Dự báo kịch bản xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024
Ukraine tuyên bố đạt tiến bộ ở Zaporizhzhia
Ngày 3/1, lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, đã đạt được tiến bộ tại các khu vực mà Nga kiểm soát ở Zaporizhzhia. Khu vực này được coi là cửa ngõ quan trọng vào phía Nam Ukraine, gồm cả Bán đảo Crưm đã sáp nhập với Nga năm 2014. Tuy nhiên, trong bản tin mới cập nhật, Bộ Quốc phòng Nga không đề cập tới bất kỳ tổn thất nào ở Zaporizhzhia. Thay vào đó, Bộ này cho biết quân đội Nga đã tiến hành các hoạt động chống quân đội Ukraine trong khu vực rất thành công. Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ nhiều tên lửa do quân đội Ukraine phóng qua khu vực Belgorod, ngăn chặn một nỗ lực tấn công khác vào Oblast. Đồng thời, quân đội Nga đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân đội Ukraine ở Donetsk, Kherson, Krasny Liman và các hướng khác.
Nga dội hỏa lực tấn công trung đội Leopard 2A6 của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/1 công bố video ghi lại cảnh các lực lượng nước này nhằm hỏa lực vào một trung đội xe tăng Leopard 2A6 của Ukraine ở khu vực Svatovsk khi họ cố gắng tấn công các vị trí của Nga. Video cho thấy, sau khi xác định được mục tiêu, Nga ồ ạt khai hỏa đạn pháo bắn cháy liên tiếp ba chiếc xe tăng Leopard 2A6 có lớp bảo vệ tháp pháo bổ sung đặc biệt.
Trong phát biểu cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, Dmitry Sablin cho biết: “Hàng nghìn xe bọc thép đã bị thiêu rụi, đặc biệt là bằng các UAV Lancet. Gần như tất cả phương tiện phương Tây đến tay Ukraine sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra đều đã bị phá hủy”.
Nga đổi chiến thuật tấn công
Gần một tuần trở lại đây, Nga liên tục tập kích quy mô lớn vào Ukraine. Đây đều là những cuộc không kích quy mô lớn nhất của Moscow kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong đó đợt tập kích ngày 29/12 được các quan chức Ukraine miêu tả là cuộc không kích nghiêm trọng nhất kể từ khi xung đột nổ ra với 159 tên lửa và UAV. Ngày 2/1, Nga tiếp tục tiến hành cuộc tấn công với hơn 130 tên lửa, 10 tên lửa trong số đó là tên lửa siêu thanh Kinzhal, cùng với các UAV. Tại thủ đô Kiev, Thị trưởng Vitaly Klitschko cho hay, vụ tấn công khiến khoảng 260.000 cư dân ở thành phố rơi vào cảnh mất điện, một số khu vực bị mất nước.
Đây là những chỉ báo nghiệt ngã cho Ukraine trong năm 2024 khi Moscow phát tín hiệu đủ nguồn lực cho một cuộc chiến khốc liệt và kéo dài.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Chỉ trong vài ngày, từ ngày 29/12 đến nay, Nga đã sử dụng gần 300 tên lửa và hơn 200 máy bay không người lái tấn công Ukraine. Quỹ đạo tấn công đã được đối phương tính toán đặc biệt để gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể”.
Động thái của Moscow được cho là đáp trả vụ tập kích của Ukraine vào vùng biên giới Belgorod của Nga hôm 30/12. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/1 tuyên bố, Ukraine sẽ phải chứng kiến nhiều cuộc tấn công hơn sau khi nã pháo vào Belgorod.
Tình báo Quốc phòng Anh tin rằng các cuộc tấn công gần đây của Nga nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Chiến thuật này trái ngược với các cuộc tấn công quy mô lớn vào mùa đông năm 2022, khi Nga tập trung tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, cho thấy sự thay đổi của Moscow trong cách tiếp cận đối với các cuộc tấn công tầm xa.
Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận đã sử dụng vũ khí chính xác tầm xa và UAV để tấn công các hạ tầng công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ngoài ra, đợt tấn công cũng nhằm phá hủy các kho tên lửa, đạn dược, bao gồm cả vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch tấn công gần đây của Nga dường như là khiến Ukraine kiệt quệ nguồn lực phòng không như tên lửa NASAMS, Patriot được phương Tây viện trợ. Đáng chú ý, Moscow triển khai chiến thuật này vào thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev, dẫn đến một kịch bản là Ukraine có thể sẽ không còn lá chắn nào trong thời gian tới.
Ukraine thiếu vũ khí và binh sỹ
Hoạt động chiến đấu của Ukraine đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây. Thời tiết xuống dưới 0 độ C và các lớp tuyết dày gây cản trở việc di chuyển dọc tiền tuyến gần 1.000km, cho thấy viễn cảnh về một cuộc xung đột tiêu hao trong nhiều tháng. Các chuyên gia nhận định, hiện nay Ukraine không cần bất kỳ “viên đạn bạc” nào, thứ họ cần chỉ là những viên đạn thông thường.
Ông Peter Rough, Giám đốc trung tâm châu Âu và Á - Âu tại Viện Hudson nhận định: “Bây giờ rõ ràng chúng ta đã đi qua cuộc phản công. Vì sẽ không nhận được số lượng lớn hỏa lực chính xác tầm xa nên Ukraine có lẽ cần phải phòng thủ ngay bây giờ. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói hỗ trợ bổ sung, ngay cả những tuyến phòng thủ đó cũng không thể ổn định”.
Ukraine đang cạn kiệt cả đạn dược và thời gian. Ngày 27/12 vừa qua, Mỹ đã gửi gói viện trợ quân sự cuối cùng trị giá 250 triệu USD, bao gồm tên lửa phòng không để bảo vệ các thành phố của Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc oanh tạc từ trên không của lực lượng Nga. Các quan chức Nhà Trắng đã đặt ra thời hạn cuối năm mới để Quốc hội Mỹ phê duyệt gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự phản đối của các chính trị gia Đảng Cộng hòa - những người cho rằng số tiền này nên được chi cho các ưu tiên trong nước, bao gồm cả củng cố an ninh biên giới.
Trong bối cảnh sự hỗ trợ cạn dần, Ukraine đã buộc phải cắt giảm các hoạt động quân sự. Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi, người dẫn đầu lực lượng tiến công ở phía Nam mới đây nhận định với hãng tin BBC rằng, Kiev đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo cỡ 122mm và 152 mm, vốn chiếm phần lớn trong kho vũ khí quân sự.
Ngoài ra, Kiev cũng thiếu lực lượng trong cuộc đối đầu với Nga. Hồi tháng 11, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny từng thừa nhận với tờ The Economist rằng sớm hay muộn Ukraine cũng sẽ nhận ra rằng, đơn giản là họ không có đủ quân số để chiến đấu. Theo giới chức quân sự Ukraine, số tân binh ở Ukraine đã giảm đi đáng kể. Những tổn thất trên chiến trường đã làm giảm của quân đội hàng chục nghìn binh sĩ giàu kinh nghiệm và sĩ quan cấp trung. Trong bối cảnh ấy, cuối tháng 12/2023, quân đội Ukraine yêu cầu Tổng thống nước này Zelensky huy động thêm nửa triệu tân binh.
Trong khi đó, nguồn lực của Nga cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vẫn còn rất dồi dào. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng tuyên bố rằng ông có thể huy động 25 triệu quân nếu cần thiết. Bộ trường Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur hồi tháng 11 cho biết Nga vẫn dự trữ khoảng 7.000 - 8.000 xe tăng. Moscow cũng đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến và có kế hoạch dành 6% GDP cho quốc phòng vào năm sau.
Nga mới đây tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Maryinka, một thị trấn ở miền Đông Ukraine. Việc kiểm soát Maryinka sẽ cho phép lực lượng Nga đẩy lùi các đơn vị chiến đấu của Ukraine ra khỏi Donetsk. Đây được coi là một trong những thắng lợi quan trọng nhất của Nga kể từ khi chiếm được Bakhmut hồi tháng 5. Trước đó, vào tháng 11, các lực lượng của Nga tuyên bố đã giành được vùng đất xung quanh Avdiivka, nơi mà phương Tây cho rằng Điện Kremlin đang cố gắng tạo thế gọng kìm để bao vây thị trấn.
Giữa bối cảnh Ukraine thiếu viện trợ của phương Tây, việc Nga tập trung vào miền Đông nước này có thể khiến Kiev phải nhượng lại nhiều lãnh thổ hơn.
Bà Sasha Ustinova - Nghị sĩ Ukraine phát biểu: “Đây là một điều rất đau đớn bởi chúng tôi phải trả giá hàng nghìn sinh mạng cho mỗi km giành được. Trong khi đó, Nga vẫn đang kiểm soát thêm lãnh thổ”.
Kịch bản của Ukraine
Giới quan sát cho rằng trong năm 2024, sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16 vào mùa xuân sẽ giúp lực lượng không quân Ukraine thách thức các máy bay chiến đấu của Nga và hỗ trợ lực lượng bộ binh Ukraine, nhưng chúng vẫn không phải là viên đạn bạc. Dù phi công Ukraine có được các nước phương Tây đào tạo cơ bản, nhưng bay vào địa bàn của lực lượng phòng không Nga lại là một thực tế rất khác. Điều tương tự cũng xảy ra ngay cả khi Mỹ đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) tầm xa hơn cho Ukraine.
Do khó thực hiện cuộc phản công quy mô lớn, Ukraine sẽ buộc phải theo đuổi các lựa chọn khác, như tiến hành các chiến dịch du kích và bất ngờ trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine. Các địa điểm bị nhắm tới có thể bao gồm nhà máy, kho vũ khí và các tuyến xe lửa để vận chuyển đạn dược. Mục tiêu là tạo ra đủ mối đe dọa đáng tin cậy để Nga có thể cân nhắc tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025.
Ukraine khó có thể tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn vào năm 2024 do những hạn chế về nguồn lực, nhưng vẫn có thể tiến hành những cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn. Những cuộc tấn công kiểu này sẽ gửi đi thông điệp, nhưng chúng có thể không phải là những bước ngoặt đủ lớn để thay đổi cục diện.
Kịch bản của Nga
Trong khi đó, chuyên gia Sergey Poletaev, đồng sáng lập và biên tập viên của dự án Vatfor, một tổ chức nghiên cứu chính trị ở Nga, cho rằng trong năm 2024 Nga có thể sẽ duy trì cường độ giao tranh hiện nay và tiến chậm vào vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Hiện nay, cả Moscow lẫn Kiev đều bác bỏ phương án giải quyết xung đột thông qua đàm phán. Tổng thống Nga Putin thường xuyên tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng nhấn mạnh hòa bình sẽ chỉ đạt được khi Ukraine "phi quân sự hóa" và "phi phát xít".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã loại trừ các cuộc đàm phán với Moscow khi ông Putin vẫn còn lãnh đạo Nga, và nói trong cuộc họp báo gần đây rằng không có yêu cầu đàm phán nào từ Moscow. Trong bối cảnh ấy, hoà bình cho Ukraine vẫn còn rất xa vời.
Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự, trong năm 2024, giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn sẽ tiếp diễn với cường độ như hiện nay và có thể rơi vào bế tắc khi không bên nào có thể tiến nhiều trên thực địa. Nguồn vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ chỉ đủ để Kiev duy trì cuộc xung đột chứ không thể giành chiến thắng. Trong khi đó, “quyền chủ động chiến lược” dường như đang nghiêng về phía Nga sau khi cuộc phản công của Ukraine thất bại. Dù hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói ai sẽ giành chiến thắng cuối cùng, nhưng rõ ràng Nga đang ở thế chủ động với nguồn lực không hạn chế.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
0