Giá trị tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới
Các tỷ phú giàu lên không ngừng
Tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp, và gia đình ông có tài sản ròng là 191,3 tỷ USD, tăng 111%.
Người sáng lập Amazon Jeff Bezos có khối tài sản 167,4 tỷ USD, tăng 24%. Trong khi tài sản của người sáng lập Oracle, Larry Ellison đạt tổng cộng 145,5 tỷ USD, tăng 107%.
Danh sách năm người giàu nhất còn có Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway Warren Buffett, người có giá trị tài sản ròng tăng 48% lên 119,2 tỷ USD. Tỷ phú Elon Musk, người điều hành một số công ty, bao gồm Tesla và SpaceX, thắng lớn trong những năm gần đây. Tài sản của ông tăng vọt lên 245,5 tỷ USD vào cuối tháng 11, tăng 737% so với tháng 3 năm 2020, có tính đến lạm phát. Ông hiện là người giàu nhất thế giới.
Ông Elon Musk sinh ra ở Nam Phi, chuyển đến Canada và bỏ học tiến sĩ tại Stanford, trở thành triệu phú trước khi bước sang tuổi 30. Ông cùng với anh trai Kimbal Musk thành lập Zip2, một trang web cung cấp bài hướng dẫn du lịch thành phố cho các tờ báo, và sau đó bán nó cho Compaq với giá hơn 300 triệu USD vào năm 1999. Ông Musk, khi đó 27 tuổi, được cho là đã kiếm được 22 triệu USD từ thương vụ này.
Ông tiếp tục đồng sáng lập ngân hàng trực tuyến X.com vào năm 1999. Ngân hàng này nhanh chóng sáp nhập với Confinity của Peter Thiel để trở thành PayPal và công ty được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002. Mặc dù mất ghế CEO, nhưng số tiền mà ông Musk mang theo khoảng 165 triệu USD.
Musk đồng sáng lập công ty thám hiểm không gian SpaceX vào năm 2002. Năm 2004, ông trở thành nhà đầu tư và Chủ tịch của Công ty xe điện Tesla. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã cứu Tesla khỏi phá sản bằng khoản đầu tư 40 triệu USD và khoản vay 40 triệu USD. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành.
Elon Musk nói năm 2008 là "năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi". Bên cạnh những vấn đề trong cuộc sống cá nhân, Tesla liên tục thua lỗ và SpaceX gặp khó khăn khi phóng tên lửa Falcon 1. Đến năm 2009, Musk sống nhờ vào các khoản vay cá nhân.
Nhưng Tesla đã lên sàn vào năm 2010 và giá trị tài sản ròng ước tính của Musk tăng đều đặn. Năm 2012, ông xuất hiện lần đầu trong danh sách tỷ phú của Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 2 tỷ USD.
Năm 2016, Elon Musk thành lập doanh nghiệp đào đường hầm Boring Company. Năm tiếp theo, ông thành lập công ty khởi nghiệp công nghệ thần kinh Neuralink.
Giá trị tài sản ròng của Musk bắt đầu tăng nhanh khi đại dịch bắt đầu khi cổ phiếu Tesla tăng vọt. Ông Musk bắt đầu năm 2020 với giá trị tài sản ròng ước tính chỉ dưới 30 tỷ USD và chỉ một năm sau đó, tài sản của ông tăng gấp hơn 5 lần lên 170 tỷ USD. Tài sản ước tính của ông đạt đỉnh điểm khoảng 340 tỷ USD vào tháng 11 năm 2021.
Ông cũng mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng 10 năm 2022, giữ chức vụ Giám đốc điều hành của công ty cho đến khi ông từ chức vào đầu tháng 6.
Ông Amitabh Behar - Giám đốc điều hành Oxfam Quốc tế cho biết: "Thực tế thật tàn khốc. Báo cáo bất bình đẳng giàu nghèo mới nhất cho thấy rằng chúng ta đang bước vào một thập kỷ chia rẽ, trong đó 5 tỷ phú hàng đầu đã tăng gấp đôi tài sản của họ, trái lại, 5 tỷ người đang nghèo đi. Và Oxfam ước tính rằng chỉ trong vòng một thập kỷ, chúng ta sẽ có tỷ phú nghìn tỷ, nhưng mặt khác, sẽ phải mất hơn 200 năm để chấm dứt tình trạng nghèo đói."
Theo Oxfam, nhìn chung, tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD, tương đương 34%, kể từ năm 2020, tài sản của họ tăng nhanh gấp ba lần so với tỷ lệ lạm phát.
Nhiều tỷ phú Mỹ giàu lên nhờ vốn sở hữu trong các công ty mà họ lãnh đạo, với tổng tài sản tăng thêm 1,6 nghìn tỷ USD.
Trong báo cáo năm nay, Oxfam lập luận rằng các doanh nghiệp đang thu về lợi nhuận lớn, giúp tăng nhanh tài sản của những người giàu có. Oxfam cho biết khoảng 148 tập đoàn lớn nhất thế giới đã kiếm được gần 1,8 nghìn tỷ USD lợi nhuận trong 12 tháng tính đến tháng 6 năm 2023. Con số này cao hơn 52,5% so với mức trung bình của họ trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021. Oxfam cho rằng ngành dầu khí, các công ty dược phẩm và ngành tài chính thu được lợi nhuận cao hơn trong một hoặc hai năm qua so với mức trung bình của những năm trước.
Nabil Ahmed, Giám đốc công lý kinh tế và chủng tộc của Oxfam America, cho rằng mặc dù tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng nhưng vẫn có một số điểm sáng. Người lao động đã thể hiện sức mạnh của mình thông qua các cuộc đình công và các thỏa thuận nhằm cải thiện mức lương và điều kiện làm việc của họ. Ngoài ra, một số chính phủ đã đứng về phía họ, thúc đẩy các chính sách nhằm cải thiện quyền lợi của người lao động.
Những người không đủ ăn
Hàng loạt yếu tố như hậu quả của đại dịch Covid-19, chiến tranh, xung đột làm gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần làm gia tăng số người nghèo trên khắp thế giới.
Theo phân tích của Oxfam, ít nhất 1,7 tỷ người lao động trên toàn cầu chịu hậu quả của tình trạng lạm phát tăng nhanh hơn mức lương của họ vào năm 2022, hạn chế khả năng mua thực phẩm và thanh toán hóa đơn điện của họ.
Kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra vào tháng 3 năm 2011, tình trạng hỗn loạn kéo dài và việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đơn phương của các nước phương Tây khiến nền kinh tế Syria suy sụp và nhiều gia đình dễ bị tổn thương phải vật lộn để duy trì cuộc sống của mình. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, ước tính tổng cộng 12,9 triệu người Syria, tức là hơn một nửa dân số, sẽ bị đói vào năm 2024 và 2,6 triệu người khác có nguy cơ bị đói.
Tại Thủ đô Damas, nơi có điều kiện sống tốt nhất ở Syria, nhiều gia đình từng khá giả cũng đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang xảy ra.
Người Palestine ở miền nam Gaza xếp hàng tại một nhà bếp từ thiện với hy vọng có được những bữa ăn nóng cho con ăn trong khi các cuộc tấn công của Israel vẫn diễn ra trên hầu hết vùng lãnh thổ. Các tình nguyện viên ở Rafah đang bận rộn phân phát các bữa ăn gồm đậu lăng và mì ống. Hơn 100 ngày trôi qua kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công vào vùng đất Palestine, một số gia đình cho biết những gì được phân phát không đủ để nuôi cả gia đình họ.
Ông Mohammed Al-Shondogli, người dân Palestine ở trại tị nạn Jabalia chia sẻ: “Không có trái cây hay thịt, chỉ có một ít đậu lăng, một ít mì ống, không có thịt hay bất cứ thứ gì. Cơ thể chúng ta đang ốm yếu vì thiếu thức ăn. Con cái tôi ốm yếu vì thiếu ăn. Số thực phẩm này là chỉ đủ cho hai người. Chúng tôi cần thức ăn cho bảy người. Số này còn không đủ cho một bữa ăn. Cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi không biết phải sống thế nào.”
Một báo cáo hồi tháng 12 cho biết toàn bộ 2,3 triệu người ở Gaza phải đối mặt với tình trạng đói kém ở mức độ khủng hoảng, với nguy cơ nạn đói gia tăng mỗi ngày và tỷ lệ dân số phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đang tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu.Một báo cáo tháng 10 năm 2023 của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cho thấy số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực tăng vọt 80% ở 13 quốc gia kém phát triển nhất.
Nghịch lý thuế
Theo báo cáo của Oxfam, các tỷ phú thu được lợi lớn từ đại dịch. Khi các nước giàu bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ các gia đình và những người thất nghiệp hoặc có mức lương thấp, thì đã đồng thời làm tăng giá trị tài sản và của cải mà những người siêu giàu nắm giữ. Oxfam cũng nhận thấy rằng những người giàu có nắm giữ cổ phần trong các tập đoàn năng lượng và thực phẩm lớn nhất thế giới đã thu được lợi nhuận đáng kể, vào năm 2022. Khi những công ty này ghi nhận lợi nhuận khổng lồ, họ cũng đã trả số tiền lớn cho các cổ đông.
Oxfam cũng nhận thấy một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến khoảng cách bất bình đẳng ngày càng lớn hơn là việc không có quy chế thuế lũy tiến đối với tài sản mới được tạo ra. Báo cáo cho thấy người giàu ở một số quốc gia đang đóng thuế ít hơn so với cách đây một thập kỷ. Một nửa số tỷ phú trên thế giới cũng sống ở các quốc gia mà họ không phải trả bất kỳ khoản thuế nào đối với tài sản thừa kế, nghĩa là 5 nghìn tỷ USD tài sản được truyền lại cho người thừa kế mà không bị đánh thuế.
Việc tài sản tiếp tục đổ vào tay một số ít người có thể trì hoãn tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, góp phần gây chia rẽ chính trị và dẫn đến tham nhũng trong các lĩnh vực. Tình trạng này cũng có thể khiến ô nhiễm khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn vì các tỷ phú có nhiều khả năng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch hơn.
Báo cáo của Oxfam cho biết đánh thuế cao hơn là một cách để phân phối lại của cải tập trung và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Theo dữ liệu của Oxfam về các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức thuế trung bình đánh vào những người giàu nhất đã giảm từ 58% năm 1980 xuống còn 42% hiện nay. Elon Musk, người sáng lập Tesla và chủ sở hữu của X, trước đây là Twitter, đã phải trả “mức thuế thực tế” khoảng 3% trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018.
Ở nhiều quốc gia, các chính trị gia lập luận rằng việc đánh thuế tỷ phú ít hơn sẽ cho phép các tập đoàn thuê thêm nhân viên, thúc đẩy cạnh tranh lao động nhiều hơn và tăng lương trung bình, cuối cùng cho phép nhiều tài sản hơn chảy xuống người dân bình thường. Nhưng một số báo cáo cho thấy việc cắt giảm thuế đối với các tập đoàn giàu có, ví dụ như ở Mỹ, chỉ làm tăng thêm mức độ bất bình đẳng.
Năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa với người Mỹ rằng Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm của ông sẽ mang lại lợi ích cho tầng lớp lao động. Nhưng đạo luật này đã cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn khoảng 20% cho các tổ chức lớn. Và ông Trump đã thực hiện cắt giảm thuế 1,5 triệu USD, mức cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong cuốn sách Sự chiến thắng của bất công, các nhà kinh tế Emmanuel Saez và Gabriel Zucman nhận thấy rằng vào năm 2018, 400 gia đình giàu có nhất ở Mỹ phải trả mức thuế trung bình là 23%, trong khi những hộ nghèo nhất phải nộp thuế ở mức 24,2%, cao hơn những hộ giàu nhất.
Nếu tài sản bị đánh thuế 5% hàng năm có thể giúp huy động tới 1,7 nghìn tỷ USD để giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới và hỗ trợ các quốc gia đang gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu.
Để giải quyết những bất bình đẳng này, người ta kỳ vọng các chính phủ vào cuộc, kiểm soát quyền lực doanh nghiệp, giúp thị trường trở nên công bằng hơn và không bị các tỷ phú kiểm soát, phá bỏ độc quyền, trao quyền cho người lao động, đánh thuế những khoản lợi nhuận khổng lồ của doanh nghiệp và quan trọng là đầu tư vào kỷ nguyên mới của hàng hóa và dịch vụ công. Các nhà lãnh đạo phải lựa chọn giữa việc hoặc xây dựng nền kinh tế bình đẳng nơi mọi người đều được hưởng lợi công bằng, hoặc tiếp tục gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, từ đó dẫn đến hệ lụy không đáng có.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
0