Đừng trả giá đắt cho lời chào mời du lịch giá rẻ
Tràn lan lời chào mời sử dụng dịch vụ du lịch giá rẻ
Chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “voucher du lịch” sẽ cho ra một loạt hội nhóm rao bán, thanh lý voucher khách sạn, resort, du lịch giá rẻ. Muốn nghỉ dưỡng ở đâu, xa, gần, trong nước, hay ngoài nước... trên mạng đều có đủ. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin “siêu giảm giá” 30-50% so với giá gốc, thậm chí miễn phí để lừa đảo khách hàng.
Chỉ cần một cá nhân đăng bài tìm kiếm tour du lịch, sẽ có hàng chục người, thậm chí hàng trăm người vào quảng cáo các dịch vụ nghĩ dưỡng với mức ưu đãi “siêu hot”, “giảm giờ chót”. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch được các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp uy tín đưa ra, thì không ít người đã vỡ mộng khi gặp phải những fanpage giả lừa đảo.
Tháng 10/2023, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá đường dây lừa đảo bán tour du lịch, đặt phòng khách sạn tại nhiều khu du lịch để chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, còn rất nhiều vụ việc khó xử lý, nhiều người đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo và khi phát hiện ra bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền thì chúng đã cao chạy xa bay.
Câu chuyện của nạn nhân tour du lịch giá rẻ
Câu chuyện của anh Trần Việt Hưng (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): tháng 2/2024, qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, anh và nhóm bạn đăng ký một tour du lịch Bali thông qua hướng dẫn viên tự do Lê Văn Tiến. Tìm hiểu profile Lê Văn Tiến, anh Hưng cảm thấy có độ uy tín, thêm nữa lại được Tiến tư vấn rất nhiệt tình và thể hiện là người có nhiều kinh nghiệm ở Bali nên anh đã tin tửơng và chuyển trước cho đối tượng hơn 55 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đến ngày dự định khởi hành chuyến du lịch, anh Hưng vẫn không thấy Tiến gửi các thông tin liên quan về chuyến đi như booking máy bay, booking khách sạn… Đến trước ngày khởi hành theo kế hoạch, Tiến mới thông báo cho anh Hưng về việc hủy chuyến du lịch đó với lý do không rõ ràng. Tiến phớt lờ yêu cầu trả lại số tiền anh đã chuyển.
Theo tìm hiểu của anh Hưng, cách thức chiếm đoạt tài sản của đối tượng Tiến là lấy tiền lừa đảo của tour du lịch sau để trả tiền cho tour du lịch đã lừa trước đó. Anh Hưng cho biết, không chỉ riêng mỗi cá nhân anh bị Tiến lừa, đã có hàng chục người khác đang đòi lại số tiền đã đã bị lừa, lên tới gần 600 triệu đồng.
Cảnh giác tour du lịch giá rẻ
Sau nhiều lần trở thành nạn nhân của những bài đăng quảng cáo tour du lịch, voucher du lịch với mức giá rẻ sập sàn, đã có bài học cho mình để thận trọng hơn dịp hè này, chị Đỗ Thị Phương Anh (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) quyết định sẽ đặt tour tại đơn vị lữ hành uy tín để có chuyến du lịch trọn vẹn. Theo chị Phương Anh kể lại, năm ngoái chị thấy một tour du lịch trên mạng khá là rẻ, nên đã quyết định đặt luôn, nhưng không ngờ là bị lừa. Sau khi chị chuyển tiền cho người ta thì không được hồi âm.
Không chỉ những khách hàng nhẹ dạ, cả tin bị lừa, mà nhiều công ty du lịch cũng bị các đối tượng xấu giả mạo các trang web hay fanpage của các công ty, thậm chí giả mạo cả trang cá nhân của những người làm du lịch để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu đặt tour du lịch.
Anh Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc một Công ty du lịch, cho biết, anh đã bị kẻ xấu giả mạo facebook và uy tín của anh để tư vấn bán tour cho khách hàng khác, nhưng may mắn anh đã được cảnh báo kịp thời và khách hàng đã không bị lừa.
Theo anh Phúc, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, chúng thường quảng cáo cung cấp dịch vụ với giá rất rẻ so với giá trị thực của sản phẩm. Khi đó, khách hàng nghĩ đã được deal có giá khuyến mại tốt nên sẽ muốn chốt sản phẩm đó. Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng lừa đảo sẵn sàng gửi thông tin, giấy tờ tùy thân, chứng minh thư, hình ảnh văn phòng, giấy phép đăng ký kinh doanh để tạo lòng tin, tuy nhiên, đa phần các giấy tờ này đều là giả mạo, đã được photoshop để đánh lừa khách hàng.
Càng gần tới cao điểm du lịch hè, nhu cầu đặt tour, đặt vé máy bay, phòng sách sạn càng gia tăng. Tuy nhiên đó cũng là lúc khách hàng dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo trên mạng. Nhất là khi các giao dịch chủ yếu được thực hiện online, tạo cơ hội để các đối tượng xấu thực hiện hành vi của mình.
Để tránh bị sập bẫy lừa đảo, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App ứng dụng du lịch. Cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50%); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Trước khi khách hàng thực hiện giao dịch online trên website, cần tìm hiểu kỹ và tìm đến những địa chỉ uy tín, rõ ràng, chính xác.
Để không trở thành con mồi cho những đối tượng lừa đảo, cần tỉnh táo trước những cám dỗ tour, chuyến, combo du lịch giá rẻ mà nên lựa chọn những công ty uy tín để chuyến du lịch được trọn vẹn niềm vui.
5 phương thức, thủ đoạn lừa đảo mùa du lịch
Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về một số phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường xuyên sử dụng như sau:
(1) Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
(2) Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.
Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
(3) Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
(4) Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
(5) Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Ngày 22/11, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng khen thưởng 3 nhân viên quán bia trên phố Ngô Thì Nhậm nhanh trí dập tắt ngọn lửa cháy tại nhà dân trong đêm 21/11.
Các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO vừa cho biết sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa để phục vụ người dân trong cao điểm dịp Tết Ất Tỵ.
Sáng 22/11, World Bank kết hợp cùng Đại sứ quán Úc đã công bố báo cáo và các đề xuất cho lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam.
Liên quan đến việc phát hiện hàng trăm bộ hài cốt trong khi thi công dự án tại ngõ 167 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, tính đến thời điểm này, đơn vị thi công đã phát hiện hơn 150 bộ hài cốt. Theo xác minh ban đầu, đây là hài cốt của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.
Dù lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đã nhấn mạnh, tiếp tục duy trì kế hoạch tập trung xử lý các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, song trên thực tế, một bộ phận các em học sinh vẫn thiếu ý thức chấp hành, ngang nhiên vi phạm luật giao thông và tìm cách đối phó với lực lượng chức năng.
Từ ngày 1/7/2027, xe gắn máy hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 thay vì mức 2 như hiện nay. Các loại xe mô tô hai bánh sẽ được áp nâng mức tiêu chuẩn khí thải sớm hơn 1 năm.
0