Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Biến khát vọng thành hiện thực

Sau một năm triển khai thi công, tuyến đường dần thành hình, đang từng bước hiện thực hóa Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô trong nỗ lực xây dựng đồng bộ, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngày 25/6/2023, lần đầu tiên một dự án giao thông trọng điểm quốc gia quy mô lớn, tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, được đồng loạt tổ chức khởi công tại ba tỉnh, thành phố với 6 điểm cầu, chỉ sau một năm kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương thực hiện.

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

1.Hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian phát triển Thủ đô, “chìa khóa” kết nối vùng

Tại Hà Nội, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ TP. Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ Thành phố.

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 cần đạt tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông từ 20-26%; mật độ mạng đường cần đạt từ 4,0-6,5 km/km2; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%; tỉ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt từ 50-55%. Vì vậy, Hà Nội xác định việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Vành đai 4-Vùng Thủ đô có tổng chiều dài hơn 113 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). 

Hà Nội, với vai trò là trung tâm, hạt nhân của Vùng Thủ đô, sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến. Trong đó, các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương. 

Vành đai 4-Vùng Thủ đô không chỉ góp phần khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực.

2.Hình hài đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sau một năm triển khai 

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội gồm 3 dự án thành phần: 

  • Thành phần 1.1: công tác giải phóng mặt bằng
  • Thành phần 2.1: xây dựng đường đô thị song hành
  • Thành phần 3: xây dựng đường cao tốc 

Video: Hình hài đường vành đai 4
sau một năm triển khai

 

Dự án được triển khai theo hình thức hợp tác công tư PPP.  Trong đó, dự án thành phần 2.1: đường đô thị song hành dài 58,2km, vận tốc thiết kế 80km/h, đi qua 7 quận huyện của thành phố gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín, có điểm đầu tại xã Tân Dân huyện Sóc Sơn và điểm cuối tại km 58+200 ranh giới giữa thành phố Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Thường Tín. 

Với 4 gói thầu xây lắp đường, hiện trên toàn tuyến song hành đang huy động khoảng 1000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, lái xe và lái máy, 300 ô tô vận chuyển và hàng chục máy đào, máy ủi, lu; chia thành 32 mũi thi công chính, gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu.

Điểm đầu tuyến là địa bàn huyện Sóc Sơn với chiều dài hơn 2km, đi qua hai xã Tân Dân, Thanh Xuân, thuộc gói thầu xây lắp số 8 của dự án.

Tổng diện tích đất phải thu hồi trên 48,2 ha, chủ yếu liên quan đến đất nông nghiệp và di chuyển mồ mả, chỉ giải phóng mặt bằng hơn 600m2 đất thổ cư, do đó, việc đền bù giải tỏa khu vực này tương đối thuận lợi.

Phạm vi xã Tân Dân đã cơ bản hoàn thành cấp phối đá dăm. Hiện việc thi công tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Thanh Xuân đoạn từ quốc lộ 2 đến sông Cà Lồ. 

Đoạn đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Sóc Sơn đang được thi công thần tốc.

Dù ngắn, nhưng đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Sóc Sơn được đánh giá là nút giao thoa quan trọng bởi vị trí gần sân bay Nội Bài, cắt ngang quốc lộ 2 và nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai.

Khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ là tuyến huyết mạch trong phát triển kinh tế của huyện Sóc Sơn mà còn của cả nước khi kết nối các tuyến đường phía Bắc Thủ đô với các huyện ngoại thành và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. 

Cũng thuộc gói thầu số 8, đường Vành đai 4 đoạn tiếp theo trên địa bàn huyện Mê Linh dài khoảng 11,2 km, chiếm tỷ lệ 19%, đi qua các xã Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Chu Phan và Văn Khê. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 141,5 ha, liên quan đến 3000 hộ dân.

Đoạn tuyến qua hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh đều do liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Thịnh Vượng TVT và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thái Yên đảm nhận thi công.      

Có thể nói đường Vành đai 4 đi qua địa phương này đang được thi công thần tốc nhất trong số 7 quận huyện. Công trường gần như không có ngày im tiếng máy.

Mặt bằng bàn giao đến đâu, đơn vị chuẩn bị máy móc, công nhân làm đến đó. Tuyến đường ở đoạn này đang hình thành rất rõ nét. Một số đoạn đã thảm cấp phối đá dăm.

Các trụ cầu vượt sông, vượt đường sắt tuyến Nội Bài – Lào Cai đã vươn cao, thi công xong phần bệ, thân và đang lao lắp dầm. Đây là hình ảnh khác biệt nhất so với các đoạn tuyến khác của đường Vành đai 4 trên địa bàn 6 quận huyện còn lại.

Đại tá Võ Khắc Hùng, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 – Phó TGĐ Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết: “Đường để vào thi công cầu đường sắt theo thiết kế ban đầu là phải đi tuyến khác, nhưng tuyến đó rất vướng. Huyện uỷ Mê Linh đã tạo điều kiện cho chúng tôi mở một đường mới rất thuận lợi cho đơn vị thi công. Nhờ đó chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành công trình vào tháng 12/2024”.

Trên địa bàn huyện Đan Phượng, đường vành đai 4 có chiều dài khoảng 6,3km, đi qua các xã Liên Hồng, Tân Hội, Hạ Mỗ và Hồng Hà. Điểm cuối nằm tại xã Hồng Hà là nơi chuẩn bị xây dựng cầu Hồng Hà bắc ngang qua sông Hồng, nối huyện Đan Phượng và huyện Mê Linh, sau này sẽ giúp giao thương giữa hai huyện trở nên dễ dàng, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, đồng thời giảm tải cho cầu Thăng Long. Đây là gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, đi qua địa bàn cả huyện Hoài Đức với tổng chiều dài khoảng 22km.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 9, Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex, cho biết: “Chúng tôi sẽ phấn đấu xử lý nền đất yếu sẽ hoàn thành đắp xong trước 30/6 để kịp thời gian chờ lún. Nhà thầu đang dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào tháng 12/2025, vượt trước tiến độ hợp đồng khoảng 6 tháng”.

Riêng trên địa bàn huyện Hoài Đức, đường Vành đai 4 dài hơn 17km, đi qua 13 xã gồm Đức Thượng, Đức Giang, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù và Đông La.

Trong đó, đoạn tuyến bắt đầu tại xã Đức Thượng giáp với huyện Đan Phượng, điểm cuối tại xã Đông La giáp với quận Hà Đông. Đây là địa bàn có đoạn tuyến đi qua dài nhất và khối lượng thi công cũng như phải GPMB nhiều nhất. Song đến thời điểm này, với năng lực của nhà thầu Vinaconex, triển khai đồng loạt nhiều mũi, việc thi công đang bám sát tiến độ của dự án.

Đoạn tuyến tiếp theo đi qua quận Hà Đông có chiều dài khoảng 4,9km, liên quan đến 4 phường gồm Phú Lãm, Phú Lương, Yên Nghĩa và Đồng Mai.

Trong số 4 gói thầu xây lắp, gói thầu số 10 đi qua quận nội thành duy nhất, hiện có tiến độ chậm nhất do còn vướng mắc nhiều trong công tác GPMB đất nông nghiệp và đặc biệt là đất thổ cư của 87 hộ dân giáp mặt đường quốc lộ 6. Nhiều đoạn trên phần đất nông nghiệp thuộc phường Yên Nghĩa, nhà thầu chưa được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công liền mạch.

Ông Đoàn Viết Thắng, Chỉ huy trưởng công trường, Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng, cho biết: “Khối lượng triển khai của dự án đến thời điểm này là khoảng trên 20%, chủ yếu là phần đắp cát nền đường. Công tác giải phóng mặt bằng đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Đoạn đường Vành đai 4 đi qua quận Hà Đông đang có tiến độ chậm nhất.

Tiếp giáp với quận Hà Đông tại quốc lộ 21B, gói thầu số 10 đi qua 6 xã thuộc địa phận huyện Thanh Oai gồm Bích Hòa, Cự Khê, Bình Minh, Tam Hưng, Mỹ Hưng và Thanh Thùy, với chiều dài khoảng 7,25 km.

Hiện trên địa phận này, một trong những đơn vị thi công là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng UDIC đang tiến hành đắp đất gia tải để xử lý nền đất yếu. Tuy nhiên, mặt bằng vẫn còn vướng khoảng 800m ở xã Cự Khê và 300m ở xã Mỹ Hưng, chiếm khoảng 7% tổng diện tích đất cần thu hồi.

Thường Tín là địa bàn cuối cùng của Thủ đô có dự án đường vành đai 4, đi qua 9 xã của huyện gồm Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình, Nhị Khê,Văn Bình, Duyên Thái, Ninh Sở, Vân Tảo và Hồng Vân, với tổng chiều dài hơn 9km. Cuối tuyến là cầu Mễ Sở trước khi sang địa phận tỉnh Hưng Yên.

Địa bàn thuộc gói thầu xây lắp số 11 do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 – Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Hoàng Long – Công ty cổ phần Sông Hồng đảm nhận thi công. Đây là địa bàn có địa hình bất lợi nhất so với các gói thầu khác khi hầu hết là ruộng với nền đất yếu, phải mất thời gian từ 6-8 tháng xử lý và gia tải.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Toản, Chỉ huy trưởng công trường – Công ty CP thường mại và xây dựng Hoàng Long, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn những hạng mục hiện nay chưa bàn giao mặt bằng hoặc đang bị vướng sẽ được các đơn vị liên quan cố gắng bàn giao sớm để chúng tôi có thời gian thi công kịp tiến độ”.

Quán triệt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “chỉ bàn làm không bàn lùi”, luôn khắc phục mọi khó khăn, chia 3 ca 4 kíp, tranh thủ mọi thời gian, làm xuyên lễ Tết, sau một năm khởi công, đến nay, tổng thể toàn tuyến đường song hành đạt khoảng 37% khối lượng công việc.

Có lẽ từ trước đến nay, chưa có một dự án nào thi công với tinh thần quyết liệt và thần tốc như dự án đường Vành đai 4.  

2.1.Công tác giải phóng mặt bằng – yếu tố then chốt

Để có thể triển khai thi công dự án đường song hành, công tác GPMB thuộc dự án thành phần 1.1 của các quận, huyện thời gian qua đóng vai trò rất quan trọng.

Thống kê, toàn tuyến phải thu hồi hơn 791 ha đất, chưa kể 15,3 ha đất bổ sung phục vụ thi công hạng mục cải mương, vuốt nối, di chuyển cột điện cao thế; di chuyển hơn 10.300 ngôi mộ; xây dựng 13 khu tái định cư, tái định cư 889 hộ dân, di chuyển 39 cột điện cao thế. Ngoài ra còn di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi nằm trong phạm vi GPMB do UBND các quận, huyện thực hiện.

Tháng 6/2023, khi khởi công dự án, các quận, huyện giải phóng được khoảng 84%, vượt mốc 70% theo yêu cầu của Chính phủ. Đến nay, sau một năm, mặt bằng đã giải phóng được gần 98%, chỉ còn 17 ha chưa giải phóng, trong đó có 7,53 ha đất nông nghiệp và đất khác, 9,54 ha đất ở.  

Với không ít địa phương, việc GPMB được khối lượng lớn như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, là kết quả của sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan đoàn thể đến từng cán bộ công chức, Đảng viên gương mẫu đi đầu, và không thể không nhắc đến vai trò của tổ giám sát cộng đồng tại cơ sở.

Không quản ngại đêm tối vất vả, các tổ giám sát cộng đồng xuống từng nhà để trực tiếp “mắt thấy tai nghe”, chia sẻ và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và kịp thời đề đạt, tháo gỡ các vướng mắc; nhờ đó, đạt được sự đồng lòng ủng hộ của mỗi người dân trong diện GPMB.

Ông Nguyễn Hoàng Trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, khối lượng GPMB còn lại không lớn. Tuy nhiên, tính chất phức tạp hơn rất nhiều so với những phần việc đã làm. Tinh thần của huyện là tập trung cao độ, tuyên truyền vận động trong công tác di chuyển mồ mả cũng như là các phần việc còn lại trên phạm vi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên cũng phải làm hết sức cẩn thận, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”.

Điểm đặc biệt của dự án là có tới hơn 10.300 ngôi mộ phải di dời. Đây là phần việc khó khăn, nhạy cảm, liên quan đến tâm linh và phong tục tập quán của từng địa phương nói riêng, nhưng đã nhận được sự đồng thuận to lớn của người dân.

Đến nay, toàn dự án chỉ còn lại 242 ngôi mộ chưa di chuyển. Có những địa phương như huyện Sóc Sơn, còn tranh thủ qui tập, di chuyển gấp đôi số mộ trong phạm vi dự án và qui hoạch lại nghĩa trang trên địa bàn nhờ áp dụng cơ chế đặc thù hợp lòng dân. Sóc Sơn là địa phương duy nhất đến trước Tết nguyên đán Giáp Thìn đã hoàn tất công tác di dời mộ.

Ông Nguyễn Xuân Quý, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, cho biết: “Huyện Sóc Sơn đã chủ động cải tạo nghĩa trang trước đây của các xã mà tuyến đường Vành đai 4 đi qua. Trong đó mở rộng cải tạo nghĩa trang, mở rộng quỹ đất và định hướng các hộ gia đình di chuyển mộ. Các hộ gia đình đã hết sức ủng hộ. Nhiều hộ dân còn tự nguyện bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp trước khi được trả tiền đất ở nghĩa trang”.

2% khối lượng còn lại chưa GPMB không nhiều, nhưng các địa phương cũng xác định đây chính là phần vướng mắc và phức tạp nhất, đòi hỏi quyết tâm cao mới có thể hoàn thành dứt điểm công tác này vào cuối năm nay.

Riêng đoạn cần xử lý nền đất yếu thì phải bàn giao chậm nhất cuối tháng 7/2024 để kịp hoàn thành việc đắp gia tải, xử lý nền đất yếu trước cao điểm mùa mưa bão. Bởi xử lý nền đất yếu chính là đường găng, mốc tiến độ quan trọng của dự án. Quận Hà Đông và huyện Thanh Oai cần sớm giải phóng phạm vi mặt bằng xử lý nền đất yếu dài khoảng 1,68km.

2.2.Tái định cư – an cư tại nơi ở tốt hơn

GPMB luôn đi kèm với công tác tái định cư, chăm lo ổn định cuộc sống của người dân bị thu hồi đất, sao cho nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Với tinh thần đó, Hà Nội đã lựa chọn những vị trí đất đẹp và thuận lợi cho người dân, đến nay đã hoàn thành xây dựng 13/13 hạ tầng khu tái định cư. Trong đó, huyện Thường Tín là địa phương đi đầu trong công tác này. Ngay trước Tết nguyên đán Giáp Thìn đầu năm 2024, những hộ dân đầu tiên đã dọn về nhà mới tại khu tái định cư.

Hiện hạ tầng khu tái định cư cuối cùng tại xã Đông La, huyện Hoài Đức đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng tổ chức cho người dân bốc thăm. Dù người dân vẫn còn không ít tâm tư, nguyện vọng trước khi phải rời bỏ nơi ở đã gắn bó hàng chục năm để chuyển về địa điểm tái định cư hoàn toàn mới, nhưng nhìn chung phần lớn phấn khởi ủng hộ dự án sớm hoàn thiện với kỳ vọng sẽ đem đến sự đổi thay và phát triển cho địa phương.

Ông Lê Đức Bình, xã Đông La, huyện Hoài Đức, chia sẻ: “Mong mỏi của chúng tôi là làm sao chính quyền cũng như Trung tâm quỹ đất đưa ra những phương án tốt nhất cho chúng tôi, chẳng hạn như hợp phiếu cùng nhau, làm sao để bốc thăm thì chúng tôi cũng được những lô đất nằm trên trục chính, phù hợp với hiện trạng mà hiện tại chúng tôi bị mất, tránh để người dân bị thiệt thòi”.

Riêng quận Hà Đông, quận nội thành duy nhất dự án đi qua, do quỹ đất trong nội thành không còn, mặc dù thành phố đã quan tâm dành quỹ đất tái định cư tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn.

Ông Bùi Văn Binh, Bí thư chi bộ Tổ dân phố 17, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông kiến nghị: “Giá đền bù theo như chúng tôi được biết là có hơn 90 triệu/m2 và khu tái định cư xuống khu vực Thanh Oai là 60 triệu/m2. Tâm tư của người dân là muốn tái định cư tại khu vực này để con em chúng tôi được sống và làm việc trên vùng này”.

2.3.Phấn đấu khởi công hợp phần đường cao tốc vào cuối năm 2024

Theo thiết kế, dự án thành phần 3: xây dựng đường cao tốc được bố trí ở dải đất trung tâm có bề rộng 50m, hai đường song hành chạy hai bên. Hợp phần này sẽ thực hiện theo hình thức hợp tác đầu tư PPP.

Hiện, Ban quản lý dự án đã hoàn thành hồ sơ khảo sát, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Dự kiến, hồ sơ mời thầu sẽ được phát hành trong tháng 7 để phấn đấu khởi công trong quý 4 năm nay. Tuy nhiên, hiện hợp phần này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định, chính sách pháp luật về việc cho phép nhà đầu tư trong nước liên danh với nhà đầu tư quốc tế, cần phải được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Hợp phần đường cao tốc phấn đấu khởi công vào cuối năm nay.

Một năm chưa phải là dài, nhất là với một dự án có quy mô lớn, cấp quốc gia như dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Kết quả hôm nay mới chỉ là thành công bước đầu. Chặng đường phía trước vẫn còn hai đến ba năm với nhiều thách thức.

Các địa phương phải tiếp tục quan tâm hoàn thành công tác GPMB, tái định cư, ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân; chuẩn bị vật liệu xây dựng, bãi thải phục vụ dự án; tăng cường nhân lực và máy móc thi công với mục tiêu cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027, tạo bước đột phá về đầu tư hạ tầng giao thông, làm tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và liên kết Vùng Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 56 của Quốc hội.

Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).

Tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm).

Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.

 

Thực hiện: Lê Huyền
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Vỉa hè tuyến đường Thiên Hiền, thuộc địa bàn phường Mỹ Đình 1 quận Nam Từ Liêm ngang nhiên bị chiếm dụng làm nơi dừng, đỗ phương tiện, bất chấp cả biển cấm đã được dựng lên như thế này. Hậu quả là nhiều đoạn vỉa hè tại đây đã có tình trạng nứt vỡ, xuống cấp…

Sáng 4/7, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị sơ kết công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tỉnh lộ 429 chạy qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa nhiều điểm có măt cắt ngang chỉ khoảng 7-8m. Việc tham gia giao thông cùng với những xe tải khổng lồ có tải trọng hàng chục tấn, chạy tốc độ nhanh luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua đây.

Tiến độ tổng thể dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã đạt 78,53%, trong đó đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 (Đại học GTVT) đã hoàn thành.

Sáng 4/7, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác đối ngoại nhân dân 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Cử tri đề nghị Hà Nội sớm có hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) để luật đi vào đời sống.