phát khi mà chỉ số giá đầu ra đều tăng đối với cả nhà sản xuất và phi sản xuất.

BOJ đã chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3 với quan điểm rằng mục tiêu lạm phát 2% đã được duy trì. Thống đốc Kazuo Ueda đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất nhiều hơn nếu lạm phát cơ bản hướng tới mức 2% như dự kiến.

Nhiều người kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách cuối tháng 7 này sau khi kết quả cuộc khảo sát "tankan" được công bố.

Thống đốc Kazuo Ueda đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất nhiều hơn nếu lạm phát cơ bản hướng tới mức 2%. Ảnh: Bloomberg.

Ông Ko Nakayama - Nhà kinh tế trưởng tại Okasan Securities cho rằng “tankan là một cơn gió thuận lợi cho BOJ trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ”.

Còn ông Toru Suehiro - Nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities khẳng định: "Dữ liệu này không nhất thiết giúp BOJ đưa ra lý do về việc tăng lãi suất sớm. Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát của doanh nghiệp tăng nhẹ, điều này có thể sẽ giúp thị trường duy trì kỳ vọng về việc tăng lãi suất trong ngắn hạn”.

Mặc dù vậy, không ít chuyên gia kinh tế lại nhận thấy những trở ngại đối với việc BOJ hành động sớm như vậy.

Theo Yoshiki Shinke - Chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho hay: “Tôi tự hỏi liệu BOJ có thể cắt giảm việc mua trái phiếu và tăng lãi suất đồng thời vào tháng 7 hay không, khi có sự suy giảm tăng trưởng cho thấy nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn người ta nghĩ”.

Trước đó, Thống đốc BOJ đã công bố dù hiện tại sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ với tốc độ khoảng 6 nghìn tỷ yên (38 tỷ USD) mỗi tháng, nhưng Ngân hàng Trung ương đã quyết định trình bày chi tiết về kế hoạch cắt giảm trong một đến hai năm tới tại cuộc họp cuối tháng 7.

Cân nhắc quan điểm của các bên liên quan trên thị trường, chúng tôi sẽ quyết định giảm dứt khoát việc mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trong một đến hai năm tới tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo. Khi chúng tôi giảm việc mua trái phiếu, lượng trái phiếu nắm giữ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giảm. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cái gọi là 'hiệu ứng cổ phiếu' đối với lượng trái phiếu nắm giữ của chúng tôi sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế.

Ông Kazuo Ueda - Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản.

Đồng yên yếu dai dẳng là yếu tố khiến giá cả tăng cao. Người dân Nhật Bản phải trả nhiều hơn để mua xăng dầu và thực phẩm nhập khẩu bằng đồng USD. Tiền lương thực nhận (sau khi điều chỉnh lạm phát) của người lao động Nhật Bản giảm 24 tháng liên tiếp, trong khi đó giá cả leo thang hàng ngày. Tất cả đã làm nguội lạnh tâm lý người tiêu dùng.

Vì sao Nhật Bản chưa can thiệp để hỗ trợ đồng yên?

Đồng yên đã liên tục trượt xuống các mức thấp kỷ lục mới trong 38 năm và câu hỏi được đặt ra là vì sao các nhà chức trách Nhật Bản chưa can thiệp để hỗ trợ đồng yên?

Dữ liệu về số dư tài khoản vãng lai tại BOJ vừa được công bố ngày 16/7, cho thấy có sự sụt giảm thanh khoản khoảng 2.740 tỷ yên (tương đương 17,3 tỷ USD).

Giới phân tích cho rằng có khả năng BOJ đã can thiệp mua đồng yên vào ngày 12/7, giúp đồng yên đã tăng lên khoảng 157,30 đổi 1 USD, mức cao nhất trong ba tuần. Trước đó đồng yên vẫn giao dịch quanh mốc 160 yen đổi 1 USD.

Tuy nhiên, báo Financial Times đánh giá dù các nhà hoạch định kinh tế Nhật đã có một số biện pháp kiềm chế đà rơi của đồng yên, song cục diện "cuộc chơi" này không thật sự nằm trong tay Tokyo. Giá trị của đồng yên so với USD thực tế phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hơn là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Giới phân tích cho rằng có khả năng BOJ đã can thiệp mua đồng yen vào ngày 12/7, giúp đồng yen đã tăng lên khoảng 157,30 đổi 1 USD. Ảnh: Nhịp sống kinh doanh.

Chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản đang gây sức ép xuống giá lên đồng yen, khiến chính sách tiền tệ trở thành yếu tố chính tác động đến đồng tiền Nhật Bản.

Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tiến gần đến việc hạ lãi suất và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến tăng chậm lãi suất từ mức gần 0% trong năm nay, mức chênh lệch 5 điểm phần trăm cuối cùng sẽ được thu hẹp, nhờ đó ngăn chặn, nếu không đảo ngược, đà xuống giá của đồng yên.

Ý thức được điều này, giới chức Nhật Bản cũng chưa thật sự có những biện pháp mạnh để đẩy giá đồng yên.

Ông Soichiro Tateishi - Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản đánh giá: "Chính phủ có vẻ đang do dự trong việc can thiệp. Ví dụ nếu các cơ quan tài chính đột nhiên nhảy vào lúc này, đồng yen có thể tăng lên mức 140 yên đổi 1 USD. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất quá lớn giữa Mỹ và Nhật Bản nhiều khả năng rồi cũng lại đưa mọi thứ về mức hiện tại".

Nhật Bản đổi mới tiền giấy sau 20 năm, kích thích đầu tư

Khi chưa thể can thiệp hỗ trợ đồng yên mạnh lên, động thái mới nhất của chính quyền Nhật Bản đó là đổi mới tiền giấy sau 20 năm không thay đổi mẫu mã. Nhật Bản kỳ vọng tiền mới sẽ khuyến khích người dân sử dụng thay vì cất giữ như trước kia. Động thái này không chỉ là một bước cải tổ trong lĩnh vực tiền tệ mà còn có thể có tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia.

Các tờ tiền 10.000 yên mới được thiết kế với hình chân dung của Eiichi Shibusawa – người được coi là cha đẻ của chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn và thúc đẩy các giá trị kinh tế truyền thống trong xã hội Nhật Bản.

Hôm nay Ngân hàng Nhật Bản sẽ gửi 1,6 nghìn tỷ yen dưới dạng tiền giấy mới ra thế giới. Ngay cả khi tiến trình hướng tới một xã hội không tiền mặt vẫn tiếp tục, chúng tôi tin rằng tiền mặt sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng như một phương tiện thanh toán mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng một cách an toàn, mọi lúc, mọi nơi.

Kazuo Ueda - Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản.

Các tờ tiền mới sử dụng các mẫu in để tạo ra hình ba chiều của các bức chân dung. Cục In Quốc gia Nhật Bản cho biết là công nghệ đầu tiên trên thế giới dành cho tiền giấy để chống tiền giả.

Sự chuyển đổi sang tiền giấy mới không chỉ là việc thay đổi hình thức mà còn mang lại tác động kinh tế rõ rệt.

Theo nhận định của Takahide Kiuchi – Nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura, việc phát hành tiền giấy mới có thể đóng góp hơn 1,5 nghìn tỷ yên vào GDP quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, việc áp dụng và thích ứng với tiền giấy mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Khoảng 80 - 90% máy tính tiền điện tử và máy bán vé tại các cơ sở công cộng sẽ sẵn sàng chấp nhận các tờ tiền mới, nhưng chỉ có khoảng 30% máy bán hàng tự động có thể thích ứng ngay từ đầu.

Ngân hàng Nhật Bản ngày 3/7 bắt đầu phát hành tiền giấy mới. Ảnh: Bloomberg.

Chủ một cửa hàng bán mì ramen cho rằng họ đang chống chọi với lạm phát nên khó đáp ứng được với khoản đầu tư thêm mà các hóa đơn mới đòi hỏi.

Với việc phát hành những tờ tiền giấy mới, Nhật Bản đã chứng tỏ sự quan tâm đáng kể đến vấn đề tiền tệ và sự thích ứng với thời đại mới. Các chuyên gia kỳ vọng rằng việc này sẽ không chỉ cải thiện hệ thống thanh toán mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy các đầu tư và chi tiêu.

Nhật Bản thu phí leo núi Phú Sĩ, hạn chế du khách

Đồng yên yếu đã tạo ra một nền kinh tế hai tốc độ ở Nhật Bản. Trong đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ chịu áp lực vì chi phí hàng nhập khẩu tăng cao, tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu và du lịch được hưởng lợi nhờ tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn.

Đồng yên sụt xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ so với USD thúc đẩy làn sóng du khách nước ngoài đến Nhật Bản bởi rõ ràng khi đồng yên mất giá, với người nước ngoài, đây là cơ hội lớn để đến Nhật vì chi phí lữ hành đổi sang tiền nước họ giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi khách du lịch quá đông, nhiều địa phương của Nhật lại đang phải tìm cách đối phó với tình trạng quá tải du lịch.

Mùa leo núi Phú Sĩ tại Nhật Bản đã chính thức bắt đầu với hàng nghìn du khách đổ về đây mỗi ngày. Để phòng ngừa tình trạng quá tải du lịch, chính quyền địa phương đã bắt đầu thu phí du khách leo núi từ ngày 1/7 và chỉ đón 4.000 khách/ngày.

Nhật Bản đã bắt đầu thu phí du khách leo núi Phú Sĩ từ 1/7 và chỉ đón 4.000 khách/ngày.
Ảnh: Unsplash.

Tỉnh Yamanashi lần đầu tiên triển khai dịch vụ đặt chỗ trực tuyến cho tuyến leo núi Phú Sĩ do lo ngại vấn đề an toàn và tác động tới môi trường trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

Theo đó, du khách trả tiền phí vào cửa sẽ được đi qua một cổng kiểm soát vé tạm thời được dựng lên cho mùa leo núi năm nay. Cổng chỉ mở từ 3 giờ sáng đến 16 giờ chiều, để hạn chế du khách ra vào.

Số lượng người bắt đầu leo núi mỗi ngày sẽ được cập nhật trực tiếp cho du khách ngay tại chân núi và liên tục thông báo trên mạng xã hội để tránh tình trạng người leo núi phải quay lại khi ở cổng thu phí.

Để đảm bảo đủ chỗ, chính quyền tỉnh Yamanashi khuyến khích du khách đặt chỗ trên trang web chính thức của ngọn núi và thanh toán phí vào cửa trước.

Thống đốc tỉnh Yamanashi, ông Kotaro Nagasaki cho biết, thu phí là quy định đầu tiên được áp dụng tại một ngọn núi ở Nhật Bản.

Biện pháp quản lý mới được kỳ vọng sẽ giúp di sản thế giới núi Phú Sĩ được bảo tồn bằng cách giảm thiệt hại về môi trường. Số tiền phí vào cửa sẽ được dùng để củng cố hệ thống và các cơ sở hạ tầng liên quan.

Cổng kiểm soát tạm thời được lắp đặt gần đường mòn Yoshida tại trạm thứ 5 để kiểm soát số lượng người đi bộ leo núi Phú Sĩ. Ảnh: AFP.

Cổng tại đường mòn Yoshida sẽ là nơi thử nghiệm cho mùa leo núi này. Tùy thuộc vào hiệu quả của nó, các biện pháp khác có thể được thực hiện tại các tuyến khác trong những năm tiếp theo. Nếu hiệu quả, một cổng kiểm soát vé cố định sẽ được xây dựng ở đường mòn Yoshida cho năm 2025, sau khi mùa leo núi hiện tại kết thúc vào tháng 9.

Để giải toả áp lực mất giá đồng yên theo cách bền vững hơn, giới phân tích nhận định, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn cần mạnh tay thực hiện động thái kép trong tháng 7 này, đó là vừa nâng lãi suất, vừa cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ.

Ai cũng biết rằng việc đo lường chính xác lạm phát là một nhiệm vụ khó khăn. Do đó, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần dỡ bỏ mục tiêu cứng nhắc về lạm phát 2% và áp dụng cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.

Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?

Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.

Thủ tướng Israel Netanyahu mới đây đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cho thấy mức độ chia rẽ nghiêm trọng trong nội các Israel. Động thái này cũng khiến cho những hy vọng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn với Hamas và đưa các con tin trở về nhà ngày càng xa vời.

Chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Budapest, Hungary, để bàn về đối sách với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.