Du lịch băng tuyết ở Trung Quốc thu hút khách kỷ lục

Các hoạt động du lịch theo chủ đề băng tuyết đang là điểm sáng thu hút đông đảo du khách tại Trung Quốc trong mùa đông này.

Cùng với đó, các hoạt động thể thao trên băng tuyết cũng ngày càng nở rộ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Du lịch băng tuyết đã đem đến nguồn thu khổng lồ và trở thành động lực thúc đẩy kinh tế ở nhiều địa phương của Trung Quốc.

Theo đà phục hồi từ khi mở cửa sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Trung Quốc đang đón lượng khách tăng mạnh mẽ. Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch ba ngày vừa qua, Trung Quốc ghi nhận hơn 5,1 triệu người xuất nhập cảnh, cao gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc đã quay trở lại mức của năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Đặc biệt, du lịch băng tuyết mùa đông là loại hình du lịch hút khách nhất thời điểm hiện nay tại Trung Quốc.

Bùng nổ du lịch băng tuyết 

“Thành phố băng" Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ băng tuyết của tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, đang thu hút số lượng du khách kỷ lục nhờ lễ hội băng đăng quy mô và hoành tráng.

Thành phố băng này có diện tích 810.000 m2 và chứa 250.000 m3 băng, Năm nay lễ hội băng đăng có quy mô lớn nhất trong lịch sử với hơn 2.000 tác phẩm điêu khắc tinh xảo bằng băng.

Bùng nổ du lịch băng tuyết tại Trung Quốc.

Ông Cheng Jie - Du khách đến từ Hà Nam cho biết: "Thật tuyệt vời. Thật không thể tưởng tượng được khi nhìn thấy một công trình kiến trúc hùng vĩ giống như cung điện được làm bằng băng. Nó thật sự rất đẹp”.

Trong kỳ nghỉ năm mới, sân bay Cáp Nhĩ Tân đã vận chuyển số lượng kỷ lục 205.000 hành khách, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, thành phố băng đã đón gần 3,05 triệu du khách, tăng gần gấp đôi so với năm 2018, thu về khoảng 5,91 tỷ nhân dân tệ (hơn 832 triệu USD) doanh thu du lịch trong giai đoạn này, cả hai đều đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Theo dữ liệu do Tujia, nền tảng trực tuyến hàng đầu về khách sạn, nhà nghỉ, số lượng đặt phòng trong kỳ nghỉ lễ cũng tăng 27 lần ở Cáp Nhĩ Tân so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài Cáp Nhĩ Tân, thành phố Mạc Hà ở tỉnh Hắc Long Giang cũng là một điểm đến nổi tiếng vào mùa đông. Nơi đây được mệnh danh là “Bắc Cực” của Trung Quốc mỗi khi mùa đông đến. Vào mùa cao điểm du lịch này, làng Mạc Hà Bắc Cực đón lượng du khách mỗi ngày lên tới 5.000 người.

Số lượng khách đến du lịch Trung Quốc vào mùa đông tăng cao.

Ngoài các điểm đến có băng tuyết, mùa đông còn mang đến cơ hội ngắm cực quang, khiến các gói du lịch ngắm cực quang đến các điểm đến hấp dẫn ở phía đông bắc Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến, với lượng đặt trước tăng khoảng 200% so với mức trước đại dịch vào năm 2019.

Trong khi đó, số lượng đặt phòng đã tăng 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh và cao gấp 8 lần ở Cát Lâm, nơi có cảnh đẹp tuyệt vời của Núi Trường Bạch.

Dữ liệu gần đây từ các nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến cho thấy, hiện tại, cơn sốt du lịch đã tăng 181% và lượng đặt chỗ cho các sản phẩm du lịch trong kỳ nghỉ Tết đã tăng 57%.

Hoạt động thể thao băng tuyết được ưa chuộng

Nhiều thành phố và khu nghỉ dưỡng du lịch khác nhau của Trung Quốc đã triển khai các chương trình du lịch và thể thao mùa đông đặc biệt phù hợp với sở thích và thị hiếu của các nhóm tuổi khác nhau, mở ra thời kỳ hoàng kim của các hoạt động thể thao mùa đông và băng tuyết tại nước này.

Trượt tuyết đã trở thành một hoạt động giải trí phổ biến của nhiều người Trung Quốc hiện nay. Số lượng người đam mê trượt tuyết và các cơ sở vật chất cung cấp cho các hoạt động thể thao trên tuyết ngày càng gia tăng trên cả nước.

Trung Quốc hiện có gần 700 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, có hơn 50 địa điểm trượt tuyết trong nhà từ năm 2022 đến năm 2023 trên khắp Trung Quốc. Trong đó tập trung nhiều ở khu vực miền Nam ấm hơn. Trung Quốc có một nửa trong số 10 cơ sở trượt tuyết trong nhà hàng đầu thế giới về diện tích trượt tuyết, trong đó ba cơ sở đứng đầu là ở Cáp Nhĩ Tân, Quảng Châu và Thành Đô.

Hoạt động thể thao băng tuyết được ưa chuộng.

Nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến của Trung Quốc, Tong Cheng Travel, cho biết số lượt tìm kiếm trượt tuyết trong tháng 11 tăng 120% so với tháng trước và số lượt đặt vé khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cũng như các sản phẩm liên quan đến trượt tuyết tăng 100%.

Ông Dai Bin, Hiệu trưởng Học viện Du lịch Trung Quốc cho biết: “Từ góc độ không gian, việc đi về phía nam để chống rét và đi về phía bắc để tận hưởng băng tuyết sẽ là xu hướng trong du lịch mùa đông. Chúng tôi dự đoán rằng trong mùa đông 2023-2024, khoảng 400 triệu người sẽ tham gia các hoạt động về băng tuyết”.

Du lịch thúc đẩy kinh tế nông thôn

Với sức hút ngày càng tăng của các hoạt động băng tuyết ở Trung Quốc, các dự án du lịch mùa đông đang thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu tiêu dùng của người dân cho các hoạt động liên quan, trở thành động lực mới để kích thích sự phục hồi kinh tế, trong đó có kinh tế khu vực nông thôn.

Ví dụ mùa tuyết rơi ở Yabuli kéo dài trong bốn tháng đã giúp du lịch phát triển sôi động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở những vùng nông thôn có thắng cảnh du lịch như Yabuli.

Du lịch thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Hay khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch bằng cách kết hợp cảnh quan thiên nhiên phong phú với các nền văn hóa địa phương đặc biệt trong quá trình chấn hưng nông thôn.

Làng Hòa Mục của tỉnh Altay đã chào đón gần 40.000 khách du lịch trong và ngoài nước kể từ tháng 12 nhờ những cảnh quan ngoạn mục. Thu nhập bình quân đầu người ở làng này cách đây 10 năm chưa đến 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.410 đô la Mỹ). Hiện nay, hơn 70% dân làng làm việc trong ngành du lịch, với thu nhập trung bình hàng năm vượt quá 40.000 nhân dân tệ (khoảng 5.640 đô la Mỹ).

Trong những năm gần đây, Hòa Mục đã tăng cường quảng bá du lịch văn hóa bằng cách nâng cấp các sản phẩm du lịch đồng thời mang đến những trải nghiệm du lịch chất lượng cao cho du khách thập phương, góp phần to lớn vào việc hồi sinh nông thôn trong khu vực.

Các chính sách kích cầu du lịch

Để kích thích tiêu dùng nội địa, nhiều tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đã phát hành phiếu khuyến mại tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng cho du lịch.

Khi bước vào mùa du lịch mùa đông, chính quyền tỉnh Cát Lâm đã phát hành các phiếu khuyến mại trị giá 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,2 triệu đô la Mỹ) cho các hoạt động thể thao trên băng và tuyết, cùng với 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu đô la Mỹ) trợ cấp giao thông vận tải cho người dân địa phương. Những nỗ lực này đang đem lại kết quả khi lượng khách du lịch đổ về tỉnh ngày càng tăng, góp phần mang lại doanh thu du lịch băng tuyết ước tính là 230 tỷ nhân dân tệ (khoảng 32,2 tỷ USD).

Đề ra các chính sách kích cầu du lịch.

Tỉnh Tứ Xuyên và Tây Tạng cũng đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khuyến khích khác nhau như phát phiếu tiêu dùng văn hóa và du lịch cũng như phiếu khuyến mại để thu hút du khách đến các danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Ngoài việc thúc đẩy du lịch nội địa, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy du lịch quốc tế. Từ tháng 12/2023, Trung Quốc đã miễn visa trong 15 ngày cho 6 quốc gia Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Malaysia. Chính sách này có hiệu lực trong một năm.

Cục Quản lý Nhập cư Trung Quốc cho biết trong tháng 12 có gần 120.000 lượt khách từ sáu quốc gia được miễn thị thực kể trên nhập cảnh. Hơn 77% trong số đó đến để tham quan, giải trí, kinh doanh và tăng gần 30% so với tháng 11.

Trung Quốc cũng giúp du khách Mỹ đến thăm dễ dàng hơn bằng cách đơn giản hóa quy trình xin visa. Từ 1/1 công dân Mỹ không cần nộp bằng chứng đã mua vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, hành trình tham quan cũng như thư mời để xin thị thực.

Trung Quốc miễn thị thực song phương với Thái Lan từ đầu tháng 3 là động thái mới nhất trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hút khách quốc tế.

Trung Quốc và Singapore cũng thông báo sẽ kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên tới 30 ngày cho công dân của nhau vào đầu năm nay.

Hiện, Trung Quốc đã mở rộng chính sách miễn thị thực quá cảnh cho 54 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung Quốc đã liên tục nới lỏng quy chế cấp thị thực và tăng số lượng các quốc gia quá cảnh miễn thị thực nhằm thu hút đầu tư và khách du lịch quốc tế.

Là nền kinh tế lớn thứ hai và diện tích rộng thứ tư thế giới cùng nền văn hóa, lịch sử phong phú, Trung Quốc có nhiều ưu thế trong phát triển du lịch. Nhờ các chính sách hiệu quả để kích cầu và tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, mức tiêu dùng dịch vụ du lịch tại Trung Quốc dự kiến tăng đột biến trong khoảng thời gian cuối năm 2023 đến dịp Tết âm lịch sắp tới, đặc biệt là ở các lĩnh vực như thể thao mùa đông và du lịch tìm hiểu văn hóa. Viện Nghiên cứu Du lịch Trung Quốc dự đoán các hoạt động du lịch chủ đề mùa đông dự kiến sẽ đạt được 5,2 tỷ lượt khách và đem lại doanh thu 720 tỷ nhân dân tệ trong năm tài chính 2024-2025.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.