Già hoá dân số, Trung Quốc phát triển nền kinh tế bạc
Trung Quốc lo ngại xu hướng dân số giảm
Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2023, nguyên nhân là do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Từng đông dân nhất thế giới và phải tìm cách kiểm soát tăng dân số bằng chính sách một con, Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học, kéo theo những thách thức nghiêm trọng về kinh tế xã hội.
Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tháng cho thấy, kết thúc năm 2023, dân số Trung Quốc là khoảng 1,4 tỷ người, giảm hơn 2 triệu người so với một năm trước đó. Trong năm 2022, mức giảm này chỉ là 850.000 người. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 1960, Trung Quốc ghi nhận dân số giảm.
Cùng với đó, tỷ lệ sinh ở nước này trong năm 2023 giảm 5,7%, xuống còn 9,02 triệu trẻ. Đây là tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, ở mức 6,39 ca sinh/1.000 người, trong khi năm 2022, tỷ lệ sinh là 6,77 ca/1.000 người.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh trong nhiều thập niên do chính sách một con được thực thi từ năm 1980 tới 2015. Năm 2016, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách này để khuyến khích tăng dân số. Năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ ba. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua việc tuyên truyền về sinh sản và thực hiện các hình thức trợ cấp như khấu trừ thuế, “thưởng” tiền mặt cho những cô dâu từ 25 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa thực sự hiệu quả.
Anh Wang Weidong, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ: “Chính phủ đã ban hành một số chính sách và kêu gọi người dân làm chậm lại xu hướng suy giảm dân số, như có nhiều ngày nghỉ hơn cho các cặp vợ chồng mới cưới hoặc những người vừa mới sinh con. Tôi nghĩ một số chính sách là hữu ích, nhưng mọi người sẽ không có con chỉ vì những ưu đãi này. Những khuyến khích đó chỉ là bổ sung. Chúng không phải là nguyên nhân gốc rễ. Vì vậy tôi nghĩ rằng thật khó để đảo ngược xu hướng này.”
Theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ sinh giảm là do chi phí sinh hoạt tăng cao, khiến ngày càng nhiều người trẻ ngại kết hôn. Chi phí nuôi con cao cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng sinh con của các gia đình. Ước tính, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi ở Trung Quốc là hơn 68.000 USD. Chi phí ở thành thị và các thành phố lớn còn cao hơn. Mức chi tiêu này được cho là gấp hai lần ở Đức, và cao hơn ba lần so với ở Australia và Pháp.
Trong khi đó, với phụ nữ, việc trì hoãn kết hôn và sinh còn còn xuất phát một phần từ áp lực của cuộc sống hiện đại, mong muốn tự chủ về kinh tế và nhu cầu theo đuổi các chương trình đào tạo giáo dục cấp cao.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khi số người trưởng thành trong độ tuổi lao động bị thu hẹp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định, nước này cần có thêm nhiều chính sách để “nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và nuôi dạy con cái”, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Năm 2024, theo lịch âm ở một số nước châu Á là năm con rồng, và được coi là năm tốt lành để sinh con. Trung Quốc kỳ vọng sẽ có một thế hệ trẻ em được sinh ra, góp phần cải thiện phần nào quy mô dân số trên đà suy giảm hiện nay.
Già hóa dân số, Trung Quốc phát triển kinh tế bạc
Theo số liệu thống kê mới nhất do chính phủ Trung Quốc công bố, trong năm 2023, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 21,1% tổng dân số của nước này. Nếu căn cứ theo các tiêu chí của Ngân hàng thế giới, Trung Quốc đã là “xã hội siêu già”. Nhóm nhân khẩu học này dự kiến tăng lên hơn một nửa tỷ người vào năm 2050. Mặt khác, nhóm dân số già tại Trung Quốc có tiền tiết kiệm và lương hưu, sau khi lao động chăm chỉ hàng chục năm. Họ cũng có sự hỗ trợ từ con cái. Do đó, đây sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng có nhu cầu ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê, chỉ riêng trên nền tảng mua sắm Taobao và T-mall, có tới 30 triệu người dùng trên 50 tuổi với mức chi tiêu hơn 5.000 Nhân dân tệ, tương đương 17 triệu đồng mỗi tháng. Dữ liệu từ KAWO, một trong những nền tảng quản lý mạng xã hội của Trung Quốc, cho thấy thời gian trung bình dành cho hoạt động trực tuyến của nhóm nhân khẩu học này đã tăng 8,6% - gấp bốn lần tốc độ tăng trưởng của bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Ông Feng Wengmeng - Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc chính phủ Trung Quốc cho biết: "Bằng cách phát triển loại hình kinh tế bạc, người cao tuổi sẽ được tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống. Đây là những biện pháp rất quan trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của nhóm người cao tuổi, mang lại cho họ sự an toàn và hạnh phúc."
Theo chiến lược mới mà chính phủ Trung Quốc công bố gần đây, nước này sẽ thành lập khoảng 10 khu công nghiệp để phát triển kinh tế bạc. Cùng với đó là việc phát triển các mô hình kinh doanh mới liên quan đến chăm sóc sức khỏe thông minh dành cho người già, điển hình là sự phát triển của robot điều dưỡng, công nghệ sinh học giúp giảm bớt các bệnh liên quan đến tuổi tác. Các tổ chức tài chính cũng được khuyến khích tung ra nhiều sản phẩm hơn cho người cao tuổi.
Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp chăm sóc người cao tuổi hiện nay của Trung Quốc vẫn ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều tiềm năng phát triển. Tiềm năng này có thể giúp phá vỡ tư duy cho rằng dân số già sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội. Thay vào đó, mức tiêu dùng tăng lên ở nhóm người già là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho biết, quy mô nền kinh tế bạc hiện nay của Trung Quốc ước tính khoảng 982 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng GDP của Trung Quốc. Tới năm 2035, quy mô này dự kiến tăng lên 4.200 tỷ USD, chiếm 10% tổng GDP.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, kinh tế bạc là chìa khóa để Trung Quốc hóa giải thách thức về dân số. Bên cạnh đó, lực lượng lao động cao niên hiện nay còn được trông cậy như một giải pháp quan trọng để duy trì năng suất quốc gia. Trung Quốc là một trong những nước có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, nam - 60 tuổi và nữ - 50 tuổi, trong khi tuổi thọ của người dân Trung Quốc dự kiến sẽ tăng đều đặn lên 81,3 tuổi vào năm 2035. Do vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xem xét sửa đổi quy định – vốn được duy trì từ thập niên 1950- về tuổi hưu trong năm nay, để giải quyết vấn đề mất cân bằng trong quỹ hưu trí.
Ngân hàng thời gian – bảo hiểm của tuổi già
Trước xu thế già hóa dân số và những tác động tới xã hội, một chương trình trao đổi việc làm sáng tạo đã được triển khai ở nhiều thành phố của Trung Quốc, trong đó khuyến khích các tình nguyện viên cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho người cao tuổi. Điểm đặc biệt của chương trình là hoạt động dựa trên hệ thống ngân hàng thời gian, cho phép các tình nguyện viên tích trữ số giờ phục vụ hiện nay, để đổi lấy các dịch vụ chăm sóc khi họ về già. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.
Ý tưởng về Ngân hàng thời gian xuất hiện ở Trung Quốc vào những năm 2000. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh và Quảng Châu là những nơi đầu tiên thí điểm mô hình này. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm gần đây, chương trình này mới chứng kiến những tiến bộ đáng kể với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Trong đó, thành công nhất là chương trình Ngân hàng thời gian triển khai tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô.
Khi tham gia chương trình, các tình nguyện viên có thể đăng nhập vào một ứng dụng để cung cấp gần 30 loại dịch vụ hỗ trợ người già, từ cắt tóc, giao đồ ăn đến chăm sóc nha khoa hoặc trị liệu tâm lý. Khi hoàn thành xong công việc, thay vì nhận tiền thù lao, các tình nguyện viên sẽ được trả bằng khoản tín dụng thời gian, cho phép họ có thể sử dụng các hỗ trợ tương tự khi họ bước sang tuổi 60.
Kể từ khi ra mắt tại Nam Kinh vào năm 2019, hơn 60.000 tình nguyện viên đã tham gia chương trình, đạt được những kết quả ấn tượng trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc người già tại một thành phố có tuổi thọ trung bình là hơn 80 tuổi. Mỗi ngày, có hàng nghìn người cao tuổi đặt dịch vụ trên Ngân hàng thời gian.
Trong nỗ lực thu hút sự tham gia của giới trẻ, chương trình đã tạo ra những vị trí đặc biệt cho sinh viên đại học để áp dụng những gì họ đã học vào thực tế. Hiện nay, thanh niên chiếm hơn 40% trong tổng số tình nguyện viên Ngân hàng thời gian ở Nam Kinh. Sự thành công này đã và đang thúc đẩy nhân rộng mô hình khắp Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang chứng kiến những thay đổi về nhân khẩu học tương tự như Nhật Bản cách đây 15 đến 20 năm. Do đó, Bắc Kinh cần thực hiện các biện pháp phủ đầu, để ngăn chặn các tác động của bài toán dân số đến kinh tế xã hội. Năm 2024 cũng là năm quan trọng đối với Trung Quốc để thúc đẩy các yếu tố tăng trưởng từng giúp kinh tế bùng nổ trong bốn thập kỷ qua, do đó vấn đề dân số cần được Trung Quốc xem xét kỹ lưỡng.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0