Giấc mơ xanh cho Hà Nội
Tôi hay lan man mơ ước Thủ đô, đất nước mình sẽ có thêm nhiều công viên quốc gia, có những cánh rừng nhỏ trong thành phố. Tôi mơ Hà Nội sẽ có thêm nhiều cây xanh, để được sống cùng thiên nhiên, để thiên nhiên chữa lành những phiền muộn, nhọc nhằn… Hôm nay, tôi gặp một người cũng có cùng mơ ước. Và sau đây là những chia sẻ của Nguyễn Quang Hưng qua bài viết ‘Gọi rừng trong phố’.
Đi đến vùng cuối cánh đồng Trung Văn, thoảng trong mưa xuống, màu xanh rậm rạp ngả sẫm dần đang hiện lên lúp xúp. Rặng bạch đàn thẳng lối, những bờ cỏ cây bụi ven ao um tùm, như có mấy cành xoan, vài thân chuối cây đứng cây ngả, hình như tán lá nhãn rườm rà. Tôi thấy cả những cây xà cừ sót lại, im lìm vươn cao che phủ. Đan chen hỗn tạp, lẫn lộn trong vắng vẻ vùng ruộng vườn đã vài năm để không, dù ngay đối diện bên này đường là những ki ốt mới xây lại đều tăm tắp và con đường Sa Đôi mở rộng gấp rưỡi trải nhựa phẳng êm. Con đường mới khiến trong chốc lát ta có thể quên đi hình ảnh đá sỏi nham nhở, mưa xuống thành từng vùng thì thụt hồi nào. Con đường Sa Đôi và đường nhựa nhỏ cắt ngang cánh đồng từ phía cuối làng chạy về đây cũng đã có tên. Nhưng nhìn những vạt cỏ cây hoang dại, vẫn phảng phất một cảm giác rừng rú xưa cũ.

Không phải đợi lên núi thẳm phía rặng răng cưa xa mờ kia mà đứng ở đồng bằng vẫn có thể tìm ra, cảm nhận được phảng phất những hoang vu, rậm rạp. Dĩ nhiên vẫn là những cảm giác, cảm nhận, chứ không phải là thật. Đó là khi ta lạc vào những vùng cây lá bên đường, trên đồng, trong vườn tược bạn bè, và những vườn cây nhỏ trong phố xá. Lang thang qua những cánh đồng xuyên các làng La vùng Dương Nội cảm giác như những mặt ruộng còn vồng lên gợi dáng nét gò đống, những mô những ụ đất hồi nào chưa san phẳng làm đường sá. Từ thôn Đa Sĩ nơi cuối Hà Đông đi ra cánh đồng đã quang hẳn đi với đường nhựa nối sang khu đô thị mới Văn Phú, còn sót lại một hai gò đất cao xúm xít cây che phủ một tấm bia, một ban thờ người xưa xiêu vẹo. Dạo trước, hai con đường vuông góc với cầu Diễn song song hai bên sông Nhuệ rợp những hàng cây và vườn um tùm, đi vào mãi có cảm giác tối thẫm lại. Bây giờ đã trở nên các phố ven sông lấp lánh đèn, nhà chen chúc, lô nhô nối về các tòa chung cư. Tìm cảm giác hoang sơ một chút sẽ phải đi xa hơn, theo các đường làng cũ nay đã lên phố của phường mới Thụy Phương, Tây Tựu, Minh Khai, Liên Mạc… xuyên qua những ruộng hoa, men bờ mương gặp loáng thoáng một nhà nhỏ khuất trong lùm cây, thấy vẳng xưa như đang về.
Một lần, đi lên cầu vượt Liễu Giai, nhìn sang phải tôi ngạc nhiên thấy một vườn cây gợi dấu vết cổ thụ. Tiếc là ở cái vị trí rất nên làm công viên ấy, bây giờ cũng đã là nhà cao. Bạn có thể gặp những cảm giác ngun ngút xanh tươi khi đi trong vườn Bách thảo, đi dưới vòm sấu, xà cừ hai bên hè phố kết liền nhau Phan Đình Phùng, đi qua đường Hoàng Diệu, vào vườn hoa Lê nin giữa hai phố Điện Biên Phủ - Trần Phú, vòng quanh khu vườn hoa Nhà kèn, vườn hoa Con cóc ở trên phía Hồ Gươm, rồi chạy quanh hồ bảy mẫu mà hào hứng với chuỗi xanh công viên Thống nhất. Ngoài những vùng xanh đó, giờ cũng khó nhìn ra đâu được nhiều hơn những khu vực mà cây cối nội thành Hà Nội kết liền nhau thành những vùng để có thể trở nên không gian riêng cho cây cối và con người.

Lan man nghĩ mà mơ ước những cánh rừng nhỏ trong thành phố, là nơi “tuyệt đối thiên nhiên”, vẫn có chim và thú nhỏ về sống, có những không gian cho người dân đến dã ngoại, tranh thủ bù khoảng trống không khí sạch sau chuỗi ngày hít thở trong các khu công nghiệp, văn phòng khép kín, bệnh viện, siêu thị. Nếu như chúng ta lưu tâm gây dựng một công viên lớn cho thành phố, thì ngay từ bây giờ, cho đến dăm năm nữa chứ không phải chờ lâu, hẳn rằng thành quả sẽ trông thấy được. Sẽ thấy ở màu xanh cây bụi đang lan tràn, cây thân gỗ đang vươn lên. Ở niềm vui trẻ nhỏ được chạy nhảy trên đất, trên cỏ. Thấy ở niềm hạnh phúc những người được về gần với cây cối, mặt nước từ những tháng năm căn hộ cũ, khu phố hẹp ngõ ngách chật chội. Kể ra đâu thay đổi được nhanh trong những năm tới. Nhưng chính vì thế, ta hãy trồng tưới, hãy tạo ra thật nhiều, thật rộng lớn những không gian xanh cho mọi người hưởng chung.
Tôi mơ nhiều cây nữa cho Hà Nội, để người được cảm thấy trở về với rừng, thấy thiên nhiên không rời bỏ mình sau bao tháng năm con người đã mải miết mưu sinh mà có lúc nhãng đi, để cỏ cây phải chịu nhiều vết thương, phải bị o ép mà dành chỗ cho bê tông, kim loại và lối sống nặng theo vật chất. Nhiều cây hơn nữa, nhiều dáng nét rừng xưa trong phố mới hơn, nhiều nữa những vạt rừng mới đô thị để lành lặn, khỏe mạnh hơn lá phổi lớn cho thành phố, để vùng xanh tươi thành nơi dưỡng tâm rèn tính cho những thế hệ tương lai./.


Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
Hạ chuẩn bị về trong nắng ấm. Chắc vì được gọi là Tháng thanh niên nên thời tiết lúc nào cũng rực rỡ. Năm nay, xuân còn dùng dằng chưa đi, nên cái nắng tháng Ba cũng nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn…
Tháng Ba trở về, khe khẽ trong những cơn gió cuối xuân, rực rỡ trong sắc đỏ hoa gạo trải dài bên triền đê và thấm đẫm trong những cơn mưa phùn lất phất - thứ mưa mà người ta vẫn bảo là dành riêng cho hoài niệm. Tháng Ba - cũng là mùa hoa của tuổi trẻ.
Vườn Bách Thảo là không gian yên bình cho bất cứ ai muốn tìm đến phút giây tĩnh lặng hay đơn giản chỉ mong muốn một buổi thư thả dạo bộ. Không chỉ vậy, đây còn là nơi dành cho các tâm hồn đam mê nghiên cứu và khám phá.
Mùa xuân gõ cửa thành phố bằng những làn gió mát lành, bằng ánh nắng đầu ngày trải nhẹ trên những mái ngói rêu phong, bằng sắc xanh dịu dàng của những vòm cây vừa thay áo mới. Sáng nay, có người không vội vã lao vào công việc như mọi khi. Một cảm giác lạ len lỏi trong lòng như thể có điều gì đó đang chờ đợi cô phía ngoài ô cửa sổ.
Cách nhau một dải đê, những người sinh ra và lớn lên trên vùng đất cao ráo nơi trung tâm Hà Nội có lẽ sẽ chẳng mấy khi được chứng kiến cái uy thế dữ dằn và mãnh liệt của sông Hồng một thuở không tĩnh lặng.
0