Giảm sĩ số mỗi lớp - làm sao có đủ trường học cho học sinh? | Hà Nội tin mỗi chiều
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học trước, ở một số địa phương, khu đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai xảy ra hiện tượng quá tải, có nơi xếp gần 50 em/lớp học, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Quá tải học sinh khiến áp lực lên các nhà trường càng lớn hơn khi phải thực hiện nhiều yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều tiết học cần được bố trí theo hình thức làm việc nhóm, nếu sĩ số lớp quá đông sẽ khó mà thực hiện. Các hoạt động khác như bố trí cho học sinh dã ngoại hay tham quan bảo tàng cũng rất khó triển khai. Khi thầy cô giáo tiếp nhận những lớp học quá đông, việc thấu hiểu người học, phân loại đối tượng và hỗ trợ tối đa người học là rất khó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với bậc tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đảm bảo 35 học sinh cho mỗi lớp như điều lệ trường tiểu học đã quy định, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể, các nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Dạy học tối thiểu 9 buổi/ tuần với 32 tiết/tuần. Kế hoạch phải đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Với khoảng 2,3 triệu học sinh, Thủ đô Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước. Ước tính, mỗi năm Thủ đô lại tăng thêm khoảng 40-50 nghìn học sinh. Chuyện quá tải, nhất là ở các khu vực nội đô vì thế đã và đang là vấn đề nóng, muốn giảm tải, nhất định phải xây trường mới.
Hiện nay, trên toàn thành phố Hà Nội, việc xây mới các trường học đang được triển khai. Từ bậc mầm non cho đến THPT, các trường công lập được sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng nhiều hơn chỗ học cho học sinh. Theo tính toán, thành phố sẽ chi tới hàng chục nghìn tỷ đồng để giảm tải áp lực sĩ số tại nhiều trường hiện nay.
Cách đây hai năm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm may rủi để giành suất học mầm non công lập cho con em do thiếu trường lớp. Hiện nay, hai trường mầm non công lập mới đang được các đơn vị gấp rút hoàn thiện, kịp thời đón học sinh vào năm học mới 2024-2025, giúp giảm tải cho Trường mầm non Hoàng Liệt.
Cũng tại quận Hoàng Mai, ngôi trường mới – Trường Tiểu học Trần Phú cũng được hoàn thiện với mô hình trường chuẩn quốc gia. Các phòng học có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có khuôn viên, sân chơi, cảnh quan xanh sạch đẹp, an toàn và thân thiện. Trong 12 dự án trường học được xây mới ở quận Hoàng Mai sẽ có 9 trường được đưa vào hoạt động năm học 2024 - 2025.
Quận Cầu Giấy là một trong những điểm nóng về quá tải trường lớp và đang đẩy mạnh việc xây dựng. Trong năm học này, quận Cầu Giấy đầu tư 900 tỷ đồng để xây dựng mới 4 trường và cải tạo, mở rộng ba trường.
Tình trạng quá tải trường lớp tại Hà Nội hiện nay xuất phát từ hai nguyên nhân. Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ tăng tự nhiên mà còn tăng cơ học do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm tương xứng, đúng mực.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường. Thành phố cũng cải tạo, sữa chữa các trường và phòng học bộ môn. Ước tính nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là khoảng 51 nghìn tỷ đồng. Ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ước tính nguồn lực từ xã hội đầu tư cho việc xây mới trường học các cấp ở Hà Nội cũng lên tới 10 nghìn tỷ đồng.
- Dự án công viên văn hóa quận Hà Đông thành bãi hoang | Hà Nội tin mỗi chiều
- Ngày 9/8, Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ vận hành thương mại | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội khắc phục hậu quả úng ngập, ứng phó đợt mưa lũ mới | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thủ đô Hà Nội gắn mã QR ở các tuyến phố trung tâm | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng được mua nhà ở xã hội | Hà Nội tin mỗi chiều
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.
Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.
Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Ngay sau siêu bão Yagi, ngày hôm nay 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Tích.
0