Đừng quên thuốc là con dao hai lưỡi | Hà Nội tin mỗi chiều
Thuốc là con dao hai lưỡi
Nhiều ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc nằm ở ngưỡng xấu và rất xấu, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, nhiệt độ trong ngày dao động, lạnh vào sáng sớm và đêm, nóng vào buổi trưa cùng với đó là độ ẩm không khí thay đổi khiến hệ miễn dịch của cơ thể gặp những vấn đề bất thường, làm tăng nguy cơ gây viêm đường hô hấp, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ. Một trong những biểu hiện phổ biến của viêm hô hấp là ho. Ho là phản ứng có lợi cho cơ thể nhằm đẩy các chất bài tiết hoặc dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, ho nhiều làm người mệt mỏi, chán ăn và mất ngủ.
Nhiều ông bố bà mẹ hình thành có thói quen khi con nhỏ bị ho, thường tự ý chữa ho tại nhà. Vì nghĩ trẻ bị cảm cúm do thời tiết lạnh nên nhiều người có thói quen cho uống siro ho thảo dược mà không đưa đi khám. Với tâm lý cắt nhanh cơn ho cho con, nhiều bậc phụ huynh đã lạm dụng siro ho mà không biết rằng điều này không mang lại hiệu quản như họ mong muốn. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin phát hiện một số siro ho và hỗn dịch nhiễm độc sản xuất tại Pakistan, xuất hiện ở các quốc gia thuộc châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Theo WHO, các loại thuốc, siro chứa chất độc ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được, không an toàn, đặc biệt đối với trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ WHO, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã rà soát lại hồ sơ. Qua tra cứu dữ liệu cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc bao gồm cả các hồ sơ đang xử lý tại Cục Quản lý Dược và dữ liệu cấp phép nhập khẩu thuốc đến sáng ngày 13/12 cho thấy chưa có giấy đăng ký lưu hành theo quy định hiện hành. Cục Quản lý Dược cũng cảnh báo người dân chú ý không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, không mua thuốc trôi nổi.
Thực tế thời gian qua siro ho được gắn mác Đông y nên dễ thuyết phục các ông bố, bà mẹ về độ an toàn của nó khi dùng cho con em mình. Thực tế thì siro cũng là thuốc nên nếu tùy tiện sử dụng cũng có thể gây hại. Trong siro ho cũng có những thành phần dược lý giống như trong thuốc viên, chỉ có một điểm khác là được làm loãng để giảm nồng độ thuốc, nên nó cũng có thể gây ra tác dụng phụ nếu lạm dụng. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo trong nhiều siro có chứa Codein, đây là một hoạt chất dễ dàng gây nghiện, giúp giảm đau, giảm ho và gây cảm giác buồn ngủ, chúng thường được sử dụng và bài chế trong các loại siro ho. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng hiểu được cơ chế hoạt động của codein và cho con uống siro thường xuyên, liên tục mà không quan tâm tới thành phần thuốc, nên đã gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng dẫn tới việc con có thể ốm, ho nặng hơn, gây lú lẫn, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo một kết quả khảo sát do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thực hiện cho thấy, cứ 10 người dân Việt Nam thì có tới 9 người mua thuốc mà không hề có đơn bác sĩ. Điều đáng lo ngại là con số này chỉ khiến ngành chức năng giật mình trong khi người dân nói chung vẫn dửng dưng. Người dân hiện nay có thể đến hiệu thuốc mua bất kỳ thứ thuốc nào, từ các loại vitamin đến cả thuốc kháng sinh …Đa số phụ huynh tự đi mua thuốc về điều trị cho con, đều không hề biết gì về dược lý của thuốc. Ít người đọc hết tờ hướng dẫn sử dụng về thành phần thuốc hay những cảnh báo về tác dụng phụ khi sử dụng quá liều, quá ngày… Để phòng tránh tác hại của thuốc đối cơ thể, điều quan trọng nhất là người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Trẻ nhỏ và người cao tuổi cũng là những đối tượng cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, người dân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự động thay đổi thuốc cũng như liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
Hà Nội đã qua đỉnh dịch sốt xuất huyết nhưng không được chủ quan, lơ là
Thời điểm cuối năm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay, diễn biến dịch bệnh mùa Đông - Xuân khó lường, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH). Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận 1.100 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Số mắc giảm so với tuần trước. Hà Nội đã qua đỉnh dịch với số ca mắc giảm liên tiếp trong 5 tuần. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có hơn 38.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã được tổ chức hai ngày trước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho rằng, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, từ nay đến hết năm 2024, các đơn vị, địa phương không được chủ quan lơ là, cần tiếp tục tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, kiểm soát tốt tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Thực tế thời quan qua, cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh; công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy không được duy trì thường xuyên, triệt để tại các hộ gia đình. Đáng lo ngại, vẫn còn trường hợp khi bị mắc bệnh sốt xuất huyết tự ý điều trị tại nhà, không đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trong khi đó, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi, dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch sốt xuất huyết ở các địa phương nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại cộng đồng rất lớn. Để chủ động hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã đề nghị các đơn vị y tế trên toàn thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng, các cơ sở y tế đã được phân cấp; rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong./.
Đó là một đêm dài với thành phố Hà Nội. Rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn và y tế đã được huy động để nỗ lực dập tắt vụ hoả hoạn xảy ra ở số 258 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Trước ngọn lửa dữ, đã có nhiều người không thể thoát thân. Một vụ cháy khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót và cả phẫn nộ. Từ sáng sớm tới tận chiều muộn, ở đâu người ta cũng theo dõi tin tức về vụ việc này.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.
Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.
Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".
Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?
0