Gia tăng đầu cơ bất động sản do nhà đất phát triển nóng

Việc phát triển đô thị quá nóng như tại thủ đô Hà Nội đã kéo theo nhiều hệ lụy, mà một trong số đó là những tác động liên quan đến giá cả bất động sản (BĐS) và khả năng sở hữu nhà của người dân. Trước thực trạng đó, cần phải có những giải pháp để quá trình phát triển đô thị hóa được diễn ra một cách lành mạnh, bền vững và đúng với quy hoạch chung của thành phố.

80% nguồn cung căn hộ ở phân khúc cao cấp, 47 triệu đồng cho mỗi m2 nhà chung cư, hơn 100 triệu đồng/m2 đất nền tại những nơi có dự án đi qua hoặc có thông tin lên quận, đây là những con số cho thấy sự phát triển quá nóng của BĐS tại thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Khi nhìn vào những số liệu này, những tưởng giá cao là do thị trường có nhiều khởi sắc, thế nhưng một nghịch lý lại đang diễn ra: thị trường trầm lắng, không có giao dịch. Vậy, tại sao thị trường ảm đạm gần như đóng băng như vậy mà giá BĐS lại vẫn cứ “trên trời”, phải chăng vì nó không phục vụ nhu cầu ở thực mà phục vụ một mục đích khác?

Ông Bùi Ngọc Sơn – Chuyên gia kinh tế cho biết: "Bản chất của thị trường BĐS của chúng ta bây giờ là thị trường đầu cơ chứ không phải thị trường hàng hóa sản xuất ra nhà ở để cung cấp cho công chúng để ở. Nguyên nhân là do có nhiều lỗ hổng. Ví dụ như, một người có thể sở hữu bao nhiêu nhà cũng được, không có thuế gì cả, không chịu chi phí. Người ta thoải mái sở hữu, vì vậy nếu họ chưa bán được thì để cỏ mọc, chờ khi nào giá lên sẽ bán. Trong khi diện tích đất ít đi, cầu lại lớn lên, vì vậy càng đẩy giá lên cao".

Có thể thấy sự phát triển nhà ở, đất ở đang quá nóng, nhưng không có các công cụ tài chính hữu hiệu đi kèm, đã làm cho việc phát triển đô thị bị biến tướng, không phục vụ cho nhu cầu cho người cần nhà để ở mà chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu cơ, tích tụ đất của một bộ phận nhỏ người giàu trong xã hội. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đó là tính xơ cứng của sản phẩm quy hoạch không đủ linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn cần thường xuyên điều chỉnh.

Một số nguyên nhân khác có thể kể tới đó là sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch hạn chế, thiếu tính tổng thể. Điều này đã được chỉ ra rất rõ trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi mới được trình lên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: "Xây dựng Dự thảo Luật thủ đô phải giải quyết được những khó khăn vướng mắc, tạo công cụ pháp lý để Hà Nội có thể bứt phá, giải quyết được những tồn tại để thủ đô phát triển. Ví dụ như phải tính đến việc quy hoạch, phát triển đô thị vệ tinh, tốc độ đô thị hóa của một số huyện lên quận, phân cấp phân quyền phải rõ".

Có thể thấy việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đô thị hóa bền vững, ổn định, khắc phục tình trạng phát triển nóng, ồ ạt, thiếu kiểm soát. Đồng thời, phải đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản; thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền đô thị các khoản thu từ thuế, phí.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 12/2023 quy định việc phân cấp thực hiện trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.

Luật Nhà ở mới được thông qua trước đó được xem là mang nhiều tích cực đến thị trường BĐS. Riêng đối với loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (hay còn gọi là chung cư mini), Luật Nhà ở sửa đổi đã cho phép được cấp sổ hồng.

Trong Công văn mới nhất vào cuối tuần qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Sau 7 tháng kể từ khi có hiệu lực, gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 120.000 tỷ chỉ là sự hứa hẹn mà cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà đều khó với tới.

UBND TP.HCM vừa yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Trong đó yêu cầu các đơn vị đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện công trình vi phạm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động trong thi công xây dựng, nhất là việc chia nhỏ nhà ở ra thành nhiều căn hộ để bán hoặc cho thuê.

Thời gian gần đây, giá nhà liên tục tăng cao đã khiến cho nhiều người khó có thể sở hữu nhà. Riêng tại Hà Nội đã có 19 quý liên tiếp tăng giá nhà, điều này dẫn đến một thực trạng là những căn hộ có giá từ 2 tỷ trở xuống hầu như vắng bóng trên thị trường. Trong khi thu nhập của người dân dường như vẫn dậm chân tại chỗ, tốc độ tăng giá nhà lại quá nhanh, ước mơ an cư của rất nhiều người dân đang ngày càng xa vời.