Ghép tạng, biến điều không thể thành có thể

Nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam rất lớn, nhưng đến nay cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Các chuyên gia cho biết, một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác.

Em Nguyễn Thành Đạt là là cậu bé 10 tuổi được ghép tim từ người lớn đầu tiên tại Việt Nam. Đạt bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối, cuộc sống của em chỉ được tính bằng ngày và cách duy nhất để cứu mạng sống là phải ghép tim. Trong lúc bế tắc nhất, Đạt may mắn được gia đình một người thanh niên 34 tuổi, bị u gan giai đoạn cuối đồng ý hiến tạng. Mặc dù đây là một ca ghép tim vô cùng khó khăn bởi sự tương thích lồng ngực của một em bé và trái tim của một người trưởng thành là không hề dễ dàng, nhưng các thầy thuốc của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nỗ lực hết mình để ca ghép thành công.

Em Đạt may mắn được gia đình một người thanh niên 34 tuổi, bị u gan giai đoạn cuối đồng ý hiến tạng

Một bệnh nhân ghép tim tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau 10 ngày ghép tim đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể đi lại được. Với anh, đây là điều cực kỳ may mắn khi đã mắc bệnh suy tim từ năm 2015 và điều trị không mang lại hiệu quả, anh có chỉ định ghép tim năm 2022. Sau 18 tháng chờ đợi, anh đã nhận được quả tim từ người hiến.  Sức khỏe của anh đã ổn định sau ba ngày ghép tim, anh cũng cảm nhận được một trái tim khỏe mạnh đang đập trong lồng ngực của mình.

Hay mới đây nhất, tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã ghép gan thành công cho một bệnh nhân bị suy gan tối cấp dẫn đến hôn mê. Các tế bào gan bị tổn thương không thể phục hồi khiến gan mất khả năng hoạt động dẫn đến suy đa tạng, phổi bị tổn thương. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ từ người cho chết não và nếu không được ghép gan, bệnh nhân sẽ tử vong trong 1 đến 2 ngày. Chị cũng đã may mắn nhận được gan của một người chết não hiến tặng. Sau 6 tiếng phẫu thuật, chị đã được các thầy thuốc cứu sống, chức năng gan đã trở về gần như bình thường chỉ sau 2 tuần.

Việc thực hiện thành công các ca ghép tim, gan, phổi … từ người cho chết não đã mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.

Để những người mắc các căn bệnh hiểm nghèo có thể hồi sinh cuộc sống của mình, không thể quên đi những nghĩa cử cao đẹp của các gia đình người hiến tạng đã làm. Chính họ cũng nêu cao tinh thần "cho đi là còn mãi", vượt qua nỗi đau, mất mát để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình và bệnh nhân khác.

Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não đã mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân

Thạc sỹ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh không may mắc bệnh hiểm nghèo bị ngừng tim đột ngột. Sau khi được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức, mặc dù tim đã đập trở lại nhưng bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não. Gia đình chị Linh đã đồng ý hiến toàn bộ tạng, giúp hồi sinh cuộc sống cho bốn bệnh nhân, trong đó một bệnh nhân được ghép tim, hai bệnh nhân được ghép thận và một bệnh nhân được ghép gan. Câu chuyện về chị Linh không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tình người, nghĩa cử cao đẹp của tinh thần "tương thân, thương ái", có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm, nhưng trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi… và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó có cả bệnh viện tuyến tỉnh và xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Hơn 94% tạng ghép từ hiến sống, nguồn hiến tạng sau chết/chết não còn rất hạn chế. Chỉ hơn 86.000 người hiện đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số. Theo các chuyên gia, không chỉ người chết não mà người chết tim cũng có thể hiến được nhiều mô, tạng. Tuy nhiên, Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người của Việt Nam hiện chưa đề cập vấn đề này.

Cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng

Tại Lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay. Thủ tướng bày tỏ sự biết ơn đến những tấm lòng vàng, nghĩa cử cao đẹp của những con người, những gia đình với tấm lòng hy sinh cao cả đã tình nguyện hiến mô, tạng - một phần vô giá của cơ thể mình, người thân của mình để  "Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng", mở ra cơ hội sống cho nhiều người khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những băn khoăn, trăn trở do số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn hiến tạng sau chết/chết não còn rất hạn chế; việc huy động nguồn lực và các cơ chế, chính sách liên quan đến ghép tạng còn hạn chế..., và kêu gọi mọi người dân Việt Nam đăng ký hiến tạng, tạo phong trào, xu thế để những người sống đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Tại Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức Trung ương đã ký đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đông đảo đại biểu, cán bộ, các tầng lớp nhân dân dự Lễ phát động đã đăng ký hiến tặng mô, tạng, thể hiện nghĩa cử cao đẹp với tinh thần "cho đi là còn mãi", nâng tổng số người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong dịp này lên 3.812 người, mang lại hy vọng lớn lao cho hàng chục ngàn bệnh nhân cần ghép tạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức Trung ương đã ký đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi" đã có hàng ngàn người dân Việt Nam trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng. Thống kê của các đơn vị cho biết, đến nay đã có gần 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Trong số này có hàng nghìn cán bộ y tế đang công tác tại các bệnh viện trên nhiều vùng miền của cả nước.

Mới đây nhất, ngày 31/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phát động chương trình "Đăng ký hiến mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi". Đây là sự kiện nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng trên mạng khiến cho thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc sắp hết hạn được bán tràn lan.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác Dân số và Phát triển của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc hồi tim không chỉ có nhân viên y tế mới có thể thực hiện mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện được, chỉ cần một chút kiến thức cơ bản.

Bệnh mạch vành đang là căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng giờ đây, phương pháp mới nong bóng phủ thuốc không chỉ đạt được mong muốn tái thông dòng chảy mà còn giải quyết được tâm lý lo ngại của bệnh nhân so với phương pháp đặt stent.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đã phối hợp với các đơn vị của 35/63 tỉnh thành trên cả nước mổ nhân đạo dị tật môi, vòm miệng cho hơn 18.000 trẻ em, mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc cho các cháu nhỏ và nhiều gia đình.

Lọc máu tại tuyến huyện, giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương đang là mục tiêu mà Hội Lọc máu Việt Nam hướng tới.