Gặp gỡ, trao đổi với đại diện 7 Hội đoàn của người Việt Nam tại Nhật Bản

Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam đề xuất về việc thành lập các Hội đồng hương tại Nhật Bản và kết nối với các địa phương trong nước để triển khai việc quảng bá du lịch và đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài theo kênh của người Việt Nam tại Nhật Bản.

 

 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ngày 27 – 28/10, Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) do Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam dẫn đầu đã đến Nhật Bản và có buổi gặp gỡ, trao đổi với đại diện 7 Hội đoàn của người Việt Nam tại Nhật Bản.

 

 

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện Thương Vụ, Bộ phận Kế hoạch – Đầu tư, Giáo dục, Khoa học và Công nghệ cùng Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

 Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thăm Trung tâm giao lưu Văn hóa Thể thao Việt Nam - Nhật Bản.

Chia sẻ về những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, Sư cô Thích Nguyên An, đại diện Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết Hội Phật tử đã cung cấp hơn 200 tấn gạo, giúp đỡ cộng đồng có chỗ ở, lương thực, chia sẻ về tâm lý cho du học sinh, người lao động Việt Nam. Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, ông Nguyễn Duy Anh cho biết Hội đã quyên góp được hơn 2,6 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh trong nước. Các Hội mong muốn có sự kết nối để những người đã có điều kiện kinh tế, cuộc sống ổn định ở Nhật Bản giúp đỡ những người mới sang sinh sống tại Nhật hiểu biết về môi trường, luật lệ ở sở tại, có nơi nương tựa khi gặp khó khăn như trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua. Hội người Việt tại Fukuoka cũng phản ánh việc tại địa phương còn thiếu giáo viên và công tác dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, thứ 3 còn gặp nhiều khó khăn; do đó, Hội đề nghị Ủy ban tiếp tục tổ chức hướng dẫn giảng dạy và cung cấp giáo trình dạy tiếng Việt. Năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, hai bên có các hoạt động kết nối doanh nghiệp kiều bào và giao lưu văn hóa.

Ông Vũ Hoàng Đức, đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho biết thời gian tới Hội sẽ nỗ lực định hướng lại hoạt động nhân 50 năm kỷ niệm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, có kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động nhân văn phục vụ cộng đồng. Hội cũng mong muốn Đại sứ quán và Ủy ban hỗ trợ lan tỏa các hoạt động của Hội nhằm gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Liên quan đến tình hình người Việt vi phạm pháp luật sở tại, bà Dương Thùy Dương, Chủ tịch Hội người Việt tại Aichi, cho biết thực trạng vi phạm pháp luật của một bộ phận người Việt tại Nhật Bản có xu hướng tăng, còn nhiều tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc... làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cộng đồng.

Đại diện Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Nguyễn Hòa Bình kiến nghị cần có những giải pháp giải quyết vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát kỹ việc tuyển người Việt sang Nhật Bản, có hình thức phạt và xử lý các công ty có vi phạm trong việc tuyển chọn hoặc các công ty có nhiều người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại.

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản kiến nghị Đại sứ quán có thêm nhân sự để hỗ trợ công tác bảo hộ công dân, giúp đỡ những người lao động Việt Nam gặp khó khăn hoặc bị đối xử bất công tại Nhật trong bối cảnh chưa có một nghiệp đoàn chính thức được thành lập vì quyền lợi người lao động Việt Nam.

Chia sẻ về một trong những khó khăn mà cộng đồng gặp phải, ông Phan Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết có một số bà con gặp vướng mắc về giấy tờ tùy thân nên khó về nước hay phát triển sự nghiệp ngoài Nhật Bản. Ngoài ra, hiện tại vấn đề đóng thuế thu nhập và bảo hiểm cao cũng gây ảnh hưởng đến một phần lớn những trí thức, chuyên gia, người lao động Việt Nam ở sở tại. Hội người Việt Nam và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam mong muốn Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán ta quan tâm, giúp tìm giải pháp.

Về những kiến nghị của cộng đồng, ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết vấn đề giảm thuế cho chuyên gia, người lao động đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa thể giải quyết ngay do liên quan đến các thỏa thuận và hiệp định đã ký kết giữa hai nước. Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đề nghị tất cả các hội đoàn và cộng đồng cùng chung tay giải quyết tận gốc vấn đề người Việt vi phạm pháp luật ở sở tại, nếu có phản ánh chưa đúng thì phải phản hồi lại để truyền thông đưa tin về những mặt tích cực của cộng đồng ta ở Nhật, tránh dư luận sai lệch về cộng đồng.

Thay mặt Đoàn công tác, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Hướng Nam cảm ơn sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các Hội, đoàn từ các tỉnh lên Tokyo để tham dự buổi làm việc và định hướng cho các hội đoàn về việc triển khai công tác NVNONN trong giai đoạn 2020 – 2025. Ông Ngô Hướng Nam đề xuất về việc thành lập các Hội đồng hương tại Nhật Bản và kết nối với các địa phương trong nước để triển khai việc quảng bá du lịch và đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài theo kênh của người Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong buổi làm việc với Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Chủ tịch Hội Tạ Việt Phương đã thông tin tới Đoàn về quá trình hình thành và cơ cấu tổ chức, một số hoạt động tiêu biểu của Hội từ khi thành lập vào năm 2019. Trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia trí thức kiều bào và tổ chức các sự kiện kết nối như Summit 2023. Các thành viên Hội kiến nghị Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các ban ngành liên quan có hình thức hỗ trợ tài chính, truyền thông cho các sự kiện của Hội; giúp có kênh thông tin, giới thiệu các cơ quan, tổ chức trong nước có nhu cầu về nhân lực hay chuyên ngành mà Hội có thế mạnh; đề nghị Ủy ban tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối các tỉnh, địa phương với cộng đồng trí thức tại Nhật Bản.

Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam ghi nhận các đề nghị của Hội, cho biết Ủy ban sẵn sàng đồng hành, bảo trợ các sự kiện lớn của Hội, tổ chức kết nối Hội và Bộ Khoa học và Công nghệ về việc chuyển giao công nghệ và mong muốn Hội thúc đẩy việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức tại Nhật Bản; các lãnh đạo Hội tham gia mạng lưới các Hội trí thức toàn cầu do Ủy ban khởi xướng.

Cũng trong chương trình công tác, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Thể thao Việt Nam – Nhật Bản do ông Đỗ Quang Ba làm Chủ tịch. Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cho cộng đồng như Giải bóng đá người Việt toàn nước Nhật, cuộc thi hùng biện tiếng Nhật cho người Việt… Đây cũng là nơi cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho người Việt tại Nhật Bản như tư vấn y tế, giới thiệu trường học và là đầu mối hỗ trợ cho cộng đồng khi gặp khó khăn, bất trắc, tai nạn lao động, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện tại Nhật và trong nước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản đã tạo dựng một ngôi nhà chung đầm ấm, trở thành điểm tựa vững chắc cho các bạn trẻ Việt Nam đang sống và học tập tại xứ sở hoa anh đào.

Có những khu vực mà hình ảnh người Việt ít được nhắc tới, cho dù chỉ là đi qua. Nhưng, vì tương lai của những vùng đất khó khăn chồng chất như Angola, thì những người Việt trẻ đã và đang thực hiện những công việc cụ thể mang lại hạnh phúc, nụ cười và cả niềm tin cho người dân bản xứ, sẽ giúp họ thấy rõ hơn hình ảnh và con người Việt Nam.

Trần Phương Ly đam mê hội họa từ nhỏ, nhưng phải đến khi theo học tại Moscow, hội hoạt mới thực sự sống trong chị và cùng từ đó hình ảnh quê hương Việt Nam lan tỏa theo từng nét vẽ. Những tác phẩm của Phương Ly mang đến cho bạn bè năm châu những góc nhìn đa dạng về quê hương, đất nước và con người Việt Nam.

Chelsea Flower Show, triển lãm hoa thường niên danh giá nhất thế giới, được ví như world cup cho những người làm vườn và yêu thích cắm hoa. Rose Cao, một cô gái Việt đầu tiên đã được nhận giải thưởng cao quý nhất của triển lãm này.

Với Nguyễn Phan Bảo Thụy, nước Pháp rất gắn bó với con đường sự nghiệp của anh. Và với mong muốn phát huy văn hóa Việt Nam, cũng như gắn kết cộng đồng sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Phan Bảo Thụy không ngừng nỗ lực xây dựng Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp ngày một lớn mạnh.

Nguyễn Tuấn Nghĩa, chàng trai trẻ 18 tuổi quyết định đu du học tại Vương quốc Bỉ đã có sự sáng tạo đầy ý nghĩa, khi lấy chính quá trình du họhocjuar mình là một sự trải nghiệm chia sẻ với cộng đồng các bạn trẻ Việt Nam đang có mong muốn sang Bỉ du học. Từ phương pháp học tập, khám phá đất nước Bỉ đến ẩm thực, cách sinh hoạt hằng ngày, phong tục, tập quán của nơi xứ người... tất cả đều được Nguyễn Tuấn Nghĩa chia sẻ trên kênh MXH cá nhân của mình.