Đẹp thay đoá hoa rừng của học sinh Làng Nủ | Hà Nội tin mỗi chiều
Cách đây ít hôm, trong buổi Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có nói: "Những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tàu, sức lan tỏa lớn". Người đứng đầu ngành Giáo dục nước nhà cũng khẳng định rằng, nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Phát biểu ngắn gọn, gần gũi nhưng rất truyền cảm hứng của Bộ trưởng làm tôi nhớ ngay tới dáng vẻ của thầy khi còn là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi không có may mắn học thầy nhưng biết đến thầy qua lời kể của nhiều giảng viên và các anh chị sinh viên khoá trước. Mái tóc điểm bạc, khuôn mặt hiền hậu, giọng nói ấm áp của thầy trở thành một hình mẫu của nhiều sinh viên khoa Văn ngày ấy và cả bây giờ.
Tôi nghĩ rằng, tất cả các thầy cô dù công tác ở vị trí nào cũng đều cố gắng hết lòng, tận tuỵ với công việc, trở thành điểm tựa và cảm hứng lớn cho học sinh noi theo. 1.188 thầy cô đại diện cho hàng triệu nhà giáo trên cả nước tham dự buổi Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 chính là minh chứng sống động như thế.
Nói tới đây, tôi nhớ tới câu chuyện về một thầy giáo người Hà Nội được nhiều người trìu mến gọi là “ông nội”. Đó là thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội).
Câu chuyện về thầy Khang vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và giàu lòng nhân ái đã trở thành hình ảnh đẹp về sự tận tụy cùng tình yêu thương vô bờ đã lay động nhiều người, trong đó có tôi. Chắc bạn còn nhớ, thầy Khang cũng chính là người phát động Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) sau trận lũ quét kinh hoàng vừa qua. Đó là một hành động giàu tính nhân văn, rất truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Là phóng viên trở về từ Làng Nủ, tôi vẫn còn nhớ nguyên cảm xúc khi đi qua điểm trường này. Hôm ấy, mọi sự chú ý dồn ra đống bùn đất để tìm kiếm những người dân vô tội. Lớp học thì ngổn ngang vì đây là nơi tập kết hàng cứu trợ. Thế nhưng thu hút tôi lại là những bông hoa gắn tên và ảnh của các em nhỏ.
Khi ấy, một người phụ nữ mắt ngấn lệ, đỏ hoe, nhìn chằm chằm vào tấm bảng đó rồi chỉnh trang mọi thứ. Hoá ra, đó là một cô giáo của điểm trường này. Thiên tai thật kinh khủng, mất mát là không thể bù đắp nổi.
“Đã có 13 bạn học sinh, mãi mãi không thể quay về với mái trường thân yêu. 119 học sinh ở Làng Nủ đang phải ở nội trú tạm tại các phòng học bộ môn và các phòng chức năng của nhà trường” - Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh chia sẻ.
Trong lòng các thầy cô, sự mất mát đó chẳng khác nào người cha, người mẹ mất đi người con của mình. Nén nỗi đau thương, với tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu" cùng sự đùm bọc của người dân cả nước, Làng Nủ đã dần hồi sinh. Giờ đây, lớp học lại rộn ràng hơn, nụ cười đã trở lại gương mặt vẫn còn thương tổn của các em. Để các em được đến trường, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả.
20/11 năm nay, với những thầy cô giáo ở điểm trường này, không khí trầm lắng hơn rất nhiều. Không có những đoá hoa to lớn, không có những món quà hay tấm thiệp đủ sắc màu mà chỉ có sự hiện diện của thầy và trò trong giây phút hiện tại là điều đẹp đẽ nhất. Đoá hoa rừng hoang dại được các em dành tặng, đầy chân thành và thật đẹp biết bao. Với các em nhỏ ở đây, thầy cô thực sự “như mẹ hiền”.
"Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh là một trong những ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, trong khó khăn, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng lên. Trong nhiều năm, nhà trường luôn có học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh. Đây là niềm động viên lớn để chúng tôi tiếp tục bám trường, bám bản, mang con chữ đến gần hơn với các em" - Thầy Phạm Đức Vinh nhấn mạnh.
Đoá hoa dại ven bìa rừng hay sự có mặt ngay giây phút hiện tại chẳng phải là điều gì to lớn nhưng đó là sức mạnh giúp các thầy cô ở xa chúng ta cả hàng trăm km kiên trì với sự nghiệp trồng người. Vì thế, khi nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin không nhận hoa và tiếp khách nhân ngày đặc biệt này hay lời kêu gọi đổi hoa, quà thành sữa tặng cho học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh tôi thấy thật ấm lòng.
"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" - Bác Hồ kính yêu đã từng nói như vậy để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và nhà giáo. Nhân ngày đặc biệt này, tôi xin gửi lời tri ân và chúc mừng tốt đẹp nhất tới những ai đã, đang và sẽ đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Khi đăng ký khai sinh cho con thì cả cha và mẹ đều phải cung cấp những thông tin liên quan với chính quyền địa phương. Trong trường hợp mẹ bỏ đi thì làm thế nào để con vẫn được đăng ký giấy khai sinh?
Thung lũng hoa hồ Tây hồi sinh; Đài tưởng niệm Liệt sĩ đẹp ở phường Xuân La; Tái diễn tình trạng đỗ xe trái phép trong khu dân cư.. là những nội dung chính trong bản tin hôm nay.
70 năm qua, đã có biết bao thế hệ lớn lên dưới những mái trường của Thủ đô, dưới sự dạy bảo của biết bao thầy cô giáo. Trong những dấu ấn 70 năm của Thủ đô Hà Nội, có công sức to lớn của những người giáo viên, những người luôn cần mẫn chở con thuyền tri thức, ươm mầm khát vọng.
Hà Nội: Yêu cầu cắt điện, nước công trình vi phạm; Trạng thái "kim tự tháp ngược" khiến thị trường thiếu lành mạnh; Phát triển nhà ở xã hội cần đồng bộ các giải pháp... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin hôm nay.
Vinh quang nghề giáo; Thầy Khang - "ông nội" của học sinh trường Marie Curie; Giáo dục Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước... là những nội dung chính sẽ có trong Chương trình Hà Nội 18h00 hôm nay.
Tối và đêm nay, 19/11, trời nhiều mây, không mưa, nhiệt độ giảm xuống còn 20-25 độ, độ ẩm 60-88%. Trời se lạnh.
0