Du lịch làng Việt cổ nghìn năm tuổi

Làng cổ ở xã Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) là làng cổ đầu tiên của nước ta được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia với nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên.

Làng cổ Đường Lâm là cái tên chung chỉ quần cư 5 làng cổ, nay là các thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm, thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đường Lâm nằm ở vùng đất châu thổ sông Hồng, thuộc trấn Sơn Tây xưa, cách trung tâm thị xã Sơn Tây ngày nay khoảng 4,5km, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km về phía Tây. Các thôn thuộc làng cổ Đường Lâm nằm liền kề nhau, gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng qua bao đời nay không hề thay đổi. Đây còn là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, trung tâm của văn hóa xứ Đoài xưa, quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng, như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh,… cùng nhiều người hiền tài thuộc các lĩnh vực khác.

Làng cổ Đường Lâm hấp dẫn bởi những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời và quần thể các di tích công trình cổ, tường đá ong, cây đa, giếng nước, sân đình...

Đường Lâm là làng cổ đã có nghìn năm tuổi. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm của thời gian nhưng nơi đây hiện còn lưu giữ những hình ảnh, “hồn cốt” của một ngôi làng cổ với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen, những ngõ xóm, đường làng, mái ngói, tường đá ong, đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, điếm, văn chỉ…, tiêu biểu như đình thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh cũng được tôn là Thành hoàng làng); đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền; chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng, hiện còn bảo lưu 287 pho tượng Phật và nhiều di vật quý…

Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng, hiện còn bảo lưu nhiều pho tượng Phật và nhiều di vật quý…

Một trong những nét đặc sắc kiến trúc của làng cổ ở xã Đường Lâm là đình Mông Phụ nằm ở trung tâm của làng, được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê và đầu thời nhà Nguyễn, được sửa chữa lần thứ nhất vào năm 1858 (thời Tự Đức) và đến nay vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc đầu thế kỷ XIX. Đình được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, có điểm đặc biệt là hai dãy dọc được xây dựng theo kiểu sạp đình, kiểu kiến trúc Việt - Mường đậm nét.

Đặc biệt, hiện nay, xã Đường Lâm còn lưu giữ được gần 1.000 ngôi nhà cổ nằm chủ yếu ở các làng Mông Phụ, Đông Sàng và Cam Thịnh, có giá trị đặc biệt (niên đại từ 100 - 400 năm tuổi). Các ngôi nhà cổ có đặc điểm chung là có hệ thống kết cấu gỗ truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, tường xây đá ong - loại vật liệu đặc trưng ở Đường Lâm - Sơn Tây; có 3 - 5 gian và hai chái, mái lợp ngói mũi đất nung; hệ thống ngách, cửa bức bàn hoặc cánh phố. Gian giữa của nhà để thờ gia tiên, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ, các nét chạm trổ vẫn được giữ nguyên với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp từ xa xưa. Ngoài sân vườn thường có giếng đá ong rất trong để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Một trong những ngôi nhà truyền thống tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Internet

Trong quần thể di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm, hiện có 50 di tích có giá trị cao. Trong đó, 7 di tích được xếp hạng quốc gia; 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh giá trị cảnh quan, kiến trúc, Đường Lâm cũng là nơi có nhiều lễ hội với 17 lễ hội gắn với di tích, lưu giữ nhiều văn bia, thư tịch, sắc phong cổ; có các phong tục tập quán, nghề thủ công, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian đậm chất hồn quê Việt.

Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngày 19/5/2005. Tháng 9/2019, UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch của thành phố.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có tiếng là một trong những chợ đầu mối nông sản lớn ở Hà Nội, chợ đầu mối Minh Khai luôn tấp nập người mua bán từ sáng sớm. Chợ không chỉ thu hút dân buôn đến lấy hàng mà còn là địa chỉ mua thực phẩm giá rẻ của người dân Thủ đô.

Thay vì phải ra chợ để mua thực phẩm, người nội trợ có thể đặt hàng qua điện thoại, qua mạng Internet để mua rau, thịt cá. Hình thức kinh doanh mới này đang dần được nhiều người dân đón nhận bởi sự tiện lợi và chất lượng thực phẩm đảm bảo.

Thay vì dành kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày để đi tới nhiều nơi khác, không ít gia đình Hà Nội đã lựa chọn một kỳ nghỉ thú vị ở vùng ngoại thành.

Hoa loa kèn không mang màu sắc nổi bật nhưng màu trắng đặc trưng của nó đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho loài hoa tháng tư của Hà Nội.

Bến xe Mỹ Đình trong dịp nghỉ lễ luôn tấp nập và bận rộn. Để phục vụ người dân di chuyển thuận lợi, nơi đây đã không ngừng được đầu tư đồng bộ, khang trang và hiện đại.

Patin đã và đang trở thành môn thể thao được yêu thích, nhất là giới trẻ. Tại các công viên, dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ chơi patin. Để chơi môn này không quá khó, nhưng để trượt patin thành thạo thì đòi hỏi sự kiên trì luyện tập.