Đường về nhà

Có một người con gái lấy chồng xa, hơn hai mươi năm xa quê, xa gia đình, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, trong một lần trở về nhà, cô chợt giật mình thảng thốt: Tóc mẹ đã bạc đến thế rồi sao?

Ngày tôi đi lấy chồng, bác tôi vỗ vỗ lên vai vừa cười vừa bảo: "Con gái mà lấy chồng xa/ Giống như lợn béo khái tha lên rừng". Tôi không hiểu sao bác nói ra câu đó trong khi nhà chồng chỉ cách nhà tôi chừng mươi cây số.

Những ngày đầu, hôm nào tôi cũng tìm mọi cách để về nhà vì nhớ. Nhưng càng về sau thì ngày một thưa dần. Nhất là từ khi các con tôi lần lượt ra đời, quỹ thời gian dường như không còn nữa.

Ảnh minh hoạ: VOV.

Sáng lo dậy sớm nấu nướng, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ cho con rồi đến cơ quan. Chiều tan giờ làm vội vã phi nhanh về nhà để kịp lo bữa tối cho gia đình và chăm con nhỏ. Cứ thế tôi lần lữa chuyện về nhà thăm bố mẹ, người thân.

Lòng tôi tự nhủ, tối nào cũng gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ, động viên, thỉnh thoảng chuyển qua ngân hàng cho mẹ mấy đồng, mẹ thích mua gì thì mua, tiêu gì thì tiêu chứ tay xách nách mang cái này cái kia làm gì cho cực. Vậy là có thể yên tâm lo việc của mình rồi. Đợi sau này con cái lớn khôn, mọi thứ ổn định, lúc ấy sẽ dành thời gian về thăm nhà, thăm bố mẹ nhiều hơn.

Cái ngày ổn định và thư thái mà người ta hay nói đến, trước mắt tôi cứ xa vợi, xa vời. Ảnh minh hoạ: 24h.

Quãng đường về nhà vì thế ngày một xa dần, lúc thì trời mưa lạnh, lúc thì nắng chang chang, lúc thì đường người ta đang thi công nên gồ ghề trơn trượt. Nhưng hơn hết là sự ái ngại về thời gian, tôi cần dành nó để chăm con, để làm thêm kiếm tiền xây nhà, mua xe, mua đất, để chăm sóc tổ ấm của mình cho trong ấm ngoài êm. Có những lúc ngồi ôm con nhớ mẹ, tôi lại ngẫm về câu nói của bác tôi: "Con gái mà lấy chồng xa/ Giống như lợn béo khái tha lên rừng".

Sự xa cách không phải vì địa lý mà còn vì hàng trăm lý do khác. Sự tham lam của con người không bao giờ là giới hạn và tôi không ngoại lệ. Vì thế, cái ngày ổn định và thư thái mà người ta hay nói đến, trước mắt tôi cứ xa vợi, xa vời.

Hơn hai mươi năm xa vòng tay mẹ, vật lộn với mưu sinh, cuộc đời tôi đã ở phía bên kia triền con dốc. Nay trở về nhà trên con đường quen thuộc, tôi dong xe chậm rãi qua những cánh đồng, chợt chạnh lòng khi thấy những bác nông dân ướt đẫm mồ hôi trong nắng chiều oi bức.

Tóc mẹ đã bạc trắng. Ảnh minh hoạ: Báo Kon Tum.

Hình ảnh mẹ cha hôm nào dãi nắng dầm sương lại hiện về trong cõi nhớ. Phải rồi, ngày ấy để có bát cơm cho chúng tôi ăn, có áo quần và sách vở cho chúng tôi đi học, cha có quản gì nhọc nhằn, gian khó, mẹ có ngại gì miệng người đời dè bửu, khinh khi vì rách nát. Chiếc áo tơi dãi dầu quanh năm trên đồng sâu ruộng cạn, bươn bả chợ gần, chợ xa như hứng trọn bão giông cuộc đời.

Khi vệt nắng chiều xuyên qua ô cửa rọi vào tóc mẹ, tôi giật mình thảng thốt. Trời ơi! Tóc mẹ đã bạc đến thế rồi sao? Tôi tự trách mình sao quá đỗi vô tâm. Trên đời này chẳng có gì thiêng liêng bằng tình mẹ, chẳng có con đường về nhà xa xôi, cách trở mà chỉ có lòng con chưa trọn hiếu với người.

Giờ đây, khi nhận ra điều đó thì liệu còn bao nhiêu thời gian nữa cho tôi về thăm mẹ, thăm mái nhà yên ấm ngày xưa. Khoé mắt tôi cay xè khi nhớ về câu hát:

"Còn mẹ còn lối đi về

Mất mẹ cả lối về quê cũng mờ

Còn mẹ ngày đợi đêm chờ

Mất mẹ ngay cả giấc mơ cũng buồn".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.

Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.

Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.

Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.

Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.

Có người thích ngắm hoàng hôn, những lúc ấy cô thấy hồn mình thật tĩnh lặng. Như rặng núi sau hè nhẹ nhàng chìm vào đêm tối, lối mòn nào bước chân cũng dần xa. Cô hay nhẩn nha, thật ra là không biết làm gì hơn, nhìn mông lung theo ánh nắng buông lơi qua thềm. Mặt trời lặn dần, bâng khuâng ngày khép lại. Ngày mai là một ngày mới, thì thôi đừng nhìn lại, thôi đừng nhớ chuyện đã qua.