Giảm rác thải rắn bằng những ý tưởng tái chế thông minh

Nhân loại tạo ra gần hai tỷ tấn chất thải rắn đô thị mỗi năm, đủ để lấp đầy hơn 800.000 bể bơi Olympic. Nếu cứ với đà này, con số này có thể tăng lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Để giảm lượng rác thải, bảo vệ môi trường, nhiều chính phủ, doanh nghiệp và cả các cá nhân đã tìm cách tái chế rác thải, biến chúng thành những đồ vật hữu ích.

UAE: Tái chế ván trượt thể thao cũ  

Với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các môn thể thao dưới nước và mùa đông, SWS, doanh nghiệp hàng đầu thế giới hoạt động tại UAE từ năm 2004 hứa hẹn sẽ sản xuất có trách nhiệm hơn thông qua việc đầu tư vào tấm phủ xanh hơn cho ván trượt, mực in thân thiện với môi trường, gỗ có nguồn gốc bền vững, nhựa gốc sinh học và đặc biệt là ván trượt tuyết tái chế.

Bà Ines Polewka, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty SWS cho hay: “Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác cộng tác địa phương, đặc biệt là trong vật liệu tổng hợp, để tìm ra những sản phẩm không còn sử dụng nữa. Chúng tôi thu gom lại, tái chế, nâng cấp tạo ra sản phẩm mới nhằm mục đích hạn chế tác động của việc sản xuất tới môi trường”.

Tái chế ván trượt thể thao cũ.

SWS sẽ áp dụng một công nghệ tái chế mới đầy hứa hẹn đảm bảo chất lượng, số lượng sản phẩm đồng thời đạt mục tiêu sản xuất xanh. Mỗi năm, SWS sản xuất 1/3 sản lượng ván trượt tuyết trên thế giới và một nửa sản lượng ván diều và ván lướt sóng trên thế giới, phục vụ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Quá trình Re-Up Tech bắt đầu bằng việc thu thập những ván trượt tuyết cũ không còn sử dụng được nữa. Những tấm ván thu thập được sau đó sẽ được chuyển đến nhà máy sản xuất ván trượt tuyết SWS. Công nghệ này cho phép tái chế ván trượt tuyết của bất kỳ thương hiệu, mẫu mã hoặc năm nào với 95% vật liệu được tái sử dụng.

Ngoài việc tái chế, SWS còn lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn trên mái của nhà máy. Các tấm pin này hiện đang cung cấp tới 95,4% nhu cầu năng lượng của nhà máy bằng năng lượng sạch.

Thành lập trung tâm xử lý rác thải tại Đảo Phục Sinh

Nằm ở phía Đông Nam Thái Bình Dương và cách bờ biển Chile hơn 3.600 km, Đảo Phục Sinh của Chile là một trong những hòn đảo có người ở biệt lập nhất thế giới. Với diện tích hơn 160 km2, nơi đây đón hơn 100.000 khách du lịch mỗi năm và phải đáp ứng nhu cầu của gần 7.700 người dân. Do sự cách biệt về mặt địa lý nên việc quản lý chất thải rất phức tạp. Mới đây một trung tâm xử lí rác thải đã được thành lập trên hòn đảo xa xôi này giúp thu thập 9 tấn thiết bị điện tử để vận chuyển tới Chile lục địa và tái chế.

Trung tâm xử lí rác thải có tên gọi là Rapa Nui ra đời là nỗ lực chung giữa chính quyền Đảo Phục Sinh với Công ty tái chế Midas Chile và Công ty viễn thông Entel nhằm giảm áp lực rác thải lên hòn đảo này.

Trung tâm xử lý rác thải tại Đảo Phục Sinh.

Người dân đảo mang máy tính bảng và điện thoại cũ, hỏng đến trung tâm tái chế ở địa phương. Chất thải sau đó được vận chuyển đến cảng Valparaiso bằng thuyền để tái chế.

Bà Alexandra Tuki - Giám đốc trung tâm tái chế chia sẻ: “Bên cạnh việc giảm tác động đến môi trường, chúng tôi còn giúp người dân nâng cao nhận thức về môi trường. Trên mạng xã hội người ta nói nhiều đến tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiều quốc gia. Nó cũng đã xảy ra đến với chúng tôi từ nhiều năm trước . Chúng ta phải chịu trách nhiệm về rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt.”

Mỗi năm Đảo Phục sinh tạo ra khoảng 2.300 tấn rác thải. Vì vậy tái chế rác là biện pháp hàng đầu trong việc bảo vệ hòn đảo xinh đẹp này.

Bolivia: Biến dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng

Các nhà khoa học ước tính, một lít dầu mỡ qua sử dụng bị đổ ra môi trường có nguy cơ làm ô nhiễm gần một triệu lít nước sạch. Nhưng với một nhà hóa học người Bolivia, nguồn chất thải này được ví như thứ vàng “lỏng” quý giá, được dùng để sản xuất xà phòng sinh thái.

Chứng kiến các nhà hàng ở Thủ đô La Paz của Bolivia đổ bỏ dầu ăn, gây ô nhiễm cho môi trường, nhà hóa học Silveria Cutipa Pari đã nung nấu ý tưởng tái chế dầu ăn đã qua sử dụng từ khi còn là sinh viên. Năm 2014, bà thành lập Công ty Suma Qhana Soaps Krolla sản xuất xà phòng từ dầu ăn tái chế và cây thuốc ở Aymara. Công ty cung cấp nhiều sản phẩm, từ xà phòng giặt dạng bột đến xà phòng rửa tay và xà phòng tắm.

Biến dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng.

Thông qua các sản phẩm tự nhiên của mình, Cutipa Pari muốn giúp tạo ra các thực hành sinh thái tốt hơn cho khách hàng của mình với những sản phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng, đồng thời cũng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Nhà hoá học Cutipa Pari cho biết: "Sản phẩm tẩy rửa của chúng tôi là sản phẩm tự nhiên, sinh thái, không gây hại cho môi trường, không gây hại cho tài nguyên nước. Sản phẩm của các công ty quy mô lớn hoặc công ty công nghiệp có hàm lượng hóa chất và thuốc nhuộm cao, hủy hoại hệ sinh thái, nguồn nước”.

Việc thu gom dầu ăn đã qua sử dụng còn làm giảm nguy cơ những chủ nhà hàng đổ bỏ trái phép dầu ăn đã qua sử dụng, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và tăng thêm khó khăn trong quá trình làm sạch hệ thống thoát nước.

Campuchia: Tái chế chai nhựa thành chổi quét nhà

Rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn về môi trường mà nhiều thành phố trên thế giới đang phải đối mặt. Tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, mỗi ngày có khoảng 38.000 tấn rác thải được thải ra ngoài môi trường và trong đó rác thải nhựa chiếm tới  20% lượng rác thải của thành phố. Một doanh nghiệp tại Campuchia đã nảy ra một ý tưởng: tái chế chai nhựa để làm chổi, một vật dụng hàng ngày vừa giúp chống ô nhiễm môi trường vừa tạo sinh kế cho người dân.

Tái chế chai nhựa thành chổi quét nhà.

Lấy cảm hứng từ những ý tưởng tái chế nhựa ở nước ngoài chủ doanh nghiệp tái chế nhựa, anh Has Kea đã tuyển dụng một nhóm gồm 28 công nhân để giúp hiện thực hóa tầm nhìn của mình về tính bền vững. Mỗi ngày các công nhân ở đây dùng máy quay chai nhựa thành những sợi dây nhựa dài. Sau đó họ ngâm dây nhựa vào nước nóng để nhựa mềm ra và cắt theo khuôn để tạo thành những chiếc chổi quét nhà có chất lượng cao. Anh Has Kea nhận ra rằng chi phí nguyên liệu thô như chai lọ nhựa và thanh tre làm cán chổi ở Campuchia thấp hơn so với ở nước ngoài, thêm vào đó giá nhân công rẻ hơn. Trong khi đó nhu cầu về chổi lại rất cao tại Campuchia.

Anh HAS KEA cho biết anh mua chai nhựa từ những người thu gom rác. Với nguồn cung nguyên liệu nhựa vô tận, anh tự tin công việc kinh doanh của mình sẽ tồn tại lâu dài. Ngoài vấn đề sinh thái, doanh nhân này còn đặt ra cho mình một sứ mệnh khác giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Xưởng của anh Kea sản xuất khoảng 500 cây chổi nhựa mỗi ngày, mỗi chiếc có giá bán lẻ trong khoảng 10.000 riel (riên) đến 15.000 riel  riên) (tương đương 60.000 đồng – 90.000 đồng Việt Nam).

Pháp: Bản sao tháp Eiffel từ gỗ tái chế 

Để một thế giới không rác thải thì ngoài các doanh nghiệp, nhiều cá nhân đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái chế rác thải với những sáng tạo độc đáo. Tại miền Tây nước Pháp, một đôi bạn đã dùng những thanh gỗ bị bỏ đi để tạo nên một bản sao tháp Eiffel cao 16m. Họ mong muốn tác phẩm này sẽ được trưng bày dọc theo con đường rước đuốc trong Thế vận hội Paris 2024.

Việc xây dựng một bản sao tháp Eiffel bằng gỗ tái chế được bắt đầu vào tháng 9 năm 2023 bởi hai người bạn là Frédéric Malmezac và Sylvain Bouchard. Sau gần 5 tháng, công trình đã được hoàn thành ở vùng nông thôn La Chevrolière,  tỉnh Loire-Atlantique miền Tây nước Pháp.

Bản sao tháp Eiffel từ gỗ tái chế.

Ông Sylvain Bouchard, người đàn ông 46 tuổi ngồi trên xe lăn đã hợp tác với anh Frédéric Malmezac, một thợ mộc 38 tuổi cũng là người khuyết tật, để thực hiện dự án này trước thềm Thế vận hội Olympic Paris. Đối với họ, Thế vận hội là cơ hội không thể bỏ qua.

Họ đã xây dựng công trình này từ 825 mảnh gỗ tái chế và 5.400 chiếc ốc vít.

Ông Bouchard cho biết công việc này giúp ông học các kỹ năng trong nghề mộc, đồng thời cho biết tháp Eiffel là “biểu tượng vô giá” của nước Pháp.

Chi phí cho mô hình này là 6.960 euro, khoảng 185 triệu đồng. Hai người hy vọng sẽ sớm nhận được giấy phép trưng bày tháp Eiffel mini của mình ở làng vận động viên hoặc ở nơi ngọn đuốc Olympic sẽ đi qua trong lễ rước đuốc.

Gabon: Biến giấy vụn thành tác phẩm nghệ thuật

Một nghệ sĩ người Gabon có cách sáng tạo mới. Anh đã biến những mẩu giấy vụn bị bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt với mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người trong việc tái chế rác thải và chống lãng phí.

Để làm chiếc bình hoa bằng giấy vụn, nghệ sĩ Eddy Heindrickx Mayombo dùng những mảnh bìa cứng và tỉ mỉ gấp nó thành những hình tam giác nhỏ, đều nhau và ghép chúng lại bằng kỹ thuật orgami.

Dù được làm từ nguồn nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm là giấy vụn. nhưng mỗi tác phẩm của anh đều thể hiện sự khéo léo, sáng tạo và kỳ công của người nghệ sĩ.

Biến giấy vụn thành tác phẩm nghệ thuật.

Các tác phẩm của anh hiện đang được trưng bày tại Galerie Ephemere của Libreville và Viện Gabon của Pháp, cũng như trong văn phòng Thủ tướng.

Mặc dù mơ ước được tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài nhưng anh Mayombo cũng có ý định thu hút người dân Gabon và châu Phi bằng tác phẩm của mình. Anh hy vọng có thể mở một studio được trang bị tốt hơn để có thể làm việc với những người trẻ tuổi.

Tái chế rác, giảm rác thải ra môi trường không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, mà còn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, đồng thời giúp con người giảm phụ thuộc vào việc khai thác cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.

Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Australia là những quốc gia đang nỗ lực đầu tư để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.