Đường sắt cao tốc 350km/h không phù hợp?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa xin ý kiến các bộ ngành về phương án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam với 3 kịch bản khác nhau. Trong đó, Bộ GTVT thiên về phương án kịch bản số 3, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ 350km/h với tổng mức đầu tư hơn 71 tỷ đô. Không chỉ chưa sát với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, phương án tốc độ cao 350km/h này được chuyên gia cho là chưa phù hợp trong bối cảnh và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay.

Dư luận đang hết sức quan tâm tới câu chuyện này, việc sớm tạo được trục giao thông đường sắt Bắc Nam xuyên suốt với tốc độ cao vừa thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, vừa thể hiện mức độ phát triển của quốc gia. Chúng ta sẽ cùng xem 3 phương án kịch bản đường sắt được Bộ GTVT xây dựng là như thế nào?

3 kịch bản đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam được Bộ GTVT đưa ra cùng chung thông số về đường đôi, khổ ray 1,435 mm là form chung của đường sắt thế giới hiện nay, chủ yếu khác nhau về tốc độ thiết kế và tổng mức đầu tư. Theo đó:

Kịch bản thứ nhất: Đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chở hàng. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản thứ 2: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Và trong kịch bản cuối cùng là kịch bản số 3: tuyến đường sắt Bắc Nam được đầu tư mới với khoảng 71,69 tỷ USD, cùng tải trọng 22,5 tấn mỗi trục như phương án 2 nhưng  tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu.

Trong ba kịch bản nêu trên, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.

Tuy nhiên tại văn bản góp ý của Bộ Kế hoạch Đầu tư vào ngày 22/11 vừa qua thì Kịch bản 1 và Kịch bản 3 được đánh giá là "không đáp ứng được yêu cầu" theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ tại cuộc họp tháng 9/2022. Cuộc họp này kết luận trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ 1.435 để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, tốc độ khai thác 200 km/h. Ông Nguyễn Huy Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch và phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chúng tôi thấy phải theo đúng kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia và Bộ Kế hoạch đầu tư đã giải trình báo cáo thường trực chính phủ và thường trực chính phủ đã thống nhất phương án đó, trước khi có báo lại của Bộ GTVT. Lúc đó Bộ GTVT cũng đã đồng ý đây là phương pháp tối ưu và giúp cho đất nước phát triển."

Cần nhìn nhận thực tế, nước ta chưa phải là một nước phát triển, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, trình độ quản lý chưa cao và nhu cầu thực tế giao thông thực tế chưa phù hợp với đường sắt có tốc độ rất cao như phương án 350km/h. Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam vốn là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc triển khai xây dựng tàu cao tốc cần đánh giá đúng thực trạng, nhu cầu khai thác và khả năng đáp ứng của nền kinh tế từ đó xác định bước đi phù hợp, nhất là trong quy hoạch, khảo sát nghiên cứu tiền khả thi… Vì thế việc đầu tư lớn, chưa tối ưu nguồn lực và chưa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội là cần cân nhắc.

Hiện nay, phần lớn hệ thống tàu cao tốc của các nước phát triển trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.. đều vận hành với tốc độ khai thác trung bình từ 200-260km/h… Việc triển khai đường sắt vận tốc trên 300 km/h đòi hỏi nhiều phức tạp về làm chủ công nghệ và điều kiện kinh tế, hạ tầng phải rất lớn. Đây là những khó khăn Việt Nam phải lường trước.

Theo Giáo sư Đoàn Ngọc Khuê – Nguyên thứ trưởng Bộ GTVT: "Chúng ta không thể sử dụng đường sắt tốc độ cao chạy tàu hỗn hợp với tốc độ 350km/h. Cả thế giới không làm và chúng ta khó khăn như thế nên là chúng ta phải lựa chọn một phạm vi tốc độ khả thi, hiệu quả, an toàn. Và không phải là cái gì xa lạ, là những dải tốc độ mà cả thế giới người ta làm, điển hình là nước Đức, nước hiện đại và tiên tiến, đường sắt từng chạy 300km/h, giờ người ta chạy tàu hỗn hợp tàu khách chỉ trên dưới 200km/h, tàu hàng chỉ trên dưới 140,160km/h. Các tuyến đang xây dựng mới như ở Ai cập, 2000km, Thái lan gần 1000km cũng chỉ chọn trên dưới 250km/h. Gần đây nhất Nhật chọn các tuyến chỉ chở khách chỉ lựa chọn 250-260km/h. Người ta chạy theo hiệu quả và an toàn."

Một điểm quan trọng khác, đó là câu chuyện tiến độ và phương thức triển khai. Đường sắt cao tốc Bắc Nam chỉ có hiệu quả khi được triển khai toàn tuyến thay vì phương án chia nhỏ dự án như hiện nay. Để đảm bảo tiến độ thì việc lựa chọn nhà thầu đi kèm công nghệ phù hợp cần được xem xét thận trọng.

Cùng với đó là năng lực của cơ quan triển khai. Bởi đầu tư lớn, công nghệ cao nhưng năng lực triển khai có hạn sẽ dẫn đến hệ luỵ nhãn tiền là việc chậm tiến độ, kéo dài, đội vốn và lãng phí. Và đường sắt Bắc Nam, chỉ có thể phát huy hiệu quả khi là tuyến hoàn chỉnh từ Nam ra Bắc, chứ không phải chỉ từng đoạn và thời gian thực hiện trong hàng chục năm.

Nhiều nhà quản lý cũng như nhiều chuyên gia đều ủng hộ quan điểm của Chính phủ và đánh giá Kịch bản 2: xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ thiết kế 200-250 km/h là phù hợp nhất với điều kiện, bối cảnh của nước ta hiện nay.

Với tốc độ 200-250km/h tôi cho rằng nó sẽ phù hợp hơn. đối với toàn tuyến thì chúng ta phải tính rõ hiệu quả kinh tế để phù hợp với nhu cầu tương lai.

Ông Đinh Quốc Thái - Chuyên gia giao thông

GS. Đoàn Ngọc Khuê – Nguyên thứ trưởng Bộ GTVT: "Tôi thấy kịch bản đã được hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, được Bộ KHĐT báo cáo lên và đã được Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo và đó là kịch bản rất là đúng đắn, phù hợp với tình hình và đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế và chắc chắn là nó sẽ đem đến hiệu quả trong đầu tư."

Dự kiến, tháng 12/2023, sau khi Chính phủ xem xét và thống nhất, Bộ Chính trị sẽ họp và cho ý kiến về dự án này, trước khi trình ra Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

---

Với một dự án đặc biệt quan trọng như đường sắt cao tốc Bắc Nam, sự tham gia góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, dường như trong quá trình xây dựng phương án, Bộ Giao thông vận tải chưa sẵn sàng cung cấp thông tin cũng như lắng nghe rộng rãi hơn ý kiến của nhân dân đối với phương án của mình, trước khi trình Chính phủ xem xét. 

Bài viết: Mạnh Hùng - Bản tin Thời sự 18h30, 30/11/2023
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong tương lai gần, việc chuyển đổi sang du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi theo hướng tiếp cận kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra thông tin dự báo thời tiết ngày hôm nay (22/11), Thủ đô Hà Nội sẽ duy trì thời tiết không mưa, tuy nhiên nhiệt độ sẽ hạ thấp.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Lộ trình thực hiện đề án bắt đầu từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2035 sẽ sử dụng 100% xe buýt điện.

Tình huống nguy hiểm trên xảy ra ngày 20/11 trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu, Hòa Bình và được chính camera hành trình trên xe ô tô con bị nạn ghi lại.

Gần đây tại quận Thanh Xuân, câu chuyện về những chiếc barie dựng tại các ngõ nhỏ vào giờ cao điểm đã thu hút sự chú ý. Mục đích ban đầu là để kiểm soát lưu lượng giao thông, thế nhưng sự xuất hiện của chúng cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi từ những người đi lại thường xuyên qua đây.

Sáng nay, ngày 21/11/, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.