Dường như mùa đông đã về

Giữa cái se lạnh buổi sớm của Hà Nội, ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” của nhạc sĩ Phú Quang vang lên bỗng cho ta cảm giác như mùa đông đang tới gõ cửa từng nhà. Khi gió se sắt lùa trên những mái ngói phong rêu, ngồi ở quán quen nơi góc phố, ủ trong tay một thức quà ấm nóng, gợi ký ức mùa xưa... Dường như mùa đông đã về...

Hà Nội ngày chớm đông

Sau những cơn mưa cuối thu nặng hạt, thời tiết Hà Nội đã thật sự trở lạnh. Nhiều người đã bắt đầu dọn tủ quần áo, những bộ trang phục hè đã được cất đi để nhường chỗ cho những đồ mặc ấm. Trên phố đã thấp thoáng bóng những bóng hồng xúng xính khăn quàng, áo khoác...Hà Nội đã vào đông.

Mấy hôm trước mọi người còn than nóng - cái nóng bức bối trước mỗi đợt không khí lạnh, thì sớm nay chiều lòng người, Hà Nội đã đón những ngày chớm đông đẹp nhất với nắng vàng và gió lạnh - một không gian nên thơ, lãng mạn. Với tiết trời này, ngồi thong dong bên quán cà phê vỉa hè ngắm đường phố, hay lái xe chầm chậm tận hưởng bầu không khí đầu đông thật vô cùng thú vị.

Dạo một vòng mạng xã hội cũng đã thấy người người, nhà nhà đang rủ nhau ghi lại những khoảnh khắc giao mùa đẹp đến mơ màng. Những góc phố thân quen bừng lên trong nắng cùng những gánh cúc họa mi khiến những tay máy chỉ cần giơ lên là đã có một album ảnh đẹp.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ: "Ngày hôm nay tôi thấy hơi thở Hà Nội khác đi rất nhiều, chưa hẳn là lạnh nhưng cái cảm giác se se ấy chính là cảm giác ở thời điểm chuyển giao cuối thu đầu đông. Đặc biệt, mùi hoa sữa cuối thu như là lời thông báo rằng mùa đông đang đến. Đặc trưng của Hà Nội là cái mùi hoa sữa phải đến cuối thu mới có. Và tôi thì rất hay đi, đôi khi chả để làm gì cả, để nhìn lại và cảm nhận hành trình của mình suốt một năm, để cảm nhận được cái lành lạnh đó. Có thể nói mùa này hư linh hồn của thành phố này vậy".

Món ngon Hà Nội ngày đông

Phở không chỉ là một món ăn, mà còn là một phần của Hà Nội. Phở đi cùng với cuộc sống hàng ngày của người dân, từ những quán phở ven đường cho đến những nhà hàng sang trọng, từ những bữa sáng cho đến bữa đêm muộn. Vừa thổi vừa ăn nhưng vô cùng hạnh phúc, hưng phấn. Những ngày se lạnh cuối thu, bát phở nóng vốn đã ngon sẽ càng thêm ấm, thêm đậm vị vì có vị cay của tương ớt, như thổi bùng vị phở.

Nhà văn Vũ Bằng quan sát từ xa quán phở bò Hà Nội đã nghe nức lòng, với “mùi phở có một sức huyền bí, quyến rũ ta như mây khói chùa Hương, đẩy bước chân ta, thúc bách ta...”.

Có lẽ, sau khi "thưởng phở" qua câu chữ, bất cứ ai cũng cảm thấy thèm thuồng, ngay lập tức chỉ muốn đứng dậy, ghé một quán phở quen hoặc sáng đương mùa thu, dậy sớm, lên phố cổ để tìm cho kỳ được một quán phở ngon để thưởng thức cái tinh túy của Hà Nội chắt chiu bao năm này.

Trong những ngày Hà Nội trở lạnh, bánh trôi tàu cũng là món ăn khiến người ta vô tình thương nhớ. Vài viên bánh trôi tròn trịa, căng mẩy, chùng chình trong bát nước đường mía nấu cùng gừng đun nóng tự nhiên khiến người ta ấm cõi lòng. Bánh trôi tàu được làm từ bột gạo nếp cùng hai loại nhân phổ biến là đậu xanh và vừng đen; lớp vỏ bánh mềm mượt, căng mịn bên ngoài, cắn một miếng dẻo dai ngập chân răng thứ nhân bùi bùi ngậy ngậy quyện với thứ nước đường ngọt thanh thơm lừng mùi gừng; xen lẫn miếng bánh trôi ngọt ngào ấy là vị ngọt cay và ấm của gừng đọng lại.

Điều làm nên cốt lõi của bát bánh trôi tàu ngon không nằm nhiều ở nhân bánh, mà được chú trọng vào nước đường, quyện trong gừng cay. Muốn ngon, nước này phải được giữ sôi liu riu trên bếp than, đến khi sệt lại một mức vừa phải, không quá đặc, không quá loãng, không có vị ngọt sắc, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đậm đà. Màu nước phải là màu sánh vàng, nâu nâu của mật ong, ngửi thôi đã thấy hơi cay của gừng, mới là đạt đúng tiêu chuẩn.

Ngoài món bánh trôi tàu, trong tiết trời se lạnh, nhiều người chỉ muốn nhấm nháp một thứ gì đó cho ấm bụng, có thể là bánh khoai, bánh chuối… Không thèm thuồng làm sao được khi mà những chiếc bánh vàng rộm đang được người bán hàng nhanh tay xếp lên giá. Từng chiếc, từng chiếc bánh múp míp, vỏ nhìn giòn tan, các cạnh bánh ánh những giọt dầu rớt nhẹ xuống chảo nhìn đến là gọi mời. Màu vàng của vỏ bánh, màu kem pha lẫn chút màu nghệ của chậu bột bánh, màu hổ phách của chảo dầu sôi tí tách. Tất cả mang một sức quyến rũ lạ kì, khiến nhiều người khó cưỡng lại, mà phải ghé vào mua dăm ba chiếc.

Năm nào cũng vậy, len lỏi trong con gió lạnh giao mùa là hương thơm của ngô nướng, hạt dẻ, khoai nướng. Trên những chiếc bếp than vỉa hè, những thức đồ ăn vặt này được đặt khéo léo lên trên tấm vỉ rồi bắt đầu ngấm lửa, kêu tanh tách và dần chuyển sang màu sắc hấp dẫn. Khi chúng dậy mùi thơm, ngô bắt đầu vàng ươm cháy xém nhè nhẹ, khoai đỏ rực, hạt dẻ nứt vỏ cũng là lúc thực khách được thưởng thức món ăn vặt của mình. Cảm giác nhẫn nại ngồi đợi chủ quán nướng ngô, nướng khoai, quạt bếp, rồi xoa xoa bàn tay trên bếp than... thật tuyệt vời làm sao.

Dù chỉ là thức quà đơn giản, mang đậm hương quê nhưng chính việc được nhấm nháp và hít hà hương thơm của món ăn vặt mùa đông Hà Nội này trên một góc phố lại thú vị lạ lùng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Diễn ra trong ba ngày cuối tuần qua, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội đã thu hút hàng ngàn du khách tham quan và trải nghiệm.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.

Là một trong những nhà thiết kế theo đuổi con đường nhung, lụa thêu tay, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã dành nhiều tâm huyết để đưa chất liệu nhung, lụa Việt Nam lên một nấc thang mới. Hành trình ghi dấu phong cách riêng của mình trong làng thời trang Việt của cô gái trẻ là cả một sự nỗ lực để hồi sinh, đưa những sản phẩm nhung lụa thêu tay truyền thống đến gần với đời sống đương đại.

Jack Soloman, một người Anh mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam, đã kể lại câu chuyện của mình như một minh chứng cho xu hướng ngày càng nhiều người ngoại quốc đến Hà Nội và chọn nơi đây làm nơi gắn bó lâu dài.

Ngôi làng Tri Trung vốn là nơi nổi tiếng với những buổi biểu diễn chèo, đặc biệt hơn, các diễn viên chính đều là những người dân trong làng. Dù bận rộn với công việc hàng ngày, người dân trong làng vẫn đam mê những làn điệu chèo, coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống yên bình của họ.

Mặt trời đã ngủ, nhưng thành phố thì vẫn thức. Khi ánh đèn thay thế ánh mặt trời, cũng là lúc cuộc sống ở Hà Nội bước vào một nhịp điệu khác, với đa dạng lựa chọn sống của những người dân đô thị. Tất cả đều góp phần tạo nên nhịp điệu không ngừng nghỉ của một thủ đô đầy sức sống.