Đường đời xuôi ngược

Guồng quay cuộc sống hối hả, vội vàng. Có bao giờ bạn tự hỏi, những người mà chúng ta vô tình gặp trên đường đời, họ có ý nghĩa gì trong bức tranh cuộc đời của chúng ta?

Chiều nay, Hường chia sẻ cùng bạn đôi chút suy tư của Nhung Phạm trong dòng đời xuôi ngược, ngược xuôi…

Sáng nào cũng vậy hối hả, vội vã. Chúng tôi lục tục ra khỏi nhà. Con gái đến trường học. Vợ chồng tôi đi làm. Sáng nào cũng một nhịp điệu ấy ra khỏi nhà, leo lên xe. Chúng tôi lại ùa vào dòng người đổ đi trăm ngả.

Chồng tôi cầm lái, tôi ngồi phía sau. Thật tình tôi quá thảnh thơi để ngắm đất, ngắm trời, thả hồn theo mây theo gió. Nhưng không phải hôm nào tôi cũng rảnh rang như vậy. Con tôi đêm trước mới sốt cao trên bốn mươi độ. Mẹ tôi vừa mổ mắt. Nhóm nghiên cứu của tôi đang bị sếp hối thúc ra sản phẩm mới. Có biết bao điều quay tôi mòng mòng mỗi sáng. Đến nỗi có đôi lúc những tiếng còi xe inh ỏi lại khiến tôi giật mình đánh thót.

Một đoạn đường từ nhà đến công ty chưa đầy năm cây số. Mỗi ngày, mỗi giờ, những bức tranh thu nhỏ của cuộc đời cứ liên tục bày ra trước mắt tôi. Kẻ cao sang, người khốn khó, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, béo, gầy, nắng cũng như mưa, những dòng xe cứ rầm rập nối nhau tiến về phía trước. Họ đi đâu? Nhà máy, công trường, cửa hàng, bệnh viện hay là…không đâu cả? Những bóng lưng xa lạ. Những khuôn mặt vội vàng, gấp gáp.

Ảnh minh họa

Người ta vẫn nói: “Tu trăm năm mới đi chung một thuyền”. Vậy tu bao lâu mới đi chung một đường? Một cụ già ăn xin chìa chiếc mũ rách bươm ở ngã tư. Một cô gái trẻ cười giả lả bên quầy cà phê ven đường. Một anh taxi đang mặt mày gay gắt vì bị xe phía sau tông phải. Một chiếc Lexus kiêu hãnh vụt qua. Đôi lúc tôi tự hỏi, họ có ý nghĩa gì trong bức tranh cuộc đời của tôi hay không. Liệu anh chàng mặc đồng phục màu cam đỏ kia có liên quan đến việc sửa chữa trong vụ mất điện ở chung cư tôi ngày hôm qua? Liệu anh lái xe tải chở hàng phía trước có liên quan đến bữa cơm tôi ăn hàng ngày? Nếu vào giờ cao điểm, mỗi người mặc kệ luật giao thông, cố nhích một chút, một chút, liệu có vì thế mà số tiền tôi phải nộp phạt vì muộn giờ làm sẽ tăng lên vào cuối tháng?

Vạn vật đều có nhịp điệu tự nhiên của riêng mình, tôi từng đọc ở đâu đó có viết. Những nhịp điệu riêng hòa trong nhịp điệu chung thống nhất. Và tôi cũng chỉ là một nhịp điệu nhỏ bé, mong manh trong guồng quay của cái toàn thể đó. Thuận theo nhịp điệu tự nhiên hay đi ngược lại? Có lẽ đó là nhân duyên và lựa chọn của mỗi người.

Ảnh minh họa: Kenh14

Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm ấy. Một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác. Ra khỏi nhà, leo lên xe, chúng tôi lại hối thúc nhau lên đường. Mùa mưa, các con đường xung quanh nhà tôi đều xuống cấp thấy rõ, lún ngang, lún dọc, ổ voi, ổ gà. Chồng tôi không đi giống mọi ngày mà ngoặt vào một con đường tắt. Chiếc ô tô chắn ngang phía trước lao vụt đi. Đập vào mắt tôi là một người đàn ông già nua, lọm khọm đang ngồi thụp xuống ven đường. Chiếc xe đạp cũ kĩ dựng sát bên lề. Nghiêng chiếc thau nhôm xỉn màu, ông tỉ mỉ xúc từng chút đất trong thau lấp xuống những chỗ trống ven đường. Nhìn quanh mới thấy, không phải một mà nhiều ổ gà đã được ông lấp phẳng.

Tôi ngoái đầu lại phía sau, người đàn ông nhỏ thó và lặng lẽ. Nhưng dường như ông ấy thật thảnh thơi. Một sự thảnh thơi hiếm hoi giữa đoạn đường người qua kẻ lại. Tôi cứ nhìn mãi cho đến khi chồng tôi lái xe ra con đường lớn. Chúng tôi lại ùa vào dòng người đổ đi trăm ngả. Người xe xuôi ngược. Đường đời vẫn cứ ngược, cứ xuôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.

Tháng Tư, buổi sáng còn vương chút lành lạnh. Một đóa bằng lăng lặng lẽ xòe nở như ngọn đèn tím ở góc sân trường, dịu dàng quá đỗi. Tôi chợt sững người đứng lặng cuối hành lang… Loài hoa tím phơn phớt này, bao giờ cũng dễ khiến lòng người rưng rưng cảm xúc.