Du Xuân luôn là vui và đẹp | Hà Nội tin mỗi chiều
Đi lễ chùa đầu năm - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Hôm nay là ngày mồng 2 Tết nguyên đán Giáp Thìn. Đây là thời điểm lý tưởng để gia đình, bạn bè gặp gỡ, cùng nhau đi lễ chùa hay du Xuân.
Với mỗi người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, đi lễ chùa đầu năm không chỉ thể hiện ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những tháng ngày tất bật chộn rộn ngược xuôi. Hòa vào dòng người đi lễ, trong tiết xuân, ta như cảm nhận được sự giao hòa của âm dương trời đất. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân đều cùng mùi thơm của hương hoa làm cho tâm hồn con người lắng lại, hướng tới cân bằng. Tôi và bạn đến chùa không chỉ để cầu an lạc hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn là dịp để hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ngày đầu xuân Giáp Thìn, tại các ngôi đền, chùa trên địa bàn Hà Nội rộn ràng không khí người dân du xuân vãn cảnh, lễ lạt. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, khoảnh khắc đầu năm bao giờ cũng rất linh thiêng và người ta tin rằng đi lễ vào ngày đầu năm mới đem khí thiêng của đức Phật trở về nhà. Mang lộc chùa về nhà là mang sự bình an, thanh thản, may mắn về cho gia đình. Và có lẽ cũng vì thế mà tục đi lễ đầu năm được duy trì đến ngày hôm nay, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ cũng như thái độ trân trọng những giá trị thuộc về nguồn cội. Tất cả như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.
Với người Việt từ bao đời nay, Tết là thời điểm để nhớ về nguồn cội, Tết là lúc gia đình đoàn viên và Tết cũng là lúc gắn kết cộng đồng. Vì thế, dịp đầu xuân năm mới, có người chọn đi du lịch tại những vùng đất xa xôi; có người đi lễ chùa, cũng có những người chỉ đến nhà họ hàng, bà con cô bác, bè bạn thăm hỏi, chúc tết. Du xuân chỉ đơn giản là ra khỏi nhà để gặp gỡ mọi người và tận hưởng không khí Xuân, ngắm nhìn vạn vật nảy nở, sinh sôi.
Chúng ta du xuân trong tâm thế hoan hỉ với những bộ quần áo với gam màu tươi sáng, trao nhau những nụ cười ấm áp và ánh mắt yêu thương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bộn bề, nhưng Tết đến, dường như tôi và bạn đều tạm quên những phiền lo của năm cũ để đón chào một năm mới với bao ước vọng và hy vọng.
Lễ hội luôn là một điểm đến yêu thích của mọi người khi du xuân. Sinh hoạt lễ hội là nét văn hóa rất đặc trưng và hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt.
Nước ta hiện nay có hơn 8.000 lễ hội và các lễ hội truyền thống thường được diễn ra vào mùa Xuân. Rất nhiều lễ hội mùa xuân tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nổi tiếng, bạn nên ít nhất một lần tham dự. Có thể kể một vài lễ hội hấp dẫn đừng nên bỏ lỡ như Lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Yên Tử, lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ hội Lim, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương…
Lễ hội chùa Hương năm nay thực hiện bán vé điện tử
Lễ hội mùa Xuân đầu năm vốn luôn gắn với những giá trị truyền thống cao đẹp, nhân văn. Việc tổ chức tốt lễ hội Xuân chính là làm sống lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn kết cộng đồng và góp phần tôn vinh, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội chùa Hương có thể coi là hội Xuân lớn nhất cả nước, khi kéo dài trong gần 3 tháng. Được tổ chức tại địa phận xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), lễ hội thu hút nhiều du khách. Ngay từ mùng 2 Tết Âm lịch, đã có rất nhiều người trẩy hội sớm.
Chùa Hương là quần thể văn hóa tâm linh lớn với hệ thống nhiều hang động, có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo gồm đồi, núi, suối rừng, chùa, tháp… Du khách đến với chùa Hương không chỉ được thỏa mãn tín ngưỡng tâm linh mà còn được đắm mình vào khoảng trời non nước, ngồi thuyền ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành.
UBND huyện Mỹ Đức đang trình thành phố phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức với những giải pháp, mục tiêu cụ thể. Nổi bật là địa phương đặt mục tiêu từ năm 2024-2025, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trở thành khu du lịch cấp thành phố; phấn đấu đến năm 2030, thành Khu du lịch quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô và cả nước, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Những năm gần đây, di tích chùa Hương đã được đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan; tổ chức các hoạt động lễ hội và dịch vụ. Công tác quản lý du lịch từng bước đi vào nề nếp, được đông đảo du khách đồng tình, ủng hộ, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ việc thu phí thắng cảnh, thuế hoạt động sản xuất kinh doanh… Năm 2023, nơi đây đã đón hơn 1 triệu lượt khách.
Trong Lễ hội chùa Hương 2024 diễn ra từ ngày từ hôm nay – mồng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng Ba năm Giáp Thìn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho hay, lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là việc Ban tổ chức sẽ sử dụng hệ thống xe điện và vé điện tử để phục vụ lễ hội. Số lượng xe điện đưa vào hoạt động là 110 xe, chỗ ngồi của mỗi phương tiện từ 8 đến 14 chỗ, đảm bảo chất lượng xe, an toàn, đi đúng lộ trình, niêm yết giá công khai, lưu thông thuận tiện, tránh gây phiền hà cho du khách. Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông...
UBND xã Hương Sơn chỉ đạo các hợp tác xã, thôn xóm rà soát thống kê, đăng ký số lượng đò tham gia vận chuyển khách trong lễ hội chùa Hương năm 2024. Hiện có 3.800 – 4.500 chiếc thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ khách, lắp đủ ghế, có áo phao, wifi, ô che… Ban tổ chức sẽ thường xuyên lập đoàn thanh kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sử dụng xuồng máy, bán hàng rong trên thuyền, đánh bạc trên thuyền như những năm trước. Bên cạnh đó, tuyên truyền khuyến cáo tới du khách, các đơn vị liên quan chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh./.
- Thống nhất làm đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch | Hà Nội tin mỗi chiều
- Đi chùa lễ Phật thế nào cho đúng | Hà Nội tin mỗi chiều
- Giữ gìn nét đẹp truyền thống lễ hội đầu xuân như thế nào? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội phát triển du lịch lễ hội, sự kiện | Hà Nội tin mỗi chiều
- Nét đẹp áo dài du xuân | Hà Nội tin mỗi chiều
Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.
Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
0