EU trải qua nhiều 'phép thử' tinh thần đoàn kết nội khối
Về việc hỗ trợ Ukraine, 27 quốc gia thành viên EU đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Nhưng trước tình hình xung đột kéo dài, tiêu tốn nhiều chi phí mà không đạt được kết quả, nội bộ EU đang gặp khó khăn trong việc nhất trí hỗ trợ tài chính cho Ukraine như đã cam kết trước đó. Những diễn biến thực tế trong thời gian gần đây đã đặt ra câu hỏi: liệu EU có tiếp tục sát cánh cùng Ukraine vào năm 2024 hay không?
Tình hình xung đột Nga - Ukraine
Năm 2023, các nước phương Tây, trong đó có EU, tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng nhìn chung Kiev không đạt được bước tiến nào đáng kể. Theo giới quan sát, tình hình hiện nay về cơ bản đã rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động đáng kể đến trật tự quốc tế, đặc biệt là đối với châu Âu. EU đang phải đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị ngày càng tăng khi bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ và NATO.
Nhà nghiên cứu Zhang Hong - Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á - Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chia sẻ: “Do xung đột giữa Nga và Ukraine, trật tự an ninh và kinh tế toàn cầu có một số hỗn loạn. Chính sách ngoại giao của châu Âu đang bị gạt ra ngoài lề, chính trị châu Âu bị chia cắt, nền kinh tế châu Âu trì trệ, và nền quốc phòng của châu Âu đang bị ‘NATO hóa’. Từ góc độ này, chúng ta có thể nói trong số các cường quốc, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Khi xung đột Nga-Ukraine đi vào bế tắc và nền kinh tế châu Âu trở nên trì trệ, một số nước EU ban đầu ủng hộ Ukraine thì nay đã thay đổi quan điểm. Ba Lan, từng là một trong những đồng minh lớn của Ukraine, hồi tháng 9 tuyên bố sẽ ngừng cung cấp vũ khí mới cho Ukraine. Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người mới nhậm chức vào tháng 10, tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Slovakia sẽ không cung cấp một viên đạn nào cho Ukraine, đồng thời kêu gọi quan hệ tốt hơn với Nga.
Ngày càng nhiều nước EU, nhất là người dân EU, cảm thấy mệt mỏi với việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine mà không đạt được hiệu quả.
Chuyên gia chính sách và nghị sĩ người Đức Roderich Kiesewetter cho rằng: “Ở phương Tây nói chung, sự ủng hộ dành cho Ukraine đã suy giảm, sự gắn kết đang sụp đổ”.
Tranh cãi về việc hỗ trợ Ukraine trong những tuần gần đây đã cho thấy rõ sự đoàn kết đang suy yếu ở EU. Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa tháng 12 vừa qua, EU đã không thể thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro (tương đương 54 tỷ USD) cho Ukraine do bị Hungary ngăn chặn bằng quyền phủ quyết.
Một Hội nghị thượng đỉnh khác dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 1/2 tới để tiếp tục bỏ phiếu về vấn đề hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Kết quả chưa biết sẽ ra sao, khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban kiên quyết giữ nguyên quan điểm, cho rằng các nước thành viên muốn viện trợ cho Ukraine nên ký một thỏa thuận riêng về việc tài trợ cho Kiev ngoài ngân sách EU.
Kết nạp thành viên mới và vấn đề nội bộ
Hầu hết tất cả các quốc gia thành viên EU nói rằng họ muốn Ukraine gia nhập khối, nhưng cũng thừa nhận rằng bà Von der Leyen đang kỳ vọng quá mức. Ukraine và Moldova dự kiến bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức để gia nhập EU vào năm 2024. Nhưng việc kết nạp một quốc gia bị xung đột tàn phá như Ukraine vào EU có thể gây ra tổn thất lớn cho các thành viên hiện tại.
Ngay cả những nước ủng hộ Ukraine nhất, như Ba Lan và các nước vùng Baltic, dường như cũng bắt đầu thờ ơ với việc kết nạp thêm thành viên. Các nước này đang nhận được hỗ trợ tài chính lớn từ các quốc gia phát triển hơn trong EU. Nhưng nếu Ukraine gia nhập EU, các nước này có thể bị cắt giảm viện trợ, thậm chí phải đóng góp thêm vào ngân sách của khối để hỗ trợ Ukraine.
Một cuộc khảo sát do Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) thực hiện vào tháng 11/2023 cho thấy, 45% số người được hỏi lo ngại việc Ukraine gia nhập có thể có tác động tiêu cực đến an ninh của EU. Chỉ có 25% cho rằng an ninh EU sẽ được củng cố.
Trước tình hình này, các quan chức EU đang cố gắng xoa dịu những lo ngại trên. Họ cho biết các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào năm nay, nhưng việc kết nạp Ukraine có thể phải mất nhiều năm nữa, thậm chí nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, 6 quốc gia phía Tây Balkan vẫn đang chờ đợi để trở thành thành viên EU. Có nước thậm chí đã chờ suốt 20 năm và hiện đang theo dõi sát sao quá trình kết nạp Ukraine và Moldova.
Montenegro, Albania và Bắc Macedonia dự kiến sẽ sớm nhận được câu trả lời tạm thời về ngày gia nhập. Đối với Serbia và Kosovo, triển vọng gia nhập có vẻ kém khả quan hơn do xung đột dai dẳng giữa hai nước đang cản trở tiến trình của họ. Còn Bosnia và Herzegovina thì đang nỗ lực thoát khỏi tình trạng rối loạn chính trị do xung đột giữa người Serb ở Bosnia và các nhóm dân tộc khác. Các thành viên EU hiện vẫn có quan điểm khác nhau về việc kết nạp thêm thành viên.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết: “Nếu muốn thực sự giúp đỡ Ukraine, tại sao chúng ta không sử dụng một công cụ khác? Chẳng hạn như quan hệ đối tác chiến lược, điều này có thể thực hiện ngay lập tức, một cách nhanh chóng. Việc kết nạp vào EU giống như một cử chỉ chính trị tốt đẹp nhưng thực tế lại không giúp ích gì cho người Ukraine”.
Bản thân EU cũng có nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết. Giới chuyên gia cho rằng để đạt được sự thống nhất và đoàn kết, EU cần thay đổi cách khối này ra quyết định. Paul Taylor, một thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Friends of Europe có trụ sở tại Brussels, nhận định: “Vì lý do địa chính trị, EU đang dần chấp nhận việc kết nạp Ukraine, Moldova và các nước Tây Balkan trong tương lai, nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc cải cách khối để phù hợp với việc mở rộng.”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã lập luận rằng chỉ có một Liên minh châu Âu độc lập, mạnh về kinh tế mới có thể tiếp nhận các thành viên mới. Chính phủ Đức đã đề xuất để EU đưa ra quyết định theo đa số, thay vì cần sự nhất trí của tất cả các thành viên như hiện nay. Yêu cầu nhất trí thường là nguyên nhân gây ra sự trì hoãn tại các Hội nghị thượng đỉnh EU.
Các nhà ngoại giao EU cho biết vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ thay đổi nào được thực hiện vào năm 2024 hay không. Việc xóa bỏ yêu cầu nhất trí đòi hỏi phải có quyết định đồng ý từ tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, EU đã không thể đảm bảo được sự đồng tình của Hungary và Ba Lan, những nước thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết của mình. Hai quốc gia này không có kế hoạch thay đổi lãnh đạo và chính phủ trong năm 2024, do đó quan điểm cứng rắn của họ dường như sẽ không thay đổi, ít nhất là trong năm nay.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, năm 2018, Mỹ đã áp thuế đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ EU, gây căng thẳng thương mại kéo dài suốt hơn ba năm. Phòng Thương mại Đức - Mỹ lo ngại rằng nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ áp đặt thuế quan thương mại với các thành viên EU. Để đáp trả, EU sẽ phải tăng thuế hải quan và thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Mỹ. Thương mại song phương vì thế có thể sẽ sụt giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ bị hạn chế.
Vấn đề an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng trở nên đáng lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng các quốc gia châu Âu trong liên minh NATO sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh nếu ông Trump lên nắm quyền. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2017 đến 2021, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh châu Âu của Mỹ không chia sẻ gánh nặng tài chính và quân sự với NATO, thậm chí còn đe dọa rút quân Mỹ ra khỏi châu Âu.
Trong khi đó, tờ New York Times đưa tin, khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 có thể dẫn đến việc nước này rút khỏi NATO. Nhiều nhà ngoại giao cũng như chính phủ các nước thành viên NATO trước đó đã lên tiếng cảnh báo rằng sự trở lại của ông Trump không chỉ có nghĩa là Ukraine sẽ mất đi nguồn hỗ trợ lớn, mà rộng hơn còn là sự rút lui của Mỹ khỏi châu Âu.
Trả lời phỏng vấn tờ Politico, Cựu Tổng thống Pháp François Hollande cho rằng: “Châu Âu phải sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống liên quan đến kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ. Ông Trump đã làm tổng thống một lần, và ông ấy có thể trở thành tổng thống một lần nữa, ngay cả khi hiện nay ông ấy phải đối mặt với rất nhiều rắc rối pháp lý. Điều châu Âu cần chuẩn bị là tránh phụ thuộc vào Mỹ, và đừng để liên minh xuyên Đại Tây Dương tan rã”.
Cuộc bầu cử quyết định tương lai EU
Vào tháng 6/2024, cử tri trên toàn EU sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu Nghị viện châu Âu. Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu dự kiến sẽ một lần nữa trở thành nhóm lớn nhất trong nghị viện. Tuy nhiên, những chính trị gia theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và cực hữu cũng được cho là có thể giành thắng lợi lớn, đặc biệt là sau sự trỗi dậy của phe cực hữu trong các cuộc bầu cử gần đây ở Hà Lan, Italy, Phần Lan và Thụy Điển.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng trong cuộc bầu cử này, người dân sẽ đưa ra lựa chọn mang tính quyết định đối với châu Âu
“Tháng 6 tới, các bạn sẽ phải quyết định xem có nên tiếp tục củng cố lại chủ quyền châu Âu hay không, trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức: tình hình ở Ukraine, mở rộng EU hay ngăn chặn khối phát triển, tiếp tục bảo vệ hệ sinh thái và chuyển đổi xanh một cách hiệu quả hay đi lùi và phá bỏ những tiến bộ”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Eurobarometer, vấn đề lớn nhất mà các cử tri châu Âu quan tâm là tình hình kinh tế quốc gia và mức sống của họ. Các vấn đề Ukraine, tình trạng di cư và sự mở rộng của EU đều nằm ở thứ hạng thấp hơn trong danh sách các mối quan tâm khi cử tri đưa ra lựa chọn của mình.
Bà Ursula Von der Leyen có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là chủ tịch Ủy ban châu Âu. Nhưng trước tiên, bà phải được chính phủ 27 nước thành viên đề cử và sau đó được Nghị viện châu Âu xác nhận. Tuy nhiên, cho dù Chủ tịch Ủy ban có thay đổi hay không thì việc đưa ra các ưu tiên chính sách mới từ Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, cùng với các ủy viên mới, sẽ dẫn đến một chương trình nghị sự thay đổi.
Năm 2024, các nước EU sẽ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi về chính trị và an ninh, ở cả cấp quốc gia và trên toàn châu Âu. Quá trình chuyển đổi chính trị chắc chắn sẽ mang lại sự thay đổi về chính sách. Các yếu tố bên ngoài như cuộc xung đột ở Ukraine; căng thẳng Israel-Gaza; quá trình chuyển đổi xanh; các thách thức kinh tế đặc biệt là những vấn đề liên quan đến ngân sách EU sẽ đặt ra nhiều bài toán khó cho liên minh gồm 27 thành viên. Liệu EU sẽ đối đầu và vượt qua những thử thách này như thế nào?
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
0