Giải mã sự thành công của nền kinh tế Nga
Kinh tế Nga tăng trưởng vượt mọi dự báo
Mặc dù chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn duy trì tăng trưởng, phục hồi. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê Nga, tăng trưởng GDP năm 2023 của nước này là 3,6%. So với mức 2 năm trước, con số này tăng 2,3%. Theo dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, GDP của nước này sẽ tăng 2,3% trong năm 2024.
Việc đặt nền kinh tế trong tình trạng chiến tranh đã khiến sản xuất công nghiệp và chỉ số PMI (chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ) tăng vọt. Lĩnh vực sản xuất, được đánh dấu bằng mức tăng trưởng mạnh mẽ 9,5% trong tháng 10/2023. Hoạt động đầu tư trong quý III/2023 cũng tăng vượt kỳ vọng, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 13,3%. Tỷ lệ thất nghiệp của Nga thấp nhất mọi thời đại, ở mức 2,9% và tỷ lệ người Nga sống dưới mức nghèo khổ giảm xuống còn 9,8%.
Nga hiện là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Doanh thu từ xuất khẩu nông sản của Nga trên thị trường toàn cầu lên tới 43,5 tỉ USD. Nga cũng là một trong những nước dẫn đầu về sản xuất thịt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành nông nghiệp Nga đạt được kết quả như vậy. Thống kê cho thấy, xuất khẩu thực phẩm của Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Nước này đã trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới trong những năm gần đây nhờ mùa màng bội thu và giá cả hấp dẫn, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở hoạt động ngoại thương của quốc gia này. Nga cũng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho một số quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Năm ngoái nền kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn thế giới. Về lĩnh vực này, chúng tôi không chỉ vượt các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu mà còn vượt tất cả các quốc gia thuộc nhóm G7. Ngày nay, Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu về GDP tính theo sức mua, và đứng thứ năm trên thế giới. Tốc độ và chủ yếu là chất lượng tăng trưởng cho phép chúng ta sớm tiến thêm một bước nữa và trở thành một trong bốn cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới”.
Lý giải sức tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Nga trong năm 2023, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một động lực quan trọng là chi tiêu nhà nước ở mức kỷ lục 32 nghìn tỷ rúp (tương đương 346 tỷ USD), với phần lớn dành cho quốc phòng. Khoản chi tiêu này được dự báo sẽ còn tăng trong năm nay, dự kiến là 36,5 nghìn tỷ rúp (395 tỷ USD), trong đó hơn một phần ba sẽ dành cho các khoản thanh toán thời chiến khác nhau.
Dĩ nhiên, cũng không thể không nhắc tới những nỗ lực của Nga trong việc triển khai các biện pháp tránh tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhóm biện pháp này thậm chí được đánh giá là đã “vô hiệu hóa” lệnh trừng phạt dầu mỏ và công nghệ. Theo tờ Financial Times (Anh), “không một thùng dầu nào của Nga được bán ở mức dưới mức trần 60 USD". Điện Kremlin cũng xây dựng được mạng lưới kinh tế đa quốc gia với Trung Quốc và các thành viên trong thế giới không liên kết, cũng như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Có thể khẳng định, trạng thái ổn định của nền kinh tế Nga lúc này là minh chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã có sự chuẩn bị từ trước đó rất lâu, đồng thời đã và đang thực hiện rất tốt công tác lãnh đạo, điều hành. Chính những yếu tố này đã giúp Mátxcơva có khả năng theo đuổi chính sách kinh tế độc lập bất chấp áp lực bên ngoài. Về vị thế quốc tế và tình hình kinh tế Nga, ngày càng có nhiều quốc gia tích cực tham gia xây dựng quan hệ với Nga, nhất là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ La tinh và các quốc gia Arab...
Những đối tác thân thiết
Nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập hoàn toàn Nga đã thất bại. Trung Quốc và Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil và Nam Phi, cùng với nhiều quốc gia khác, đã từ chối tham gia liên minh trừng phạt do Mỹ lãnh đạo. Hơn nữa, một số quốc gia này đã mở rộng đáng kể các giao dịch thương mại và các giao dịch khác với Nga, được hưởng lợi từ việc Nga giảm giá dầu. Họ là những đối tác thân thiết của Nga.
Một số quốc gia đã tăng cường giao thương với Nga kể từ đầu năm 2022, bao gồm các quốc gia không liên kết và thậm chí một số thành viên Liên minh châu Âu (EU). Bắt đầu từ năm 2013, Nga đã khởi xướng chính sách “Xoay trục sang phía Đông”, trước hết là với Trung Quốc. Và hiện Nga đang gặt hái thành quả từ chính sách này. Trong 5 năm trước đó (không tính năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch), thương mại đã tăng trung bình khoảng 23% mỗi năm. Đứng đầu danh sách này là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước được Nga coi là những cường quốc của lục địa Á-Âu. Mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh đang trở nên mạnh mẽ hơn, chủ yếu do các yếu tố đặc hữu của mối quan hệ này, nhưng chắc chắn cũng được hỗ trợ bởi những yếu tố bên ngoài, như chính sách Washington đối với Nga và Trung Quốc. Việc hợp tác cũng như phối hợp chặt chẽ hơn với Nga có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu:“Với tư cách là các cường quốc toàn cầu và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Nga đã thiết lập một mô hình mới về quan hệ siêu cường (toàn cầu), hoàn toàn khác với thời kỳ cũ của Chiến tranh Lạnh. Dựa trên nguyên tắc không liên kết, không đối đầu, và không nhắm tới bất kỳ bên thứ ba nào, chúng tôi cam kết duy trì tình hữu nghị và láng giềng tốt đẹp lâu dài, làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện.”
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 12/1 của Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã chạm mức cao kỷ lục trong năm 2023, trong khi thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã lần đầu tiên giảm trong bốn năm qua do những diễn biến địa chính trị. Số liệu hải quan cho thấy thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt hơn 240 tỷ USD, vượt mức mục tiêu 200 tỷ USD mà hai nước đặt ra trong các cuộc gặp song phương vào năm ngoái, và tăng 26,3% so với năm 2022. Con số trên là mức cao kỷ lục trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga.
Không chỉ thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc, thương mại giữa Nga với Ấn độ đã tăng gần 250% kể từ năm 2021. Nhiều nước, như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2040 - nước này quan tâm nhất đến hợp tác kinh tế và công nghệ với phương Tây, đồng thời luôn cẩn trọng nhằm tránh làm tổn hại tới mối quan hệ vững chắc với Nga.
Đáng chú ý là thương mại giữa thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tăng 93%. Cả hai quốc gia Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều cung cấp những hàng hóa huyết mạch quan trọng cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga. Ấn Độ đã vượt EU để trở thành điểm đến xuất khẩu dầu lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc. Và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà cung cấp đáng kể các máy móc và linh kiện điện, bao gồm mạch tích hợp và chất bán dẫn.
Xét về mặt truyền thống, Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng rất sâu từ những can thiệp của Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng các nước Mỹ Latinh lại không chống đối Nga để giành lấy sự ủng hộ của Washington, như một số nước châu Âu vẫn làm.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov phát biểu khi ở thăm Venezuela: "Tại cuộc họp ở Moscow năm ngoái, chúng tôi đã xác định các lĩnh vực hợp tác chính, bao gồm mở rộng hợp tác trong sản xuất dầu, phát triển các mỏ khí đốt, nông nghiệp, y học và dược phẩm, phát triển không gian vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông cũng như đổi mới, và chúng tôi cũng coi việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình là những lĩnh vực đầy hứa hẹn. Chúng tôi nhất trí tăng tốc độ và khối lượng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực này, đồng thời chúng tôi cũng nhất trí rằng công việc này sẽ giúp tăng cường sự ổn định trong quan hệ của nền kinh tế."
Trước hết, cần lưu ý rằng đối với đại đa số người dân các nước Mỹ Latinh, xung đột Ukraine hoàn toàn "không phải là việc của họ". Theo đó, các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh không có lý do gì để phá vỡ mối quan hệ hiện có với Nga. Đối với họ, xung đột Ukraine đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt vô lý từ phương Tây, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho Nga mà cả toàn thế giới. Đối với các nước lớn trong khu vực như Mexico, Brazil và Argentina, họ đã từ chối thảo luận về bất kỳ biện pháp trừng phạt nào chống lại Nga với Mỹ, đồng thời lưu ý rằng "chính Washington đã tạo ra tất cả tình trạng hỗn loạn này ở trung tâm châu Âu".
Từ năm 2022, Nga đã hứng chịu hơn 17.500 lệnh trừng phạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trong suốt hai năm qua, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ mình có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với những gì Mỹ và EU dự đoán. Tại sao các lệnh trừng phạt không thành công? Vì nó phụ thuộc vào hai yếu tố: ý chí chính trị và khả năng kỹ thuật. Cần có các nguồn lực pháp lý, tài chính và thậm chí cả quân sự để thực thi các lệnh trừng phạt, và cả việc chống lại đơn kiện của công dân Nga có tiền bị phong tỏa hay bố trí thanh tra viên tại các cảng thương mại. Nhưng các quốc gia không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm. Việc các lệnh trừng phạt đưa ra nhiều nhưng không thể thực thi cũng cho thấy một thực tế là kinh tế thế giới , bao gồm cả Mỹ và Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga.
Vì sao các lệnh trừng phạt Nga thất bại?
Cuối tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga. Trọng tâm của vòng trừng phạt này là mảng tài chính, nền tảng công nghiệp quốc phòng và các mạng lưới mua bán cấp nhà nước của Nga. Ngoài ra, Washington còn nhắm vào các cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới bị nước này cho là hỗ trợ Matxcơva trong việc "lách" các lệnh trừng phạt được ban hành trước đó. Tuy nhiên, có một sự thực là rất nhiều nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc vào Nga.
Bà Evelun Farkas, Giám đốc điều hành của Viện MCCAIN nhận định: “Ấn Độ, về cơ bản, cung cấp hàng tỷ rúp cho chính phủ Nga mỗi năm bằng cách mua dầu của Nga với giá chiết khấu. Tất nhiên, có nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cũng mua nhiên liệu từ Nga. Chúng tôi cũng mua nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ Nga để sử dụng trong ngành năng lượng hạt nhân của mình. Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể cắt bỏ - tôi biết điều đó phức tạp - nhưng chúng ta có thể xem xét cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Nga. Và tất nhiên, các đồng minh châu Âu của chúng tôi, vẫn đang mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga."
Có một số lý do chính khiến những lệnh trừng phạt Nga không thể thành công. Có lẽ công cụ quan trọng nhất mà Mỹ và các đối tác đã sử dụng để chống lại Nga là các biện pháp trừng phạt kinh tế truyền thống. Những hình phạt này thường nhắm vào các cá nhân, công ty và cơ quan nhà nước, có thể gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng trung ương của một quốc gia. Ví dụ: nếu Quốc gia X áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với một nhà tài phiệt Nga, điều đó thường có nghĩa là công dân của Quốc gia X không thể kinh doanh với nhà tài phiệt đó và tài sản của nhà tài phiệt đó ở Quốc gia X bị đóng băng. Như vậy là đôi bên đều chịu thiệt.
Ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn điện Kremlin phát biểu: "Bạn biết tác hại gián tiếp - hiệu ứng boomerang có tác động như thế nào, trước hết là nền kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên chúng tôi, có tới hàng nghìn lệnh trừng phạt. Lợi ích của các công ty Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng. Nhưng nền kinh tế Nga thì vẫn ổn định, điều này có lẽ thậm chí không chỉ chúng tôi nói, mà cả đại diện của Mỹ cũng nói rằng nền kinh tế Nga thể hiện rõ sự ổn định, thích nghi và tiếp tục phát triển”.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ đến tháng 8 năm 2023, các doanh nghiệp châu Âu ở Nga thiệt hại lên tới hơn 100 tỷ euro. Hơn 1.000 doanh nghiệp phương Tây đã rút khỏi Nga do sức ép từ các lệnh trừng phạt. Trong bối cảnh đó, Moscow buộc phải tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài phương Tây, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Số liệu cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy chỗ trống sau khi các nhãn hàng phương Tây rời đi. Trung Quốc cũng vượt EU trở thành nhà nhập khẩu nông sản Nga lớn nhất.
Có thể thấy, nước Nga đã vững vàng vượt qua bão trừng phạt từ phương Tây. Cử tri Nga đều thấy rõ những thành quả đó đều có đóng góp của Tổng thống Putin. Sự ghi nhận đó sẽ được thể hiện trong cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra. Với chỉ số tín nhiệm cao, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận và được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo trước các ứng cử viên còn lại. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VCIOM), mức độ tin tưởng và tín nhiệm đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng 0,3% lên 79,4%.
Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck-soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt thêm thuế quan với Liên minh châu Âu nếu lục địa già không tăng cường mua dầu khí của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật - dự luật cấp ngân sách cho Chính phủ liên bang đến giữa tháng 3/2025, tránh được nguy cơ phải đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh.
Truyền thông Đức cho biết nghi phạm bị cáo buộc trong vụ lao xe vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh ở thành phố Magdeburg, đông bắc nước này, là Taleb Al Abdulmohsen, một công dân Ả Rập Xê-út. Đáng chú ý, nghi phạm là một bác sĩ tâm lý được đánh giá cao về chuyên môn.
Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp vừa công bố số liệu cho thấy nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý III/2024.
Tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa thay đổi yêu cầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên của khối tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, gấp 2,5 lần so với mức hiện tại là 2%.
0